Cố nhạc sĩ Hoàng Quý…
Nhạc sĩ Hoàng Quý tên thật là Hoàng Quý, sinh năm 1920 tại Hải Phòng và qua đời ngày 26 tháng 6 năm 1946 cũng tại quê hương Hải Phòng. 26 năm trên dương thế! Có một nhà thông thái đã nói : “Cuộc đời chỉ là một câu chuyện, nên quan trọng là nó hay hay dở chứ không phải là dài hay ngắn”. 26 năm – tạo hóa có vẻ khắt khe quá đối với cuộc đời một con người. Nhưng với Hoàng Quý, 26 năm cũng đủ để người đời nhớ mãi về ông như một tình nhân cố cũ!
Thuở nhỏ, ông học nhạc với nhạc sĩ Lê Thương, sau đó lại theo học từ nữ giáo sư Leperète. Nhờ thông minh và có khiếu, nên ông tiếp thu kiến thức khá nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã trở thành thầy giáo dạy nhạc của Trường Bonnal.
Trong giai đoạn này, miền Bắc nổi lên phong trào sáng tác nhạc hùng. Đó là dòng nhạc được sáng tác để khơi gợi tinh thần yêu nước của giới thanh niên trí thức cũng như giới bình dân trong xã hội lúc bấy giờ. Trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của dân tộc, Hoàng Quý đã tranh thủ được sự ủng hộ và hưởng ứng của rất nhiều thanh niên trí thức cùng tham gia phong trào. Cụ thể là trong suốt thời gian từ năm 1943 đến năm 1945, Hoàng Quý đã quy tụ được một số bạn bè như Phạm Ngữ, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao và Hoàng Phú (tức nhạc sĩ Tô Vũ sau này, vốn là em ruột của Hoàng Quý) thành lập nhóm Đồng Vọng và cùng nhau sáng tác. Nhóm Đồng Vọng đã cho ra đời nhiều nhạc phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm của Hoàng Quý, và đã ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ như Bên sông Bạch Đằng, Non nước Lam Sơn, Tiếng chim gọi đàn, Bóng cờ lau, Nắng tươi, Chiều quê… Nhạc của Hoàng Quý không cầu kỳ, bóng bẩy, nhưng có sức lôi cuốn người nghe và khả năng thôi thúc một cách mạnh mẽ. Trong giai đoạn đầu cách tân nền âm nhạc Việt Nam, yếu tố nhạc điệu còn bị ảnh hưởng và vay mượn nhiều bởi dân ca Hoa Kỳ clementine, nhưng Hoàng Quý đã vận dụng ngôn ngữ dân tộc và lồng ghép vào đó là tình cảm thiết tha, chân thành nên dễ thẩm sâu vào lòng người dân.
Riêng về tình ca, ông sáng tác không nhiều. Nhưng chỉ kể Cô láng giềng thôi cũng đủ để người ta nhớ về ông như một nhạc sĩ lớn của âm nhạc dân tộc. Cô láng giềng là một câu chuyện tình đầy lãng mạn, nhiều hứa hẹn mà cũng lắm đau thương, trắc trở. Cũng dùng nét nhạc ré mineure như nhiều bài hát về tình yêu thời đó, nhưng Cô láng giềng được Hoàng Quý thổi hồn mình vào để cung bậc âm nhạc cũng như cung bậc của tình cảm thêm du dương, da diết…
Cô láng giềng ơi,
Không biết cô còn nhớ đến tôi?
Giây phút êm đềm ngày xưa kia, khi còn ngây thơ.
Cô láng giềng ơi,
Tuy cách xa phương trời, tôi không hề
Quên bóng ai bên bờ đường quê
Ðôi mắt đăm đăm chờ tôi về.
Ai trong chúng ta ít nhiều cũng đã nghe qua bài hát này. Bài hát như một lời tâm tình đã thẩm sâu vào máu thịt từng người khi đã yêu, đang yêu và còn day dứt hơn khi tình yêu đó không vẹn. Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/ Đời mất vui khi đã vẹn câu thề. Thế đấy, những cuộc tình đẹp thường là những cuộc tình dở dang. Dở dang, để rồi bỏ lại trong lòng người kia sự nhớ nhung, tiếc nuối đến trọn đời. Nhân vật tôi trong Cô láng giềng đã khổ, nhưng cô láng giềng chắc gì đã vui, chắc cũng đau khổ giằng xé lắm đấy thôi. Nhưng tôi trong Cô láng giềng còn tâm sự được qua lời ca, tiếng hát, còn cô láng giềng biết tâm sự cùng ai?
Tất nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, người viết không có ý phân tích xem ai khổ hơn ai, cũng không muốn khơi lại chuyện tình buồn của dĩ vãng. Chỉ muốn khẳng định một điều, rằng Cô láng giềng là một cuộc tình đẹp và là một bản tình ca bất hủ đã đi qua thời gian.
Giờ đây, Cô láng giềng đã hơn 60 năm tuổi. Hơn 60 năm, đã có biết bao người ngân nga, cũng không ít ca sĩ nổi danh hát bài này (người viết không dám khẳng định nổi danh vì bài này), nhưng như thế cũng đã đủ, đủ lắm đối với một nghệ sĩ tài ba. Một lớp khói sương lãng đãng mơ hồ ngày ông ra đi, nhưng nó ngưng tụ lại trong lòng biết bao nhiêu người yêu mến. Tình yêu trong vũ trụ này muôn hình vạn trạng, nhưng hình như ai lần đầu tiên bước chân vào đường yêu cũng đều chạm mắt ngay với cô gái gần mình. Tựa hồ, tình yêu nào cũng có cô láng giềng cả, và cô láng giềng nào cũng đẹp, cũng để lại trong lòng người bao cảm giác bâng khuâng, xa vắng, lãng đ&atild
e;ng, mơ hồ.
Và Cô láng giềng ơi, khi viết tới đây, trong lòng người viết bỗng nhớ về người xa xưa cũ, nhớ da diết mối tình đầu với cô gái nhà bên và những đêm trăng cùng nhau hẹn hò bên bến vắng, hay thì thầm dưới giậu mồng tơi! Tình đẹp là tình dang dở, ai trách chi chữ tình…
… và nhạc phẩm Cô láng giềng
Và để kết thúc bài viết này, người viết không thể cầm được lòng mình là phải mở lại bản tình ca bất hủ để lắng lòng nghe âm điệu du dương, dìu dặt của nó. Cô láng giềng chung cho tất cả, mà vẫn có một Cô láng giềng riêng cho mỗi một người.
Tôi mơ trời xuân bao tươi thắm
Đôi mắt trong đen màu hạt huyền
Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng
Xao xuyến nỗi niềm yêu...
Phan Trường Sơn