"Hoa bần nở tím màu thương nhớ – tím con sông rạch bãi cồn. Dù cho năm tháng đi qua. Dù cho nắng táp mưa sa. Biển khơi sóng vỗ dập dồn, thủy chung bám mãi giữ cồn, giữ cho đời thơm ngát hương quê… ".

Hồi nhỏ, tôi thường nghe người ta hát vậy thôi chứ có biết hay ho thế nào đâu. Đã vậy, tía tôi còn đốn hết mấy cây bần mọc cặp mé sông.

Tía nói, bần là bần hàn, bần cùng cơ cực, trước cửa nhà có bần thì làm ăn sao khấm khá nổi. Còn bần mọc chỗ khác như sau nhà, bãi bồi… thì tía nói kệ nó, không ăn thua tới mình. Đối với bọn trẻ chúng tôi chẳng quan tâm gì chuyện đó. Có điều, mỗi khi thèm ăn trái bần hay má cần nấu canh chua hoặc làm nước mắm thì không phải ra trước cửa nhà là có!

Hồi nhỏ, chúng tôi hay rủ nhau đi hái trái bần ăn với muối ớt, muối tiêu hoặc mắm đồng. Trái bần tròn như trái quýt nhưng dẹp hơn, màu xanh rất đậm đà. Vỏ bần mỏng, bóng lưỡng, bên trong đầy những hột cỡ hột mè nằm liền kề nhau. Trái bần còn sống ăn có vị chát, khi chín hơi chua, ngòn ngọt và tỏa ra mùi thơm đặc trưng đến quyến rũ. Bần chín quanh năm suốt tháng, nhất là độ khoảng tháng tư đến tháng mười âm lịch, bần chín rụng trôi đầy mặt sông. Mỗi lần tía đi cắm câu có cá lóc bự, má kêu tôi đi kiếm vài trái bần về làm nước mắm. "Cá lóc nướng trui chấm nước mắm bần là khỏi chê, thấy mình cỡ chúa Nguyễn đó chớ!". Tía thường nhậu và khen như vậy. Sau này, tía mới kể là nghe đồn, lúc chúa Nguyễn Ánh chạy trốn nghĩa quân Tây Sơn vào lánh nạn ở các nhánh sông, cửa rạch vùng Cửu Long, người dân đã dâng lên cho chúa ăn món cơm nguội với mắm cá chốt chấm bần chua. Chúa ăn khen nức khen nở loại trái dân dã, hoang vu mà ngon đến lạ kỳ. Như để trả ơn, Chúa đã ban thưởng cho bần cái tên khá mĩ miều là Thủy Liễu (không phải xã Thủy Liễu thuộc huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đâu nghen!).

Cũng hồi nhỏ, tụi tôi vẫn thường chơi trò cô dâu – chú rể. Tụi tôi chặt lá dừa làm mái nhà, lấy lá chuối làm vách như một… tổ uyên ương. Bọn con trai leo lên hái bông bần để cài lên tóc tụi con gái. Bông bần có vô số cánh tròn như tăm tre, trắng nõn nà; phần "ngọn" có hạt phấn long lanh, phần "gốc" phơn phớt tím, gần đài đỏ au, tiểu nhụy tím rịm… Tất cả được bao bọc bảo vệ bởi những cánh búp xanh thắm, cứng nhưng dễ gãy, tua tủa như sao biển. Một lần, chúng tôi leo lên cây bần hái bông thì bị… bầy ong lá rượt. Đang ở trên cây không có đường chạy đành nhảy ùm xuống sông, vừa ngoi lên thì bị chúng chích mấy mũi vô đầu, nhức quá, khóc hu hu. Từ đó, má cấm tiệt không được leo bần! Nhiều lúc thèm ăn trái bần nhưng sợ má đánh đòn, đi chợ kiếm mua không thấy ai bán hết, hỏi má thì má nói : "Từ xưa tới giờ, không ai đem bần đi bán đâu, con!"…

Mang ký ức tuổi thơ hồn nhiên dong ruổi khắp miền khắp chốn, rày đây mai đó, lắm lúc ăn lẩu chua nấu bằng giấm, trái me, trái xoài, trái giác, trái sấu… chợt nhớ trái bần chảy cả nước miếng. Có lần xách giỏ ra chợ, hỏi chị bán rau cải, chị cười : "Em không biết trái bần đâu!". Nghe chị nói mà thấy thương quá loài cây hoang dại mọc tự nhiên hoặc được trồng ở cồn bãi ven sông, ven biển để phòng hộ xoáy mòn, cũng là chống sạt lở nơi đầu ghềnh, cuối bãi! Thương biết bao loài cây dân dã với lớp vỏ bọc xù xì xấu xí mà rễ cứ vươn lên bùn non giữ chặt thân vượt qua mưa nắng thời gian!…

Lần nào có dịp về quê, tôi cũng được thưởng thức món canh chua bần, nước mắm bần như thuở nào. Lúc trở lại thành phố, muốn ăn tìm đỏ con mắt nhưng không chỗ nào bán hết. Mới đây, nghe đồn bà Tư Cúc ở Trà Vinh đã "nghiên cứu, chế biến" được bột bần, mứt bần, kẹo bần… tung ra thị trường, tạo thành thương hiệu khá đắt khách. Chủ yếu người ở tỉnh, thành phố mua về để làm quà hay đãi bạn bè, một sản phẩm dân dã tưởng bỏ đi nay bỗng nghiễm nhiên trở thành… đặc sản! Bởi lẽ, trái bần hoàn toàn sạch, không hề nhiễm bất cứ hóa chất nào và được xác nhận nó còn có tác dụng ổn định đường huyết, lợi cho tim mạch. Mặt khác, các loại bột bần, mứt bần, kẹo bần được đựng trong keo, hũ, đảm bảo vệ sinh, giá thành chỉ 15.000/ 250gram, thời gian sử dụng từ 15 – 20 ngày, đặc biệt là lạ miệng, ăn một lần chẳng dễ gì quên hương vị thanh tao nơi đầu lưỡi! Và nữa, cây bần có độ tuổi mười năm có thể cho khoảng một tấn trái; và với bạt ngàn bờ bãi, cồn ốc, đê hộ… ở vùng châu thổ Cửu Long thì nguồn nguyên liệu này biết bao giờ mới cạn kiệt được chứ! Còn nhớ, cách đây không lâu, tôi đã được uống rượu bần bên cù lao Tân Lộc (Thành phố Cần Thơ) do người dân bản địa chế biến. Một lần thôi, vậy mà mãi đến bây giờ vẫn nhớ mãi dư vị chua chua, ngòn ngọt, cay nồng được chiết xuất từ loại trái cây hoang dại ấy.

Bây giờ nếu tía tôi còn sống thì có lẽ tía không tin rằng thứ trái mà ai cũng nghĩ rằng sẽ mang lại sự bần hàn, cơ cực trong cuộc mưu sinh giờ đã… lên đời, đã có mặt ngày càng nhiều trong bữa cơm của mọi người từ nông thôn đến thành thị. Dĩ nhiên, nó cũng sẽ giúp cho thu nhập kinh tế nhiều gia đình ở quê tôi thay đổi, phát triển thêm lên!

Có điều, người ta không bao giờ gọi nó cái tên mĩ miều mà chúa Nguyễn đã ban tặng là "bột Thủy Liễu", "mứt Thủy Liễu", "kẹo Thủy Liễu" hay "rượu Thủy Liễu"… và gì gì nữa. Bởi lẽ, cái tên "cúng cơm" của nó là "bần" đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân vùng sông nước Cửu Long, vì vậy nên cứ gọi "bần".

Ừ, thì là "bần". Chỉ đơn giản vậy thôi!

Hồ Kiên Giang – SCL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *