Trong buổi giới thiệu tiểu thuyết Xuân Từ Chiều của nhà văn Y Ban không có nhiều người, hầu hết là anh em trong giới cầm bút. Ở đây sẽ không bàn về câu chuyện của ba người đàn bà “bị số phận trêu ngươi” trong Xuân Từ Chiều, mà về một câu chuyện khác, không được kể đến trong cuốn tiểu thuyết nói trên.
Câu chuyện ấy được tóm tắt như thế này: Có một cô nhà thơ tên tuổi. Một hôm, khi cầm tập thơ vừa mới in trên tay và gặp một bác nhà văn cũng có tên tuổi, cô nhà thơ vui mừng tặng tập thơ cho bác nhà văn. Đi được vài bước thì cô nhà thơ ngoảnh lại, thấy bác nhà văn cho ông thợ sửa xe đạp… tập thơ vừa được tặng! Nhìn thấy cảnh ấy, cô nhà thơ đứng ngẩn ra, như không còn tin vào mắt mình. Phải một lúc sau, cô nhà thơ mới chấp nhận được đó là sự thật. Và cũng kể từ đó, nước mắt ở đâu cứ trào ra, cô nhà thơ không tài nào ngăn nổi vì nỗi tủi thân càng lúc càng đầy. Tập thơ ấy, cô nhà thơ vừa mang từ nhà in về cùng với niềm vui sẽ tặng những người mà mình yêu quý. Vậy mà…
Câu chuyện của nhà văn Y Ban khiến cho buổi giới thiệu sách hôm đó có phần trầm lặng hơn. Mọi người tự hỏi với nhau: Sao bây giờ người ta hờ hững với sách quá vậy? Sao những người trong giới mà còn đối xử với nhau “bạc bẽo” đến vậy? Hỏi thì vẫn hỏi vậy nhưng biết tìm đâu ra câu trả lời bây giờ!
Không có niềm vui nào lớn bằng niềm vui của nhà văn mỗi lần ra sách. Khi đó, nhà văn bỗng nhiên thấy mình giống con nít, cười cười, nói nói, vuốt ve hết lượt này đến lượt khác cuốn sách vừa lấy về từ nhà in… Mình vui thì cũng phải chia vui với người khác. Vậy là vội vã mang sách đi tặng những người mà mình yêu quý nhất. Lúc đó có lẽ vì vui mừng quá nên cũng không nghĩ đến câu hỏi: liệu người ta có đọc sách mình hay không? Mặc kệ! Cứ tặng cái đã. Hết những người yêu quý nhất thì đến những người yêu quý nhì, yêu quý sơ sơ, yêu quý vừa vừa… Thực ra không tặng không được. Tác giả khi nghe một câu đầy hờn trách như thế này: “Tôi là bạn (cô, dì, chú, bác…) anh, lẽ nào anh không tặng được cho tôi một cuốn!” làm sao có thể từ chối được. Vậy là tặng!
Có vẻ như sự hồn nhiên, hào phóng của nhà văn vô tình đã “tiếp tay” cho một thói quen đã trở thành cố hữu: thói quen được tặng sách. Nhiều người biết là bạn mình vừa ra sách đấy nhưng không việc gì phải đi mua, cứ gượm đã, đằng nào nó chẳng tặng mình! Như đã nói, nhà văn vốn hào phóng, hồn nhiên; thấy người ta đọc sách mình càng vui mừng hơn. Vậy là tặng!
Thời sinh viên, sau mỗi lần lấy được nhuận bút của một tòa báo nào đó, tôi cũng đều ra nhà sách và tự thưởng cho mình những cuốn sách yêu thích. Sau bốn năm, số sách tôi có được không thua kém gì một thư viện trường học nông thôn, cũng có đủ loại dành cho người lớn và thiếu nhi, chợt thấy thương cho cái tuổi thơ “đói sách” của mình. Thì ở quê mà, cơm ăn chưa đủ nói gì đến sách. Với cậu học trò quê là tôi lúc đó, sách là một cái gì đó xa xỉ và quý hiếm.
Nghĩ vậy, tôi quyết định mang sách về cho lũ cháu ở nhà. Thấy chú mang sách về, ngày đầu đứa nào cũng háo hức, cũng cười vui vẻ khiến cho nỗi vất vả đi đường của chú tan biến. Nhưng rồi chú chưa kịp mừng lâu thì hai hôm sau, bất kể là trên giường, trên ghế, thậm chí là dưới nền nhà… đâu đâu cũng thấy những cuốn sách vương vãi. Cuốn thì nhăn nhúm, cuốn lại rách bìa…
Nhìn thấy cảnh đó mà đau xót mà buồn biết bao! Nhưng cũng nhờ vậy mà ngộ ra một điều. (Hình như điều này cũng không mới mẻ gì?). Thật tình là không thể trách chúng được. Bởi vì trẻ con vốn vô tư; hơn nữa, không thể đòi hỏi chúng yêu quý, trân trọng và nâng niu những cuốn sách không phải mua từ chính đồng tiền do chúng “đổ mồ hôi” mà có. Thì ra lâu nay, tâm lý “không đẻ không đau” vẫn tồn tại trong nhiều người, bất kể là trẻ con hay người lớn. Tặng sách. Nghĩa là không có cuộc mua bán nào ở đây cả. Và có lẽ vì người ta quá dễ dàng để có một cuốn sách cho nên người ta cũng không màng lắm đến giá trị của cuốn sách đó. Không thể nào khác được!
Nhà văn tặng sách xong, chỉ băn khoăn mỗi việc “không biết người ta có đọc sách mình hay không?”; còn cũng chẳng “lăn tăn” gì đến chuyện khác. Bởi vậy nên mới có trường hợp như cô nhà thơ tên tuổi nọ trong câu chuyện của nhà văn Y Ban. Hay mới đây, cậu bạn tôi hí hửng khoe vừa mua được tập thơ của một tác giả trẻ trước cổng nhà sách Hà Nội trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, sách còn mới cáu, đặc biệt hơn còn có cả chữ kí của tác giả. Cậu bạn hí hửng vì mua được một cuốn thơ đọc được, trình b&a
grave;y đẹp. Nhưng sau đó không tránh được cảm giác ngậm ngùi khi đọc mấy dòng kí tặng của tác giả, cho dẫu đó không phải là sách của mình. Không hiểu, có một lúc nào đó, tác giả đi vào những cửa hàng sách cũ vô tình mua được cuốn sách có chữ kí của mình thì cảm giác sẽ như thế nào? Chắc chắn là chẳng lấy gì làm vui!
Sách in bốn triệu
“Bốn triệu” nếu nói lái sẽ thành “biếu trọn”. Đó là cách nói tự giễu mình của nhiều văn thi sĩ hiện nay khi một tác phẩm được in ấn đàng hoàng chỉ để mắc thêm công đi “biếu”. Nhưng cũng có rất nhiều văn sĩ “made in Việt Nam”, ngoài tặng sách cho người thân, thì họ không phải tặng cho ai khác. Trong Hội sách TP.HCM lần thứ 6 vừa qua, nhà văn Lý Lan chỉ tặng sách cho đồng nghiệp trẻ Nguyễn Danh Lam khi Nguyễn Danh Lam chủ động tặng sách cho Lý Lan trước. Lý Lan đã phải vào gian hàng Phương Nam mua sách của mình để tặng Nguyễn Danh Lam. Điều đó chứng minh rằng, các nhà văn thuộc hàng “ăn khách” không việc gì phải “thủ sẵn” sách để tặng người khác. Cũng trong Hội sách TP.HCM lần thứ sáu, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã suýt “ngất xỉu” khi ngồi ký tên hơn 3 giờ liền. Nguyễn Nhật Ánh ký tên tặng sách “chùa” à? Xin thưa, không! Tác giả của Đảo mộng mơ chỉ tặng chữ ký vào những cuốn sách đã được bạn đọc mua. Với 10.000 bản sách Đảo mộng mơ đã bán hết trong Hội sách TP.HCM, thử hỏi Nguyễn Nhật Ánh ký có “suýt xỉu” không? Như vậy, bạn đọc có thể tự suy ra tác phẩm của những văn thi sĩ “bốn triệu” được bạn đọc đón nhận như thế nào. |
Theo Hồ Huy Sơn – Thể thao và Văn hóa