1. Đó là một câu chuyện tình hoàn toàn không mới. Nhân vật chính là ông – Chủ tịch huyện. Đứng tuổi và từng trải, công đã thành, danh đã toại, sắp sửa hạ cánh an toàn thì ông gặp nàng. Tươi trẻ, hồn nhiên và tràn đầy sức sống, nàng cuốn ông vào cuộc tình như một cơn lốc nhỏ cuốn theo chiếc lá vàng rơi. Lý trí sáng suốt, kinh nghiệm dày dặn nhưng con tim yếu đuối, ông đã không cưỡng lại được sức hấp dẫn của tuổi trẻ. Đam mê tình mới đến mức lãng quên cả vợ con, và khi buộc phải lựa chọn giữa người tình và sự nghiệp cũng như mái ấm gia đình từng được gầy dựng suốt bao năm, ông đã chấp nhận từ bỏ tất cả để giữ chân nàng. Thế mới biết, sức mạnh của dục vọng thật ghê gớm.

2. Nhân vật còn lại, giống với một bộ phận thiếu nữ thời nay, ngoài tuổi trẻ và sắc đẹp, nàng không có gì đáng kể. Là cô giáo của vùng cao, trong khi đời sống văn hóa tinh thần của người dân còn tương đối thuần khiết thì nàng đã dám phá vỡ truyền thống, chấp nhận làm kẻ thứ ba, chen chân vào giữa hạnh phúc ấm êm của người khác. Lúc cao hứng, nàng tha thiết mong ước có một đứa con, dù chỉ là con ngoài giá thú, với người tình lớn tuổi đáng bậc cha chú của mình, để rồi đến khi xuất hiện một chàng trai trẻ trung và yêu nàng thì ngay lập tức, nàng cũng sẵn sàng bỏ rơi ông để chạy theo chàng. Với nàng, tình yêu có lẽ chỉ giống như những trò chơi của tuổi nhỏ, chán trò này thì chơi trò khác. Nàng chưa hay thói đỏng đảnh của tuổi trẻ rất có thể khiến sự nghiệp dày công vun đắp của ông đổ vỡ tan tành, còn tổ ấm ít nhiều gì cũng sẽ tan hoang.

3. Giữa đời thực ngày nay, câu chuyện này không có gì lạ. Rất may, “Chỉ như một giấc mơ” đã kết thúc có hậu. Nhân vật chính đã kịp quay về với mái ấm gia đình. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, sự quay về của ông xuất phát không phải từ nhận thức đúng đắn, mà chẳng qua vì hoàn cảnh. Là kẻ bị bỏ rơi, ông làm gì còn cơ hội khác để lựa chọn? Giả sử xảy ra trường hợp ngược lại thì trên nền đổ vỡ của sự nghiệp và hôn nhân, chưa kể bên cạnh đó còn là sự chênh lệch tuổi tác quá lớn giữa ông và nàng, họ liệu có thể tìm thấy niềm hạnh phúc thực sự vững bền cho tới ngày răng long đầu bạc? Đó chính là câu hỏi tôi muốn đặt ra cho tác giả của câu chuyện này. Nói cách khác, trong khi cảm thấy Cao Duy Sơn chỉ thuần tuý phản ánh dòng chảy đời sống tình cảm, tâm lý thông thường của nhân vật thì bản thân tôi lại muốn nhìn thấy chính ở đó bài học về sự cảnh tỉnh. Dân gian xưa từng có câu Thức lâu mới biết đêm dài. Với Cao Duy Sơn của “Chỉ như một giấc mơ”, câu nói ấy chưa hẳn đã đúng. Cũng như từng có câu Nước mắt chảy xuôi. Một ngày nào đó, biết đâu chẳng có người sẽ kể lại cho bạn nghe câu chuyện về nước mắt chảy ngược.

Thu Anh

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *