Tác giả "Nằm vạ" nhớ lại: "Tôi được Nguyễn Huy Tưởng tiếp cởi mở, thân tình, trong tình cảm cách mạng mới mẻ và đằm thắm. Gương mặt anh (mà có ai đã ví là mặt Phật) với nụ cười lặng lẽ trong khuôn miệng rộng, tạo ngay một luồng giao cảm chân thành lưu ấn tượng lâu bền về sau"…
Nhà văn Bùi Hiển. |
Như tôi được biết qua nhật ký của cha mình, bấy giờ ông luôn canh cánh việc sáng tác. Ngay trên Tiên phong số 1 ra công khai không lâu sau cách mạng, ông đã có truyện ngắn "Một phút yếu đuối", viết trong những ngày tiền khởi nghĩa. Và liên tục trên các số báo tiếp theo, cha tôi viết hàng loạt bài thuộc nhiều thể loại: truyện, ký, tiểu luận, cho đến một mẩu tin, một bài dịch thuật, ông cũng không nề hà. Mặc dù vẫn coi đó chỉ là những đóng góp cho tờ báo hơn là công việc sáng tác văn học, ông luôn băn khoăn không biết công chúng đón nhận những bài viết của mình ra sao? Thế nào mà ở đâu đó người ta soạn vở kịch theo truyện ngắn "Một phút yếu đuối" của cha tôi (nói theo ngôn ngữ bây giờ là "chuyển thể").
Nhà văn Bùi Hiển biết chuyện này, và chính bác là người báo cho cha tôi tin vui đó. Trái với dáng vẻ điềm đạm cố hữu của mình, bác không nói một cách chân phương, giản tiện, rằng người ta thích cái truyện ấy của cha tôi hay một điều gì tương tự, mà bác, chắc là vừa cười rất tươi vừa từ tốn bảo rằng: "Người ta yêu kịch Nguyễn Huy Tưởng đến nỗi người ta soạn cả kịch theo Một phút yếu đuối", như cha tôi đã ghi lại trong nhật ký ngày 14/10/1946.
*
* *
Những năm kháng chiến chống Pháp, nhà văn Bùi Hiển và cha tôi mỗi người một nơi: cha tôi ở cơ quan Hội Văn nghệ Việt Nam đóng ở Việt Bắc, bác Bùi Hiển ở miền Trung, khi thì ở chiến khu Thừa Thiên, khi ra làm việc ở Chi hội Văn nghệ Liên khu. Một lần, bác nhận được thư của cha tôi, rủ bác ra Việt Bắc làm việc: "Bùi Hiển sẽ có dịp đi nhiều, trên một địa bàn rộng lớn, tha hồ viết, chúng mình sẽ chung sức làm một cái gì cho văn học" (tôi nhấn mạnh – NHTh).
Có thể do hoàn cảnh riêng hoặc theo sự phân công của tổ chức, nhà văn đã không thực hiện được lời mời đó. Nhưng làm thì Bùi Hiển vẫn làm, cho kháng chiến, cho văn học.
Hòa bình lập lại, cha tôi về tiếp quản Thủ đô, nhà văn Bùi Hiển cũng rời vùng đất miền Trung ra Hà Nội. Từ đây, hai ông có nhiều dịp gặp nhau trong công tác cũng như trong cuộc sống thường nhật. Bác Bùi Hiển vẫn hay quan tâm đến cha tôi. Khi thì ông mua cho bạn một lọ mực, một cử chỉ tuy nhỏ nhưng không khỏi khiến cha tôi ghi lại trong nhật ký: "Hiển vừa viết xong truyện ngắn. Mua cho một lọ mực. Quí tình bạn" (19/2/1959). Khi thì bác góp ý với cha tôi về việc sáng tác. Cuối năm 1959, cha tôi có cho trích đăng báo mấy đoạn bản thảo đang viết dở, không rõ là từ tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” hay truyện dài “Bốn năm sau”. Nhà văn Bùi Hiển có đọc mấy đoạn trích đó. Hẳn là ông không thích, nên đã nhận xét rất thẳng thắn, nhưng cũng thật khéo léo, rằng mấy đoạn trích ấy viết vội. Chỉ thế thôi cũng đủ để cha tôi cảnh giác với mình, thậm chí còn tự trách mình thậm tệ: "Đứng về phương diện viết, chẳng có cái gì đặc sắc. Văn dễ dãi. Bùi Hiển nói mấy đoạn trích viết vội. Khi người ta nói anh viết vội, có nghĩa là anh viết tồi" (nhật ký ngày 6/11/1959).
*
* *
Quan hệ giữa bác Bùi Hiển với cha tôi thường là thuận, nhưng cũng có một đôi lần xảy ra trục trặc, như chính tác giả "Cái bóng cọc" về sau này ghi lại trong một bài viết về cha tôi nhân cuộc hội thảo về người, do Viện Văn học và Hội Nhà văn tổ chức, tháng 5/1992. Đó là một cuộc hội thảo khoa học, như trong tiêu đề đã nói rõ, nên ban tổ chức chủ yếu mời các nhà nghiên cứu, phê bình văn học tham gia tham luận.
Thực tế là các nhà văn nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung không có viết bài hoặc đến dự, trừ những người trong ban tổ chức. Dẫu sao mặc lòng, nhà văn Bùi Hiển đã có một bài viết về cha tôi, thậm chí còn đến hội thảo đọc tham luận – tham luận duy nhất của một nhà văn đồng thời với cha tôi. Trong bài viết có cái tên giản dị Tưởng và tôi, bác kể lại nhiều chuyện vui buồn về cha tôi, trong đó có cái lần trục trặc trong quan hệ giữa hai ông.
Cuối năm 1959, cha tôi nhận phụ trách một trại sáng tác cho các nhà văn trẻ. Trong số các cây bút mới, ông quan tâm đến một truyện ngắn của một nhà văn nữ. Có lẽ nó cũng chẳng hay lắm đâu, nhưng theo ông thì "truyện ấy được, có phần hơn nhiều những truyện đăng trên báo". Nhà văn Bùi Hiển, bấy giờ là Tổ trưởng tổ Văn báo Văn nghệ lại cho rằng truyện ấy "xoàng, không thể đăng được". Thế là giữa hai ông xảy ra xích mích, cha tôi thậm chí còn nghĩ bạn "bảo thủ ý kiến lạ lùng" (nhật ký 11/3/1960).
Chuyện chỉ có thế, thế nhưng nhà văn Bùi Hiển vẫn thấy cần nói lại cho rõ câu chuyện, và có thể đó là một lý do khiến ông viết bài về cha tôi như trên đã nói. Nhà văn có kể rằng, vì nể cha tôi, sau đó bác đã cho đăng cái truyện ngắn ấy. Truyện không gây được dư âm, và cha tôi cũng đã nhận ra điều đó. Ít lâu sau, ông chủ động thừa nhận với bạn, một cách rất lịch lãm như nhà văn Bùi Hiển đã thuật lại không kém phần tế nhị: "Anh nói xa xôi: "Văn chương nghệ thuật quả thật là khó". Và dẫn câu Kinh Thánh: "Nhiều kẻ được gọi đến, ít kẻ được chọn lựa".
*
* *
Sau khi cha tôi qua đời, nhà văn Bùi Hiển mỗi khi có sách ra vẫn nhớ tặng mẹ tôi và gia đình. Từ các tập truyện ngắn “Những tiếng hát hậu phương” (1970), “Hoa và thép” (1972), truyện ký “Một cuộc đời” (1976) cho đến “Tuyển tập Bùi Hiển” (1987)… hầu như cuốn nào gia đình chúng tôi cũng được bác tặng cả.
Khác với nhà văn Nguyễn Tuân hay nhà văn Nguyên Hồng thường viết lời đề tặng với nhiều phóng túng, từ ý tứ đến cách thể hiện, nhà văn Bùi Hiển bao giờ cũng rất chân phương, kiệm lời. Thường bác chỉ viết "Tặng chị Nguyễn Huy Tưởng", nếu có viết hơn cũng chỉ thêm chữ "Thân" ở đằng trước hoặc mấy chữ "và các cháu" ở phía sau. Nhưng tôi luôn đọc được đằng sau mấy chữ giản dị ấy tấm lòng chu đáo, thủy chung trước sau như nhất của bác đối với cha mẹ mình. Và tôi hiểu rằng, không phải vô cớ bác đã có mặt tại cuộc hội thảo về cha tôi năm 1992, nhân 80 năm ngày sinh của người.
Không phải vô cớ bác đã đọc bài “Tưởng và tôi” ở cuộc hội thảo. Không phải vô cớ mà trong bài viết ấy bác có nhắc đến lời cha tôi trong lá thư ngày nào gửi từ Việt Bắc, hẹn với bác "chung sức làm một cái gì cho văn học". Những gì nhà văn Bùi Hiển làm được cho văn học Việt , chúng ta đều quá rõ. Ở bài viết này, tôi chỉ muốn nói thêm điều cảm nhận được của mình từ tình bạn của bác đối với cha tôi: Làm cái gì cho văn học còn có nghĩa làm cái gì đó cho nhau, cho những người làm công tác văn học…
* Tác giả bài viết là con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Theo Nguyễn Huy Thắng – CAND Online