Tiểu thuyết gia ăn khách người Nhật vừa có cuộc giao lưu, đọc sách với bạn đọc tại Đại học Berkeley, Mỹ. Ông chia sẻ thói quen viết lách và những sở thích đời thường của mình.

Về những câu hỏi của độc giả: Tôi thường trả lời qua mail và rất thích những câu hỏi ngốc nghếch. Một độc giả gửi mail cho tôi hỏi về loài mực ống. Anh ta hỏi, xúc tu của loài vật này là chân hay tay của chúng? Tôi trả lời: anh hãy kiếm 10 đôi găng tay và 10 đôi tất chân, lần lượt đi vào các xúc tu của chúng rồi đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra”.

Về cảm hứng: Tôi thích quan sát mọi thứ chứ không thích bịa đặt… Tôi không phải người thuộc phái dân tộc chủ nghĩa. Tôi không viết vì đất nước tôi, tôi viết vì nhân dân tôi… Tôi không nghĩ bằng khối óc, tôi thích bàn phím. Tôi nghĩ bằng nhịp ngón tay đưa trên bàn phím. Khi tôi viết, nghĩa là tôi đơn giản đang hưởng một thú vui… Tôi có thể viết về sự tra tấn, lột da người khi người ta đang sống, nhưng tôi viết những điều đó bằng trái tim ấm nóng.

Những thứ ám ảnh: Voi, ghế sofa, tủ lạnh, suối nước, mèo, tai. Đó là những thứ giúp tôi rất nhiều trong quá trình viết lách.

Nhà văn Haruki Murakami. Ảnh: Dailylife.
Nhà văn Haruki Murakami. Ảnh: Dailylife.

Trò chơi video: Viết một câu chuyện cũng như chơi một trò chơi. Bắt đầu bằng một câu hoặc ý tưởng nào đó, tôi lập tức khởi động đôi tay bằng cách nắm bắt những chuyện xảy ra tiếp theo. Tôi vừa là người chơi nhưng đồng thời vừa là người thiết kế game. Cũng giống như là bạn đang chơi cờ một mình vậy. Khi bạn là quân trắng, bạn tuyệt đối không đồng thời nghĩ cả các nước cờ của quân đen. Điều này có thể làm được, nhưng rất khó.

Về những giấc mơ: Tôi sử dụng giấc mơ những khi viết lách. Công việc của một tiểu thuyết gia là mơ khi đang thức. Mơ những giấc mơ cố tình. Còn khi ngủ, anh ta sẽ mơ những thứ thú vị, như là ăn uống hoặc đang vui thú với một người phụ nữ nào đó. Tôi thích những giấc mơ, chúng thật tuyệt.

Về cuốn tiểu thuyết sắp tới: Tôi vừa viết xong vào tuần trước… Câu chuyện được kể từ ngôi thứ ba, từ đầu đến cuối. Tôi thích không gian nghệ thuật này. Tác phẩm có diễn biến rất phức tạp nên cần điểm nhìn bao quát.

Về những bản dịch tác phẩm của tôi: Bản thân tôi cũng là một dịch giả. Tôi tin vào các bản dịch của mình. Nếu tác phẩm đủ sức hấp dẫn, nó sẽ được dịch một cách trung thành. Tôi là một tiểu thuyết gia, không phải nhà ngôn ngữ học. Nếu câu chuyện hấp dẫn, tự nó sẽ cuốn hút dịch giả. Đó là điều rất quan trọng. Tôi rất bối rối khi đọc những tác phẩm của mình bằng tiếng Nhật. Tôi thích những bản dịch tác phẩm của mình bằng tiếng Anh. Bởi vì chúng không phải là chính xác những gì tôi viết. Tôi thường quên mất những gì tôi viết, và khi lật một trang sách dịch, tôi cũng hồi hộp để tìm xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Về cuốn Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh) do tôi dịch sang tiếng Nhật: Đó là một câu chuyện u tối, rất gây xáo độmg lòng người. Năm 17 tuổi, tôi rất thích nó nên đã quyết định dịch bằng được. J.D. Salinger có những ám ảnh rất lớn, gấp 3 lần so với tôi.

Về việc sửa chữa bản thảo: Bản thảo đầu tiên là thứ quan trọng nhất. Tôi phải đọc thật kỹ và chỉnh sửa từng lỗi nhỏ. Khi bắt đầu viết Biên niên ký chim vặn dây cót, tôi viết 1 giờ liền và đột ngột cảm thấy có gì đó không ổn. Thế là tôi bỏ dở cuốn đó và viết cuốn khác – Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời.

Âm nhạc mà tôi thích: Tôi nghe nhạc cổ điển vào sáng sớm, jazz vào tối muộn, rock khi đang lái xe. Tôi thích nhóm Radiohead, REM, Red Hot Chili Peppers, ca sĩ Beck. Nhạc sĩ Thome Yorke là độc giả của tôi, Anh ấy giờ đang ở Tokyo và rất muốn gặp tôi. Nhưng bây giờ tôi lại đang ở đây (Mỹ). Tôi thường hát Yellow Submarine khi đang bơi. Hồi trẻ thì tôi thích Beach Boys. Tôi gặp ca sĩ Brian Wilson của nhóm này khi anh đến Tokyo. Anh ấy rất lạ.

Theo eVan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *