Trong một cuộc tụ tập của bạn bè, lần đầu tiên, tôi nhìn thấy nữ nhà văn A Kỳ : chất phác, sáng sủa, thanh mảnh, đoan tú, ôn hoà, trầm mặc, thậm chí hơi đượm chút mệt mỏi. Khi trả lời câu hỏi, chị trở nên trầm ngâm hơn, giọng nói chậm rãi mà bình lặng, chắc chắn. A Kỳ sống một cuộc sống vô cùng yên tĩnh, nội tâm nặng nề, tựa hồ tương khắc với cái thành phố miền Bắc huyên náo này.

Tản văn của chị xuất phát từ sự cảm thụ chân thực của cá nhân người phụ nữ, bên trong hàm chứa một nhu cầu theo đuổi tinh thần tự do, độc lập cá nhân.

Thế nào là “Góc nhìn nữ giới”? Đại khái là nhìn mình không phải bằng con mắt của nam giới coi mình là trung tâm, mà bằng trải nghiệm giới tính về thân thể, tình dục, tình cảm và đặc điểm độc đáo của mình mà “sáng tác cá nhân hoá”. Điều này khác với đòi hỏi lớn lao to tát trong tư duy sáng tác của nam giới.

Văn tự của A Kỳ từ trước đến nay không xa rời tưởng tượng hiện tại, cũng không đắm chìm vào nội tâm riêng tư. Không chấp nhận thao thao sáo rỗng, chị triệt tiêu, giải toả ý thơ hư ảo. Chị thấy rõ sự gian nan của cuộc sống, am hiểu cuộc sống, tự mình thiết kế cuộc sống của mình, phản ánh một cách thực tiễn triết lý cuộc đời chí tình chí tính.

Dưới ngòi bút của chị, những chi tiết về ăn mặc, ăn uống, lau xe, lái xe, mua nhà, ôm hôn, tụ tập, hẹn hò, một ánh mắt, một lời nói, một im lặng, một lo ngại, một buồn nản, một ức chế… có gì đó vô cớ, bất lực, bi thương, nhớ quê, cô tịch v.v… Từng ly từng tý, như chị nói, đó đều là những khó khăn trong cõi nhân sinh.

Chị có một năng lực miêu tả chi tiết rất tinh xác. Một người phụ nữ, một cụ già, một người thợ thủ công, một người ăn xin, một bé trai… trong cuộc sống thường nhật, trong suy nghĩ đều được xây dựng bằng con mắt độc đáo của mình. Rồi sau đó hiển hiện ra chân tướng cuộc sống trong chi tiết, từng phút từng giây đều ở trong “hiện trường”.

So với những người mê tín, tâm hồn hư giả “Sống ở chỗ khác”, những tâm linh như vậy chân thực hơn, có sức mạnh hơn. Là một nữ nhà văn tự do, tự ăn vào thực lực của mình, hiện nay, chị một mặt theo đuổi phong cách cao quý không muốn nhiễm bẩn với dòng đời, mặt khác không sống trong chân không, tất nhiên phải hình thành một sự đối sánh rõ ràng so với những nam giới khi đối diện với thế tục đã sa ngã vào trạng thái phân liệt tinh thần.

Chị là một người phụ nữ thoát ra khỏi trạng thái ngũ giả, nếm đủ sự ấm lạnh của nhân tình thế thái, đã học hỏi và hiểu biết, chịu đựng áp lực trong cuộc sống không có chỗ dựa, khiến cho tâm linh tiếp thụ nổi những làn sóng va đập đến tới tấp.

Đối với sinh mệnh và tình cảm, chị nhận thức chân xác và kiên định như thế, cho nên văn tự của chị sạch sẽ, tiết chế, tinh tế, lưu loát, nhân tính. Không lằng nhằng dây cà ra dây muống, thuần tuý miêu tả, không điệu bộ và tự quá yêu mình. Chị nỗ lực một cách chân thành nhằm khôi phục những sự vật hiện tượng của cuộc sống một cách chân thực, phác tố, chi tiết như vậy, trong những tình tiết nhỏ bé lại lộ ra khí thế lớn mạnh, từ đó mà không có những cây cành khô héo trong cái thành thị sa mạc hoang vu.

Chị vừa tiếp cận với cuộc sống thường nhật bình thường phàm tục, vừa giữ được sự quan sát và tự biện bất ngờ, có cái tinh tế của Trương Ái Linh, lại lược bỏ được những cái lạnh nhạt, thê lương, khắc bạc. Chị có tình yêu cảm thông với những nhân vật bé nhỏ hàn vi, có thể nghiệm gian khổ của nhiều năm sống phiêu bạt ở miền Bắc. Chị ý thức một cách tỉnh táo về những bi ai cá nhân, sự khiếm khuyết tàn nhẫn của nhân sinh. Khi cầm bút viết về nhân vật, chị thường đem theo thiện ý tình cảm ấm áp. Nhưng khi những đau đớn gặm nhấm tâm can quất mạnh vào chị, thì chị lại thường khảo vấn tâm hồn mình. Vì thế, văn tự của chị có cái đau cắt da cắt thịt so với tản văn của những người phụ nữ bình thường.

Những đặc điểm giới tính rõ ràng đã làm hình thành những ràng buộc và chướng ngại đối với chị. Những khó khăn gây nhiễu, những bức bách, những tuyệt vọng vấp phải trong hiện thực khiến cho chị cảm thụ được những đớn đau của cá nhân nhiều hơn. Đấy không phải là những nỗi đau giả tạo tưởng tượng về tinh thần, mà là một kiểu đau đớn sinh lý rất chân thực.

Trong không ít tác phẩm văn chương của mình, nữ nhà văn A Kỳ bàn đến quan điểm về hôn nhân và về nam giới. Chị không ngại ngần bộc lộ thái độ bi quan với nhân tính sau khi đã nhìn nhận thấu đáo bản chất của cuộc sống và tình cảm. Chị biểu đạt cuộc sống khách quan như thế nào đây?

Chu Tác Nhân tiên sinh (em trai của đại văn hào Lỗ Tấn – ND) nói : Đánh giá sự cao thấp về phẩm cách của nam giới, một là phải xem xét thái độ của anh ta đối với tôn giáo, mặt khác là xem xét thái độ của anh ta đối vớ
i phụ nữ.

Tôi rất tán đồng quan điểm ấy. Nếu như bạn là một độc giả nam giới, thông qua đọc văn tự của A Kỳ, có thể học được cách tìm hiểu nữ giới như thế nào, từ đó mà tôn trọng sùng kính nữ giới và yêu nữ giới nồng nàn. Nếu như bạn là một độc giả nữ giới, thì có thể học được những trí tuệ sinh tồn tự bảo vệ mình, tăng cường năng lực chế ngự khi bị thương tổn hãm hại.

Nữ nhà văn Trương Ái Linh nói : Bởi vì hiểu biết, cho nên từ bi. Cuộc đời người phụ nữ xét đến cùng không nhảy ra khỏi bàn tay của vận mệnh. Họ là một hạt bụi trên bàn tay vận mệnh.

Nữ nhà văn A Kỳ dùng cụm từ “Hoa rụng nước trôi” để đặt tên cho cuốn sách mới của chị. Có thể nói, chị đã cảm thụ một cách máu thịt với cuộc sống hiện nay – một dạng sa sút và bất lực trong tỉnh táo, ẩn chứa nỗi đau âm ỉ trong tâm linh. Đứng trước hiện thực, tình yêu hiển hiện nhỏ bé và yếu đuối biết bao. Nữ giới sống đơn thân có lẽ không phải là một lựa chọn trí tuệ, cuối cùng cũng phải tìm lấy một tổ ấm tốt để đi về. Khi mà tất cả đều trần ai lạc định (cát bụi không biết rơi ở đâu), ký ức biết bao lần đã khắc cốt ghi tâm. Bao nhiêu lần trải nghiệm là bấy nhiêu lần phải đau lòng, song né tránh không nổi những tiếng khóc đau đớn trong đen tối. Chị có thể chịu đựng nổi không đây?

Trong xã hội hiện nay, mọi người đều sống theo một tư duy quán tính nào đó, nào là sinh sống, phát tài, hưởng thụ… Đó là hàng loạt lý do mà đại đa số con người trên toàn cầu sống theo vậy. “Thượng đế chết rồi!”. Một tấm màn hoang đường rộng lớn đang kéo ra, còn ở chốn sâu thẳm của tâm hồn thì trống rỗng không gợn một chút gì. Điều làm cho người ta đau khổ là chúng ta đang cùng tham gia vào chuyện hoang đường ấy. Trong một xã hội tất cả coi tinh thần thực dụng làm chủ đạo, khi mà mọi người biến thành không còn tin tưởng vào lý tưởng nữa, và cũng không tin tưởng vào những lời nói dối nữa, thì văn học không có chốn dung thân. Văn học đến mình cũng không có cách nào cứu vớt được nữa, càng không có cách nào khiến con người tin tưởng văn học nữa.

Khi ấy, mục đích sáng tác là cái gì nào?

Hiện nay, rất nhiều nhà văn không nói đến sáng tác về linh hồn, sáng tác về sinh mệnh nữa. Khi sáng tác mất đi mẫn cảm hoặc nỗi đau đối với cuộc sống, coi sáng tác là chế tác, sản xuất hàng loạt, tác nghiệp theo dây chuyền, thì văn học sẽ không thể có sự sống (sinh mệnh) chân chính nào nữa.

Rất nhiều tác phẩm thao thao bất tuyệt kể ra những chuyện vặt vãnh tương cà mắm muối, thiếu thốn những quan tâm đến tinh thần và đến nhân văn.

Nữ nhà văn A Kỳ cho rằng : Sáng tác là nhằm bảo vệ tính phong phú của nội tâm, chống lại sự nghèo nàn của tâm hồn đâu đâu cũng có. Mọi sáng tác chân chính đều bắt nguồn từ một dạng gặp gỡ của tâm linh, một sức mạnh cảm thụ tri giác to lớn đối với sự tồn tại của loài người. Trách nhiệm của nhà văn là quan sát một cách sâu sắc cảnh ngộ sinh tồn của loài người. Những nhà văn khéo léo biểu đạt vĩ độ tinh thần sẽ có thể thúc đẩy câu chuyện từ thú vị tiến lên theo hướng tồn tại.

Rất nhiều tác phẩm của A Kỳ bề mặt viết về nỗi đau của sinh tồn, chiều sâu lại là trực tiếp chống lại nỗi đau sinh tồn của loài người. Trong khi A Kỳ kiên định dùng phương thức độc hữu của nữ giới để đánh giá thế giới này thì từ những chi tiết nhỏ nhoi nhất, chị vẫn có thể làm xúc động tâm linh bạn, khiến trái tim bị nén chặt của bạn phải phập phồng đập, rồi phải đọc hết tác phẩm mà không thể rời tay được để cảm thụ sự hoang đường và bất lực của nhân sinh.

Đối với thế giới hư vô, đại thể có hai phương thức ứng phó. Một loại – như Lỗ Tấn nói : “Chỉ viết hắc ám và hư vô mà vẫn có thực, nhằm kháng tranh và tác chiến với những tuyệt vọng ấy” – dũng cảm đối diện với hư vô, tích cực tìm tòi, trong tìm tòi có phê phán, có phương thuốc chữa trị. Mặt khác là né tránh hư vô, như Trương Ái Linh. “Bà có dư năng lực tình cảm để phản kháng với sự biểu đạt sâu sắc, song bà lại không có dũng cảm chịu chấp nhận kết quả đã giành được. Kết quả ấy quá nặng nề, bà rất biết phản ánh đúng liều lượng.”

Dám kiên trì giá trị và niềm tin của nữ giới trong không gian sinh tồn chưa hoàn mỹ hiện nay đòi hỏi cần có một dũng khí tìm tòi, mò mẫm.

Còn với nữ nhà văn A Kỳ, đồng thời với việc một mình chấp nhận áp lực sinh tồn nặng nề, chị có thể chống lại nhiều áp lực về tinh thần bằng thân thể nhu nhược của một người phụ nữ Giang Nam hay không? Có thể giã biệt cuộc sống phiêu bạt của thân thể và tâm hồn hay không?

Chị đã chuẩn bị tốt về tâm lý chưa?

Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *