2.Nhưng vào những giây phút tưởng chừng hạnh phúc đã mỉm cười với nàng, được sống bên cạnh người mình yêu, chính danh, trọn vẹn như nàng từng ao ước, giữa lòng một Hà Nội xinh đẹp và bao dung đã cưu mang mối tình của nàng, nàng vẫn không cảm thấy sung sướng. Nàng buồn vì nỗi tha hương, trong đó, nỗi đau lớn nhất là nỗi đau đã “bỏ con mà đi”. Vậy là nàng đã có dịp để kiểm chứng một trong những nỗi đau vì tình của nàng Anna xưa kia. Nàng không nhắc, nhưng tôi nghĩ, vào những giây phút lang thang, trôi nổi ở Hà Nội giữa những chuyến đi về, khổ sở với những ri-đô, gác xép, toilet công cộng và những chuyến tàu đêm, nàng chắc còn đau khổ vì nhớ nắng gió phương Nam, nhớ sông nước tràn trề, cỏ cây xanh thắm, nhớ miệt vườn kỳ diệu với hương thơm cây trái của quê nhà. Là ngôi sao của dòng họ, và rất có thể còn là một ngôi sao sáng long lanh trên bầu trời tỉnh lẻ, vì sao nàng phải thân gái dặm trường, đem mình đày ra gió sương nếu không phải là vì tình yêu. Nàng quả thật là một báu vật của cuộc đời này, món quà hiếm hoi mà Thượng đế dành cho cõi trần. Tiếc cho chàng Tuyên đã không có đủ tiềm lực để đầu tư khai thác hiệu quả một nguồn mạch sóng sánh như nàng.
Nhân đây, tôi cũng muốn viết thêm đôi dòng về chàng.
Phải, tiếc cho chàng, nhưng tôi không nghĩ chàng quá xấu xa như có ý kiến đã phê bình, càng không hiểu chàng một cách cực đoan như Mỹ Tiệp đã mô tả. Cũng phải thôi, nàng là người trong cuộc, nàng vì chàng mà mất tuổi trẻ, mất tình yêu đầu đời tươi thắm, nên nàng xót mình. Còn tôi thì thấy, rất có thể, chàng không phải là người đàn ông yêu heo hơn yêu con, mà đơn giản đó chỉ là biểu hiện của một quan niệm sống, hay đúng hơn là một trình độ sống. Có thể chàng cho rằng, bảo đảm cho vợ con một đời sống kinh tế ổn định và vững chắc mới là cách một người đàn ông thương yêu vợ và con của mình, chứ không phải là chuyện chia sẻ về văn chương thơ phú hay là đời sống tình cảm, nội tâm v.v và v.v… Cách nghĩ ấy thật ra đâu có phải là cá biệt đối với phần lớn đàn ông ở phương Nam cho đến tận bây giờ. Vấn đề nằm ở chỗ, giữa họ là một sự khác biệt quá lớn, lớn đến nỗi họ rất khó tìm được sự yên ổn dưới mái nhà chung. Trong vấn đề này, tôi ước giá Mỹ Tiệp nhìn lại người chồng cũ của nàng bằng một con mắt nhẹ nhàng hơn và bao dung hơn. Chắc chắn, chàng không phải là người đàn ông tốt của nàng, nhưng rất có thể, sống với một người đàn bà không phải là nàng, một người đàn bà bình thường và đơn giản, chàng cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc, như nàng đã cảm thấy với người chồng sau này của nàng. Nghĩ được vậy, nàng sẽ nhẹ lòng và bớt đớn đau.
Gia đình bé mọn cho thấy, sống ở phương Bắc, được hít thở trong bầu không khí thấm đẫm chất văn hiến nghìn năm, lại là nơi có thứ gió sương hiu hắt tuyệt vời từng làm nên văn phong đẹp đẽ cho kẻ sĩ Hà Thành, văn chương của Dạ Ngân đã đạt đến một độ chín ngọt ngào, là sự cộng hưởng giữa lối hành văn dung dị của người phương Nam với sự đằm thắm, đẹp đẽ của hơi hướng văn chương xứ Bắc. Tuy nhiên, về mặt sử dụng ngôn từ, trong khi Hoàng Thị Quỳnh Nga cảm thấy căng thẳng với quá nhiều phương ngữ trong lời kể của Dạ Ngân, thì tôi lại thấy ngôn ngữ lời thoại trong Gia đình bé mọn đã bị pha tạp ở một mức độ tương đối. Mặc dù đây không phải là trường hợp cá biệt, mà đã từng xảy ra với một số nhà văn khác, thí dụ trước kia là Chu Lai, sau này là Hồ Tĩnh Tâm và kể cả nhà văn viết truyện ngắn bậc thầy như Trần Kim Trắc cũng không tránh khỏi, nhưng nếu Dạ Ngân vẫn còn có ý định tiếp tục cầm bút để viết những cuốn sách về người và đất phương Nam thì tôi nghĩ, chị cần phải để ý đến điều này.
Cuối cùng, sau khi đã nghe hết những lời tâm sự của Mỹ Tiệp và nhẹ nhàng khép lại cuốn sách này, vào những đêm ngồi soi bóng mình, tôi mới hiểu, thật ra, Gia đình bé mọn chính là một câu chuyện buồn, rất buồn về nhân tình thế thái của cuộc đời này. Dù sao, Mỹ Tiệp cũng vẫn may mắn hơn nàng Anna đã chết ở Nga hay nàng Souad từng bị thiêu sống ở Jordanie. Không chỉ là một cuốn sách để chia sẻ nỗi lòng với bạn đọc, Gia đình bé mọn của Dạ Ngân còn đánh thức suy nghĩ của họ và bằng cách ấy sẽ đóng góp một phần đáng kể vào cuộc đấu tranh cho sự bình đẳng giới – một cuộc đấu tranh dai dẳng và dường như là chẳng bao giờ có kết thúc. Chỉ bao nhiêu đó cũng đã đủ để Dạ Ngân được yêu thương và ngưỡng mộ. Nghe nói Dạ Ngân sẽ thiên di về Nam. Qua bao bão giông trong cuộc hành trình lênh đênh góc biển chân trời, chị giờ chắc đang muốn tìm về một bến bờ bình yên. Tôi đã hình dung, trên bến vắng lặng gió, chị như một con thuyền nhỏ cắm sào nằm nghe hương lúa chín thơm thoang thoảng, tiếng nước chảy róc rách êm đềm và tiếng khói bay lên từ những bếp lửa nồng nàn. Đã qua những nỗi đau đủ để thấu được lẽ đời, tôi tin có một ngày, trên bến vắng ấy, chị sẽ chạm tay tới cõi thinh không.
Thu Anh