Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Trần Tiến, "bộ ba" văn nghệ nổi tiếng trong phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" giao lưu tại Nhà văn hóa Sinh viên TP Hồ Chí Minh.

Được chọn đi đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội, hoàn thành khóa học, nhạc sĩ Trần Long Ẩn lại quay về với mảnh đất phương Nam. Ông tự nhận mình không phải là người gốc Nam Bộ nhưng thấm đẫm văn hóa, phong cách sống của người Nam Bộ.

Cách đây đúng 38 năm, giữa không khí sôi sục đấu tranh của phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn, bên cạnh đống lửa hừng hực giữa đường Cường Để, một sinh viên nhỏ bé tự tin ôm cây đàn đứng hát cổ vũ cho phong trào, mặc cho những cặp mắt láo liên của hàng chục cảnh sát ngụy mặc thường phục đang luẩn quẩn xung quanh.

Anh chính là sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đoàn Công Nhân, sau này là nhạc sĩ Trần Long Ẩn, người nổi tiếng với hàng loạt ca khúc: "Người mẹ Bàn Cờ", "Tình đất đỏ miền Đông", "Một rừng cây một đời người", "Đi qua vùng cỏ non", "Xin làm người hát rong"…

Những ngày tháng khó quên

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, người bạn, người đồng chí từng gắn bó với nhạc sĩ Trần Long Ẩn ngay từ những ngày mới tham gia phong trào học sinh, sinh viên kể lại rằng: Ngày ấy, cách địa điểm nhạc sĩ Trần Long Ẩn ôm đàn đứng hát không xa, tại tòa đại sứ Lonnol (nay là UBND và Hội đồng nhân dân quận 3), rất nhiều sinh viên tham gia biểu tình, đánh chiếm tòa đại sứ đang bị cảnh sát bao vây, nhiều ngày liên tục không được tiếp tế thức ăn, nước uống. Rất may, trời đổ mưa to, cảnh sát phải bỏ vị trí, tìm chỗ trú.

Tranh thủ một số cảnh sát có cảm tình với phong trào lấy lý do tránh mưa nên làm ngơ, một bà má vội vàng phá lớp rào sắt, chuyển lương thực cho những sinh viên đang bị cái đói cái khát giày vò. Hình ảnh bà má gầy gò, tóc bạc phơ giữa trời mưa như trút nước, lập cập chuyển từng bọc bánh mì, chai nước suối qua lỗ hổng của tấm sắt vừa bị đục thủng vào trong khiến những người chứng kiến vừa mừng, vừa xúc động.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng chạy ào về tổng hội sinh viên. Đúng lúc cảm xúc trào dâng, anh vô tình được đọc bài thơ "Người mẹ Bàn Cờ" của Nguyễn Kim Ngân, một sinh viên cùng khoa văn sáng tác.

Ca khúc "Người mẹ Bàn Cờ" ra đời, ngay lập tức gây sự chú ý và được phổ biến sâu rộng trong quần chúng, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên. Sau "Người mẹ Bàn Cờ", hàng loạt các ca khúc khác nối tiếp nhau ra đời, trở thành vũ khí đấu tranh của phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe".

Gieo yêu thương trên những nốt nhạc

Được chọn đi đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội, hoàn thành khóa học, nhạc sĩ Trần Long Ẩn lại quay về với mảnh đất phương Nam. Ông tự nhận mình không phải là người gốc Nam Bộ nhưng thấm đẫm văn hóa, phong cách sống của người Nam Bộ. Khi sáng tác, ông luôn luôn vận dụng những thang âm, điệu thức của dân ca Nam Bộ vào trong tác phẩm.

Thời gian còn học Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, ông đặc biệt yêu thích triết học phương Đông. Tuy nhiên, ông ít đi tìm những triết lý cao siêu của vũ trụ bao la, sâu thẳm mà chỉ học những gì gần gũi, phục vụ ngay cho những ứng xử trong cuộc sống xã hội của con người.

Thời gian du học ở Đông Âu, cô đơn trong những ngày dài rét lạnh, da diết nhớ quê hương, bạn bè, gia đình, ông nhận ra rằng lòng nhân đạo đề cập trong triết học cao thâm ấy thực ra là gì nếu không phải là tình người, là nỗi nhớ người thân, nhớ vợ, nhớ con, nhớ mảnh đất nơi ta được sinh ra, được lớn lên… Những triết lý ấy đều ít nhiều phảng phất trong hầu hết các tác phẩm của ông sau này.

Từ "Tình đất đỏ miền Đông", "Một rừng cây một đời người" đến "Đêm thành phố đầy sao", "Xin làm người hát rong", "Tín hiệu trái tim"… Với nhạc sĩ Trần Long Ẩn, mỗi ca khúc đều là gắn liền với một câu chuyện, đều là thông điệp đầy lạc quan tốt đẹp về con người. Ông tự nhận cả cuộc đời không làm gì ngoài "hát rong", tự nguyện "làm người hát rong để cho tình yêu lên tiếng", để cuộc sống luôn đầy ắp tình người.

Với ông, được sống, được hát, được sáng tác tặng cho bạn bè, người thân, cho quê hương, đất nước vẫn luôn là niềm vui lớn nhất.

Theo CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *