Gạo, muối, nước, lửa, nó có vẻ tầm thường dưới con mắt người khác, chẳng qua đó là những cái quá quen thuộc dành để ăn no bụng. Trừ tình yêu mới khám phá hết được vẻ đẹp riêng lẻ của gạo, muối, nước, lửa kết hợp lại, trở thành hiện thực phong phú. Chỉ có bốn yếu tố mà ra hàng chục, hàng trăm loại món ăn khác nhau, nếu ai chịu khó cất công thống kê qua khắp ngả đường đất nước. Này nhé xin kể sơ sơ… Ngâm gạo trắng lúc nào cũng bỏ chút muối, bỏ ít nhiều tuỳ theo loại là cả bí quyết. Ngâm bột hai ngày hoá chua, bột sôi trên lửa đem ép ra thành bún, bánh hỏi. Lần nữa, đem bún bóp nát pha với bột biến hoá thành bánh phở, bánh hủ tiếu hoặc là bánh canh. Bột pha với chút muối đem tráng lên tấm vải căng trên nồi nước sôi thành ra bánh tráng, bánh ướt, bánh cuốn. Ký ức của tuổi thơ về quê ngoại với hình ảnh của dì, qua đôi tay khéo léo kỳ diệu, từ gạo, muối, nước, lửa biến thành sợi bánh canh thì to, sợi bún nhỏ, bánh hỏi nhỏ hơn như cọng chỉ, rồi bánh tráng tròn trịa xinh xắn. Từ cái này liên tưởng đến cái kia, mặc dù nó chẳng dây mơ rễ má gì với nhau. Một lần ghé Huế, sông Hương, mùa thu nước trong leo lẻo, không thấy cá lội, mà nhìn thấy đá sỏi đóng rêu nằm phía dưới đáy sông, tôi đứng nhìn ngẩn ngơ như chưa đủ… Tình cờ bước vô nhà trưng bày tác phẩm điêu khắc của Điềm Phùng Thị, tôi như bị bà níu chân. Chỉ có 7 modun thôi mà bà Điềm Phùng Thị sắp xếp ra cả một thế giới riêng, nào là tượng ông quan đội mũ cánh chuồn, mẹ bồng con, người lính cầm súng. Tâm phục, khẩu phục đứng nhìn một lúc, tôi tự nhiên nhớ đến gạo, muối, nước, lửa và các sợi bánh nhỏ, to… tất cả như bài thơ. Sở dĩ tôi nói vậy vì thơ là cái gì rất khó định nghĩa, có những lúc nhà thơ đành phải chịu thua, không tả được, nhưng có thức khác thay vào đó… lại như bài thơ… Ở đây, bài thơ ẩm thực ăn được, lớn lên và ôm nó trọn vô lòng.

Ở trên, tôi đã nói về tình yêu phải có nó mới khám phá hết vẻ đẹp của gạo, muối, nước, lửa. Ngày xưa, người thôn quê thể hiện tình yêu với gạo, muối thật là thiêng liêng. Ngày tôi còn nhỏ, tôi thường hay nhìn thấy, dỡ đống chà, hay câu được con cá vài chục ký lô, người lấy dĩa gạo, muối ra vái thì thầm rồi quăng xuống dòng sông tạ ơn. Đến mùa lúa, cũng đem dĩa gạo, muối ra vái tạ ơn rồi rải xuống ruộng, rồi cả gia đình quây quần bên nồi cơm gạo lúa mới thơm dẻo…

Về tình yêu, sau khi dì qua đời, tôi gọi điện báo tin cho mấy anh em hiện đang sống ở nước ngoài. Tôi nghe trong điện thoại có tiếng nấc lên nghẹn ngào của đứa em. Qua tiếng nấc, tự nhiên tôi hiểu rằng, cho dù nó có ở Mỹ đến già đầu, quen với đồ ăn Mỹ nhiều bơ sữa, hồn vía nó vẫn gởi về quê nhà.

Thật khó định nghĩa hồn vía nó ở bên trong hay bên ngoài ta. Có thể, đôi khi hồn vía của một người nằm trong món bột nắn trong lá chuối đem hấp rồi phết mỡ hành lên chan nước mắm. Gạo, nước, muối, lửa…

Ngô Khắc Tài – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *