Hồng Thanh Quang: Anh cũng giao lưu với nhiều bạn bè trong văn nghệ sĩ, với nhiều kiểu người khác nhau. Trong những người bạn của anh cũng có những người quen của tôi mà tôi rất muốn hiểu rõ hơn. Ví dụ như Đồng Đức Bốn. Bây giờ chàng thi sĩ này đã qua đời rồi, anh nhìn nhận thế nào về anh ấy? Về thơ, về cá tính anh Bốn, về con người của anh Bốn?
Nguyễn Huy Thiệp: Ở trong đời một người bình thường cũng vậy mà một người làm văn chương cũng vậy, phải có vài ba người bạn tri kỷ. Vì sống ở đời, anh đi làm, anh gặp rất nhiều người, gặp hàng vạn người trên đời, với các cô gái thì cũng có thể gặp người nọ, người kia nhưng gặp được người tri âm tri kỷ thì ít, cùng lắm chỉ vài ba người. Cũng may trong cuộc đời tôi cũng có được một số người bạn tri âm tri kỷ để mình chia sẻ và nếu có thể giúp nhau được gì thì làm… Gọi là giúp nhau thì cũng chỉ trong một số việc thôi chứ ở trên đời này danh tiếng của anh, lợi lộc của anh, đấy là tự anh xây dựng thôi, chẳng ai giúp được đâu…
Hồng Thanh Quang: Chúng ta chỉ có thể hỗ trợ nhau phần nào thôi, còn phải tự mình là chủ yếu.
Nguyễn Huy Thiệp: Nó có sự chia sẻ và một phần gì đấy là hỗ trợ nhau được một chút. Bản thân Đồng Đức Bốn cũng là một tài năng, nhưng nếu anh không gặp tôi thì anh cũng sẽ có cách thể hiện khác nhưng anh sẽ vất vả hơn… Gặp tôi thì anh xác định được một cách rõ ràng hơn…
Hồng Thanh Quang: Ý anh là nhờ gặp anh nên anh Bốn xác định rõ ràng hơn về con đường thơ của anh Bốn? Anh gặp anh Bốn lần đầu vào năm nào?
Nguyễn Huy Thiệp: Tôi gặp Đồng Đức Bốn lúc tôi cũng bắt đầu nổi tiếng rồi, khoảng độ năm 1989 -1990. Lúc đó ông Bốn rất là hoang mang, ông ấy vẫn còn đang đuổi theo mấy ông làm thơ tự do như Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ,… Ông ấy không nhận ra thế mạnh…
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ Hồng Thanh Quang. |
Hồng Thanh Quang: Lục bát của anh ấy?
Nguyễn Huy Thiệp: Thế mạnh của ông ấy là lục bát, nhưng ông ấy lại không chuyên tâm lắm. Nhưng đến khi gặp tôi là tôi xác định rằng ông ấy chỉ làm được thơ lục bát thôi, những thể thơ khác, thể theo tự do, nó cần phải nhiều chữ nghĩa, nó cần phải nhiều học vấn, nhiều trí tuệ hơn thì mới có thể làm được… Còn lục bát nó là thể thơ mà tôi nghĩ đấy là thế mạnh nhất của ông Bốn, vì ông Bốn ông ấy vẫn là người quê kiểng, vẫn là người ít học, vẫn là người…
Hồng Thanh Quang: Bản năng thi sĩ…
Nguyễn Huy Thiệp: Đúng rồi, đấy là một. Với thứ hai nữa, ông Bốn lúc đó ông ấy nghĩ, ông ấy tưởng là cái lợi danh, danh tiếng, lợi lộc mà ông ấy có thể kiếm chác được là ở thành phố, là ở Hà Nội. Nhưng tôi chỉ cho ông ấy rằng, ông khác tôi và khác với những người khác. Ví dụ, quê cha đất tổ của tôi ở Hà Nội, tôi có một miếng đất nọ kia ở đây, kiểu gì tôi vẫn có thể tồn tại được ở Hà Nội, nhưng ông ấy lang bạt kỳ hồ, ông ấy lên Hà Nội thì ông rất khó kiếm, nếu ông có thể kiếm được lợi danh ở Hà Nội thì hoặc ông rất ghê gớm, nhất là trong lúc đó nó là thời gian…
Hồng Thanh Quang: Nhiều biến đổi….
Nguyễn Huy Thiệp: Xã hội của mình lúc đó chưa được ổn định và nó cũng không phải như bây giờ. Thời gian lúc đó mới mở cửa và bây giờ ngẫm lại, những người thành công ở trong giai đoạn đấy, thì một là những người có bệ đỡ rất vững chắc, ví dụ được giáo dục tốt, phải có một tài sản ổn định…
Hồng Thanh Quang: Cả vật chất và tinh thần ổn định…
Nguyễn Huy Thiệp: Đường tiến lên của họ tương đối mạch lạc. Còn lớp người thứ hai thành đạt trong giai đoạn đó phải là một đám cơ hội rất kinh khủng, cơ hội kinh khủng thì cũng thành công… Gần ông Bốn, hai anh em trò chuyện với nhau, tôi vẫn nói đùa: Tôi khuyên bác cũng vì thương bác/ Hãy trở về với mẹ ta thôi. Cứ nhè lục bát mà chơi/ Biết đâu rồi cũng nên đời như ai (cười). Tôi bảo, ông cũng phải quay lại với cái mạnh nhất của ông, ông đừng bỏ nó… Hồi ấy ông Bốn ông ấy còn định bỏ vợ, bỏ con. Tôi nói: Không được, ông phải về với vợ, với con chứ. Bây giờ ông là một tay có tuổi rồi, ông lên thành phố ông ấy một cô vợ khác…
Hồng Thanh Quang: Thì lại cầu bơ cầu bất thôi…
Nguyễn Huy Thiệp: Tôi nói, ông phải trở về với gia đình, ông phải trở về với Hải Phòng, ông trở về với thơ lục bát. Và quả nhiên 10 năm sau đấy thì…
Hồng Thanh Quang: Thành công!
Nguyễn Huy Thiệp: Rất thành công! Nói một cách thẳng thắn, Đồng Đức Bốn “được” dù anh ấy có lúc nghèo, bặm trợn v.v… nhưng “mâm cơm không sạch không ăn, chiếu trải không thẳng không ngồi…”.
Hồng Thanh Quang: Với ai thì tôi không biết, nhưng với tôi anh Bốn lúc nào cũng đối xử rất chân tình…
Nguyễn Huy Thiệp: Cũng còn nhiều trường hợp khác. Ví dụ như ông Nguyễn Bảo Sinh. Tôi quen biết Bảo Sinh khoảng 20 năm nay, lúc đó tôi cũng nổi tiếng. Khi mà tôi giới thiệu ông Bảo Sinh trên
..
Hồng Thanh Quang: Tôi là người biên tập bài đó chứ ai (cười).
Nguyễn Huy Thiệp: Đúng thế. Tôi đã viết, ông Bảo Sinh là một nhà thơ dân gian, tức là xác định cho ông ấy một con đường đi, chứ trước kia ông ấy lung tung lắm.
Hồng Thanh Quang: Tiện đâu làm đấy, tiện đâu tránh đấy…
Nguyễn Huy Thiệp: Trước kia ông cũng làm thơ tự do, cũng làm thơ hô hào khẩu hiệu, cũng tìm cách xuất bản… Tôi bảo, không phải, thế mạnh của ông chỉ là những câu thơ để lưu truyền, ông là nhà thơ dân gian…
Hồng Thanh Quang: Coi như ca dao "đời mới" đi.
Nguyễn Huy Thiệp: Và ông đừng có nghĩ là ông có thể xuất bản được sách. Không, ông không thể nào xuất bản theo kiểu sách chính thống được. Khi ông ấy xác định được thì ông ấy yên tâm lắm. Từ lúc đó trở đi không bao giờ ông ấy rối lòng nữa, ông ấy yên tâm con đường của ông ấy là nhà thơ dân gian, ông ấy làm thơ như thế thôi và ông đừng nghĩ rằng ông có thể in thành những cuốn sách…
Hồng Thanh Quang: Dày và "hàn lâm" nào đấy…
Nguyễn Huy Thiệp: Đúng rồi, đúng rồi.
Hồng Thanh Quang: Thơ anh Bảo Sinh cũng có nhiều cái thú vị đấy, nhưng chỉ hợp với việc lưu truyền miệng trong đời sống… Đọc thơ anh ấy bằng con chữ in cứ cảm thấy thế nào ấy…
Nguyễn Huy Thiệp: Cho nên chuyện xác định con đường đi, hướng đường đi nó rất quan trọng…
Hồng Thanh Quang: Anh giúp nhiều người như thế xác định đường đi thì ai đã giúp anh xác định đường đi hay anh tự xác định đường đi của mình khi mới bắt đầu sự nghiệp văn học?
Nguyễn Huy Thiệp: Có lẽ là do giời thôi. Tại vì tôi cũng là tay nghiên cứu lịch sử và các vấn đề của anh trí thức Việt Nam bao nhiêu năm, thì tôi thấy, cái chuyện xuất xử là rất quan trọng. Khi cần xuất hiện thì ông phải xuất hiện, khi cần ông phải lui đi là ông phải lui đi…
Hồng Thanh Quang: Muốn thành công thì phải làm được như thế…
Nguyễn Huy Thiệp: Nó là một nghệ thuật sống, đó là nghệ thuật biết mình biết người, không phải lúc nào cũng vất tác phẩm của ông ra, không phải lúc nào ông nghênh ngang được đâu, không phải chỗ nào cũng là cái chiếu của ông mà ông đến đấy…
Hồng Thanh Quang: Không phải lúc nào ông cũng làm chủ, làm "chủ xị" tất cả được đâu.
Nguyễn Huy Thiệp: Đúng rồi, đúng rồi. Tức là ông phải biết đâu là cái diễn đàn của mình. Khi cần thiết tôi cũng phải com-lê, cà-vạt; tôi cũng phải đọc những bài diễn văn…
Hồng Thanh Quang: Long trọng, có tính xã giao…
Nguyễn Huy Thiệp: Lắm lúc có những chỗ mà vừa tới, tôi đã phải tìm cách, tôi nhìn trước, nhìn sau, tôi phải lủi ngay, vì tôi biết đấy không phải chỗ của tôi…
Hồng Thanh Quang: Tôi cũng thế, chỗ nào tôi cảm thấy không phải cuộc chơi của tôi là chạy ngay, lợi lộc mấy cũng thế…
Nguyễn Huy Thiệp: Sự có mặt của mình ở những chỗ như thế nó phiền lắm, nó phiền cho cả người ta…
Hồng Thanh Quang: Mà lắm khi còn liên lụy đến mình, chả dại gì…
Nguyễn Huy Thiệp: Tôi nghĩ đây không phải sự khéo léo ở trong cuộc sống. Cuộc sống nó là như thế và anh nhà văn nổi tiếng, nhà thơ nổi tiếng cũng giống như mọi người thôi, anh cũng phải tự biết mình, phải tự biết là một người bình thường cũng phải có chỗ của nó…
Hồng Thanh Quang: Không tranh chỗ của người ta được…
Nguyễn Huy Thiệp: Đúng rồi, ông phải rất tôn trọng người ta. Như Khổng Tử nói, ông phải chính danh, ông là nhà thơ thì ông cứ là nhà thơ, ông là nhà văn cứ là nhà văn đi, ông là nhà chính trị cứ là nhà chính trị đi, chứ không phải là…
Hồng Thanh Quang: Chúng ta ai nấy đều phải làm phận sự của mình chứ không nên làm việc của người khác…
Nguyễn Huy Thiệp: Nghề chính danh của mình nó rất hay, kiểu gì nó cũng hay, kiểu thấp nó có cái hay của kiểu thấp, kiểu cao nó cũng có cái hay của kiểu cao… Chứ không phải ông là nhà văn rồi ông lại đi làm chuyện nọ, ông lại đi làm chuyện kia và ông nghĩ rằng ông sẽ thành công như hoặc hơn trong nghề chính danh của ông…
Hồng Thanh Quang: Nhầm sân chơi rất dễ bị thua…
Nguyễn Huy Thiệp: Tôi nghĩ cuộc đời nó rất hay nếu mà sống, chẳng cần cứ nhất thiết phải viết văn đâu, cứ ngẫm nghĩ các thứ nọ kia cũng đã hay rồi. Mà viết văn thì càng hay vì văn chương nó là cái thú phong lưu, nó là một trong những trò chơi hay nhất. Ở trong cuộc sống nếu không có văn chương, nghệ thuật, tôi thấy buồn lắm. Những tay nó có văn chương nó khác, cách đi với gia đình của tay có văn chương nó khác, cách chơi với bạn bè của tay có văn chương nó khác, một bữa tiếp khách của anh có văn chương nó cũng khác, một buổi hò hẹn với một người có văn chương nó cũng khác. Văn chương vẫn…
Hồng Thanh Quang: Có sức quyến rũ…
Nguyễn Huy Thiệp: Theo tôi, văn chương vẫn là một trò chơi phong lưu bậc nhất của con người, ít nhất về phía tôi, tôi nhận thấy thế. Tại vì sao? Tại vì nó là cái gì đấy anh phải nhìn lại nội tâm của mình, nó như thứ rèn luyện bản thân mình. Nó là đạo, xác định cho anh con đường đi cho nó đúng đắn hơn, hợp đối với anh. Có nhiều đạo lắm, nhưng văn chương nó là đạo và nó khiến cho anh làm văn chương luôn luôn tìm ra được con đường đi hợp với mình.
Hồng Thanh Quang: Tôi rất muốn tin anh, nhưng như điều tôi thấy, trong làng văn ở đâu cũng thế thôi, ở đâu năm ngón tay cũng có ngón dài, ngón ngắn… Ở môi trường nào cũng có người thế này người thế kia, nhưng trong làng văn thì đặc biệt, một người nào đó khi đã tà tâm thì sẽ tệ hơn những người bình thường khác…
Nguyễn Huy Thiệp: Cũng phải tà tâm chứ!
Hồng Thanh Quang: ???
Nguyễn Huy Thiệp: Phải có cả thiện tâm và phải có cả tà tâm. Ở trên đời này có cả thiện, cả ác, cả hay, cả dở. Sống ở đời cũng thế, nó phải có mặt phải, mặt trái của nó. Ông phải có thiện tâm và như thế…
Hồng Thanh Quang: Ông mới nhận ra được tà tâm…
Nguyễn Huy Thiệp: Và ông cũng phải có tà tâm thì ông mới có thiện tâm được, chứ ông…
Hồng Thanh Quang: Chả có ai tốt 100% cả…
Nguyễn Huy Thiệp: Không phải. ở đời nó có hai mặt của nó. Cũng giống như vũ trụ, có âm có dương. Ông phải biết cái nọ thì ông mới hay cái kia…
Hồng Thanh Quang: Tôi hiểu ý anh rồi. Như một số ý kiến nói rằng, trong làng văn của chúng ta, sự đối xử với nhau đôi khi nó không đúng như lẽ ra sứ mệnh của chúng ta buộc chúng ta phải làm. Với kinh nghiệm sống của anh, anh có cảm thấy điều đó không, hay nhận xét kia không đúng?
Nguyễn Huy Thiệp: Tôi thì… (cười). Cái số nó thế, anh ạ, chẳng biết cái gì là hay, cái nào là dở đâu. Anh cứ chính danh, nhưng nếu người ta đánh anh, anh phải đánh lại chứ. Ví dụ như khi ông Trần Đăng Khoa tuyên bố không đúng về tôi thì tôi phải chơi lại ông ấy chứ…
Hồng Thanh Quang: Tôi nhớ là anh Trần Đăng Khoa có tuyên bố điều gì không đúng về anh đâu…
Nguyễn Huy Thiệp: Có, khi viết về bài "Hoa thủy tiên…". Với người khác thì tôi không chấp nhưng với Khoa thì tôi phải tranh luận, phải tự bảo vệ uy tín của mình. Nếu tôi không tự bảo vệ được tác phẩm của tôi tức là tôi sẽ bị xóa nhòa ở trong con mắt của người đọc và của chính quyền, điều ấy rất nguy hiểm đối với tôi, tại vì vị trí của Trần Đăng Khoa nó khác. Mặc dầu trong đời thường, tôi với Khoa rất quý mến nhau, nhưng khi mà ông đã đưa tôi lên diễn đàn thì tôi cũng phải nói lại. Nhưng những trao đổi ấy cũng là những trao đổi mang tính chất văn học nghệ thuật thôi, cũng không có gì…
Hồng Thanh Quang: Ghê gớm cả, nhưng vẫn phải nói…
Nguyễn Huy Thiệp: Thì như thế mới gọi là sinh hoạt văn học nghệ thuật chứ. Chứ nếu như ông chỉ có một chiều, ông chỉ có xu nịnh thôi, ông chỉ có mượt mà thôi…
Hồng Thanh Quang: Chỉ có vuốt ve nhau thôi thì không hay, phải có sự va đập mà chân lý chính là sinh ra trong sự va đập.
Nguyễn Huy Thiệp: Thường thường những lời nịnh sẽ làm cho ông rất sung sướng, như một người đàn ông được đàn bà thư giãn, còn những lời thật bao giờ cũng vậy, rất đau đớn, nhưng sau đó ông sẽ tỉnh thức. Cho nên những sinh hoạt trong văn học nghệ thuật phải có những chuyện va chạm, và thậm chí có những sự va chạm lớn thì tôi nghĩ nó sẽ lành mạnh cho cả nền văn học nghệ thuật, không phải chỉ cho cá nhân ông Nguyễn Huy Thiệp hay cho cá nhân ông Trần Đăng Khoa.
Chính bài của Trần Đăng Khoa khiến cho tôi phải tự xem lại mình và tôi thấy, à, mình cũng huênh hoang, mình phải tự khiêm tốn đi, và chính điều đấy cũng tốt với tôi, nhưng những điều gì Khoa nói quá lên thì tôi cũng phải nói lại. Chứ nếu ở trong văn học nghệ thuật chỉ có lời xu nịnh thôi…
Hồng Thanh Quang: Ve vuốt, mơn trớn không thôi thì rất không hay…
Nguyễn Huy Thiệp: Cho nên, hôm nọ khi chuẩn bị Đại hội Nhà văn, một vài ba người cũng hỏi, nói đùa, bảo rằng văn học Việt Nam cần điều gì? Tôi bảo thực sự cần rất nhiều thứ. Ông này nói Hội Nhà văn cần phải củng cố, ông kia nói chất lượng nhà văn, cần kinh phí Nhà nước, nhìn chung cái gì cũng cần. Nhưng một trong những thứ mà thiếu nó…
Hồng Thanh Quang: Thì không thể có văn học được…
Nguyễn Huy Thiệp: Thì sẽ không có trí thức, không có nhà văn… Mà theo ông, sở dĩ là vì sao mà cấp trên cũng nghị quyết về Đại hội Nhà văn này và nói, cần phải tổ chức rất chu đáo? Vì sao? Tại vì dư luận của dân chúng rất quan tâm. Tại sao người ta lại quan tâm đến Đại hội Nhà văn mà người ta ít quan tâm hơn đến các đại hội của các chuyên ngành nghệ thuật khác?
Vậy thì chất gì của anh nhà văn đã khiến cho dư luận quan tâm và để cho chính quyền cũng thấy cần có một chuẩn bị chu đáo như thế? Tôi nghĩ, đó là vì tác phẩm văn học luôn đi đôi với khái niệm tiết tháo. Sự tiết tháo của anh nhà văn quan trọng lắm, sống hay chết nhiều khi cũng là chuyện bình thường trong cuộc đời, nhưng cũng phải có những người dám xả thân vì chân lý, cũng phải có những người tiết tháo…
Hồng Thanh Quang: Tôi nghĩ thời đại nào cũng cần những người tiết tháo; tiết tháo luôn luôn là điều chúng ta cần phải hướng tới, vươn tới…
Nguyễn Huy Thiệp: Mà chuyện đấy không dễ, không phải ai cũng làm được. Đây tôi muốn nói không phải ông nói tiết tháo mà ông làm được tiết tháo đâu… Tôi nói thật với ông, tôi nói chuyện tiết tháo nhưng tôi cũng không làm được, tôi cũng hèn, tôi cũng không dám hy sinh. Thế nhưng ở trong cuộc sống nó vẫn có những thứ mà chỉ có thể bằng cái sự tuẫn tiết, chỉ bằng sự tiết tháo thì cái ác mới chùn bước.
Cái ác ở đây tôi muốn nói là cái ác chung chung, chứ không phải cụ thể ở con người nào, hay ở một chính sách nào, hay ở một viên công chức nào. Người tiết tháo thì người ta mới không làm chuyện bậy bạ, chứ ông chỉ vào một điều cụ thể nào cũng không đúng. Nhưng khi xã hội nó đang có những biến động, đang có những tiêu cực, đang có những chuyện nọ chuyện kia thì lại càng rất cần có sự tiết tháo, nhiều khi sự tiết tháo đấy nó vô nghĩa thôi, thế nhưng vẫn rất cần…
Hồng Thanh Quang: Nó không có hiệu quả cụ thể, trực tiếp, nhưng nó vẫn rất cần để duy trì không khí, mạch chảy cho đúng hướng…
Nguyễn Huy Thiệp: Bằng ngòi bút của người viết văn, hay bằng sự tiết tháo, anh thể hiện một cách nghệ thuật, thể hiện một cái gì đấy thì tôi nghĩ đấy cũng là những vị thánh kiểu như bên tôn giáo… Chính vì thế ông Nguyễn Đình Chiểu có câu nói…
Hồng Thanh Quang: "Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ…".
Nguyễn Huy Thiệp: Về các nhà văn người ta mới nói là, à, ông nhà văn này có nhân cách. Thực sự ra đấy là cái hiểu của bạn đọc chung chung, chứ thực sự đi vào cụ thể ông Nguyễn Huy Thiệp thì ông này ông cũng "nhảm" lắm, ông cũng…
Hồng Thanh Quang: Như người ta thường tình thôi…
Nguyễn Huy Thiệp: Nhưng mà tinh thần đọc ra trong "Tướng về hưu" hay trong truyện nào đấy nó cũng có cái gì để cho người ta cảm thấy hình như nó có tiết tháo, thế người ta mới quý tôi. Tôi nói thật với ông, tôi đi đâu người ta cũng quý mến tôi, chứ không người ta đuổi đi, ông ạ.
Hồng Thanh Quang: Vâng, nhờ có sự tiết tháo trong văn chương…
Nguyễn Huy Thiệp: Bây giờ có người bạn đến nhà họ phải kính trọng, quý mến thì lúc đó họ mới dùng lễ lớn để họ tiếp ông, họ mới ngay ngắn ra họ tiếp ông chứ. Ở trong thời hiện nay nó có cái hay vì sự dân chủ và nó cũng có sự nhem nhuốc của nó. Hôm qua có chuyện nhỏ thôi, tôi đến dự lễ thượng thọ một vị giáo sư mà tôi quý. Tôi đến đúng giờ vì tôi thấy ông ấy là một người đáng kính trọng. Tôi đến đấy, tôi thấy rất nhiều người đến, các học sinh đến. Với tên tuổi và cống hiến của vị GS đó, tôi tưởng là lễ thượng thọ sẽ được làm trang trọng hơn. Nhưng hóa ra không phải vậy. Hôm qua, mặc dù tất cả mọi người đều hồ hởi, mọi người rất chân tình đối với vị GS đó nhưng ở đấy tôi vẫn thấy thiếu lễ. Tại sao ngày xưa Khổng Tử đặt chữ Lễ rất cao? Cái lễ nó rất quan trọng, cái lễ nó từ trong lòng người, từ trong cách tổ chức, tất cả các thứ…
Hồng Thanh Quang: Thể hiện bằng cả yếu tố vật chất.
Nguyễn Huy Thiệp: Có chứ. Trong lễ thượng thọ ấy, người thì tặng hoa, người thì tự dưng rút ra một cái phong bì đưa cho ông…
Hồng Thanh Quang: Suồng sã quá!
Nguyễn Huy Thiệp: Tôi cảm thấy lẫn lộn tình cảm, vừa quý, vừa thương, vừa buồn. Sau đó có một nhà văn cũng nổi tiếng khi thấy tôi cũng hỏi một câu mang tính chất xách mé thôi, anh có phải học sinh Trường Viết văn Nguyễn Du đâu mà anh đến đây? Tôi nói đùa rằng, tôi đến để xem đám học trò của GS đối với ông ấy như thế nào…
Chuyện cho tiền thì việc gì phải làm ở đấy. Chuyện đưa tiền, nhận tiền nó cũng chẳng phải là cái đẹp đẽ gì, nó là một cái thứ vô lễ chứ không phải như nhiều người vẫn nghĩ… Một người có tên tuổi, danh tiếng trước hết họ phải tự lo được bản thân họ, họ phải nuôi sống được bản thân họ và gia đình. Ông GS ấy danh tiếng như thế…
Hồng Thanh Quang: Ở nước ta, trong hoàn cảnh chúng ta không phải người danh tiếng nào cũng đủ nuôi bản thân mình, đó là điều đáng tiếc…
Nguyễn Huy Thiệp: Theo tôi, nếu mà như thế tức là hư danh, phải tôn trọng thực danh chứ. Ông GS ấy không phải hèn đến mức độ ông phải nhận những phong bì dúi vào tay mình một cách suồng sã như thế… Chúng ta chỉ sống với những giá trị hiện thực thôi thì buồn, phải cần sự lãng mạn chứ, phải cần cái bay bổng thì lúc đó trẻ con nó mới có tương lai chứ, chứ bây giờ trẻ con tất cả đều thực dụng, đều suồng sã như người lớn thì rất buồn.
Không phải tự dưng ông Lỗ Tấn ông ấy nói là phải cứu lấy trẻ con. Chúng ta già rồi, thời của chúng ta qua rồi, nhưng hãy vì bọn trẻ để làm điều gì đấy, những người lớn phải thu mình lại đi, phải bớt vật chất đi, nhường chỗ cho trẻ con… Hôm nọ xem ti vi tôi nhìn thấy 3,4h người ta phải đi xếp hàng…
Hồng Thanh Quang: Để xin cho con đi nhà trẻ… Tôi cũng có xem tin này…
Nguyễn Huy Thiệp: Tôi thấy đau quá, làm gì đến nỗi như thế… Nếu người lớn bớt nhà đi, bớt đất đi…
Hồng Thanh Quang: Thì xây được khối nhà trẻ…
Nguyễn Huy Thiệp: Văn chương ngày xưa, tôi cũng thích quan điểm này… Ngày xưa người ta nói văn chương tải đạo… Nhưng bây giờ thì với sự phát triển khủng khiếp của xã hội, của văn minh, của rất nhiều thứ, thì quan điểm đó nó phải rút ngắn: văn chương bây giờ nó phải là đạo…
Hồng Thanh Quang: Bản thân nó là đạo?
Nguyễn Huy Thiệp: Bản thân anh nhà văn, bản thân tác phẩm của anh ta nó phải là đạo cơ, cái sự riết róng, cái sự nguy cấp của nó đã đến mức độ như thế rồi.
Hồng Thanh Quang: Tôi nghĩ, điều anh vừa nói không dễ hiểu lắm… Văn chương tải đạo với văn chương là đạo thì cấp độ chúng khác nhau như thế nào?
Nguyễn Huy Thiệp: Ngày xưa thời gian nó chậm hơn, những công việc, hay là xã hội ít người, tất cả diễn ra chậm chạp, đạo thì nó vẫn còn xa và vì thế nó có khái niệm văn chương tải đạo..
Hồng Thanh Quang: Còn bây giờ văn chương là đạo luôn rồi, làm văn tức là hành đạo luôn rồi?
Nguyễn Huy Thiệp: Đúng rồi, còn nếu anh không có khả năng đấy thì anh rút đi. Tôi nói thật với ông, giờ tôi 60 tuổi, tôi không còn khả năng “hành đạo” được. Có lẽ sau Đại hội Nhà văn này có khi tôi phải tự rút lui khỏi Hội Nhà văn…
Hồng Thanh Quang: Anh cảm thấy anh không viết được hay sao mà rút ra khỏi Hội Nhà văn?
Nguyễn Huy Thiệp: Đến tuổi này rồi tôi phải dành Hội Nhà văn đấy cho người trẻ trung. Có thể tôi…
Hồng Thanh Quang: Ở cùng nhau thì có làm sao, có ai tranh chỗ của ai đâu?
Nguyễn Huy Thiệp: Già đến lúc nào đấy phải biết giấu mặt đi chứ, già cả phải biết trốn đi chứ. Ở trong gia đình khi đến tuổi nào đấy ông phải để con ông nó tiếp khách chứ không phải lúc đấy ông cứ nghênh ngang ông đi lại, mặc dầu ông ngồi vào chỗ rất khiêm tốn nhưng con cái vẫn khó chịu…
Hồng Thanh Quang: Nhưng một người con kính trọng bố mẹ lại không khó chịu, nhiều khi lại muốn kéo bố mẹ lại với cuộc sống của mình…
Nguyễn Huy Thiệp: Theo tôi đấy cũng là cái chúng ta tự nghĩ thế thôi… Đấy cũng là quan điểm theo tôi…
Hồng Thanh Quang: Thực sự như tôi thì tôi rất thích có việc gì kéo bố tôi vào làm cho bố đỡ buồn…
Nguyễn Huy Thiệp: Cũng là một cách nhìn…
Hồng Thanh Quang: Đạo chẳng qua là đường đi thôi…
Nguyễn Huy Thiệp: Đúng rồi. Nó có thể lúc đi sang bên trái, lúc đi sang bên phải, nhưng anh chính danh. Anh chính đạo, thì dù lúc gia đình anh tai nạn thế này, tai họa thế kia, rồi anh mắc sai lầm nhưng anh vẫn không chệch choạng, anh vẫn đi được ở trên con đường ấy, chứ còn đến khi anh văng ra khỏi con đường ấy, thì anh là kẻ vứt đi, thôi thì không bàn nữa…
Hồng Thanh Quang: Tôi nghĩ, một dân tộc phải chọn được một con đường, lúc này thời vận nó có thể suy giảm, có thể tăng lên nhưng phải có con đường đi đấy, phải kiên trì theo con đường ấy, tôi cũng nghĩ thế thì nó mới được. Như Bác Hồ đã nói hồi trẻ, trên thế giới có nhiều con đường đi lắm…
Nguyễn Huy Thiệp: Nhiều con đường đi lắm, nhưng đạo này nó hợp với quốc gia kia, đạo kia nó hợp với dân tộc này, có cái hợp với con người kia nhưng nó lại không hợp với mình.
Hồng Thanh Quang: Mình thì mình phải bảo vệ con đường đã chọn ấy, bảo vệ cái đạo ấy…
Nguyễn Huy Thiệp: Đạo này nó cũng biến hóa, nó thay đổi theo thời gian và nó cũng vô cùng vô tận. Anh làm văn chương, trí thức là một trong những anh kích hoạt hoặc là gợi cho người ta nhìn ra được một chút đấy. Tôi nói, văn chương là đạo cũng là cái mình nói quá lên thôi, chứ thực sự các anh làm văn chương hay tác phẩm gọi là văn chương cũng chỉ có một ý nghĩ để hướng cho người ta đi về cái đạo đấy thôi…
Hồng Thanh Quang: Cái đúng đắn, cái chân lý…
Nguyễn Huy Thiệp: Tôi nghĩ là chuyện mọi người quan tâm đến Đại hội Nhà văn hay mọi người chuẩn bị cho nó chu đáo là điều rất tốt. Như thế tức là…
Hồng Thanh Quang: Vẫn còn hướng đạo đấy…
Nguyễn Huy Thiệp: Tức là văn chương còn thì nước ta còn.
Hồng Thanh Quang: Văn chương còn là nước ta còn, cái đó cũng đúng.
Nguyễn Huy Thiệp: Nếu như tất cả mọi người chẳng ai quan tâm đến nhà văn và ở đấy nó vô lễ, ở đấy nó thiếu lễ thì vứt đi rồi.
Hồng Thanh Quang: Tôi hiểu, anh cũng muốn Đại hội Nhà văn tới sẽ có lễ, tức là các nhà văn đến phải thực sự thực thi cái lễ với nhau, cũng là với cuộc đời này.
Nguyễn Huy Thiệp: Ít nhất ra nó cũng phải để cho người trên trông xuống, người ta nhìn vào, nó phải có giá trị cả về nội dung lẫn hình thức…
Theo Hồng Thanh Quang – CAND Online