Nhà văn Y Ban |
Y Ban : Hôm nay là một ngày rất bận rộn với em, sáng đi thực tế ra ngoại thành đến trưa, chiều tất bật viết bài, tối lại có hẹn với anh. Nhưng em vẫn phải làm tròn công việc của một người vợ, người mẹ. Mọi bận, nếu luộc chân giò, em sẽ bó cẩn thận, nhưng hôm nay, em cứ thế tống luôn vào nồi. Cũng may là chân giò luộc vừa chín, nhưng vì vội nên em thái miếng hơi to. Thế là đến bữa, "lão" chồng em ý kiến ngay trước cái sự vụng về của vợ. Tất nhiên là em có băn khoăn, áy náy về sự chu đáo của mình với chồng con. Nhưng mặt khác, em nghĩ, phụ nữ nói chung, và người viết văn như mình nói riêng, thật khó để phân thân giữa công việc và gia đình. Anh thấy có khổ không?
Nguyễn Khắc Phục : Tất nhiên, những người phụ nữ vừa viết văn, vừa làm báo, lại muốn chu toàn với gia đình thì phải rất giỏi, rất kiên nhẫn. Các bạn phải chịu những áp lực rất lớn. Văn chương có thể đòi hỏi sự lãng mạn, bay bổng, nhưng cuộc sống nhiều khi có những yêu cầu rất cụ thể, thậm chí là khốc liệt, tầm thường. Người phụ nữ làm nghề viết mà sống được trong một gia đình có đủ mâm, đủ bát, có cả chồng, con lẫn bố mẹ chồng là điều rất phi thường. Các ông chồng luôn thấy vợ lúc nào cũng như sắp vuột khỏi tay mình. Đều là công việc cả, nhưng làm báo, viết văn thường khiến cho chồng cảm thấy cô vợ đang đi chơi. Khi vợ nổi tiếng, họ lại thấy mình thế nào ấy.
Y Ban : Đúng là trong gia đình, có hòa hợp âm dương thì mới bền vững. Người chồng làm trụ cột, gia đình mới yên. Còn những nhà âm thịnh dương suy, có bà vợ làm nội tướng, thậm chí chỉ trội hơn chồng một chút thôi, thì đã rất khó duy trì sự ấm êm, huống chi, những người phụ nữ viết văn lại có tên tuổi, thỉnh thoảng lại lên báo. Đàn ông Việt Nam, mà nói chung là đàn ông phương Đông, thường rất gia trưởng, họ ít thông cảm. Khi không đủ lực để vươn lên, họ lại sa vào một cực khác – tự ti và ích kỷ, thể hiện bằng nhiều hình thức hành hạ vợ.
Nguyễn Khắc Phục : Trong gia đình, người đàn ông phải gánh vác việc lớn nhất, nặng nhất. Nếu trách nhiệm này thuộc về đàn bà, thì cuộc sống vợ chồng ít nhiều sẽ có vấn đề. Nhưng cũng phải lưu ý điều này. Chúng ta đang sống trong cái thời mà lực ly tâm rất lớn, nó khiến cho con người luôn bị văng ra khỏi gia đình. Trong xã hội hiện đại, con người ta sinh hoạt ở bên ngoài nhiều hơn là sống trong nhà. Khi về đến nhà, "nội tướng" lại ngồi vào máy tính, thì cũng coi như tâm trí lúc đó đã ở bên ngoài. Với phụ nữ, sự quan tâm đến chồng con sẽ không còn toàn tâm toàn ý. Khi viết văn, bạn có thể phải nghĩ đến những đứa trẻ ở đâu đó bị đói rách, thì giờ phút ấy, bạn đã tạm quên mất rằng, mình cũng có một đứa con tuy không đói rách, nhưng cũng đang rất cần sự âu yếm; một ông chồng tuy không bị hắt hủi, nhưng cũng rất muốn được để ý, muốn vợ bớt thời gian ôm máy tính đi để ngó ngàng đến mình. Lực ly tâm thời hiện đại đang thử thách tất cả mọi gia đình. Vậy nên vấn đề lớn nhất của những người vợ là phải làm sao hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của cái lực ly tâm đó. Y Ban xử lý khó khăn này như thế nào?
"NHƯỜNG MỘT LỜI NÓI, NHỊN MỘT MIẾNG ĂN"
Y Ban : Em luôn cố hạ thấp mình, vứt cái danh nhà văn ra ngoài trước khi bước vào nhà. Về đến nhà, em chỉ là một bà vợ, tất tả trăm thứ việc ngược xuôi, lúc điên lên cũng gào rú như một con mụ hàng tôm hàng cá. Em rất tâm đắc với một nhà văn Pháp khi ông nói : Đằng sau một gia đình hạnh phúc là một người đàn bà biết hy sinh. Anh nghĩ sao?
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục |
Nguyễn Khắc Phục : Nói hy sinh thì nghe to tát quá. Cái đức cần thiết của người phụ nữ để đảm bảo cho gia đình trong ấm ngoài êm là sự nhường nhịn. Nó cũng là hy sinh đấy, nhưng ở mức độ thấp hơn. Làm người mẹ, người vợ trong nhà, chỉ cần nhường đi một lời nói, nhịn đi một miếng ăn thì mọi việc sẽ thuận. Trong Kinh Dịch có hai quẻ có mối liên hệ tương thích đặc biệt : quẻ Càn – trời, cha – lấy hình tượng con rồng bay, còn quẻ Khôn – đất, mẹ – lấy hình tượng con ngựa cái. Đạo Cha thì bay bổng, rạng rỡ, còn đạo của Mẹ là chịu đựng, ngựa cái đói ngàn dặm vẫn đi. Chính quẻ Đất – đạo Mẹ làm nên cuộc sống.
Nhưng vì phải nhường nhịn, nên nhiều khi nhân vật (trong sáng tác của nhà văn) trở thành nơi lãnh đủ những "ấm ức" của các nữ văn sĩ. Tất nhiên, điều đó chỉ diễn ra trong giai đoạn đầu của sáng tác. Nhưng dù thế nào, người ta cũng sẽ tìm thấy dấu vết của những sinh hoạt gia đình, của tác động do lực ly tâm gây nên trong mỗi nhà văn nếu đọc kỹ tác phẩm của họ. Đôi khi, nghiền ngẫm cẩn thận trang viết của nữ văn sĩ, ta sẽ tìm thấy những phản chiếu rất rõ rệt về chính gia đình và cuộc sống của họ. Y Ban nghĩ sao về điều này?
Y Ban : Với em, điều này là có. Nhưng em không trút vào nhân vật nữ. Em trút vào các nhân vật nam. Một số nhà văn nước ngoài khi đến Việt Nam đã cố tìm bằng được Y Ban để xem đây có phải là một người rất ghét đàn ông không. Em có chồng, em có con, em không có ẩn ức, không ghét bỏ đàn ông. Nhưng quả thực là em viết ít, viết xấu về đàn ông. Làm như vậy, có lẽ cũng vì em yêu đàn ông quá, mong muốn ở họ nhiều quá. Hơn nữa, những nhân vật nữ của em thường trắc trở trong đời sống nhưng lại hay khao khát nọ kia, nên nếu để bên họ một người đàn ông quá hoàn hảo thì họ sẽ chẳng có gì để khao khát cả.
Nguyễn Khắc Phục : Đàn ông cũng như đàn bà, phải có sự khuyết thiếu để còn dạy dỗ nhau. Tôi từng viết : Đức Phật là mẹ tôi trên đồng ruộng, mẹ tôi là đức Phật trên tòa sen. Tôi luôn dành cho phụ nữ sự kính trọng thực sự. Trong thâm tâm, tôi đặt phụ nữ ở một vị trí rất cao, về phẩm giá, về tầm vóc. Nhưng họ chỉ cao khi so với đàn ông, không có đàn ông họ cao với ai? Phụ nữ cao hơn vì còn những người đàn ông cần được họ dạy dỗ. Nhưng bản thân họ cũng cần được đàn ông "thuần hóa" để trưởng thành lên.
Y Ban : Một lần, em hỏi người bạn của chồng em xem cậu ấy nghĩ sao nếu có một người vợ xinh đẹp, nói gì nghe nấy, luôn nhìn vào mắt chồng và biết lúc nào chồng muốn ăn, lúc nào chồng muốn hôn, lúc nào chồng muốn ngủ với mình. Cậu ấy nói, vợ thế thì vứt đi, vợ thế thì là robot à? Vợ chồng phải có sự xung đột để đi đến hài hòa, thế nên phụ nữ cũng có quyền và được phép khiếm khuyết ở mức độ nào đó. Hai giới ngày nay đã đi đến sự bình đẳng, hài hòa nhất định nào đó. Thế nhưng, quay lại với văn chương, bây giờ người ta vẫn còn thành kiến khi nói đến nam nhà văn, nữ nhà văn.
NHÀ VĂN NỮ VẪN BỊ "DỊ NGHỊ" KHI VIẾT VỀ SEX
Nguyễn Khắc Phục : Người ta thường nghĩ, nam nhà văn hay thành kiến khi viết về phụ nữ. Và nữ văn sĩ lại thành kiến khi viết về đàn ông. Ngẫm kỹ thì không phải như vậy. Họ có viết thế này, thế nọ cũng là vì họ quá yêu người khác giới của mình thôi. Không có xã hội nào đàn ông quá tệ mà nữ giới lại quá hay đâu. Nhưng đúng là bây giờ tốc độ trưởng thành và cập nhật của đàn ông có vẻ chậm hơn phụ nữ. So với trước năm 1985, phái đẹp đang ngày càng chiếm lĩnh nhiều vị trí cao hơn, ồ ạt hơn trong xã hội. Tỷ lệ nữ giới thành đạt trong văn chương cũng nhiều hơn. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta không nên phân biệt đây là sáng tác của nữ nhà văn, kia là của nam nhà văn. Theo tôi, chúng ta cứ đọc trên văn bản tác phẩm, chỉ khi cần nghiên cứu sâu hơn về từng tác phẩm, từng nhà văn cụ thể, mới nên để ý đến giới tính tác giả của nó.
Y Ban : Đúng là ở xã hội phương Đông còn có sự phân biệt. Tôi không thích cụm từ "nhà văn nữ". Cụm từ đó thường được dùng, có khi như là để nâng đỡ, chiếu cố, có khi là mang nghĩa coi nhẹ hơn so với nam giới. Cả hai hướng đó đều không công bằng, không khách quan. Tôi đồng ý với anh rằng, đừng nên nhìn mọi việc từ góc độ giới.
Nguyễn Khắc Phục : Nhưng cách nhìn như thế vẫn đang tồn tại. Ví như về đề tài tình dục, nếu nam giới viết, nó có thể được coi là văn chương, còn nữ giới viết, họ lập tức bị xì xào thế này thế nọ.
Y Ban : Chúng ta chưa có một cuộc cách mạng thực sự trong văn hóa đọc, dù bản thân các nhà văn đã có sự cựa quậy, chuyển mình trong ý thức. Có một lớp độc giả rất thông minh, họ theo kịp nhà văn. Nhưng em rất chán nản khi một số nhà báo, người đọc vẫn thưởng thức văn chương theo lối "Văn l&agra
ve; người", "Văn dĩ tải đạo". Văn chương không có sự mệnh tải cái gì cả, không giáo dục hay dẫn dắt ai hết. Nó có lúc chỉ là giải trí, mua vui – mua vui cũng được một vài trống canh. Nhưng hiện vẫn còn có những cách đọc rất soi mói, rất đố kỵ. Năm vừa rồi, em trở thành nạn nhân cho tác phẩm của mình khi bị báo chí phê bình với những cái title kiểu "sex già, sex trẻ". Họ thường đọc tác giả chứ không đọc tác phẩm. Mà tác phẩm của chúng ta có phải là kinh thánh đâu, sao bằng lòng được tất cả mọi người.
Nguyễn Khắc Phục : Quả thật khi phụ nữ viết về sex, họ dễ bị dị nghị, đàm tiếu hơn nam văn sĩ. Số ít độc giả nông cạn sẽ có cảm giác, cây bút nữ đó dường như không đứng đắn. Đó là biểu hiện của đạo đức giả, mà để lay chuyển được nó là điều rất khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian. Nhưng nếu một ngày kia, nhà văn đàn bà khai thác đề tài sex để viết nên kiệt tác, họ sẽ vượt qua được sự thị phi. Thiên hạ sẽ quay ra tung hô họ. Tôi tin là họ sẽ làm được điều đó. Nhưng từ bây giờ đến lúc ấy, các nhà văn phụ nữ còn phải chịu thành kiến và thử thách.Tuy nhiên, không phải bất cứ điều gì trong phòng the đem ra miêu tả cũng hấp dẫn và có ý nghĩa. Tôi không cổ vũ thứ văn trang nhã mà hời hợt, nhưng nếu viết về sex, cần diễn tả nó một cách sinh động và sâu sắc, cần biến tư tưởng của chủ nghĩa khoái lạc thành cảm hứng sáng tác. Chúng ta hiện nay viết về sex vẫn chỉ dừng lại ở việc miêu tả chi tiết, chứ chưa xuất phát từ nền cảm hứng tư tưởng. Gorky đã nói rất hay rằng : "Đạo đức học của ngày mai là mỹ học". Tương lai, người ta sẽ bàn chuyện tình dục không phải dưới con mắt luân lý, mà bằng mỹ học.
Y Ban : Rồi người ta lại còn đặt ra vấn đề, đàn ông gặp khó khăn gì khi viết về phụ nữ và phụ nữ gặp trở ngại gì khi viết về đàn ông. Đúng là nhà văn mạnh về cái gì thì sẽ viết sâu sắc về cái đấy. Em là người rất thuận tay khi viết về phụ nữ. Hơn ai hết, em từng trải qua nhiều thứ để cân đo đong đếm và định giá về cuộc sống của phái yếu. Em cứ dựa trên thế mạnh đó để khai thác các nhân vật của mình. Còn anh thì sao?
Nguyễn Khắc Phục : Có thể tôi chưa thành công thôi, nhưng tôi không thấy khó khăn gì cả. Vì tôi chỉ viết những gì đã tìm hiểu rất kỹ. Chỉ có điều, tôi chưa bao giờ dám hạ những câu văn nặng nề về người phụ nữ. Không phải vì tôi sợ công chúng, mà có điều gì đó từ trong sâu thẳm ngăn cản tôi làm như vậy. Trong thâm tâm, tôi kính trọng nữ giới. Tôi tin, phụ nữ mới chính là nơi bảo lưu những giá trị truyền thống tốt đẹp một cách bền vững và ít bị pha tạp nhất. Sẽ không bao giờ nói cạn khi đề cập đến chủ đề này, nhưng phụ nữ và đàn ông mãi mãi là người bạn đồng hành, có thể cắn rứt, tranh cãi, hoạnh hoẹ nhau trên đường đi, nhưng vẫn phải hướng tới sự hài hòa để sóng đôi trong cuộc sống.
Lê Hà – Tạp chí Đẹp