Dạo này tôi sống nhàn : thong thả ăn, thong thả dạo chơi, thong thả đọc, và ngay lúc này là thong thả viết. Có gì mà vội? Hạnh phúc, theo như tấm thiệp sinh nhật tôi vừa nhận được, không là đích đến, mà là hành trình. Dòng chữ in chìm trên nền thiệp như kiểu chân lý được khắc vào đá núi. Không thấy ghi trích dẫn kinh sách nào. Chắc là chân lý đó được phát hiện ít nhứt trên trăm năm, cho nên công ty in thiệp không cần lo đến vấn đề bản quyền.
Theo phát kiến đó thì càng chậm tới đích, càng kéo dài hành trình, người ta càng hưởng được nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc ở trong cái cách mình sống cuộc đời này. Tôi mới sống hết nửa cái trăm năm của đời người, nhưng đã từng quen biết nhiều người sống trước tôi vài ba chục năm đến nửa thế kỷ. Ít nhứt một lần, tôi đã nghe những người thượng thọ ấy nói “Càng sống càng khổ”. Có người – không biết thật tình hay không – còn nói, họ mong sớm nhắm mắt xuôi tay cho… khỏe.
Nhưng việc gì tôi phải băn khoăn? Thực tế là sau vài phen suýt chết, tôi đã mường tượng được chân dung tử thần. Cho dù đó là tử thần mà mình “biết mặt”, vài phen là đủ hết sợ, hay bớt sợ. Ổng đã cho mình một cái hẹn, ở chỗ dù mình không thích, mình cũng không thể không đến. Nhưng mắc gì phải gấp gáp? Yêu cuồng sống vội là phong trào nửa thế kỷ trước. Những người đã trải qua phong trào đó nay thành ông nội bà ngoại cả. Họ đang chậm lại. Mình đi sau họ, thì cứ thong thả. Qua mặt họ làm gì? Sau lưng mình còn mấy đám trẻ say tốc độ, kệ tụi nó.
Tôi cứ thong thả. Đành rằng tốc độ đáng ngưỡng mộ : nhắp con chuột một cái là bài viết này đang ở trong máy tính của tôi sẽ hiện ra trên màn hình máy tính người biên tập trong nháy mắt, nếu anh/ chị ấy cũng cùng lúc nối với mạng toàn cầu. Nếu trong bài này có chi tiết thông tin nào anh/ chị ấy muốn kiểm chứng thì cũng dễ dàng copy một từ hay cụm từ trong văn bản, bỏ vô ô tìm kiếm của một hệ thống truy tìm dữ liệu nào đó, như Google chẳng hạn, là sẽ có kết quả, đại khái như “108.999 thông tin trong 0,12 giây”. Bây giờ là thời đại gì mà tôi nói chuyện thong thả?
Nào phải tôi trái khoáy ngược đời. Cũng chẳng phải là kẻ tiên phong gì. Phong trào nhàn đang lan tràn ở các xã hội đã qua kỳ hiện đại, như châu Âu và Bắc Mỹ. Những người quan sát những chuyển dịch văn hóa gần đây trong thế giới chúng ta đang sống ắt không lạ gì những từ “slow food”, tôi tạm dịch là nhàn thực hay “slow travel” tức nhàn du; và gần đây, trong giới học giả xuất hiện nỗ lực cổ vũ “slow reading”, diễn nôm là đọc chậm, tức là đọc kỹ.
Nhàn thực được hưởng ứng vì lý do sức khỏe. Không cần tốn nước miếng thuyết phục người có chút tri thức khoa học nào rằng “fast food” – đồ ăn nhanh, hay đồ ăn chế biến sẵn – không lành mạnh bằng đồ ăn tươi, có nguồn gốc thiên nhiên, nấu nướng từ từ trước khi dọn lên ăn thong thả. Chỉ cần lấy thí dụ một gói “mì ăn liền” so với một tô phở với bánh phở tươi chan nước lèo hầm xương 20 tiếng đồng hồ, có rau thơm giá sống tươi rói, ăn tới đâu tùy khẩu vị thêm chanh – ớt – tương – ngò tới đó. “Mì ăn liền” chỉ hơn ở chỗ “nhanh”, chế nước sôi vô một phút là có ăn, có lẽ cũng ngon, và rẻ. Nhưng nếu có thể lựa chọn, tôi chọn ăn phở “tươi”.
Phong trào nhàn du cũng nhấn mạnh vào lợi ích sức khỏe bên cạnh lợi ích môi trường. Thay vì mỗi cái mỗi nhảy lên xe hơi, dù chỉ năm, mười phút phóng vù vù trên xa lộ, thì người ta đi xe đạp, hay đi bộ nếu có thể, vừa vận động thể dục, vừa giảm lượng khí cạc-bô-nít thải vào không khí. Chính quyền của thành phố tôi đang ở khuyến khích “slow travel” bằng những làn đường dành riêng cho xe đạp, xây những lối đi an toàn và ngoạn mục cho người đi bộ. Những đường này vừa quanh co uốn lượn theo sườn đồi, hay cặp sát bờ biển, xuyên qua rừng, công viên, đồng thời do được ưu tiên nên có thể đi tắt đến những trung tâm hành chính, giáo dục, giải trí, thương mại. Những trung tâm đó đều được nối bằng các tuyến xe buýt, và xe buýt luôn luôn có giá để xe đạp ở trước đầu xe. Mình đạp xe mệt thì để xe đạp lên mũi xe buýt, leo lên xe buýt đi tới nơi, dỡ xe đạp xuống, lại thong dong dạo cảnh.
Đọc chậm được các giáo sư đề xuất từ hơn một năm nay trong các trường đại học và nay lan ra công chúng. Đọc chậm mới đọc kỹ, mới thấu hiểu hay thưởng thức được văn bản, nhưng quan trọng hơn là nghiên cứu khoa học cho thấy bộ não con người phát triển tốt hơn khi người ta đọc kỹ. Khoảng mười năm về trước, và lùi đến mấy ngàn năm nữa về thời mới có sách có chữ, người ta đọc sách nói chung là kỹ. Hoạt động đọc sách gần như hoạt động tư duy. Từ thời Internet, người ta không thực sự “đọc” cái gì nữa, chỉ cóc nhảy từ cái tít này đến cái tựa nọ, dùng từ khóa để lướt qua những trích đoạn có liên quan, hoặc liếc qua tóm tắt hay nhận định của người khác về vấn đề cần biết. Một trong những hệ lụy của việc “đọc nhanh” này là một hiện tượng phổ biến không chỉ trên văn đàn tiếng Việt, mà cả tiếng Anh, tiếng Hoa : Người ta tranh luận về một cuốn sách mình không đọc với những người cũng không đọc cuốn sách đó.
Bây giờ đến viết thong thả. Cái này tôi đặt ra cho riêng mình. Bạn bè độc giả tưởng tôi viết nhiều, viết nhanh. Thực ra thao tác viết của tôi rất chậm. Không đến nỗi ba năm mới xong một câu thơ, nhưng tôi gõ máy tính bằng hai ngón tay, viết một câu xóa hai câu, được 1.200 chữ là mất toi một ngày. Có khi viết xong rồi thì nhận thấy nó nhảm nhí, lạc hậu, cũ xì (tôi bắt đầu cảm thấy rồi nha.) Cho nên, không việc gì phải hăm hở, hùng hục, háo hức viết ra một điều gì đó. Cứ thong thả. Thong thả nghĩ, thong thả viết, đến cuối bài thong thả đọc lại, thấy viết vầy cũng được mà không viết cũng được. Hạnh phúc ở quá trình sáng tác chứ không phải ở sản phẩm. Phải vậy không?
Lý Lan – Theo TBKTSG