Đón cơn bão số 1 năm 2010, người đâu biến mất hết. Đường phố rộng, thưa thớt như mùng một tết.

Siêu thị, chợ lớn, chợ nhỏ, trống vắng người mua vì thực phẩm cạn sạch từ hôm trước. Những cửa hàng dọc phố đóng cửa. Những chiếc ôtô tìm chỗ cao để gửi. Tin nhắn điện thoại, email viết vội, nhắc người thân hạn chế ra đường. Thiếu mỗi tiếng loa treo đâu đó đầu đường, cuối xóm trên những cái cột điện, nhắc mọi người “Đồng bào chú ý. Đồng bào chú ý. Máy bay địch đang đến… đề nghị tất cả già trẻ gái trai xuống hầm trú ẩn” là quay về đúng với ngày xưa.

Minh hoạ: H.N

Hôm nay, một cơn bão đến, như một trận bom.

Vùi dập, tai hoạ, rủi ro.

Điện sẽ truyền qua nước nên có thể chết ngay khi ở trong nhà mình. Ra đường có khả năng rơi vào hố ga, vũng sâu do đường làm vội, chỉ đợi mưa để mọc vô vàn hố thẳm.

Mưa xối từ trời. Nước dâng từ cống. Đã không biết thoát đi đâu, lại còn bổ sung khối thứ giết người khác. Còi hơi ôtô khiến cả nhà dạo phố giật mình ngã lăn vào gầm xe. Buồng ATM quyến rũ vì chuyên nhả tiền cũng giết được người vì rò điện. Em bé chết trong trường tư thục không đạt chất lượng… Mạng người xứ này mỏng. Một ngày, số người chết do tai nạn giao thông, do băng nhóm xã hội đen xử nhau, do thù vặt cá nhân lên đến vài chục. Xác người giắt gầm cầu, trong xó vườn, mất đầu, mất tay mất chân, cuối sông đầu bãi, cứ như đang nghe một khúc Da vàng mà Trịnh Công Sơn viết thời chiến tranh.

Nhưng đây đang là thời bình kia mà.

*

Bão, mưa là chuyện của trời.

Bão mưa đã có từ nghìn đời nay. Và bão mưa không phải đặc sản của riêng đất này để có thể tự hào trước thế giới như món phở.

Nhưng bão mưa của mùa hè 2010 khác xa bão mưa những ngày xưa. Xưa, gió vẫn giật, nước vẫn cứ thế ào ào trút xuống. Có khác, ấy là khả năng dự báo thời tiết đã tiến bộ hơn. Ai không tin dự báo của ta, có thể tìm xem những dự báo nước ngoài vừa chuyên môn vừa tình cảm biếu không trên internet.

Một đời sống hiện đại. Phương tiện hoàn hảo. Thế sao lại nhiều tai ương, và người lại co ro hơn xưa?

Nghe đến bão, đến mưa, là hoảng loạn. Sẽ là ngập trắng đường trắng lối. Không biết sẽ rơi xuống hố, ổ gà nào. Không biết sẽ bị dây điện phố nào rủ toòng teng lâu nay quấn cổ phận mỏng. Nhưng chắc chắn biết là sẽ bì bõm sống trong rác, nước thải âm thầm đâu đó chỉ đợi mưa hơi to, gió hơi lớn là như đoàn quân từ lòng đất đội cống mà lên.

Xưa nghe tin bão, mọi nhà cũng tích trữ can dầu, bơ gạo, túi lạc, vại dưa. Bão đến, nhưng thong dong, chẳng thấy hoang mang. Nay, siêu thị, chợ to chợ bé mọc như nấm sao vẫn thiếu đồ ăn, rau xanh trước bão. Xưa, đường phố nhỏ, trong mưa vẫn nhiều dáng người đạp xe liêu xiêu ngược gió. Nay, bão mưa xa xa chưa về, đường hoe hoắt vắng. Thành phố lặng ngắt như chui xuống hầm trú ẩn tránh bom. Xưa, Hà Nội nghèo, đường phố bé, nhà thấp mái lô xô. Bão mưa về, như tắm rửa cho vạn vật xanh mướt mát. Năm 1985, nước ngập mênh mông gần hết tầng một khu nhà tập thể năm tầng Kim Liên, trẻ con làm thuyền thả, tiếng cười vỡ trong tiếng sóng. Nay Hà Nội giàu, nhà cao tầng bóng kính như ở nơi trời Tây, ôtô đỗ kin kít che hết biển chỉ tên những con phố. Mưa về, ôtô trôi như thuyền giấy. Trẻ con người lớn lẩy bẩy trong nhà.

Bão ngày xưa. Bão ngày nay. Bão vẫn là bão. Mưa vẫn là mưa.

Có chăng, phận người ngày càng mỏng.

*

Bão tan. Mưa dứt. Không có tàn phá nào như dự đoán.

Mưa cũng không lớn như dự đoán.

Ấy là nhờ chuẩn bị phòng chống tốt. Đương nhiên rồi. Và, đường phố lại đông. Ai cũng mừng. May quá. Ta còn nguyên. Người thân của ta vẫn toàn thây sau trận bão tử tế. Quét qua nhanh, biến đi nhanh, mà ít tổn thất.

Nhưng vẫn chưa hết sợ. Thêm một lần bão qua, là một lần cắt sâu tâm can đề phòng bất trắc. Phấn đấu một đời, làm thật nhiều để có mọi thứ cũng chẳng thoát lo toan. Bởi bên ngoài cửa nhà mình, tai ương luôn rình đợi.

Một ngày sau cơn bão Côn Sơn

Theo Nguyễn Thị Thu Huệ – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *