Nhà thơ Hữu Thỉnh. Ảnh : CAND Online |
Giọng anh xởi lởi: "Tôi không nhầm, anh là thầy Nguyễn Cảnh Tuấn, dạy toán và còn làm thơ. Học trò thường kể với chúng tôi về anh. Tôi là Hữu Thỉnh, có đứa em đang học ở trường thầy đấy".
Về tác giả Hữu Thỉnh, tôi đã được đọc một số bài thơ: "Khúc sông vai trâu", "Núi" trên tuần báo Văn nghệ tháng trước. Giọng anh sôi nổi, thân tình. Anh còn đọc bài thơ mới làm, giúp tôi quên đi đoạn đường hơn một cây số hết dốc lại dốc.
Từ đó, Hữu Thỉnh có ra chơi với tôi vài lần. Bạn tôi – nhà thơ Vũ Đình Minh kể về anh: Tuổi thơ của Hữu Thỉnh có thể gói gọn 2 từ: khổ lụy.
Năm 1997, đọc cuốn "Nhà văn Việt hiện đại", tôi hiểu thêm tuổi thơ của anh: "Sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học. Đã trải qua tuổi thơ ấu không dễ dàng (ở 6 năm với bác ruột, 10 tuổi phải đi phu, làm đủ mọi thứ lao dịch cho các đồn binh Pháp: Vân Tập, Chợ Vàng, Thứa, Thanh Vân. Và bị đánh đập tàn nhẫn). Chỉ thực sự được đi học sau hòa bình lập lại (1954)".
Để có trang lý lịch bản thân được nhà trường mến yêu, nghỉ hè Hữu Thỉnh thường xung phong đi lao động hè (lấy củi ở Tam Đảo, xúc than ở Thái Nguyên, đắp đê ở Việt Trì). Hữu Thỉnh còn nhớ có anh Q người cùng quê ra điều kiện: Muốn nhập đội dân công, phải nộp một con chó đã chế thành các món ngon. Thỉnh chấp nhận, để qua hè có giấy chứng nhận tốt về tham gia công tác địa phương.
Cái khổ kéo dài suốt thời đi học phổ thông. Ngày Hữu Thỉnh đeo quân hàm Trung úy, vẫn có lần anh cùng tôi mua magi ở Vĩnh Yên vào bán ở xã Hợp Châu, lấy tiền mua củi cho vợ con có cái đun.
Tôi cũng từng chứng kiến: Nhờ vị trí công tác của vợ anh, có mấy tết tạp chí Văn nghệ Quân đội "thơm lây", được mua giá cung cấp rượu, mứt… mang nhãn hiệu Hà Nội, xuất kho tại Vĩnh Yên. Tôi đã gặp mấy nhà thơ ở Văn nghệ Quân đội lên áp tải hàng về Hà Nội.
Lắm lúc tôi cứ thầm hỏi: Một anh học sinh chân quê, đi học lúc thì áo "dương lịch" quần "âm lịch", lúc thì đổi vị trí cho nhau, sao lại yêu đương sớm thế. Thỉnh bảo, bạn quen thôi. Riêng tôi, có lần ý định xe duyên cho Thỉnh một cô giáo cấp 3.
Buổi đầu "ra mắt" cô nàng tại nhà tôi ở nơi sơ tán, thi sĩ Hữu Thỉnh đọc đến 6, 7 bài thơ gì đó. Việc không xong. Chị A nói anh ấy dễ mến, nhưng thơ phú em ngại lắm. Thỉnh lại nói cô ấy có tâm hồn nhưng thiếu duyên, giọng nói như vịt đực kêu. Có lần tôi hỏi trường hợp em B dạm ngõ rồi sao không thành. Thỉnh tự thú mình mến cô ấy, có bài thơ "Hai nhà" là dành cho cô ấy đấy.
Vừa nấu cơm, vừa sáng tác bài thơ, mực là than củi, giấy là nền đất tại nhà cụ giáo Cận ở xóm Chiền, Vĩnh Yên. Bài thơ làm hồi lớp 9 đến năm 1961 mới được in trên Báo Tiền phong số tết: "Hai nhà lưng dựa vào nhau/Cành xoan bên ấy ngả đầu sang đây/Lá sả đấy gội đây say/ Ru em bên ấy bên này thiu thiu/ Hôm qua bên ấy lẩy Kiều/ Bên này căm mãi cái mưu Tú Bà".
Thỉnh tâm sự: "Hết lớp 10 mình đi bộ đội, hẹn hò hai năm sau ra quân, đi đại học sẽ cưới. Bước ngoặt là sau 2 năm, Mỹ ném bom miền Bắc, chiến tranh ngày càng lan rộng. Mình quyết định ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội và được là đối tượng Đảng. Mình có tâm sự với B lý lịch gia đình em ở đơn vị không chấp nhận". Sau này Hữu Thỉnh đã xin cho con người mình từng yêu đi làm việc Nhà nước.
Năm 2004, tôi biên soạn cuốn "100 bài thơ thế kỷ XX" (NXB Hội Nhà văn-2005) có chọn bài "Phan Thiết có anh tôi" của Hữu Thỉnh, bài thơ được giải thưởng thơ hay đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1981. Điều tôi băn khoăn là tại sao Tuyển "Quê hương một thế kỷ thơ", NXB Thanh niên ấn hành năm 2000, câu kết của bài thơ lại là: "Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em".
Hữu Thỉnh cho biết: "Em tôi dạy học môn văn, phân vân câu kết theo ý nghĩa "nhà" ở đây là gia đình của riêng tôi thôi. Nếu làm tuyển tập thơ ông bổ sung đoạn kết của bài: "Tiếng còi xe Phan Thiết bước vào đêm/ Đèn thành phố soi người đi câu cá/ Anh không ngủ người đi câu không ngủ/ Biển đêm đêm trò chuyện với hai người/ Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi". Khi chọn, các nhà làm sách đã bỏ quên".
Thời đánh Mỹ, từ biết Hữu Thỉnh, tôi biết thêm không ít nhà thơ: Thanh Tùng, Yên Đức, Trúc Thông, Đào Ngọc Vĩnh, Đỗ Quang Hưng. Riêng Đỗ Chu, Bùi Bình Thi có kỷ niệm riêng. Hai nhà văn lên thăm đột kích Hữu Thỉnh vì hay tin bạn sắp đi B. Sau hai ngày về thăm quê Hữu Thỉnh, hai vị khách có ghé thăm tôi lúc đó đang dạy học ở Trường cấp 3 Trần Phú.
May mắn có bà Nhị, cửa hàng trưởng cửa hàng ăn là phụ huynh học sinh, đã đón hai nhà văn rất thịnh tình. Bùi Bình Thi nói một câu giờ tôi vẫn còn nhớ: "Ông Thỉnh muốn về thăm vợ phải xin phép thủ trưởng cơ quan rồi bơm lốp xe căng, ngược Việt Trì 40 cây số. Ông giáo Tuấn tuy chịu cảnh "chó chui gầm chạn" nhưng được bố mẹ vợ lo cho bát cơm dẻo, chén nước nóng. Nằm chạn bát thế mà đủ tung tẩy văn thơ. Sướng một đời".
Tôi gần Hữu Thỉnh thời gian đóng quân ở vùng đồi Kim Long vừa đủ 13 năm. Anh thường ra nơi tôi dạy học, lúc ở Tam Dương, lúc ở Vĩnh Yên để đọc những bài thơ vừa sáng tác sau đợt đi thực tế chiến trường ở đường Chín Nam Lào. Chất trẻ trung thi sĩ ùa vào thơ anh. Thơ anh xuất hiện đều ở Văn nghệ Quân đội, Báo Văn nghệ, tạp chí Tác phẩm mới.
Bài "Mùa xuân đi đón" được giải ba cuộc thi thơ năm 1973 (Báo Văn nghệ) khi in ra đã bị Ban biên tập đổi lại thành "Đi đón mùa xuân". Hữu Thỉnh phân vân, nhưng việc đã rồi. Sau này có lần tôi hỏi lại, Hữu Thỉnh nói: "Mình ở xa, ban biên tập không có điều kiện liên hệ. Tuy hơi tiếc, nhưng toàn bộ nội dung vẫn được in nguyên văn, cũng là tốt lắm rồi".
Trường hợp bài "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" (đã được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc), tại sao lúc đầu lại lấy bút danh Vũ Hữu? Hữu Thỉnh nói, bài ấy anh làm trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, in trong tập sáng tác của binh chủng.
Trong tập ấy đã có 2 bài của Hữu Thỉnh rồi, nên bài thứ 3 phải ký bút danh, để gây ấn tượng đội ngũ viết văn của Binh Chủng Thiết giáp không đễn nỗi nghèo. Tên Hữu Thỉnh ở phần lời bài hát chỉ được ghi rõ từ hơn hai chục năm nay, khi nhà thơ đã thành danh.
Gần đây, tôi có dịp gặp lại Hữu Thỉnh tại trụ sở Hội Nhà văn. Tôi nói lý do chọn bài "Lời Mẹ" của anh vào Tuyển thơ "Mẹ của nhà thơ". Tôi thường quen cách nói của Hữu Thỉnh thời làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ: "Mình lắm khách, gặp nhau 5-10 phút nhé". Còn hôm nay, Thỉnh nói: "Ta trò chuyện trong hai tiếng đồng hồ. Tha hồ thoải mái". Tôi đặt câu hỏi: "Bài thơ đầu tiên anh viết về mẹ là bài nào? Và bài thơ nào in báo Trung ương đầu tiên?".
Hữu Thỉnh cười tươi, cách nói như đinh đóng cột: "Bài đầu tiên tôi viết về mẹ khi mới học lớp 6. Hoàn cảnh làm bài thơ: Chủ nhật ấy tôi về lấy gạo đến nhà trọ để ăn trong tuần. Mẹ tôi cho đầy gạo vào bao tượng, rồi dặn dò cẩn thận. Xúc động trước tình cảm của mẹ, đi ra làng, ngồi ngay cánh đồng Phú Vinh tôi làm bài thơ về mẹ. Còn bài thơ đăng báo đầu tiên… à à tôi nhớ ra rồi, đó là bài thơ: "Khúc sông vai trâu" đăng trên Tuần báo Văn nghệ vào năm 1966". Tôi mỉm cười chừng lộ vẻ chế giễu.
Thỉnh có vẻ băn khoăn, ý dò hỏi. Tôi lấy ở cặp ra, trải tờ báo Người giáo viên nhân dân đã úa vàng, trong đó có bài thơ "Trường tôi" của Hữu Thỉnh in năm 1962, số 57, giá báo 10 xu. Thỉnh ngơ ngác, rồi chăm chú đọc thơ của mình vẻ khoái chí: "Trường em như thể bông hồng đẹp/Mãi mãi thơm hương giữa xóm làng/Chúng em đến: con ong tròn cánh khép/Lấy nhị đời xây ước vọng mênh mang. Khổ II : Trường em dãy dọc toà ngang/ Mọc trên đồi cũ tan hoang năm nào/Hôm nay trước cổng tường cao/Có người về phép làm sao ngỡ ngàng", cuối bài ghi rõ: 1 – 1962 Hữu Thỉnh (Học sinh lớp 9 trường cấp 3 – Trần Phú- Vĩnh Phúc).
Hữu Thỉnh vào đời với trang lý lịch lẫn học vấn thua thiệt nhiều bạn cùng trang lứa. Hữu Thỉnh đã ý thức rèn luyện, chịu nhiều khổ cực từ tuổi thơ. Mỏ quặng anh khai thác được ở đồi Kim Long, có thứ quặng sớm thành vàng, cũng có thứ quặng lấp lánh buổi đầu nhưng qua sàng lọc khắt khe của bạn đọc, nó đã ngả màu nhờ nhờ. Nhưng với những tác phẩm trường ca, thơ ngắn đã được giải Nhà nước, giải ASEAN, khẳng định sự cống hiến của một Hữu Thỉnh nhà thơ.
HữuThỉnh xa Kim Long đã 30 năm, xa ngôi nhà mẹ ở cũng chừng ấy năm để về với chốn đô thành. "Lời mẹ" dặn anh ra thành phố vẫn còn hiệu nghiệm: "Tôi bước ra ngoài ngõ/ Gió thổi nước triều lên/ Đi hoài không gặp tiên/ Đành quay về hỏi mẹ/ Hãy yêu lấy con người/ Dù trăm cay nghìn đắng/ Đến với ai gặp nạn/ Xong rồi, chơi với cây".
Từ ngày về Hà Nội, anh đã bao lần "chơi với cây"? Đường Nguyễn Đình Chiểu (nơi đặt trụ sở Hội Nhà văn Việt
Chia tay tôi, Hữu Thỉnh nhắc tới trường Trần Phú, thầy Chân, thầy Hiếu, thầy Thế… và anh đọc mấy câu thơ trong bài "Thưa thầy", đạt giải nhất trong cuộc thi thơ của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp: "Đã vấp ngã, thưa thầy nhiều vấp ngã/ Không ở đâu xa ở giữa con người". Tôi tin điều thưa thầy của anh luôn thường trực trong đời.
Theo Nguyễn Cảnh Tuấn – CAND Online