Lê Đại Chúc là một họa sĩ tên tuổi, được nhiều người biết đến. Số lượng tranh của ông, hầu hết là tranh sơn dầu đã lên tới gần 1.000 bức, trong đó có cả trăm bức chân dung. Tôi thực sự bị ấn tượng khi nhìn vào đôi mắt của những người nổi tiếng trong các bức chân dung ông vẽ, nó ám ảnh không nguôi.
Vì thế, cũng dễ hiểu, tranh ông vẽ không chỉ có trong bộ sưu tập cá nhân của nhiều người trong nước và nước ngoài, mà còn được mua, trưng bày ở nhiều khách sạn 5 sao và ở những nơi sang trọng khác, không chỉ ở Việt Nam.
Cuối tháng 8/2008 này, sau nhiều cuộc triển lãm tranh ở trong nước và nước ngoài, Lê Đại Chúc sẽ mở cuộc triển lãm tranh lần thứ 9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, "trình làng" 54 bức tranh sơn dầu khổ lớn ông mới vẽ gần đây.
1. Năm 1992, lần đầu tiên Lê Đại Chúc "trình làng" hội họa bằng cuộc trưng bày 52 bức tranh sơn dầu khổ lớn tại TP Hồ Chí Minh. Lúc triển lãm tranh, ông là chuyên viên tiếng Anh của ngành hàng hải, làm việc tại Công ty Vận tải biển Sài Gòn.
Sự xuất hiện của "tay ngang cầm cọ" Lê Đại Chúc vào thời điểm đó đã trở thành một sự kiện gây bất ngờ cho nhiều họa sĩ, giới phê bình mỹ thuật và những người yêu thích hội họa, trong đó có không ít khách nước ngoài có dịp ghé thăm phòng tranh này.
Không được học bài bản để thành họa sĩ chuyên nghiệp nhưng Lê Đại Chúc thật may mắn là ngay từ nhỏ đã được các họa sĩ bậc thầy trong làng hội họa Việt
Là người giỏi ngoại ngữ, khi làm việc tại Công ty Vận tải biển Sài Gòn, Chúc tìm kiếm nhiều sách nghiên cứu hội họa của các nước bằng tiếng Anh, trong đó có đầy đủ các tập sách viết và in tranh của 130 danh họa nổi tiếng từ thời tiền Phục hưng đến thế kỷ XX.
Điều đó đã giúp cho Chúc có cái nhìn rất mới về hội họa và sau này trong tranh của ông có thể thấy ít nhiều ảnh hưởng về phong cách, trường phái của những họa sĩ lừng danh thế giới, như Picasso, Mattisic,
Có thể nói, đó là "những người thầy đầu tiên" trong đời cầm cọ của Lê Đại Chúc. Ngoài ra, có một người "thầy" khác dạy ông cầm bút vẽ, chính là thiên nhiên và những sắc màu tuyệt vời của nó. Chúc tìm đến màu sắc kỳ ảo của những vân gỗ, vân đá cẩm thạch, màu sắc lạ lùng trên những cánh bướm, trên cả những bức tường loang lổ, trên mình những con cá cảnh, trên nét mặt ưu tư của những bức tượng đình chùa.
Những ngày mới cầm cọ, Chúc ước ao vẽ được màu sắc huyền diệu của thứ ánh sáng buổi sớm lung linh, lung linh ngoài hiên nhà, đôi lúc nghịch ngợm, bỡn cợt ùa vào phòng tranh, loáng qua cả bức tranh đang vẽ dở. Chúc không giấu giếm sự "bắt chước thiên nhiên" trong những bức tranh của mình từ những năm tháng đầu tiên cầm cọ. Mảng tranh của Lê Đại Chúc về biển, về mùa xuân, mùa hạ, về Hải Phòng, Hạ Long, về hoa, về cá và cả về các thiếu nữ… đầy ắp ánh sáng và màu sắc thiên nhiên, khi khỏe khoắn dữ dội, lúc đắm say, mê mải.
Nhiều người còn nhớ bức tranh "Trời và biển" Lê Đại Chúc vẽ năm 1987. 5 năm sau, trước khi đem trưng bày, ông còn sửa lại. Suốt một ngày mải mê, Chúc dùng tới 6 ống sơn để làm "trầm" bớt màu đã vẽ, để bức tranh có hồn hơn. Đó là một con tàu đang vật lộn với bão biển. Trời và biển như gần nhau hơn, hòa nhập vào nhau hơn, dữ dội. Những đám mây đen như những móng vuốt của một con chim khổng lồ muốn quặp chặt lấy con tàu giữa một thiên nhiên bão tố, mờ mịt, song vẫn không che lấp được khoảng sáng huyền ảo của con tàu giữa biển cả mênh mông, dữ tợn…
Sau cuộc triển lãm lần đầu gây được tiếng vang đó hai năm, Lê Đại Chúc từ giã ngành đường biển, chính thức bước chân vào hàng ngũ những người cầm cọ – đúng hơn là cầm "bay" chuyên nghiệp, trở thành một họa sĩ tên tuổi, có tranh được nhiều người trong nước và nước ngoài mua nhiều vào hàng nhất nhì cả nước.
2. Lê Đại Chúc vẽ về tất cả những gì ông yêu, từ gia đình, bè bạn, phong cảnh thiên nhiên với cái nhìn hiện thực giàu chất lãng mạn, đến những suy tưởng về thế giới hiện hữu với những mặt tương phản của nó, vừa gần gũi, thân thiết vừa đầy bất trắc, bí ẩn, ít nhiều mang màu sắc tôn giáo.
Càng về những năm sau này, Lê Đại Chúc càng "ngộ" ra nhiều điều từ sự tự học của ông, tự học trong hội họa, tự học qua sách báo, tự học từ chính cuộc đời từng trải của ông. Tất cả đều được thể hiện qua ánh sáng, màu sắc, bố cục, đường nét trong từng bức tranh.
Vì thế tranh của Lê Đại Chúc khác nhiều so với trước, sâu sắc hơn, chuyên nghiệp hơn, không còn những nét vẽ non kém về kỹ thuật của một "tay ngang cầm cọ" trước đó. Trong tranh của ông bây giờ có những điều rất lạ, mặt trăng trong "Hoa hướng nguyệt" không phải có màu sáng như thường thấy mà lại là màu đen, một màu đen hữu lý theo cách nhìn của họa sĩ.
Ông không vẽ ngựa 4 chân mà lại vẽ ngựa 6 chân, ngựa 7 chân, ngựa 8 chân, cũng như vẽ hai bức tranh về "Đức Phật và cõi trần gian", một bức chỉ có một màu lục duy nhất, bức còn lại màu sắc cực kỳ rực rỡ, rất lạ, có thể gây sốc cho người xem tranh.
Lê Đại Chúc rất không muốn bị xếp vào bất kỳ một phong cách hội họa nào đó, bởi tranh của ông có đủ cả, từ hiện thực đến ấn tượng, từ lãng mạn đến lập thể, từ đạo đến đời… Song, có lẽ mảng tranh mà Lê Đại Chúc luôn cảm thấy hài lòng là mảng tranh ông vẽ hoa và chân dung những người đã gặp.
Riêng về chân dung, Lê Đại Chúc có cả trăm bức, mỗi bức một phong cách thể hiện khác nhau, nhưng tất cả đều lột tả được thần sắc riêng biệt của từng người qua từng đôi mắt. Những đôi mắt trong những bức chân dung ấy như hút hồn người xem, cứ ám ảnh tôi mãi.
Lê Đại Chúc có nhiều bức chân dung tự họa và nhiều hơn là chân dung những người phụ nữ đẹp, như chân dung bà Phạm Lệ Xuân, vợ ông, hay chân dung hai người cháu ruột là nghệ sĩ Lê Vân và nghệ sĩ Lê Vy, chân dung nữ diễn viên nổi tiếng người Anh Sherry Lunghy…
Nhưng tôi thích nhất là những bức chân dung Chúc vẽ cha ông, nhà thơ Lê Đại Thanh và các họa sĩ bậc thầy, đều là bạn của cha ông: Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, nhạc sĩ – họa sĩ Văn Cao… Trong các bức chân dung ấy, đôi mắt như hút hồn, đong đầy bao điều muốn nói.
Bức "Bố tôi – thi sĩ Lê Đại Thanh", Lê Đại Chúc vẽ trên toan khổ 100cm x 80cm chân dung một ông già cao, gầy, comple màu đỏ, caravat đỏ, một tay cầm ba toong, một tay cầm điều thuốc lá rất điệu nghệ, đầu đội mũ phớt, tóc dài trắng xóa, khuôn mặt bình thản, mắt nhìn nghiêng như "phớt sự đời", đã khắc họa đúng tính cách và con người cha ông.
Bởi cha ông, thi sĩ Lê Đại Thanh là một nhân vật nổi tiếng của Hải Phòng, từng là nhà giáo, chơi võ, làm thơ, viết kịch, có giải của Tự Lực văn đoàn; từng tham gia họat động chính trị, từng nhập ngũ và đi kháng chiến, tham gia sáng lập báo Cứu quốc, báo Văn nghệ…; rồi rời biên chế của văn trường để sống và sáng tác như một thi sĩ tự do!
Còn đôi mắt của họa sĩ Bùi Xuân Phái thì mở to, nhìn thẳng, thẳm sâu một nỗi buồn khó tả trong bức chân dung Lê Đại Chúc vẽ về người thầy của mình. Chúc gửi vào bức chân dung này bao tình cảm trân trọng và quý mến người thầy, người họa sĩ tài danh, bạn thân của cha mình.
Hiện Lê Đại Chúc còn giữ đầy đủ từng bức thư ngắn gọn, có khi chỉ là vài dòng, nhưng mỗi bức là kèm một bức tranh khổ nhỏ độc bản mà chỉ có tình cảm thật yêu quý người học trò cũ của mình, họa sĩ Bùi Xuân Phái mới gửi cho Chúc. Với "danh họa thiên tài", như cách gọi của Lê Đại Chúc về họa sĩ Nguyễn Gia Trí, bạn của cha mình, thì đôi mắt của danh họa này trong tranh của Chúc như đang nhìn vào đâu đó, vô định.
Khuôn mặt của họa sĩ Nguyễn Gia Trí buồn, vầng trán và chòm râu sáng trên nền tranh với gam màu chủ đạo là nâu sẫm, có chút phớt hồng như càng làm nỗi buồn có chiều sâu hơn. Chỉ có hiểu thật sâu sắc về người bạn lớn của cha mình, Chúc mới có thể vẽ chân dung của họa sĩ Nguyễn Gia Trí có hồn như thế.
Lê Đại Chúc là người đã có mặt bên họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong những giây phút cuối cùng của ông, là người, sau gia đình của họa sĩ, đã vuốt cho đôi mắt "nhìn như vô định" trong bức chân dung của Chúc vĩnh viễn khép lại vào một ngày buồn cách đây 15 năm tại TP Hồ Chí Minh.
3. Cuộc đời thật cũng lạ. Ít ai biết, người họa sĩ mà tên tuổi đã được nhiều tờ báo trong nước và nước ngoài nhắc tới, "gia tài" đã có gần một ngàn bức tranh, hầu hết là tranh sơn dầu khổ lớn, năm 2007 vừa qua tiền bán tranh đã được hơn 1 tỉ đồng, lại từng có những năm tháng tuổi thơ khó khăn, vất vả, từng là một anh công nhân bốc vác hàng ở Cảng Hải Phòng.
Những năm ấy, cha gặp chuyện "không may", Lê Đại Chúc không được vào đại học, phải đi làm công nhân bốc vác hai năm, sau đó mới được thi vào Trường Trung cấp Hàng hải Hải Phòng, học cùng khóa với nhà văn sau này cũng là một "tay ngang cầm cọ" là Nguyễn Khắc Phục.
Bây giờ, ở ngưỡng tuổi xưa nay hiếm, ông họa sĩ "tỉ phú về tranh" này, sau 30 năm định cư tại TP Hồ Chí Minh đã quay trở về đất Cảng, một mình sống và lặng lẽ vẽ trong ngôi nhà mà cha mẹ ông đã vĩnh viễn ra đi, để lại biết bao kỷ niệm của một thời khó khăn, vất vả nhưng đầy ắp ước mơ nghệ sĩ của ông…
Theo Dương Đức Quảng – CAND Online