Dưới đây là một số nét đặc trưng trong "nghệ thuật rút tít" làm báo của Ngô Tất Tố, một nhà báo thuộc nửa đầu thế kỷ trước, xuất thân từ "cựu học", làm báo "tân học" và chưa từng qua bất kỳ một trường, lớp đào tạo, huấn luyện nào về báo chí.

Tên bài ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, nêu bật chủ đề

Đề cập tới "muôn mặt cuộc đời", tên những bài báo của  Ngô Tất Tố ngắn nhất chỉ là hai chữ như: Bỏ làng, Cảnh ngộ, Mua cỗ, Đắc đạo, Hết năm… ; hoặc là ba chữ : Bạn và vợ, Chết vì ăn, Dân là quý, Làng kiện làng, Cụ Lang Bần, Cô Tây Hoẻn, Người Nhà nước, Thục Điểu chết…; dài hơn là 4 chữ như: Bị kiện là phải, Cái nạn kiêng tên, Đại hiền nói dối, Hoài cái tên đẹp, Chơi kiểu gì vậy, Chán đời là phải, Cái chết có duyên, Cái vạ giàu sang, Muốn làm Khổng Tử, Lừa thế còn ít, Trời của dân quê…, hoặc 5 chữ như: Kính tặng bà kiểm duyệt, Cứ để cho nó chết, Đồ ăn của con mắt, Ba nghề thua một nghề, Cái tát đáng cảm ơn, Chết thì được cứu tế, Khóc cười đều có tục…

Tuy ngắn gọn, nhưng tên bài đều khái quát được các ý tứ thể hiện trong bài và các điều viết ra đều không "lạc đề" hay "xa đề".  

"Đánh bài lật ngửa" đi thẳng vào sự thật,  bút lực mạnh, ngôn từ tinh quái, hóm hỉnh

Hồi đầu những năm 30 thế kỷ trước, trên chính trường nước ta có chuyện bàn về hiến pháp. Mô tả ý kiến "trước kia có phân rẽ nhau về hai thuyết bảo hộ và trực trị chẳng qua để thử lòng người, bây giờ hai thuyết đó gần nhau rồi", trên báo Ami du Peuple (Bạn dân) có vẽ hình hai võ sĩ đánh bốc với nhau, hình từng "võ sĩ" đều ghi đích danh họ tên hai chính khách. Vạch trần sự thật, Ngô Tất Tố khẳng định: "Hai ông ấy có đánh chác, nhưng không dại gì mà các ông ấy đánh bốc, các ông ấy đánh bài Tây đấy!".

"Ai chả biết đánh bài Tây thế nào cứ ra đầu Hàng Ngang hay các nơi đình đám hội hè mà xem. Một chị đàn bà ngồi trong làm "cái", miệng hát và "tráo" ba quân "ít xì" để cho hàng xứ đến đánh. Nhưng cứ một mình chị này thì chẳng ma nào dám đánh với, vì người ta biết rằng đánh với chị ấy tất thua. Bởi vậy lại phải có một chị đàn bà khác ngồi ngoài làm "con", cởi ruột tượng mà đánh, đánh một cách hăng hái sát phạt, thiên hạ thấy vậy ngõi mắt đánh theo, lắm người phải dốc túi với các chị. Tối đến chị cái, chị con đổ tiền làm một. Trừ vốn đi còn bao nhiêu chia nhau.

Ấy cái lối đánh bài Tây nó thế".    

Đầu têu là ông Tản Đà

Chê trách nạn in "bừa bãi" các tập thơ "không đáng là thơ", Ngô Tất Tố viết bài Đầu têu là ông Tản Đà.

"Ngày xưa các cụ cũng rất thích thơ. Từ đời nhà Lý, chữ Hán mới thịnh hành, các ông thày chùa mỗi ông cũng cố để lại lấy một bài thơ. Rồi đến đời Trần trở đi, ai đã thi đỗ, người nào cũng có được một tập thơ là ít. Tuy vậy, thơ của các cụ chỉ cốt để tả cảm hứng của mình, không cần phô phang với đời, các cụ cứ cất kín một nơi. Bao nhiêu tập thơ còn lại ngày nay hết thảy do người đời sau sao chép hoặc đem xuất bản".

"Ông Tản Đà là người đã phá lệ đó, ông đã gây ra tội đi trước trong việc tự in thơ, bắt đầu từ cuốn "Khối Tình Con", thơ của ông ấy "phần nhiều là kiệt tác, in ra vẫn là xứng đáng". Nhưng "sau đó thi tập của các "nhà thơ" khác in ra không khác "lợn con chợ huyện". Trong đó thơ hay cũng có, nhưng rất ít, còn lại là hạng thơ đọc lên đã thấy lợm giọng…". "Chúng ta ngày nay khổ vì thơ" do đầu têu là ông Tản Đà.

Ông Phan Trần Chúc nói hỗn

"Tôi ở quê nhà ra, thấy nói ông Phan Trần Chúc viết ở Ngọ báo rằng, tôi đã ăn cắp văn của ông mà soạn một cuốn sách gọi là "Vua Hàm Nghi". Lạ! Tôi không viết một cuốn sách nào gọi là "Vua Hàm Nghi", sao lại có chuyện như vậy?".

Sau khi nói lên sự thật về quá trình soạn sách "Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ" của mình, tác giả chỉ ra "ông Phan Trần Chúc cố ý bỏ đi mấy chữ với việc kinh thành thất thủ mà bảo người khác đánh lộn sòng với sách của mình, cái đó là gian quyệt. Để tự bảo vệ trước chứng cớ "đã công bố trên báo rằng, ông ta bôi nhọ quốc sử, ông ta lại công nhiên dùng lời vô lễ mà bảo người khác ăn cắp văn mình thì thật là nói không thẹn miệng. Phải, đối với những lời nói hỗn của một kẻ "thất giáo", còn phải tốn nhiều giáo dục nữa mới đáng kể là văn sĩ, hơi đâu mà tiếp tục cãi nhau với ông ta nữa".  

Qua các thời kỳ khác nhau, tác giả đã có hàng loạt bài "rút tít" dưới dạng này: Một lũ mất dạy, Nước Anh đã đến lúc đốn, Báo và nhà thổ, Cái tát đáng cảm ơn, Chớ bắt cổ nhân mần tuồng, Hà Nội đã bắt đầu đứng đắn, Nó mọc ở miệng là phải, Ông Long là người dốt, còn ông Kỳ, Cái bất nhã của ông Phó sơn họ Hít,  Khổng Tử bảo là mù…

Khéo "đối chữ", "thạo" dùng ngôn từ dân dã

Bình về chuyện hai ông Phan Khôi và Nguyễn Khắc Hiếu tranh luận về "sự đói ăn là việc nhỏ, đàn bà thất tiết là việc lớn", tác giả khái quát thành đề bài Bảo Khổng và bài Khổng. 

Nhân việc ngược đời, phụ trương ra đời trước: "Bắc Kỳ Thời báo được phép đã từ hồi đầu năm ngoái, chẳng biết vì cớ gì mà chân dung của nó cứ thập thò thập thụt muốn ra đời lại không dám ra. Tuy nó chưa ra, nhưng cuối năm người ta đã thấy một tập giấy đóng đinh đề là Xuân với vô số những văn thơ nghe như gai biếm vào tai, thế rồi lại có tập nữa đề là Xuân thuyết đều là phụ trương của bạn đồng nghiệp", tác giả viết bài Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông và kết luận đây là "câu tiên tri chỉ về việc này".

Chỉ trích một tờ báo đồng nghiệp lâu năm ở Bắc Kỳ đã không chủ động, cũng "a dua" cổ động cho chủ trương "vui vẻ trẻ trung" không lợi cho xã hội, tác giả có bài Bà già đã tám mươi tư, ngồi trong cửa sổ đưa thư kén chồng. Khi lúa gạo ở Nam Kỳ xụt giá, các chủ thương lái người nước ngoài bỏ cuộc về nước, kéo theo hàng loạt gái làm tiền người đồng hương, tác giả viết bài Gạo Nam Kỳ với đĩ Quảng Tây.

Tài "rút tít" thoả sức vùng vẫy tại các "chuyên mục" hấp dẫn  trên mặt báo                      

Tên một số chuyên mục do tác giả đặt ra trên báo và tạp chí qua các thời kỳ khác nhau

Giữa lúc chữ quốc ngữ mới "nhất sơ thành lập", ngay từ thời gian đầu bước chân vào làm báo, Ngô Tất Tố đã nhấn mạnh "Đề mục trên mặt báo như con mắt ở mặt người", sau đó đã ra sức gây dựng các chuyên mục trên mặt báo đi đôi với việc công phu chọn đặt tên cho các bài báo.

Đề mục hấp dẫn, tên bài hay, nội dung thiết thực… đã lôi cuốn bạn đọc, suốt cả chục năm đã trở thành "sân chơi độc đáo, đấu trường sôi động" trên mặt báo, đã làm cơ sở  thúc đẩy quá trình phát triển liên tục tài nghệ sáng tác tản văn và nghề làm báo của Ngô Tất Tố.

Theo Cao Đắc Điểm – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *