(Ảnh sưu tầm)
Chính vì thế, sự ra đời của máy ảnh kỹ thuật số những năm gần đây giúp ích rất nhiều cho phóng viên. Máy ảnh kỹ thuật số gọn nhẹ, dễ mang theo và dễ sử dụng. Nó cho phép người chụp kiểm tra lại hình ảnh vừa chụp nên hạn chế việc ảnh không như ý muốn mà người chụp vẫn không hề hay biết. Những ngày còn là sinh viên Báo chí, mỗi chúng tôi đều phải học qua lớp chụp ảnh để có kiến thức căn bản và có thể sử dụng được những chiếc máy cơ. Nhưng ngày nay, không cần trải qua lớp học nào thì các phóng viên đều có thể sử dụng thành thạo máy ảnh kỹ thuật số. Với một máy ảnh kỹ thuật số có thông số chụp ảnh càng cao, hình càng có chất lượng. Phóng viên có thể ghi lại những hình ảnh bất chợt mà họ gặp ở bất cứ đâu có thể phục vụ cho bài viết. Họ có thể viết tin, chụp ảnh một cách đầy tình cờ và ngẫu hứng. Sự năng động này giúp các tờ báo có thêm nguồn tin phong phú từ những sự kiện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.
Những chiếc điện thoại hiện đại có trang bị chức năng chụp ảnh, quay phim, ghi âm… cũng là một trong những công cụ hữu hiệu có thể giúp đỡ phóng viên tác nghiệp trong những tình huống không có sự chuẩn bị trước. Họ có thể chụp ảnh, quay phim những điều xảy ra hoàn toàn bất ngờ. Đương nhiên, đây không phải là công cụ chủ yếu và quan trọng nhất của người làm báo, mà nó chỉ là công cụ góp phần hỗ trợ người làm báo có thể chủ động và không bỏ qua bất cứ cơ hội tác nghiệp nào.
2.Đến Internet:
Bên cạnh những phương tiện kỹ thuật hiện đại thì Internet được xem là quan trọng nhất trong thời đại @. Xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1997, ngay lập tức, Internet đã trở thành công cụ hữu hiệu phục vụ cho mục đích của tất cả mọi người, mọi tầng lớp, từ doanh nhân đến học sinh, sinh viên hay giới công chức… Tờ báo Vnexpress là tờ báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam và đến nay đã trở thành một tờ báo nổi tiếng trong giới truyền thông. Nhắc đến thời đại thông tin, người ta thường liên tưởng đến những hệ luỵ không hay mà Internet bị gán tội là thủ phạm làm hư một bộ phận thanh thiếu niên, thế nhưng, không ai có thể phủ nhận những tiện ích mà Internet mang lại cho đa số những người biết sử dụng nó đúng cách. Và đối với những ai làm việc trong giới truyền thông thì Internet luôn được xem như một người bạn quý.
Nếu ngày xưa, phóng viên phải tra cứu tài liệu từ sách vở nên mất rất nhiều thời gian thì ngày nay, chỉ cần gõ những gì cần tìm vào khung Google, kết quả cho nhanh, nhiều chỉ trong tích tắc click chuột. Tuy nhiên, những kết quả mà Google đưa ra không phải lúc nào cũng đúng như ý muốn, mà buộc ta phải gạn lọc lại. Trong một rừng thông tin, bản lĩnh của người làm báo là phải biết chọn lọc những thông tin chính xác nhất. Nhưng nhờ vào công cụ tìm kiếm Google, phóng viên có thể tiết kiệm được thời gian.
(Ảnh: sưu tầm)
Sẽ rất thiếu sót nếu không nói đến vai trò của chiếc laptop trong việc tác nghiệp mang phong cách hiện đại, nhanh nhạy và năng động thời nay. Hiện nay, phần lớn các quán cà-phê đều có phủ Wifi. Giờ đây, mỗi khi bước vào quán cà-phê, chúng ta không chỉ bắt gặp những đôi bạn, đôi tình nhân trò chuyện bên nhau, mà có thể bắt gặp hình ảnh một người nào đó ngồi một mình bên laptop, thoăn thoắt lướt tay trên bàn phím. Họ có thể là doanh nhân, giảng viên, phóng viên, biên tập viên… đang tác nghiệp. Trước đây, phóng viên thường phải đem bài vở về toà soạn viết lại hoặc gõ lại rồi mới gửi biên tập duyệt. Do đó, những phóng viên công tác ở tỉnh thành khác hoặc quốc gia khác sẽ gặp khó khăn, chậm trễ khi chuyển bài về toà soạn. Ngày nay, những phóng viên, biên tập viên chỉ cần trang bị chiếc laptop, vào quán cà-phê có Wifi thì có thể vừa nhâm nhi ly cà-phê, vừa thưởng thức nhạc nhẹ, vừa đảm bảo được hiệu quả công việc dù họ đang ở phương trời xa lắc. Bài vở, hình ảnh có thể gửi qua mail. Trò chuyện lấy thông tin, phỏng vấn, trả lời phỏng vấn qua Yahoo Messenger, những cuộc giao lưu được thực hiện trực tuyến… Tất cả đều hoạt động trên sự tồn tại của Internet, đặc biệt là các trang thông tin điện tử.
3.Và chữ “tâm”của nhà báo:
Nhưng đương nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Lợi dụng sự rộng rãi, khó kiểm soát của Internet, bên cạnh những blog lành mạnh của những tác giả có uy tín, chất lượng thì những blog “bẩn” cũng ra đời. Blog như một hình thức thu nhỏ của một tờ báo cá nhân, nên để “câu” lượng truy cập hoặc để tự lăng-xê mình, không ít chủ nhân của những blog “bẩn” đã đưa lên những tin, bài giật gân, không lành mạnh được chụp hoặc quay lén bằng những phương tiện hiện đại. Và việc kiểm soát blog đến nay vẫn còn là một vấn đề nan giải.
Ngoài ra, việc tác nghiệp dễ dàng hơn, đỡ tốn kém thời gian và công sức lao động hơn sẽ khiến một số người ỷ lại, nảy sinh tư tưởng “làm báo văn phòng”. Những bài báo kém chất lượng là sản phẩm của sự cẩu thả, lười suy nghĩ, lười thâm nhập thực tế nhưng lại muốn “ngồi mát ăn bát vàng”. Nhà văn Nam Cao đã từng viết rằng “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi”. Ở bất cứ thời kỳ nào, dù cổ xưa hay hiện đại; ở bất cứ nghề nghiệp nào, dù cao quý hay bình thường cũng đều cần lắm một chữ “Tâm”. Và, bởi báo chí là tiếng nói của nhân dân, bởi một bài báo có thể tác động và làm thay đổi một hoặc nhiều số phận, nên hơn ai hết, nhà báo càng cần đến chữ “Tâm” ấy!
Xuka