Lúc đầu không phải trồng, nhưng sau bòn mãi cũng hết, mẹ tôi cuốc đất đánh luống trồng thành cả một vườn. Chỉ thiếu mỗi rau muối, còn những thứ khác đủ cả. Không hiểu mẹ tôi xin được ở đâu giống rau đay với rau dền trắng, ngon và lạ lắm. Mỗi thứ một ít thái nhỏ nấu suông. Bát canh múc ra có vị ngọt hơi nhơn nhớt của mồng tơi và rau đay, có vị chua dôn dốt của rau sam, vị chát dịu của rau dền, không mì chính mà bà tôi vẫn bảo : “Ngọt đến lỗ tai vua”. Canh láo nháo mà thơm lạ lùng, càng sôi càng thơm, vừa nhẹ nhàng vừa đượm. Ngày đó, anh em tôi mải chơi, nhưng chơi thế nào thì chơi, chiều đến cứ nghe thấy mùi canh tập tàng bà nấu là hò nhau về. Hôm nào mẹ tôi mua được mớ tôm, giã râu tôm lọc lấy nước nấu cùng thì nhất, lúc ấy tưởng như trên đời này chưa ai sướng bằng mình.
Canh tập tàng toàn thứ rau mát, bổ như vị thuốc. Mẹ tôi kể, ngày nhỏ, có những lúc bữa nào cũng phải ăn rau tập tàng, thế mà anh em tôi tròn như bống. Hay tại tập tàng toàn những thứ rau chẳng cần người chăm bón? Mùa hè nắng như rang, đất khô nứt nẻ mà rau vẫn tốt. Mùa đông sương muối rau cũng cứ thản nhiên xanh. Chỉ đến khi những mảnh vườn trong phố hẹp dần rồi mất hẳn, rau tập tàng mới lụi đi trong trí nhớ.
Trong phố bây giờ không còn đất hoang cho rau tập tàng mọc dại. Nhà nào rộng cũng chỉ đủ chỗ cho mấy chậu hoa cảnh. Rau tập tàng có lẽ quê mùa quá chăng nên chưa bao giờ thấy xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng đặc sản như rau bí, rau muống hay lá khoai lang. Hình như giữa cái no đủ, nó quá khiêm tốn để có được một góc trong thú vui ẩm thực. Thế rồi đột nhiên, thuốc sâu đã làm người ta sợ những thứ rau vẫn ăn hằng ngày. Để sớm nay đi ngang qua, chợt giật mình vì gặp lại một phần ngọt ngào của tuổi thơ tôi. Cái tên tập tàng không chỉ đọng lại những âm thanh vừa ngộ nghĩnh, vừa như tủi hờn, mà vẫn còn mãi trong ký ức tôi hình ảnh những ngọn rau thơ dại rung rinh trong vườn đang phủ đầy sương sớm.
Phạm Kim Anh – Theo KTNN