Giữa trưa nóng bức, tưới vườn là một cái sướng. Sau khi dùng vòi gương sen phun tưới khắp cây cỏ lá hoa cho ướt rượt, không khí bớt khô, cái nóng dịu xuống ít nhiều, tôi thay gương sen bằng một cái vòng giống như cái bánh xe nhỏ, có nhiều lỗ li ti, được thiết kế sao cho khi đặt giữa bãi cỏ, nó phun lên cao vô số tia nước thành hai vòng tròn rồi rơi xuống như cơn mưa nhẹ. Khi có gió thổi qua, những tia nước bị dạt đi, xiên xiên trong nắng, có khi ánh lên ngũ sắc của cầu vồng. Lúc đó, mình thong dong nằm võng dưới bóng cây anh đào, nhắm mắt lại, không nhìn ngắm, không nghĩ ngợi và cũng không nghe gì cả ngoài tiếng nước rơi trên lá cỏ và tiếng trẻ con cười giỡn xa xa.

Bọn trẻ ở ngôi nhà góc đường. Chỉ có hai đứa, một trai một gái, chừng năm bảy tuổi, mà tiếng hò hét vang động cả ban trưa. Nhà ấy có cái vòi phun nước tự xoay, tia nước bắn ra rất mạnh và xoay vòng. Bọn trẻ ở trần, giỡn tia nước, rượt bắt nhau, cười khanh khách. Trẻ con khoái vọc nước, hồi nhỏ tôi cũng vậy, trời mưa xuống là cỡi trần tắm mưa với bầy trẻ trong xóm. Ký ức tuổi thơ tôi mát rượi làn nước mềm mại hào phóng từ trên trời tuôn xuống. Nước, giống như không khí, ở quanh mình, như lẽ tất nhiên. Ở quê tôi ngày xưa, nước ngầm từ lòng đất trào lên liên tục, chảy tràn trề từ mội nước ra mương. Sau này, người ta phải đóng giếng, càng lúc càng đóng sâu hơn, nhưng vẫn còn nước, chỉ không biết chất lượng nước ngấm qua khu công nghiệp ra sao.

Xứ Bellingham này nằm ở góc Tây Bắc nước Mỹ, gọi là vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, được coi như vùng mưa quanh năm. Mưa nhiều đến nỗi dân địa phương có từ riêng để phân biệt các loại mưa, như có thứ mưa ướt (wet rain), có thứ mưa khô (dry rain). Tuy có hơn 300 ngày trong năm ướt át mờ mịt, nhưng nhờ vậy, nước dồi dào, cây cỏ xanh tươi, tiểu bang Washington mệnh danh là tiểu bang luôn luôn xanh (evergreen). Ở Bellingham, nước được bao tiêu đồng giá, mỗi nhà tháng tháng đóng một số tiền như nhau, bất kể nhà to nhà nhỏ, đông hay ít người, xài bao nhiêu cũng trả ngần đó tiền. Cho nên, dân xứ này quen xài nước thoải mái, nhưng cả năm lạnh lẽo ướt át, xài nước nhiều chỉ tổ tốn tiền điện đun nước nóng. Được mấy ngày hè khô nóng, thiên hạ bèn phun nước xả láng.

Nhớ từng nghe tâm sự của ai đó về nỗi niềm ở đậu nhà con trai khi mới chân ướt chân ráo di cư qua Mỹ. Người đó ở một nơi tiền nước mắc mỏ, xài bao nhiêu trả bấy nhiêu, xài nhiều bị phạt. Người đó lớn tuổi, ban đêm đi tiểu năm bảy lần, cô con dâu bèn bảo : Ba đừng mỗi lần tiểu mỗi lần xả bồn, hao nước lắm, với lại tiếng xả bồn kêu ồ ồ ban đêm nghe rõ to, không ngủ được, để sáng rồi xả luôn một lần. Ông tự ái, đêm nằm thao thức tủi thân, nghỉ lan man càng thêm mắc tiểu, ráng nín đái càng thêm khó ngủ, thấy đời khổ gì đâu, có thằng con trai chỉ biết vợ không biết cha, có đứa con dâu chỉ biết tiền không biết hiếu. Rồi ông sanh bịnh, rồi ông chán xứ Mỹ, thiên đàng tự do gì mà đi tiểu cũng không được xả bồn! Đến khi mướn nhà ở riêng, ông mới thực hiện được quyền tự do vệ sinh của mình; và đến khi hóa đơn tiền nước được gởi tới nhà, ông mới méo mặt, biết cái giá của tự do. Ở đó phải đóng tới hai thứ tiền nước, đều tính theo khối lượng : Nước mình xài và nước mình thải ra, tiền nước thải ra lại cao hơn tiền nước xài.

May phước, xứ Bellingham có một hồ chứa nước rất to là hồ Whatcom. Mùa đông tuyết đọng trên đỉnh những ngọn núi vây quanh, sang xuân tuyết tan từ từ, nước cứ chảy ton ton vào hồ, cộng thêm nước mưa quanh năm. Nỗi lo hàng năm là nước nhiều quá gây lụt lội, chứ đời nào lo hạn hán. Dĩ nhiên, suốt một tháng trời không mưa thì không thể gọi là hạn. Nhưng nóng đến 96 độ F như cuối tháng bảy vừa rồi là chuyện kinh khủng. Báo địa phương đăng chữ to nơi trang nhất : Nhiệt độ hôm nay đã phá kỷ lục nóng nhất ở xứ này kể từ khi có Đài Khí tượng. Tất cả quạt điện, máy lạnh, và các thiết bị hạ nhiệt đều bán sạch ở các cửa hàng địa phương. Và số lượng nước tiêu thụ tăng gấp đôi cùng thời kỳ này năm ngoái. Tin này không khiến ai ngạc nhiên.

Tôi càng thấy mình may mắn và tận hưởng cái thú đưa võng nghe nước phun rào rào trong mảnh vườn nhỏ của mình. Nhưng sao đột nhiên tiếng trẻ con nín bặt, như thể chúng bị bảo im đi hay cút đi. Rồi tiếng nước chảy trong vườn nhà cũng biến mất. Tôi mở mắt ra thấy ông chồng thân chinh đi tắt vòi nước. Ô hay?

Mới mở miệng cự nự thì thấy gương mặt ổng có vẻ nghiêm trọng. Ổng lại đưa ngón tay lên miệng suỵt khẽ và ngoắc tôi vô nhà để nói chuyện có vẻ bí mật lắm. Đó đó, ổng chỉ qua cửa sổ về hướng ngôi nhà ở góc đường, có thấy nhân viên của Sở Công vụ (Public Works) không? Ừ, thì sao? Ông ta đang đi tới những nhà nào mở vòi nước tưới cỏ để phát thông báo rằng Hội đồng thành phố vừa quyết định hôm 30 tháng 7 ban hành việc giới hạn xài nước, từ nay cấm dân cư trong thành phố tưới bãi cỏ hay cây cối, vườn hoa. Ai vi phạm bị phạt 500 đô, tái phạm nhiều lần sẽ bị cúp nước luôn.

Tôi không tin, bèn thay quần áo chỉnh tề, đi qua nhà hàng xóm thăm hỏi. Ở góc đường đang tụ tập ba bốn người từ trong các nhà lân cận bước ra trò chuyện nhân sự cố bọn trẻ con bị cấm vọc nước. Thì ra vụ hạn chế xài nước này có thật, báo có đăng, truyền hình có chiếu, radio có phát. Báo và Đài còn cho cả số điện thoại nóng để dân chúng báo cáo kẻ vi phạm. Gọi đến số điện thoại đó thì chỉ có cái máy trả lời, yêu cầu để lại tin nhắn nặc danh (anonymous message), chẳng hạn : Ở góc đường X và Y hiện giờ đang có trẻ con vọc nước. Người ta không cần biết ai báo cáo, nhưng họ lập tức đến ngay góc đường và vì lần đầu tiên nên họ giải thích, phát tờ thông báo, rồi đi, chứ không phạt. Hú vía! May mà vườn nhà tôi khuất. Nhưng biết đâu được, bất cứ kẻ qua đường hay người hàng xóm nào cũng có thể “mét” chuyện tôi tưới vườn, rồi lại còn để nước phun chơi nữa.

Má của bọn trẻ có vẻ ấm ức lắm. Bà bảo : Cái hồ Whatcom lủng đáy hay sao hả? Ông hàng xóm có đọc báo, bèn giải thích : Thực ra, nước hồ vẫn đầy, nhưng người ta thấy lượng a-ga phát triển quá nhanh quá nhiều khiến gây quan ngại. Người ta đã mời chuyên gia về nghiên cứu, nhưng chưa kết luận được. Hiện giờ có các giả thuyết là thời tiết nóng khiến tảo phát triển mạnh, hoặc lượng phốt pho (do phân bón các bãi cỏ) chảy vào hồ quá nhiều. Trời nóng thì Hội đồng thành phố đâu có làm gì được ông trời, nên xoay ra cấm dân tưới cỏ.

Ba ngày sau khi lệnh cấm ban ra, dân cư bắt đầu ngó sang bãi cỏ nhà hàng xóm, không thắc thỏm tại sao cỏ vườn người ta xanh hơn cỏ vườn mình, mà yên tâm (có phần tự hào) rằng cỏ vườn mình đã héo queo. Tôi không dè thiên hạ chấp hành lệnh nhà nước nghiêm túc dữ vậy. Dĩ nhiên 500 đô tiền phạt không ít, nhưng mấy chục ngàn dân sống nhờ nước một cái hồ, khi nó có dấu hiệu bệnh thì phải cưng nó chứ.

Lý Lan
(Sài Gòn Giải Phóng Thứ bảy)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *