Đây là lần đầu tiên ở Việt ta có một hoạt động mang tính xã hội như thế để tưởng nhớ một trong những thi sĩ cực kỳ có bản sắc của thời Thơ Mới. Ra đi từ lúc tuổi còn rất trẻ, sinh thời, Nguyễn Nhược Pháp mới chỉ cho xuất bản duy nhất một tập thơ "Ngày xưa" (in năm 1935) với đúng 10 bài thơ và một kịch bản "Người học vẽ" (in năm 1936). Nguyễn Nhược Pháp cũng đã viết khá nhiều truyện ngắn. Gần đây cháu nội của cụ Nguyễn Văn Vĩnh là ông Nguyễn Lân Bình đã tìm thấy 10 bài phê bình văn học nghệ thuật của Nguyễn Nhược Pháp, viết bằng tiếng Pháp và in trên báo Pháp ngữ  "L’ Annam Nouveau"… Ông Bình cũng đã tìm được bài thơ viếng Nguyễn Nhược Pháp của thi sĩ Nguyễn Bính…

Danh nhân văn hóa Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914 – 1938).

Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp sinh ngày 12/12/1914 ở Hà Nội. Cha chàng là một trong những học giả có lẽ là vạm vỡ vào loại hàng đầu nước ta trong thế kỷ XX, nhà văn, nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), quê ở làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội.

Nguyễn Nhược Pháp là con trai duy nhất của học giả Nguyễn Văn Vĩnh với người vợ thứ hai (cụ Vĩnh có cả thảy ba người vợ). Năm Nguyễn Nhược Pháp lên hai, mẹ chàng vì đau đớn bởi chồng muốn cưới vợ ba nên đã tự vẫn. Thế là Nguyễn Nhược Pháp phải mồ côi mẹ từ đó…

Sống với một người cha tính tình có lẽ là phóng túng, cậu bé mồ côi mẹ Nguyễn Nhược Pháp mặc dù được chăm lo về vật chất nhưng chắc là trong thẳm sâu tâm hồn chàng luôn có một nỗi trống vắng nào đó. Chàng được cha cho ăn học đàng hoàng, đậu tú tài rồi vào Trường Cao đẳng Luật khoa. Tuy nhiên, giống như cha, chàng không thích đi làm quan mà chỉ mê mải văn thơ báo chí mà quên đi những bần hàn đời thực…

Trong bài thơ "Căn gác nhỏ" mà một người bạn của thi sĩ là ông Bùi Khánh Đảm còn giữ lại được và cho in trên tạp chí Bách Khoa xuất bản ở Sài Gòn năm 1960, sau này nhà thơ Ngô Thế Oanh đã sưu tầm lại được và cho in trên website Thivien, Nguyễn Nhược Pháp đã ghi lại tâm trạng và hoàn cảnh sống, sáng tác của chàng cùng bè bạn như sau:

"Ngõ hẻm bùn rêu đầu gác nhỏ

Văn nhân tài tử mươi lăm người

Ngọn đèn suốt canh thâu lấp ló

Văn nhân lên ở cao gần trời

Trên không vui trong đời mộng tưởng

Viết nhiều, áo họ lòi khuỷu tay

Bờm tóc như bòng bong ngất ngưởng

Khi nào họ gật đầu khen: hay

Thường khách tài hoa mê nàng Đẹp

Thay cơm bằng hai xu phở bò

Có khi óc đầy nhưng bụng lép

Thu chăn đành ngủ dài cho no

Rồi họ mê đời yêu họ quá

Tri âm là muôn ngàn tim thơ

Rồi mơ đến Bồng Lai cảnh lạ

Song vào Đông Hưng Viên đang chờ

Bừng mắt thì thầm mưa tí tách

Gió thổi làn mây bay ơ hờ

Sờ bụng không cơm, chìa khuỷu rách

Nhìn trời họ nhẩm mấy vần thơ"

Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã viết khá nhiều cho các tờ L’ Annam Nouveau, Tinh Hoa, Đông Dương tạp chí…

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh là một người cao lớn, bệ vệ, nhưng Nguyễn Nhược Pháp chỉ cao có 1,52m thôi, giống như những người bạn mà chàng hay giao lưu như Nguyễn Vỹ, Phạm Huy Thông… Khác nhiều bạn cùng làng văn thuở đó, Nguyễn Nhược Pháp sống rất hồn nhiên và trong sáng: Chàng không hề nghiện ả đào và thuốc phiện! Thế nhân biết chàng như một người lúc nào cũng hay mủm mỉm cười, cái miệng như móm.

Chàng cũng là người hay nói, niềm nở, lịch thiệp với tất cả. Đặc biệt, ai cũng quý chàng vì khiếu khôi hài và giọng điệu "rủ rỉ như cô gái bẽn lẽn trên đường đi chùa Hương". Người làm sao, thơ làm vậy, tập "Ngày xưa" thể hiện rất rõ một phong cách Nguyễn Nhược Pháp vô tiền và khoáng hậu trong thơ Việt .

Đây là tập thơ chỉ có đúng 10 bài, toàn viết về những gì "vang bóng" từ lâu lắm rồi nhưng đã làm nên một kỳ tích mà Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận xét trong cuốn Thi nhân Việt Nam: "Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tráng lệ hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những màu sắc tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh. Thời xưa ở đây đã mất hết cái vẻ rầu rĩ cố hữu và đã biết cười, cái cười của những thắt lưng dài đỏ hoe, những đôi dép cong nho nhỏ. Những cảnh ấy vốn có thực. Nhưng dầu sự thực không có thì nhà thơ sẽ tạo ra, khó gì…".

Bằng con mắt già trước tuổi của một người luôn giữ được cái nhìn non xanh vào cuộc sống, Nguyễn Nhược Pháp đã vẽ nên được diện mạo thời xưa đầy mơ mộng, hóm hỉnh và trìu mến… Bài "Sơn Tinh, Thủy Tinh" mà chàng viết tặng người anh cùng cha khác mẹ, nhà thơ Nguyễn Giang là một thí dụ. Chàng đã kể lại tích cổ bằng những chi tiết thực lôi cuốn. Thí dụ như cách hành xử của Mỵ Nương khi chứng kiến cảnh Sơn Tinh và Thủy Tinh tỉ thí với nhau:

Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong kiệu,

Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhòa

(Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu,

Nhưng thật dễ thương): "Ô! Vì ta!"

Khổ kết bài thơ cũng đầy tinh tế và vui tính:

Thủy Tinh năm năm dưng nước bể

Dục núi hò reo đòi Mỵ Nương.

Trần gian đâu có người dai thế,

Cũng bởi thần yêu nên khác thường.

Điểm sáng nhất trong tập "Ngày xưa" có lẽ là bài "Chùa Hương", thiên ký sự của một cô bé ngày xưa. Nhà thơ Nguyễn Vỹ kể lại:

"Bài thơ "Chùa Hương" là bài khá nhất trong tập thơ "Ngày xưa", có một lai lịch kỳ thú không ngờ. Chuyến đi Chùa Hương ấy, Nhược Pháp đi với tôi và hai cô gái nữa, đều là nữ sinh cả. Hai cô mang theo hai máy chụp hình, còn Nhược Pháp và tôi đều đi tay không.

Trèo lên đến rừng mơ, bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lên đèo, đường đá gồ ghề lởm chởm vừa niệm: " mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế âm Bồ tát…". Cô gái quê có lẽ là con của cụ, cũng đang niệm câu ấy nhưng nửa chừng trông thấy chúng tôi là hai chàng trai nhìn cô trân trân thì cô bẽn lẽn làm thinh không niệm Phật nữa. Cô đang đọc: " mô cứu khổ cứu nạn…" rồi cô im. Đôi má cô đỏ bừng, cô cúi mặt xuống. Hai đứa tôi hỏi cô: "Tại sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa?”. Cô gái quê có vẻ đẹp ngây thơ bỗng tỏ vẻ bối rối muốn khóc.

Không ngờ hai cô bạn nữ sinh lên chụp được tấm hình hai đứa tôi đang hỏi chuyện cô gái quê, rồi có lẽ không bằng lòng chúng tôi nên hai cô lén đi trước, và đi lúc nào chúng tôi không hay biết, cũng chẳng nói năng gì với chúng tôi cả, bỏ chúng tôi ở lại với cô gái quê.

Chúng tôi mê nói chuyện với cô nầy, một lúc sực nhớ lại hai cô bạn, chúng tôi vội vàng đi theo nhưng không kịp. Hai cô đã lên đến Chùa Ngoài, rồi lên đến chùa Tiên Sơn, lẫn trong đám đông người, biến mất dạng.

Đêm ngủ trong chùa Hương, sáng hôm sau ra về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn đồng hành. Tôi phải xin lỗi mãi, nhưng Nhược Pháp cứ tủm tỉm cười không nói. Về Hà Nội, hai hôm sau, Nhược Pháp đem đến tôi bài thơ "Chùa Hương", mà trong bản chép ra đầu tiên Nhược Pháp đề là "Cô gái chùa Hương". Nhược Pháp lấy cuộc gặp gỡ lý thú của chúng tôi với cô gái quê làm đề tài và tưởng tượng thêm ra, thành bài thơ đẹp, giọng ngây thơ, y như cô gái chùa Hương hôm ấy…

Trong tuần ấy, anh góp các bài thơ của anh, thành một quyển. Anh đưa tôi và hỏi:

– Có nên xuất bản không?

– Nên.

– Nhưng tiền đâu? – Nhược Pháp cười móm mém.

– Xin ông cụ.

– Thôi, tôi mà đưa ông cụ xem cái của nợ này, thì chắc chắn là ông cụ sẽ vứt nó vào sọt rác.

– Đưa bà cụ vậy.

– Ừ, phải đấy!

Một tháng sau, quyển thơ "Ngày xưa" ra đời. Sách in xong mà Nguyễn Nhược Pháp vẫn rụt rè, chưa dám đưa cụ Nguyễn Văn Vĩnh xem, chỉ sợ cụ vứt vào sọt rác".

Với tư cách là một người viết phê bình văn học, Nguyễn Nhược Pháp mặc dù tuổi còn rất trẻ nhưng đã tỏ ra là một cây bút nhạy bén, tinh tường, sắc sảo và đầy thiện chí. Viết về tác giả của tập truyện ngắn "Kép Tư Bền" Nguyễn Công Hoan trên tờ L’Annam Nouveau trong số 500 ra tháng 11 năm 1935, Nguyễn Nhược Pháp đã sớm nhìn ra chân giá trị của tài năng truyện ngắn Nguyễn Công Hoan: "Dưới màn che phủ một nụ cười châm biếm và sự nhẹ nhàng, tác giả đã che giấu một tấm lòng cay đắng và bi quan. "Khi người ta đến với một nụ cười, người ta phải khóc lên", ông Musset đã nói như vậy về những hài kịch của Molière. Người ta cũng có thể áp dụng một cách rộng rãi câu nói đó vào những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan”.

“Ông Hoan có cái nghệ thuật kỳ lạ đó, để kể chuyện một cách vui vẻ nhất những câu chuyện buồn thảm nhất, đối với một tác giả không có kinh nghiệm cách kể chuyện này luôn luôn là nguy hiểm. Người ta rất dễ rơi vào lố bịch hoặc vô duyên. Nhưng ông Hoan đã tìm ra được trong khó khăn đó một dịp để chứng tỏ tài năng tuyệt vời của mình. Chính đó là ưu thế của những nhà viết truyện có tầm cỡ cao. Họ đã thành công ở những chỗ mà những người khác dễ dàng bị đánh bại nhất…".

Sau khi phân tích những ưu điểm của tập truyện ngắn "Kép Tư Bền", Nguyễn Nhược Pháp nhận định: "Ông Nguyễn Công Hoan là một người viết truyện ngắn hay nhất. Ông không bao giờ bị rơi vào lúng túng hay vô duyên. Trước tiên ông đã tìm ra nghệ thuật kín đáo và tự nhiên nó đã tạo ra những nhà viết văn vĩ đại. Độc giả không thấy ở ông là một tác giả, nhưng chỉ thấy là một con người…".

Nghe nói, sinh thời Nguyễn Nhược Pháp có yêu một thiếu nữ tên Thanh nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ ấy cũng đã không mang lại được một cái gì hiện hữu cho cuộc đời thật của chàng. Người thơ, yêu cũng như sương khói, chỉ có những suy tư, cảm xúc được biến thành vần điệu là ở lại lâu dài với hậu thế mà thôi. Nguyễn Nhược Pháp qua đời vào ngày 19/11/1938, hưởng dương 24 tuổi. Thi nhân đôi khi cũng như danh tướng và mỹ nữ, "bất hứa nhân gian kiến bạch đầu"…

Hay tin Nguyễn Nhược Pháp mất, nhà thơ Nguyễn Bính đã có bài thơ viếng với nhan đề "Khóc Nguyễn Nhược Pháp":

"Buồn xao xuyến quá sương mù,

Buồn xao xuyến quá, mùa thu vừa tàn.

Ai đem bứt hết lá vàng,

Dệt làm khăn liệm đám tang muôn đời.

Thương anh nói chẳng hết lời

Giờ đây anh đã ra người ngày xưa…

Ví dù còn một đường tơ,

Cũng xin rút nốt thành thơ khóc người.

Ngài xanh cắn kén bay rồi,

Nhả tơ xây tổ trên đời bao lăm.

Kéo dài số kiếp trăm năm.

Cũng mang một tiếng con tằm mà thôi.

Thương anh chẳng nói nên lời

Giờ đây anh đã ra người ngày xưa…"

* Tác giả cảm ơn ông Nguyễn Lân Bình đã cung cấp tư liệu quý cho bài viết này.
Theo Minh Huyền – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *