Mình đang phân vân chưa biết có nên đăng ký đi du lịch Phú Quốc mùa hè này với cơ quan hay không – vì chuyến đi rơi đúng vào kỳ thi cuối năm của con, nghĩa là nếu đi, mình sẽ phải chấp nhận chỉ có một mình – thì bạn mình bảo : “Đi đi H. Phú Quốc đang trong giai đoạn đầu tư để phát triển thành khu du lịch quốc tế. Có đi bây giờ thì ít năm nữa, trở lại Phú Quốc, H. mới hiểu thế nào là Sông xưa rày đã nên đồng…
Ờ, nghe hay quá. Có nghĩa là Phú Quốc sông hãy còn xưa. Thì đi!
Chuyện buồn
Tháng 5/2009 |
Một trong những lý do khiến cho mình luôn muốn đi Phú Quốc là vì ở đó có di tích lịch sử Trại tù binh. Tư liệu về Trại tù binh Phú Quốc mình đọc cũng khá, chưa kể rằng ít năm trước đây, khi làm phim chân dung Anh hùng Đoàn Thanh Phương, mình ít nhiều cũng đã có nghe anh kể về nơi này. Chỉ còn thiếu có mục sở thị nữa mà thôi. Trong nghề nghiệp, mục sở thị là một yếu tố rất quan trọng. Không chỉ là vấn đề kiểm chứng đơn thuần, trên tất cả, mục sở thị chính là sự trải nghiệm của cảm giác, là nguồn cảm hứng nâng đỡ tinh thần cho người cầm bút mỗi khi phải đối mặt với những trang giấy lặng câm. Tiếc rằng thời gian quá ít, đến Di tích Nhà tù Phú Quốc lần này, tụi mình chỉ kịp ghé vào thăm Nhà Bảo tàng. Ngay lập tức, đập vào mắt là các mô hình phục dựng lại một số hình thức tra tấn người tù năm xưa : chảo nấu người, lính quân cảnh rút móng tay – móng chân, đóng đinh vào đầu – gót chân tù nhân, đục xương bánh chè, ép vỡ ngực người tù bằng ván có siết bù-loong… Bên cạnh đó là những hộp kính trưng bày đinh các loại, trong đó nhiều nhất là loại đinh 8 tấc, tất cả đều rỉ sét. Đó chính là những chiếc đinh nằm lẫn với 129 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy ở Phú Quốc vào mùa thu năm ngoái.
Gặp lại sau ngày giải phóng : Mặt không đối mặt |
Liệt sĩ Đỗ Hòa |
Nhà Bảo tàng còn có khá nhiều ảnh, trong đó, mình để ý ba tấm : một là tấm ảnh Anh hùng Đoàn Thanh Phương gặp lại Thượng sĩ Nhất Trần Văn Nhu – Trưởng Giám thị Khu II, con người từng một thời nổi tiếng bậc nhất ở Phú Quốc bởi sự bạo tàn đối với tù binh mà Đoàn Thanh Phương là một trong số những nạn nhân quen thuộc nhất của y. Hai là chân dung liệt sĩ Đỗ Hòa, người Bình Định – anh bị đóng đinh vào đầu cho đến chết – và ba là chân dung Đại úy Trần Long (tức Trần Lời, Trần Việt Hải), bị nhục hình dùng ván có siết bù-loong kẹp vỡ ngực. Thời gian không có nhiều, nhưng mình thật sự đã rất không muốn rời mắt khỏi tấm chân dung này. Chia tay Nhà Bảo tàng, mình bỗng nhớ tới câu thơ bạn mình viết về một người liệt sĩ khác :
Trừng trừng đôi mắt gởi theo tôi
đôi mắt muốn nói điều gì cùng tôi trong giấc ngủ…
Liệt sĩ Trần Long |
40.000 tù binh chiến tranh – những người đã cầm súng chiến đấu vì Tổ quốc – từng bị giam giữ tại nơi này. Khoảng 4.000 người ngã xuống vì nhiều hình thức tra tấn cực kỳ dã man, kể cả hình thức bị chôn sống. Cho đến nay, mới chỉ có 1/4 trong số đó tìm được hài cốt. Trong một khoảnh khắc, giữa nắng gió lồng lộng của Đảo Ngọc thênh thang, mình bỗng cảm thấy bị khó thở, tâm trí trở nên thê lương nặng nề bởi suy nghĩ, vì sao bên cạnh một biển mây nước long lanh nhường kia mà lại có thể từng tồn tại một địa ngục nhuốm máu đỏ đau thương đến thế này. Dọc An Thới, Bãi Dài vắng lặng. Mình nghe thấy tiếng gió reo trên những hàng dương, nhưng trong lòng mình, tiếng gió không buồn bằng giai điệu bài ca về người tù Phú Quốc mà HDV Dương Tấn Phúc hát cho tụi mình nghe trên con đường xuyên qua An Thới.
Cho đến nay, mộ vợ con chàng vẫn còn nằm đâu đây trong cánh rừng này |
Nhưng câu chuyện buồn ở Phú Quốc chưa hết. Còn có một câu chuyện kể về người anh hùng Nguyễn Trung Trực trong buổi đầu kháng Pháp. Trước đây, nhắc đến Nguyễn Trung Trực, thề là mình chỉ biết có mỗi chiến công đốt cháy tàu Pháp trên sông Nhật Tảo và câu nói bất hủ : “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Vì chỉ biết có vậy nên trong trái tim mình, cái tên Nguyễn Trung Trực đã luôn gắn liền với một niềm tự hào phơi phới. Đến bây giờ, ra đảo Phú Quốc, nghe kể chuyện, mình mới biết cái phần cuối bi thảm. Chính là trên Đảo Ngọc này, bị chính quyền Pháp săn đuổi tới bước đường cùng, Nguyễn Trung Trực bị bắt và xử trảm. Khi đó, vợ chàng vừa sinh con. Bơ vơ giữa rừng hoang, không người cưu mang, nàng đã băng huyết mà chết, con chàng khát sữa cũng chết. Cho đến nay, mộ vợ con chàng vẫn còn nằm đây. Phút giây rời Phú Quốc, chàng đã ngước mặt nhìn trời mà than :
“Sơn vô thượng, thủy vô thâm
Nam vô trí, nữ vô tâm”.
Năm tháng qua rồi. Ngoảnh nhìn quá khứ, mới hay lịch sử đâu phải chỉ có những giây phút oai hùng. Lịch sử còn có đau thương và đôi khi là nỗi giày vò đau đớn, trăm năm không hề phai.
Thu Anh