Nhà văn Vương An Ức. Ảnh : eVan |
Úc Tử Hàm (chồng cũ của mẹ Hiểu Thu), Hà Dân Hoa (chị gái Dân Vĩ, người yêu đầu tiên của Hiểu Thu) tuy được đề cập không quá nhiều, từ ngôi thứ ba, nhưng không phải những nhân vật – tính cách khác nhau của cùng một quan niệm miêu tả do nhà văn áp đặt, ví dụ, nhân vật này là tiêu biểu của tham vọng, nhân vật kia là – ví dụ – “nạn nhân” theo lối văn xuôi hiện thực, mà là những tâm trạng, cảm thức khác nhau của những kiểu “cái tôi” bản thể khác nhau về thẩm mỹ, trong đoán định của nhà văn.
Úc Tử Hàm bạc nhược, bị rúng động, yếu đuối và ham muốn bản năng chi phối, trong khi Hà Dân Hoa nông cạn, bị dẫn dắt bởi bản năng đố kỵ, ghen tuông và thói quen mù quáng.
Việc xóa bỏ trung tâm trong miêu tả nhân vật được xem là để tạo ra một sự xa rời đối với lối giải mã văn bản theo ý đồ thống nhất, tìm ra một ý tưởng nghệ thuật duy nhất. Trong Thắm sắc hoa đào không có hình mẫu bi kịch, không có sự phản kháng hay tâm trạng đau thương một chiều. Tất nhiên, việc đưa ra một hình tượng điển hình (ví dụ, cho số phận “cái đẹp”, “người đẹp”) lại càng không.
Đáng chú ý, sự khách quan hóa luôn được duy trì theo sát tiến trình miêu tả nhân vật, luôn có một phiên bản khách thể hóa – hình tượng mà nhân vật “có thể là” qua cái nhìn của thế giới bên ngoài. Thậm chí tính chất “khách thể hóa” còn biến hoá trở thành kiểu thông tin, hình ảnh nhòe mờ, không xác định về nhân vật.
Câu tường thuật trong Thắm sắc hoa đào luôn thể hiện điểm nhìn hai hoặc nhiều chiều, không dừng lại ở việc xác định thông tin duy nhất.
“Về xuất thân của Minh Minh, mỗi người trong cái ngõ này nói một cách khác nhau”, “Mẹ của Minh Minh là diễn viên hài kịch, ai cũng nói thế, nhưng không biết rằng, từ trước đấy rất lâu, bà là diễn viên kịch hiện đại… ”, “Một dạo, mọi người gọi cô là Chu Tuyền, sau lại gọi cô là Bạch Quang, rồi Điền Lệ Lệ.
Cô bắt chước ai cũng giống, nhưng rốt cuộc chỉ là theo đuôi người ta… ”, “Cậu thiếu niên này mặc áo dài xanh, đứng dưới bóng cây lê, đúng là giống một cô gái xinh đẹp”, “Dưới con mắt của nó, tường hai bên hẻm rất cao, cao đến trời”, “Một cô bé đi với mẹ, rất có cảm giác yên bình, nó không nhìn ngang nhìn ngửa, tưởng như xưa nay không quen biết dãy cửa hiệu này… ”, “Trông hai anh em không như người từ một ngôi nhà áp mặt phố bước ra, mà giống như cậu ấm, cô chiêu con nhà tư sản. Mẹ chúng đã soạn sửa cho chúng đúng kiểu con nhà trung lưu, rất đáng yêu.
Nhưng cũng để lộ chút gì đó như khoa trương, đóng kịch”, “Cậu ta quả giống một bà quản gia hà tiện, nhưng tận mắt nhìn cậu làm việc, những ý nghĩ kia lập tức bị xua tan, vì cậu không hoàn toàn giống với người lo toan gạo củi mắm muối linh tinh vụn vặt, mà là đang làm thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, làm những thí nghiệm liên quan đến sự hưng vong của khoa học”…
Tiểu thuyết Trường hận ca đã được dựng thành phim. Ảnh : eVan |
Miêu tả nhan sắc của Hiểu Thu vào tuổi dậy thì, tựa như một giả thiết giải phẫu nhân trắc học khách quan :
“Bước vào tuổi thiếu nữ, do nội tiết hoạt động mạnh mẽ nên khuôn mặt Thu hiện lên những sắc thái khác thường. Có lúc, nó như bao phủ bởi cát bụi, bất ngờ biến thành u ám. Da dẻ căng vỡ. Đường nét các giác quan vốn phức tạp, nay như rối rắm thêm. Đồng tử màu nâu bị bóng tối che khuất, ánh mắt trở nên yếu ớt.
Vào lúc ấy giờ ấy, Hiểu Thu xấu đi, nom thô, khiến mọi người phải bàn tán. Bàn tán đầy ẩn ý, đại khái là, sắc mặt kia nom như đang ẩn chứa bệnh tật bí mật, lại thầm liên hệ tới phẩm hạnh”…
Lối miêu tả ngập đầy các liên tưởng, dịch chuyển nhanh chóng từ góc độ chủ thể sang khách thể, đan xen hai lối trần thuật trong từng câu văn, tạo nên một không gian nghệ thuật đa hướng, xa rời hẳn dòng trần thuật – sự kiện một chiều vốn tạo nên tính chất nhất quán, định hướng (phục vụ một ý tưởng đơn nhất của nhà văn) trong kiểu sáng tác trước – hiện đại phổ biến ở các tác giả Trung Quốc và Việt Nam sung sức đương thời.
Tuy không đắm đuối trong một thứ nhãn quan hiện đại, khuếch trương tối đa đời sống nội giới để thông qua đó phá vỡ hoàn toàn hình ảnh một thế giới khách thể của những khái niệm và luận lý xơ cứng, xây dựng một “thế giới khác” cá biệt, sáng tạo và chủ quan hơn, nhưng nhà văn mới mẻ vào bậc nhất của văn học Hoa ngữ này lại tìm đến một cách thức buông thả đầy lý thú giữa tính chất phóng dật của lối viết hậu – hiện đại với năng lực riêng tư về mặt thẩm mỹ của lối viết hiện đại chưa hề mang lại thành công cho nhiều nhà văn Á Đông cùng thế hệ.
Tính chất nước đôi của hệ thống nhân vật, vừa bình thường, thiên bẩm, vừa dị biệt, gai góc, đặc biệt phù hợp, tiếp biến với lối miêu tả đa chiều, vừa chủ quan vừa khách quan, tạo thành một thế giới nghệ thuật được phi – luận lý hóa tối đa, với vẻ đẹp, sự hài hòa, tự nhiên tính, tính riêng biệt và nhãn quan duy cảm trong từng cá thể cũng như mối quan hệ toàn thể.
Cũng như vậy, đối với bạn đọc thông thường, tiểu thuyết và nhân vật của Vương An Ức trở nên dễ dàng tiếp cận hơn nhiều tác gia phương Tây, mới mẻ hơn những nhà văn Trung Quốc hay Việt Nam hiện thời, bởi nó tràn đầy cảm giác và khoái thú thẩm mỹ, với hành ngôn trong sáng giản dị. Đó là câu chuyện về cái bình thường hàm chứa những điều phi lý và buồn thương đến mức nghẹt thở.
Khánh Phương – TVN