Thấy "Nhớ Tô Nhược Châu" của Khổng Huỳnh Phong in trên báo Văn nghệ, mặc dù đã đọc trước đó nhiều lần trên Web Văn nghệ ĐBSCL, tôi vẫn bùi ngùi khi đọc lại.
Hình như thời gian gần đây, các nhà thơ của chúng ta rủ nhau "đi chỗ khác chơi" hăng hái quá.
Từ những thi sĩ tên tuổi như Trần Hoà Bình, Thảo Phương, Cao Vũ Huy Miên… của cả nước đến những nhà thơ “tỉnh nhỏ” nhưng sống chết với thơ như Lý Hà Thao, Tuấn Khanh, Tô Nhược Châu của Bến Tre.
Với tôi, Hà Thao, Tuấn Khanh và cả anh Nhược Châu nữa không phải là bạn chí thiết, nhưng mỗi người đều để lại trong tôi một dấu ấn đặc biệt.
Còn nhớ, ngày TBLS 27/07/2005, Đài Truyền hình Bến Tre có thu chương trình giới thiệu tác giả – tác phẩm thơ của tỉnh. Trước đó, tôi được phân công ngâm minh hoạ một bài thơ của anh Lý Hà Thao. Nhưng đến ngày thu, do sơ xuất của Ban tổ chức, tôi không nhận được lịch thu. Phút cuối cùng, nghe tin trễ quá, tôi đã định không đi, nhưng nghĩ tới nghĩ lui, nếu tôi không đi thì phần giới thiệu anh Lý Hà Thao sẽ bị huỷ bỏ, nên từ Tân Phú, tôi hộc tốc chạy xuống trong tình trạng áo quần chưa thay, tóc tai chưa chải, mặt mũi chưa hoá trang. Có lẽ vì vậy mà anh Thao từ chỗ sơ giao trở nên rất quý tôi sau này. Trước khi ra về, anh dúi vào tay tôi mấy viên kẹo bé tí : “Cám ơn chị, nghe chị ngâm tôi xúc động quá. Hồi chiều đã có ý định mua một bó hoa mang vào tặng chị, nhưng không thấy ai làm vậy. Sợ mọi người cho tôi là dân Bắc kỳ ưa khách sáo nên thôi”. Tôi tỏ ý thông cảm bằng cách giơ tay về phía anh. Anh bắt tay tôi và siết chặt. Lần tiếp theo, tôi gặp anh cách sau đó không lâu. Biết chiều đó tôi sẽ xuống Hội, sau khi cùng nhà nhiếp ảnh Lê Hoàng Dũng đi ăn bún riêu về, anh rủ anh Dũng ghé Văn phòng Hội, có ý gặp tôi (Điều này mãi sau, nghe Mỹ Lệ – cô thư ký Văn phòng Hội – nói, tôi mới biết). Thấy hai anh ngồi ở phòng khách, tôi gật đầu chào rồi vào trong nói chuyện với Lệ. Chờ hồi lâu không thấy tôi ra, mà trời thì sụp tối, anh bước vào trong, giơ tay bắt tay tôi : “Tôi cố ý chờ gặp để chào chị. Tôi chào chị tôi về. Hẹn gặp khi khác”. Cái khi khác ấy vĩnh viễn không bao giờ có nữa. Ba ngày sau, tôi nghe tin anh bị tai nạn giao thông và hôn mê không tỉnh lại được. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn bị ám ảnh mãi bởi suy nghĩ : Cái bắt tay chào ấy là câu chào vĩnh biệt anh dành cho tôi, mà tôi lại vô tình quá!
Nhà thơ Tuấn Khanh lại khác. Anh là người đầu tiên tôi gặp trong cái ngày lơ ngơ đi nhận giải viết cho thiếu nhi của tỉnh năm 2001 (Hồi ấy, đối với Hội Văn nghệ, tôi còn là người ngoại đạo). Thấy tôi ngơ ngác, anh lại bắt chuyện hỏi thăm rồi dẫn tôi đi giới thiệu với anh Kim Ba. Anh Tuấn Khanh gầy và cao liêu xiêu, ăn mặc tềnh toàng, dáng người khắc khổ. Hình ảnh ấy gieo vào lòng tôi nỗi hoài nghi pha lẫn một chút thất vọng (?) khi anh giới thiệu anh là nhà thơ. Vậy nhưng, giữa đám đông xa lạ, tôi cứ lẽo đẽo theo anh vì sự gần gũi, chân thành đến mộc mạc của anh làm tôi cảm thấy yên tâm khi đó. Sau này, rất nhiều dịp tôi và anh gặp gỡ, chuyện trò với nhau, có lần đi thực tế chung mấy ngày mà không hiểu sao tôi vẫn không thân với anh được. Nhưng khi nghe tin anh bệnh rồi mất, tôi vẫn rất xúc động, tiếc thương.
Với anh Tô Nhược Châu, tôi biết "Đã chết nghìn thu tiếng nguyệt cầm" trước khi biết tác giả của nó. Lần đầu gặp anh, không hiểu trí tưởng tượng của tôi phiêu diêu thế nào, lập tức tôi liền nhớ tới nhân vật Tế Điên. Tôi kiểm tra lại trí tưởng tượng của mình bằng cách hỏi thằng con trai 10 tuổi đang bên cạnh : “Con thấy bác kia có quen không?”. Nó quan sát anh một hồi rồi trả lời : “Con thấy quen quen, à ra bác giống Tế Điên” (chính xác là hao hao diễn viên đóng vai Tế Điên chứ ai biết được lão Lý Tu Duyên mặt mũi ra sao). Một bữa, nhân tiện đường, mấy anh trong Hội có hẹn sẽ ghé tạt qua nhà tôi chơi. Khách tới. Tôi từ dưới bếp chạy lên, thấy anh. Càng bất ngờ hơn khi được giới thiệu đó là nhà thơ Tô Nhược Châu. Ngày Phong Hân cưới vợ, sau khi ăn cưới, chúng tôi rủ nhau về thăm anh. Anh bày một cái bàn nhỏ xiêu vẹo ra góc vườn cạnh con mương nhỏ dành cho cánh phụ nữ (thật ra chỉ có tôi và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư). Còn phe nam giới (gồm Vũ Hồng, Cát Hoàng, Khổng Huỳnh Phong… ) chè he hết thảy ra chiếc chiếu rách buôm trước mé hiên… chòi uống rượu với mồi… thơ. Anh hớn hở ra mặt, tỏ vẻ xúc động khi có bạn bè tới thăm. Anh say rất hiền và đằm thắm. Anh mong manh và mềm muột tựa khói sương giữa không gian quạnh quẽ với tài sản duy nhất chỉ có bầu rượu, túi thơ. Đó là cảm nhận rất riêng của tôi về Tô Nhược Châu. Cho tới ngày anh mất, tôi không gặp anh lần nào nữa.
Sau gần bốn năm xa quê, cảm giác hoài hương trong tôi không còn “hung hãn, quýnh quáng” mới mẻ như ngày nào. Nỗi nhớ ấy trở nên đằm thắm, lắng sâu và dai dẳng. Bây giờ, thi thoảng có được những khoảnh khắc thư thả hiếm hoi giữa “chốn phồn hoa đô hội” như thế này, tôi thường lướt qua từng khuôn mặt bạn bè, có mặt người thoáng tuột qua, có mặt người day dắt lại, có mặt người làm lòng tôi chao nghiêng, cũng có mặt người làm trái tim tôi hờn dỗi. Bây giờ, ngồi nhớ về những bạn bè đã khuất, những Lý Hà Thao, Tuấn Khanh, Tô Nhược Châu… Chợt thảng thốt, vậy ra mai mốt về Bến Tre, mình sẽ không bao giờ gặp lại ba người họ nữa sao?
Tôi giật mình nhận ra có giọt nước mắt tôi đang nhỏ xuống bàn phím. Rồi tôi đâm buồn ngang, tôi quay quắt với những ý nghĩ về thân phận con người, về những điều tồn tại phi lý. Lại vừa đọc thấy Trầm Hương viết cho Thảo Phương nhân ngày giỗ đầu của nhà thơ trên hoinhavanvietnam.vn. Rồi lan man nghĩ đến ngày đưa tang hay ngày giỗ đầu của mình vào một cái ngày nào đó chắc chắn sẽ có (mong rằng, nó xa xa một chút, vì mình không phải là nhà thơ, mình vốn tham sống sợ chết, dù sống cũng hổng có gì vui cho lắm). Nghĩ đến một cái ô vuông be bé có viền đen nằm bên góc của trang báo Văn nghệ. Nghĩ đến một ai đó sẽ viết cho mình mấy trang (hơi tham một chút), cảm nhận vô cùng xúc động (có thể là Vũ Hồng, Cát Hoàng… chắc là Khổng Huỳnh Phong vì tay này vốn có năng khiếu về vụ này). Ủa, mà tới chừng đó làm sao mình đọc báo được. Cũng giống như bây giờ mình đang ngồi viết cho Lý, cho Tuấn, cho Tô mà họ đâu có biết. Đó! điều phi lý nằm ở chỗ này đó. Hồi người ta còn sống, thương sao hổng nói ra cho người ta biết, cho người ta sướng cái rần. Còn như có hổng thương cũng nói ra để người ta chiêm nghiệm cho thấu cái lẽ ở đời. Ấy là chưa kể mấy người xấu bụng sống tị nạnh, ganh ghét, đấu đá nhau tá lả, chừng chết cũng bù lu bù loa cho ra vẻ… Lại nhớ câu ba mình hay nói : “Giờ tao còn sống, đứa nào (là mấy đứa con) không làm tao buồn là đứa đó thương tao. Mai mốt tao chết khỏi khóc, khỏi cúng kiến linh đình”. Điều đơn giản vậy mà giờ mình mới nghĩ ra. Chợt nhớ từ hồi biết làm (giống giống) thơ đến giờ, mình toàn viết cho mấy tay đàn ông chuyên làm con tim mình nát tan thê thảm, chớ tính ra mình chưa viết cho ba má mình bài nào. Mai mốt ba má mất rồi viết ra gẫm có ích chi!? Có tiếng ba : “Chị Hai mày xuống coi bàn tính với má ngày mai làm món gì cúng ông Nội. Làm khá khá một chút để mắc công mấy ổng (ý chỉ mấy bác tôi) nói mình bất hiếu”. Hiểu hổng nổi…
Ngô Thị Thu Vân – Theo SCL