Hiện sắp bước qua tuổi 80, nhưng trước sau ông vẫn trung thành với thể loại truyện ngắn. Tài sản văn chương của ông hiện đã có tới gần 200 truyện, in thành khoảng 20 tập.

Sau lời yêu cầu hãy giới thiệu một tập truyện chính ông tâm đắc nhất, không chần chừ, nghĩ ngợi, nhà văn Trần Kim Trắc rút từ trên ngăn sách đưa tôi cuốn "Tự cười" – một tập truyện ngắn tác giả tự chọn và được NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2006.

Không phải là tuyển tập để tổng kết một đời viết, hoặc một bút pháp đã trải để chuyển qua một cung cách cảm thụ và thể hiện khác. Lại cũng không ngầm chủ đích giễu mình, để qua đó giễu thiên hạ… 17 truyện ngắn trong tập "Tự cười" dường như được tập hợp với chỉ một ước muốn giản dị: "Cuộc đời này thật đẹp, thật đáng sống, thật vui và tôi kể hầu quý anh chị những chuyện thật đẹp, thật đáng sống, thật vui ấy!".

Ví như chuyện về một cán bộ Tiểu đoàn 307 lừng danh, được phân công ở lại "nằm vùng" tại miền Nam sau Hiệp định Giơnevơ (1954), nhờ cây đàn kìm, sáu câu vọng cổ mà móc nối được với cơ sở, mà tạ tội với mẹ già sau cả chục năm biền biệt khi bom đạn ngưng nổ, Nam – Bắc  được xum vầy (Tiếng đàn kìm). Ví như chuyện kể về một anh bộ đội miền tập kết nôn nóng muốn trở về quê chiến đấu, đã tìm cách vượt sông Tuyến. Bị kỷ luật, hết hạn tự tìm tới một cánh rừng thâm u sống tách biệt cuộc đời.

Nhưng rồi anh chàng Rôbinsơn này đã bị tình thương yêu của đồng loại, đồng chí kéo trở về với cuộc đời thường (Nhà chim). Ví như chuyện một anh nông dân làm nghề chài lưới trên sông đem lòng yêu say đắm một người đàn bà góa bán bánh canh bột lọc. Anh giúp chị tìm được "bí quyết" khiến nồi canh cá của chị nổi tiếng khắp vùng, để chị kiếm đủ đồng tiền nuôi bầy con thơ dại. Chỉ vì một nguyên cớ cỏn con, họ không nên vợ nên chồng. Anh buồn bã, xung vào bộ đội để còn ngơ ngẩn đến tận cuối đời với bóng hình của người đàn bà góa tảo tần (Bánh canh bột lọc) v..v…

Sau đây là cuộc trao đổi giữa chúng tôi và nhà văn Trần Kim Trắc.

– Vì sao suốt mấy chục năm cầm bút, ông mãi thủy chung với thể loại truyện ngắn?

+ Tôi cũng đã mấy lần viết truyện dài. Suy nghĩ lại, sau tự mình gỡ những truyện dài đó ra đưa báo đăng thành những những truyện ngắn. Theo tôi biết, muốn viết được truyện dài, tiểu thuyết phải có bản lĩnh lắm, giàu chất liệu đời sống lắm. Hai yếu tố này liên quan mật thiết với nhau. Nếu không có bản lĩnh thì khi viết truyện dài anh sẽ xài hoang, xài phí chất liệu. Viết truyện ngắn không đòi hỏi nhà văn phải giữ liên tục mạch cảm xúc, phải sống liên tục với ký ức. Truyện ngắn là lối viết ghi lại rất nhanh những kỷ niệm cuộc sống để truyền lại cho bạn đọc. Giống như trong đời khi tình huống xảy ra mình xử lý ngay. Tìm ra một phương pháp nào đó bộc lộ xúc cảm và điều muốn kể lại một cách nhanh, gọn nhất sẽ tạo nên những truyện ngắn thành công.

– Ông thích truyện ngắn của những nhà văn nào?

+ Trong nước tôi thích truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, ngoài nước tôi thích truyện ngắn của Mácxim Go ócky

– Chỉ cần đọc 17 truyện trong tập "Tự cười" cũng đủ thấy những nhân vật của ông dù sống trong bối cảnh sông nước miền Tây thời kỳ chống Pháp hoặc trong bối cảnh miền Bắc những năm xây dựng hòa bình đều in dấu ấn Nam Bộ. Vậy theo nhà văn, nét riêng không trộn lẫn thuộc tâm lý và tính cách của người Nam Bộ là gì?

+ Nói gọn thì như thế này: Nếu vấp ngã thì đứng dậy, phủi quần, tiếp tục đi nữa. Chứ không nằm vạ, không khóc than. Còn là tâm lý trọng nghĩa khinh tài, coi đồng tiền không quan trọng. Xuống đồng mò cua bắt ốc cũng đủ  cái ăn. Trực tính nữa. Dân ấp, dân lân mà! Tự phiêu dạt, tự khai khẩn, mở mang mà tồn tại đã tạo nên tính cách đó. Cũng hết sức thương người, nhân hậu, độ lượng. Tôi nhớ hồi còn là lính Tiểu đoàn 307, đóng quân nơi nào phát hiện ra cô Năm, cô Sáu đẹp người đẹp nết định lân la bắt mối, y như rằng các bà mẹ chiến sĩ ngăn lại liền à: "Để đó dành phần cho mấy cậu miền Bắc. Quê nó, cha mẹ, anh em nó tít ở ngoài nớ! Tội nghiệp lắm!". 

– Văn học nói chung, văn học của các nhà văn quê Nam Bộ nói riêng, theo ông – đã làm nổi bật những nét đặc trưng tính cách này của người Nam Bộ chưa?

+ Biết trả lời anh ra sao đây? Nhìn tổng thể mảng văn học của các nhà văn Nam Bộ từ xưa đến nay thì cũng thấy tự bằng lòng. Nhưng nếu từng người viết chúng tôi soi rọi lại sáng tác của mình thì vẫn thấy day dứt, ăn năn vì còn biết bao điều về mảnh đất chôn rau cắt rốn, về những người cật ruột còn chưa đụng chạm tới, chưa viết ra được.

– Hầu như trong mỗi truyện ngắn của ông đều nhắc tới một địa danh có thực và địa danh đó gắn với những kỷ niệm, những chiến công khó quên: Kế Sách, Núi Cấm, Bắc Mỹ thuận, thị trấn An Hựu, cầu Ông Tồn, Ngã ba Trung Lương, Chợ Gạo Gò Công… Và có cảm tưởng gắn với mỗi cây cầu, mỗi cù lao, mỗi thôn xóm đó nhà văn còn nung nấu bao nhiêu điều muốn nói, muốn kể. Sắp bước qua tuổi tám mươi, là người cầm bút, ông đang trải qua tâm trạng vui buồn ra sao?

+ So với mấy năm trước, quả là mấy năm nay sức nghĩ, sức viết giảm đi trông thấy. Ngồi vào bàn bây giờ khó tập trung hơn, thời gian để có thể "lì lợm" trước trang giấy cũng bị thu ngắn lại. Dù cũng đã viết gần 200 truyện ngắn, ký ức vẫn không để tôi yên. Đêm đêm khi chợt thức giấc bỗng thấy bổi hổi, bồi hồi như mọi chuyện mới xảy ra đâu đó ngày hôm qua, hôm kia thôi. Gương mặt người còn sống, người đã chết hiển hiện rõ mồn một. Giọng nói, tiếng cười trẻ trung, sôi nổi của anh chị em cứ rổn rảng, ríu rít quanh mình. Cùng với tuổi tác, sức đi, sự tiếp xúc cũng ngày một thưa vắng dần. Biết làm sao được? Cũng thấy buồn, anh ạ!

– Dẫu vậy, ẩn sau mỗi câu chuyện của thứ văn xuôi Trần Kim Trắc vẫn là một cái nhìn trẻ trung, hóm hỉnh và đọc văn ông, bạn đọc vẫn nhận được một nụ cười, chứ không phải là nỗi buồn và giọt nước mắt…

+ Bản tính của tôi là thích nhìn ra cái lý lắc của cuộc đời. Tức là những cái chéo ngoe, cắc cớ, không suôn sẻ từ đầu. Nhưng là những lý lắc vui, đáng nhớ, mang lại sự ấm áp cho nhau và dẫn tới một kết cục có hậu. Tôi không tự tạo ra cách nhìn, cách cảm ấy mà "cái tạng" người của tôi thiên về phía ấy. Biết làm sao được? Khi viết tôi cũng hay tự giễu mình. Hơn ai hết, nhà văn thường thấy rõ cả vẻ bên ngoài lẫn bên trong của chính mính. Viết văn mà che đậy mình đi thì văn chương sẽ buồn, sẽ tẻ. Tôi luôn muốn cười mình và cùng bạn đọc cùng cười những cái lý lắc trong cuộc đời.

– Được biết, mấy chục năm qua, ông đã nếm trải không ít sự nghiệt ngã, cay cực. Nguyên nhân gì để văn chương của ông cứ trong vắt trong veo, thấm đẫm tình yêu đời đến như vậy?

+ Tôi là một người viết quê Nam Bộ, mà người Nam Bộ – như đã nói với anh, bản chất vốn lạc quan. Cái làm nên giá trị của cuộc đời này là quan hệ giữa con người với con người. Muốn vậy phải đồng cảm trong lý tưởng sống, "đồng lõa" trong khoái cảm. Những người đồng cảm với nhau nhất là những người có "tật", những người như vậy rất thành thật với nhau. Và cái khó nhất là thắng được chính bản thân mình. Từ thời trai trẻ tôi đã xây dựng được một quan niệm sống như vậy. Có lẽ vì thế càng sống, càng trải, càng va đập càng thấy xung quanh mình có biết bao nhiêu người rất tốt, rất đáng yêu. Nhà văn, như ý riêng của tôi, là phải phát lộ cho ra hạt nhân tốt đẹp ẩn náu phía trong mỗi con người. Và viết văn là công việc tìm ngọc trong đá. Về phương diện này, Sếchxpia, Víchto Huygô, Đốtxtôiépxki, Lỗ Tấn, Nguyễn Du… đã nêu cho chúng ta những tấm gương sáng.

– Ông quan niệm thế nào về sự đổi mới của văn chương? 

+ Văn chương của chúng ta có một thời mang khuynh hướng đề cao nhân vật. Nhiều khi đề cao quá đến mức không với tới. Và đọc tự thấy nhàm chán. Nhưng không phải là cây bút nào cũng mắc căn bệnh này. Ai phát hiện mình mắc bệnh thì hãy tự chữa chạy, hãy viết khác đi. Tức phải kéo nhân vật xuống thấp một chút, cho đại chúng chứ không phải lơ lửng thành các siêu nhân. Nôm na là như vậy! Thú thật bản thân tôi không trăn trở gì nhiều về sự cũ mới của văn chương. Tôi đã viết ra sao, tôi đang viết, sẽ viết như vậy. Yêu ghét, khen chê văn chương của tôi là quyền của bạn đọc.

– Xin cám ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này. Chúc ông dồi dào sức khỏe, dồi dào tình yêu Cuộc đời và Con người khi sắp bước qua  tuổi 80!

Theo CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *