Bàn về Xuân Diệu, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã khẳng định: “Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết”. Vì thế mà không có gì lạ khi Xuân Diệu được gắn với biệt danh “Người tình si” và đó cũng là chủ đề của cuộc tọa đàm vừa diễn ra tại Hà Nội nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của ông.

Người muốn biến thơ thành cuốn “từ điển yêu”

Đó là cách nói của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội dành cho cố nhà thơ Xuân Diệu. Được mệnh danh là “nhà thơ mới nhất trong những nhà Thơ Mới” (Hoài Thanh), Xuân Diệu đã cống hiến cả cuộc đời mình cho đất nước và thơ. Trong các tác phẩm có giá trị của ông trên các địa hạt văn học khác nhau thì ấn tượng sâu đậm nhất, nổi tiếng nhất và được mến mộ nhiều hơn cả là mảng “thơ tình đặc sắc Xuân Diệu” – mảng thơ đã nâng ông lên tầm một trong những nhà thơ lớn và xuất sắc hàng đầu của nền thi ca nước ta. 

 
 Nhà thơ Xuân Diệu.

Bằng hàng trăm bài thơ tình với muôn hình vạn trạng sắc vẻ của tình yêu, Xuân Diệu muốn biến thơ mình thành một cuốn từ điển yêu. Theo nhà phê bình Lưu Khánh Thơ, thành công nổi bật nhất của Xuân Diệu là đã thể hiện được xuất sắc cái tôi ở tình yêu: tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống trong suốt nửa thế kỷ cầm bút của mình. Sống theo Xuân Diệu là tận hưởng mọi lạc thú ở đời, trong đó tình yêu là lạc thú cao nhất, viên mãn nhất, song lại thường là mong manh nhất, bất trắc nhất. Trước đây, ta hay chỉ hiểu một phía của sự thụ hưởng lạc thú cuộc sống trong thơ Xuân Diệu nên có lúc, có nơi ông đã bị hiểu nhầm, bị chê trách. Nhưng giờ đây, càng có thời gian để nghiền ngẫm cuốn từ điển yêu của ông, ta càng hiểu ông hơn và trân trọng ông hơn ở lòng khát sống, khát yêu đến cuống quít, vội vã…

Và những chuyện bây giờ mới kể

Tại buổi tọa đàm, các nhà thơ, nhà phê bình văn học phát hiện nhiều điều lý thú về cuộc đời Xuân Diệu, những chuyện rất riêng về ông.

Là con người sống thật, nhưng cái thật của Xuân Diệu nhiều khi còn đến mức vụng về, khiến người khác thương cảm. Nhà thơ Chử Văn Long kể: Xuân Diệu có tính hay khoe, một cái khoe hồn nhiên đến đáng yêu. Viết được bài thơ mới – khoe; đi uống nước mía không phải trả tiền – khoe; đọc xong một bài thơ mới làm thường tự khen: “Hay đấy chứ!”… Ấy thế mà người nghe lại không thấy chướng tai. Ai tốt với mình đều nhớ và có gì tặng lại, ai tệ bạc với mình thì quên, không trả thù. Nhưng điều không ai ngờ đến là một tên tuổi như Xuân Diệu, viết nhiều như Xuân Diệu lại hay được mời đi nói chuyện thơ như Xuân mà có lúc phải ngồi vá áo may ô!

Nhiều người chỉ biết đến Xuân Diệu là một nhà thơ tình với những đắm đuối thi ca, luôn được chào đón, hướng tới đại chúng mà không biết ông là người cô đơn tới mức nào, thiếu những niềm vui đời thường của một mái ấm gia đình có bàn tay phụ nữ. Người phụ nữ duy nhất trong cuộc đời Xuân Diệu cũng chỉ sống cùng với ông vẻn vẹn có 6 tháng. Nhưng phải chăng, chính cuộc sống cô đơn ấy đã hun đúc nên những vần thơ khát khao yêu thương, khát khao sống cháy bỏng của ông!? “Xin hãy cho tôi được giã từ… /Vẫy chào cõi thực để vào hư/ Trong hơi thở cuối dâng trời đất/ Cũng vẫn si tình đến ngất ngư…” (Không đề). Bài thơ là bản tổng kết cuộc đời của nhà thơ và cũng là bản di chúc của ông dành cho người thơ, người đời. Xuân Diệu di chúc lòng yêu, di chúc tình yêu bởi với ông, có tình yêu thì con người sẽ biết sống, biết làm thơ, biết sáng tạo.

Hoàng Linh – Theo Thể thao và Văn hóa
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *