Cu Trọi ngồi bó gối bên mộ mẹ, mắt nó đỏ hoe. Bà ngoại bảo mẹ linh thiêng lắm, vậy mà nó ngồi đây từ lúc trời còn nắng chang chang, đến bây giờ… trời đã tối đen mà đâu thấy mẹ hiện lên. Đôi vai gầy của nó rung lên, nó thèm vòng tay của mẹ ôm nó, thèm hơi ấm từ mẹ tỏa ra, thèm được trông thấy mẹ cười… nhưng xung quanh nó chỉ có tiếng dế kêu rền rĩ và một vài ngôi sao sáng nhấp nháy trên bầu trời.
Cu Trọi òa khóc. Cu Trọi muốn có mẹ quá, nó cố rướn người, áp tấm thân bé nhỏ lên trên mộ mẹ…
Tám giờ tối, cả xóm Dạ Đề rối tung trong tiếng khóc gọi cháu tắc nghẹn của bà cụ Tứ. Hà đi công tác về, chưa kịp cất đồ vào nhà, chị lao sang nhà bà cụ Tứ. Trông thấy Hà, bà cụ cuống lên:
– Chị làm ơn giúp tôi tìm cháu, lỡ nó làm sao tôi có lỗi với mẹ nó lắm!
– Bác bình tĩnh, chắc cháu nó chơi quanh đâu đây. Cu Trọi đi lúc nào bác có biết không?
– Áng chừng lúc 3h, tôi thấy cháu ra cổng, tôi hỏi đi đâu thì nó nói sang nhà cháu Nhật chơi. Nấu cơm xong, tôi sang tìm nhưng không thấy.
Đưa vạt áo lau mắt, bà cụ nói tiếp:
– Từ chiều đến giờ, các cô, các bác đã lục tung cả xóm tìm giúp tôi rồi nhưng không biết nó đi đâu. Từ ngày mẹ mất, nó chẳng nói năng gì cả.
Bà cụ lại tiếp tục lau đôi mắt đỏ hoe:
– Tội lắm, tối qua hai bà cháu ngủ, tự nhiên nó hỏi: ''Bà ơi, mẹ cháu nằm dưới đó rồi có lên ôm cháu được không'', nói đến đây giọng bà cụ nghẹn lại.
Hà chợt hiểu…
Hai chiếc xe máy lao đi trong đêm, 30' sau đã đến khu nghĩa trang cách xóm Dạ Đề 8 kilômét. Hà xuống xe, cô cùng ba thanh niên cầm đèn pin chạy vội về hướng mộ mẹ cu Trọi. Lên đến nơi, mặc dù đã thầm dự đoán, nhưng Hà và mọi người hoàn toàn bất ngờ trước những gì họ trông thấy. Cu Trọi đang ngủ bên mộ mẹ nó trong tư thế nằm nghiêng, cánh tay gầy, nhỏ bé giang ra như cố ôm cả nấm đất có mẹ nó bên trong vào lòng. Chắc nó khóc nhiều lắm nên hai mắt sưng mọng, nước mắt trộn lẫn với đất nhoè nhoẹt trên khuôn mặt bé bỏng, trong lòng bàn tay của nó vẫn đang nắm chặt một cục đất. Mắt Hà cay xè, chị cố nén để tiếng khóc không bật ra. Mấy chú thanh niên đi cùng chị đều vội quay đi giấu những giọt nước mắt. Hà nhẹ nhàng bế cu Trọi ôm vào lòng, chị ngạc nhiên vì cơ thể cu Trọi rất ấm. Hà khấn thầm trước nấm mộ của người đã khuất:
– Bạn hãy an nghỉ, mình và bà con làng xóm sẽ chăm sóc cho cháu và mẹ bạn chu đáo.
Cái chết của mẹ cu Trọi gây xôn xao dư luận và sự căm phẫn trong quần chúng nhân dân. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm với tấm bằng đạt loại giỏi, được bố trí về làm giảng viên tại một trường đại học nổi tiếng ở Thủ đô nhưng Ngân Khánh – mẹ cu Trọi lại xin về dạy tại một trường cấp ba ở quê nhà. Ở đó, có người đàn ông đã hết mình lo lắng cho cuộc sống của mẹ con chị gần 6 năm ròng. Giá như… không có cái đêm tai họa đó, thì giờ cu Trọi đang được sự yêu thương đủ đầy của cả bố lẫn mẹ và cái tên Trung của nó sẽ không bị thay bằng cái tên cu Trọi mà mọi người gọi nó kể từ ngày mẹ nó mất và bố nó đi tù.
Thứ bảy, sau khi hết giờ ôn tập cho đội tuyển thi học sinh giỏi, Ngân Khánh cố nán lại trường để hoàn thành nốt bản đề cương chuẩn bị tham gia kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Khi công việc hoàn tất, cô liếc mắt ra ngoài sân trường, bóng đêm đã bao trùm lên tất cả. Ngân Khánh vội vàng sắp xếp tài liệu cho vào cặp, khóa cửa lớp, đi nhanh ra chỗ để xe. Chỉ còn mỗi chiếc xe đạp của cô dựng trơ chọi nơi góc sân trường. Ngân Khánh lên xe và đạp mải miết trong bóng đêm. Tiếng gió thổi ào ào bên tai hòa lẫn tiếng côn trùng rả rích, thấp thoáng trước mặt một vài con đom đóm sáng lập lòe, lúc ẩn, lúc hiện khiến Ngân Khánh thấy gai gai sợ. Đoạn đường 5 kilômét về nhà phải đi qua một bãi tha ma… Nghĩ đến đây, bất giác Ngân Khánh thấy lo lắng. Cô cố rướn người đạp xe nhanh hơn. Những nấm đất tròn tròn dần dần hiện ra trước mắt, hằng ngày cô vẫn đi làm qua đoạn đường này, mọi vật nơi đây cô đều quen thuộc, vậy sao đêm nay… Bóng đêm nhạt nhòa khiến cô thấy nó khác lạ quá, hoang vu quá…
Kiên gù đứng im sau gốc cây gạo, gã chờ Ngân Khánh trên đường trở về… Lúc nãy đến nhà Ngân Khánh chơi, gã biết hôm nay cô về muộn. Ngồi được một lúc, Kiên gù vội vàng cáo từ ra về với lý do mấy thằng bạn đang chờ rủ đi uống rượu. Hấp tấp bước vội ra cửa, gã sơ ý để chiếc thắt lưng quần vướng vào góc bàn, làm bung mặt chiếc thắt lưng có hình con đại bàng inox rơi xuống đất. Hoàng cúi xuống nhặt lên và tiện tay cài lại luôn cho gã. Kiên gù lúng búng nói lời cảm ơn, cái lưng gù, to bè của gã nhanh chóng khuất sau cánh cổng.
Thật ra, chẳng có ai rủ Kiên gù đi uống rượu, khi biết Ngân Khánh chưa về trong đầu gã đã nhanh chóng vạch ra một kế hoạch…
Ngân Khánh có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt nổi bật bởi đôi mắt màu nâu luôn mở to trông thật ngơ ngác. Cô nổi tiếng là người con gái duyên dáng, dễ thương và là học sinh giỏi nhất trường. Kiên gù thích Ngân Khánh từ lúc cô còn đang là cô bé học sinh lớp 10 và anh thợ Hoàng mới chân ướt, chân ráo đến nhà ông cụ Tứ – bố Ngân Khánh học nghề. Năm Ngân Khánh học lớp 11, ông cụ Tứ đột ngột qua đời do một cơn tai biến não. Nhà chỉ còn một mẹ, một con, gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai gầy của bà cụ Tứ. Xưởng gốm sau một thời gian ngừng hoạt động nay tạm thời giao cho Hoàng trông nom, quản lý. Nhưng sự đời thật oái oăm, đúng vào ngày Ngân Khánh thi tốt nghiệp cấp ba thì đến lượt bà cụ Tứ bị đột quỵ. Rất may, bà được Hoàng đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, nhưng đôi chân bà không còn đi lại bình thường được nữa.
Thật khó tìm được đôi vợ chồng nào hiếm muộn con cái như ông Tứ và bà Huê. Ông bà lấy nhau hơn 20 năm mới sinh được Ngân Khánh. Được cái trời thương ông bà, Ngân Khánh lớn lên ngày càng xinh đẹp, ngoan hiền và học giỏi. Ngày ông mất, bà đã hứa trước vong linh ông phải chăm lo cho Ngân Khánh được học hành đến nơi, đến chốn. Con gái bà tốt nghiệp đạt loại giỏi, 12 năm miệt mài đèn sách của nó đang đứng trước nguy cơ sẽ không có điều kiện học lên cao hơn. Bà đem nỗi khổ tâm của mình tâm sự với Hoàng. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình bà cụ Tứ lúc này, Hoàng động viên bà để cô tiếp tục thi đại học, mọi việc trong gia đình cứ để anh gánh vác.
Ngân Khánh vùi đầu ôn thi đại học. Hoàng tất bật với công việc quản lý xưởng gốm. Một mình anh đảm đương mọi công việc, từ mua nguyên liệu, gia công và chuẩn bị phối liệu, tạo hình, nung, tạo men phủ và chất màu trang trí sản phẩm gốm… đến việc chợ búa bếp núc, anh không cho Ngân Khánh làm bất cứ việc gì để cô chuyên tâm học. Ngân Khánh thi đỗ cả ba trường đại học, Hoàng và bà cụ Tứ vui mừng khôn xiết. Trước ngày Ngân Khánh chuẩn bị nhập trường, cô và Hoàng đã ngồi bên nhau cả đêm bên gốc cây lộc vừng cổ thụ, cô tin tưởng gửi gắm mẹ và mọi việc trong nhà cho anh. Hoàng không nói gì, anh cứ nắm chặt bàn tay bé nhỏ của Ngân Khánh… Cảm nhận hơi ấm từ bàn tay anh, Ngân Khánh hiểu cô và mẹ mình đã nợ anh một món nợ ân tình quá lớn…
Kiên gù cũng yêu Ngân Khánh. Ngôi biệt thự gia đình Kiên gù đang sống chỉ cách nhà Ngân Khánh hơn chục nóc. Gã hơn Ngân Khánh bốn tuổi và là con trai duy nhất của một quan chức cấp tỉnh. Lâu lâu, gã vẫn qua lại nhà cô chơi, thấy Ngân Khánh xinh đẹp, giỏi giang nhưng lại yêu và lấy Hoàng – anh chàng thợ gốm quê ở tận Hà Tĩnh, gã vô cùng hậm hực. Gã yêu nhưng không dám bộc bạch lòng mình. Mỗi lần sang nhà chơi, thấy cô hạnh phúc bên Hoàng, gã ghen phát điên nhưng lại không dám thể hiện.
Đêm nay, bên gốc cây gạo già, gã nôn nao chờ đợi… Con quỷ bệnh hoạn trong gã lúc này háo hức, thèm khát hơn bao giờ hết, thèm khát hơn bội phần những lần trước bởi con mồi đêm nay là Ngân Khánh. Mặc cho muỗi đốt, gã cứ đứng im đó hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác chờ đợi. Cái lưng to bè, gồ ghề của gã in một khối thẫm đen trong bóng đêm. Gã vội vàng tắt điếu thuốc đang hút dở khi nghe thấy tiếng đạp xe cọc cạch hoà lẫn tiếng Ngân Khánh đang khe khẽ hát. Bóng đêm đồng loã với gã, ủng hộ gã. Xung quanh gã lúc này chỉ có tiếng gió hú và tiếng đạp xe của Ngân Khánh đang ngày càng gần…
Ngân Khánh kêu lên thảng thốt khi xe cô bất ngờ va vào ai đó. Cô cuống quýt nói lời xin lỗi. Một âm giọng khàn khàn cất lên:
– Chào em, đang vội quá phải không?
Ngân Khánh tự nhiên cảm thấy bất an:
– Vâng, xin lỗi anh! Trời tối quá, tôi không cố ý…
– Ồ… cô em vội về sao? Để anh kiểm tra xem cô em thế nào đã nhé…
Nói chưa dứt lời gã đã nhanh chóng áp sát cô. Bấy giờ Ngân Khánh mới nhận ra Kiên gù. Hoảng hốt khi nhận ra động cơ của gã, cô lùi lại. Chiếc xe đạp đổ rầm xuống đất, cô ôm chặt chiếc cặp sách trước ngực hoảng hốt kêu lên:
– Anh muốn gì? Tôi vừa dạy học về, không có tiền đâu…
– Em nghĩ anh cần tiền sao? Anh thèm giây phút này đã lâu lắm rồi.
– Anh… anh định làm gì?
– Cô em hãy dành cho anh ít phút… – Nói rồi gã cất tiếng cười khùng khục trong cổ họng và áp sát cô hơn. Ngân Khánh hoảng sợ, cô đã hiểu là hắn muốn gì, cố gắng lùi về phía sau để tránh bàn tay của gã đang vươn tới, bất ngờ Ngân Khánh té ngã khi chân cô vấp phải bờ ruộng. Chưa kịp đứng dậy cô đã bị thân hình nặng nề của gã đè nặng lên mình và ấn cô xuống đất. Quá hoảng sợ và bất lực, Ngân Khánh chỉ còn biết van xin hắn tha cho cô và cố vùng vẫy để thoát ra. Bàn tay gã đàn ông đã giật tung chiếc áo trên người cô. Ngân Khánh dùng hết sức cào cấu, chòi đạp vào hắn. Đang hưng phấn thì bị gặp trở ngại, Kiên gù bực mình giơ tay tát mạnh mấy cái liền vào mặt Ngân Khánh, hai bàn tay gã như hai gọng kìm siết vào cổ cô… Ngân Khánh đuối sức, hai tay cô quờ quạng giơ ra phía trước với hy vọng mong manh sẽ tìm được vật gì đó giúp cô thoát khỏi gã đàn ông. Bàn tay cô chạm phải chiếc thắt lưng quần của gã, một vật bằng kim loại lành lạnh đã thật dễ dàng rơi ra và nằm gọn trong lòng bàn tay Ngân Khánh, bằng tất cả sức lực còn lại cô cầm vật đó tấn công gã. Kiên gù như con thú hoang đang say mồi, bị Ngân Khánh đâm con đại bàng trúng mặt, gã điên tiết rút phắt con dao găm giắt trong người đâm vào người cô sâu lút cán…
Chờ mãi không thấy vợ về, gọi điện thoại cũng không thấy cô nghe máy, Hoàng nóng ruột để con cho bà trông rồi lấy xe đi đón cô. Đi được chừng một cây số, Hoàng giật mình khi thấy xe đạp của vợ nằm chỏng chơ bên vệ đường. Linh tính có chuyện chẳng lành, anh hoảng hốt xuống xe và nhìn quanh, có tiếng kêu yếu ớt phát ra gần đó. Mở cửa xe lấy chiếc đèn pin, Hoàng lao đến… Một cảnh tượng kinh hoàng đập vào mắt, cơ thể Ngân Khánh nằm vắt ngang trên bờ ruộng. Khuôn mặt cô bị đánh tím bầm, sưng húp, dấu vết bị bóp cổ hằn lên đỏ sậm, phía dưới ngực trái là một vết thương đang không ngừng chảy máu. Hoàng khóc nấc lên, anh vội vàng cởi áo của mình băng vết thương cho cô. Ngân Khánh không cựa quậy, người cô mềm rũ trong tay anh.
– Tỉnh dậy đi em, tỉnh dậy đi Khánh ơi, có anh đây rồi.
Hoàng gào lên lay gọi vợ trong đau đớn. Ngân Khánh đã nghe thấy tiếng chồng gọi, nhưng cô không đủ sức để đáp lời anh. Cái vật bằng kim loại vẫn lạnh giá nằm gọn trong lòng bàn tay. Đúng rồi, đây là vật chứng của kẻ đã hãm hại cô. Nỗ lực đến tột cùng, tiếng cô thật khẽ nghe như gió thoảng:
– Anh…
Hoàng mừng rỡ khi thấy cô tỉnh lại:
– Ừ! Anh đây…!
– Anh… vật… này… là… của… hắn… – Tay cô tìm kiếm bàn tay của Hoàng. Hoàng câm lặng không thốt lên được lời nào. Thật khốn nạn, thì ra là nó, nó đâu có xa lạ gì mà nỡ làm điều độc ác, dã man đến vậy với vợ anh? Hoàng nắm chặt trong tay con đại bàng bằng inox, phần sắc nhọn của nó găm vào tay anh rướm máu…
Đêm Phú Sơn, Hoàng ngồi dõi mắt qua ô cửa sổ nhìn ánh trăng bàng bạc đang trải rộng trên các tán lá bàng. Lòng anh nôn nao không ngủ được. Ngày mai, Hoàng được đặc xá tha tù trước thời hạn. Bốn năm trong trại, quãng thời gian với một đời người không dài, nhưng với Hoàng anh cảm thấy như bất tận. Cái chết tức tưởi, thương tâm của Ngân Khánh đã khiến trái tim Hoàng đau đớn tưởng chừng như không gì có thể bù đắp. Đêm định mệnh ấy, Hoàng không kiềm chế được đã vác dao đến ngay nhà Kiên gù thanh toán gã. Ai cũng hiểu, Hoàng đã giết loài sâu bọ độc hại, nhưng dẫu sao như thế cũng là mang tội giết người. Kiên gù đã phải trả giá cho tội ác do hắn gây ra. Còn Hoàng, anh phải chịu mức án bảy năm tù giam. Một bản án giết người cả ba ngành Công an, Kiểm sát, Toà án đã xem xét, vận dụng tối đa các tình tiết giảm nhẹ.
Những tháng đầu mới vào trại, chán chường Hoàng đã đôi lần toan trốn trại. Thật may cho anh, cán bộ quản giáo phụ trách đội phạm nhân K1 là Đại uý Lê Ngân Hà – người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu và là bạn học với vợ anh từ thuở bé. Chị thương Ngân Khánh, thương cu Trọi nên cứ thứ bảy hàng tuần chị lại đưa con trai Khánh vào trại thăm bố. Thấy con trai lần nào vào thăm, mặt mũi cũng sáng sủa, quần áo tươm tất, móng tay, móng chân được cắt tỉa sạch sẽ, Hoàng rất an lòng. Giá trị của tình người lúc khốn cùng đã giúp Hoàng vượt qua được tất cả.
Đang miên man suy nghĩ, Hà chợt giật mình bởi tiếng gõ cửa cộc cộc vang lên, khuôn mặt của Hoàng hiện ra sau cánh cửa, Hoàng dè dặt từ ngoài:
– Thưa…!
– Vâng! Mời anh vào.
Hà kéo ghế để Hoàng ngồi. Chị vừa rót nước vừa quan sát người đàn ông trước mặt, không còn bộ quần áo kẻ soọc trên người nữa, trông Hoàng hôm nay bảnh bao hẳn ra.
Vẫn giữ thái độ dè dặt, giọng Hoàng run run:
– Báo cáo cán bộ, tôi đã làm xong các thủ tục để về…
Vừa nói, tay Hoàng cầm một bọc giấy báo đặt lên mặt bàn uống nước:
– Để cảm ơn sự giúp đỡ… trong mấy năm qua, thay mặt anh em phạm nhân được đặc xá, chúng tôi xin tặng… cán bộ vật này làm kỷ niệm.
Nói xong, Hoàng mở lớp giấy báo ra. Bên trong, là một chiếc bình gốm men đen vẽ hình một bông hoa Thiên Điểu đỏ rực tuyệt đẹp, kèm theo… một bọc quả bàng chín đỏ ối.
Hà cầm chiếc bình gốm lên ngắm nghía:
– Đây có phải là sản phẩm anh đã giấu tôi làm thêm buổi tối không?
Hoàng ngạc nhiên, xen lẫn ngượng ngùng:
– Vâng! Thành thật xin lỗi cán bộ…Tôi muốn cán bộ bất ngờ…
Hà im lặng một lúc không nói gì, người đàn ông này không chỉ là phạm nhân của chị mà còn là chồng của bạn thân chị. Cái cách mà Hoàng ứng xử với chị luôn luôn đúng mực và không bao giờ lạm dụng mối quan hệ giữa vợ anh với chị để làm những việc khiến chị phải bận lòng. Cả cách xưng hô cũng vậy. Ở Hoàng, hội đủ cả ba phẩm chất: cần cù, chịu khó của một người thợ. Đam mê, sáng tạo của một người làm nghệ thuật và tuân thủ nghiêm túc nội quy, kỷ luật Trại giam đối với một phạm nhân. Chợt nhớ Hoàng còn phải ra về, giọng Hà lúc này chùng xuống:
– Tất cả đã qua rồi, mong anh trở về sớm ổn định cuộc sống. Đối với anh em phạm nhân theo anh về lần này, anh em hãy bảo nhau cùng đoàn kết để gây dựng lại xưởng gốm. Thôi… đến giờ xe chạy rồi đấy, anh về đi kẻo mọi người đợi lâu.
Hà đưa tay ra bắt tay Hoàng. Chị bùi ngùi khi thấy đôi mắt Hoàng đã đỏ hoe.
Hoàng đi rồi, ngắm lại căn phòng làm việc của mình, Hà mỉm cười thoả nguyện. Căn phòng đã được Hoàng trang trí thật đẹp bởi các bức tranh gốm mang đậm tích chuyện cổ về nàng Tiên Dung và chàng Chử Đồng Tử, cô gái Thái gội đầu bên dòng suối, người đàn bà để ngực trần cho con bú, chiếc kệ gỗ xinh xắn đặt những chiếc bình gốm thô, bình men rạn giả cổ… Với Hà, giá trị của những tặng phẩm từ đất được nâng lên gấp ngàn lần bởi đó chính là kết quả lao động, cải tạo của đội phạm nhân do chị trực tiếp phụ trách. Biết rõ khả năng của Hoàng, Hà đã mạnh dạn đề xuất cấp trên cấp kinh phí xây dựng xưởng gốm trong trại, đồng thời chị tin tưởng giao cho Hoàng đào tạo tay nghề cho đội phạm nhân. Công việc tiến triển rất thuận lợi.
Hà thấy thư thái, chị nhắm mắt đồng thời ngả lưng ra ghế. Những khuôn mặt phạm nhân lần lượt đi qua ký ức chị như một thước phim quay chậm. Sau mỗi lần phạm nhân hết án ra tù, chị đều nhìn hút theo cái bóng của họ với một tâm trạng vừa hy vọng, vừa lo lắng… Lần này khác hẳn, chị thấy rất vui.
Có tiếng loa ù ù từ phòng hội trường vọng đến, Hà nghiêng tai lắng nghe. Tiếng Trung tá Nam sang sảng vang lên:
Mời đồng chí Lê Ngân Hà ra tiếp nhận phạm nhân.
Truyện ngắn của Mai Kim Anh – Theo CAND Online