Có lẽ cả đời tôi sẽ bị ám ảnh bởi buổi chiều mưa phùn hôm đó tôi gặp ông – một nhà văn tên tuổi, danh tiếng cứ khóc ròng từ lúc gặp cho đến khi tôi về. Nói chuyện gì ông cũng khóc, nhắc đến người thầy – nhà văn Nguyễn Khải giờ đã xa lìa trần thế, hai hàng nước mắt ông ứa ra.
Nói chuyện ông làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân mới hiểu hết "nhân tình thế thái" ở đời, mới thấy cái sự lọc lừa bon chen ngoài xã hội khủng khiếp đến nhường nào, ông khóc vì không thể tưởng tượng ra được con người ta lại cư xử với nhau tàn tệ đến thế. Nhắc chuyện gia đình vợ con giờ như "dây đứt lìa đàn", ông lại càng khóc.
Ôi! Trái tim nhỏ bé của một nhà văn đa cảm, nước mắt của ông còn nhiều hơn cả nước mưa. Cuộc đời của ông còn buồn hơn bầu trời đen, xám xịt ở ngoài kia…
Ông nằm ọp ẹp, ốm o trên cái giường nhỏ, chân co, chân duỗi, quần vắn lên đến tận đầu gối. Mái đầu bù xù của ông gác lên hai cái gối cũ, cuối giường, cô cháu gái đang xoa bóp chân cho ông. Ông đưa mắt nhìn tôi, thều thào: "Cứ thế này ta trò chuyện nhé…". Nhưng được một lúc ông lại bảo tôi đỡ ông ngồi dậy. Câu chuyện đang chuẩn bị bắt đầu thì cô cháu gái giục cuống lên đã đến giờ ông uống thuốc. Trời ạ! Một vốc thuốc dễ đến 20 viên con nhộng ông bỏ hết một lần vào trong miệng, hớp một hớp nước là xong bằng đấy thuốc trôi tuột xuống mà chả biết thuốc đi về đâu nữa. Đã lâu rồi không gặp, ai ngờ ông lại đau ốm đến thế này…
Nhà văn Lê Lựu: Một ngày tôi cứ vã 10 vốc thuốc như thế này, với lại hai lần tiêm nữa. Đã từ 2 năm nay rồi, cứ mỗi lần vào viện lại một lần yếu đi, khi ra viện rồi tập mãi mà sức khỏe cũng chả hồi lại được. Tôi nhiều bệnh quá, nhũn não, tiểu đường, gút, tiền liệt tuyến, nhồi máu cơ tim, phổi, thận, gan, tụy… đủ hết, cứ động đến chỗ nào thì có bệnh ở chỗ đó. Người mình cứ như cây khô đã kiệt nước rồi. Nhưng cũng phải ra được quyển sách thì mới thấy đời nó vui, chứ không thể đau ốm mà nằm gặm nhấm quá khứ được… Nhà văn cứ như con trâu cày. Cả cuốn tiểu thuyết hay giống cuốn sách nó cứ như cánh đồng mênh mông không biết đâu là chân trời thì anh cày bao giờ cho hết. Cái anh nhà văn như con trâu kéo cày ấy, nên vất vả lắm.
PV: Ông ốm thế này thì làm sao lại vừa ra mắt tiểu thuyết "Thời loạn" đầu năm nay được nhỉ?!…
Nhà văn Lê Lựu: Tôi nằm trên giường bệnh trong bệnh viện đọc cho con cháu gái ở trung tâm này đánh máy thôi.
PV: Những năm gần đây ốm đau triền miên như vậy ông có cái nhìn bi quan về cuộc sống không?
Nhà văn Lê Lựu: Không đâu! Nhờ giời, tôi sống đến bây giờ đã là lãi rồi. Bao nhiêu người tài giỏi quanh mình như nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà văn Tào Mạt, các anh đi xa cả rồi, đi từ lâu rồi, mình sống mãi có làm được gì đâu. Ngay kể cả đồng đội, những người cùng trang lứa ở chiến trường bây giờ đã chết vợi cả rồi. Nếu nhìn mình, phải nhìn sang ngang so với đồng đội, bạn bè đồng nghiệp thì thấy mình sống vô tích sự, sống thừa nhiều quá, mấy năm gần đây có viết được gì đâu. Viết được mỗi "Thời loạn" thôi. Mấy quyển sau này nữa, có những quyển chưa in được. Bây giờ có viết gì cũng không hơn ngày xưa nữa. Về già thì sâu hơn nhưng mà đâu còn sức nữa.
Ngày xưa quyển nào tôi viết thì chỉ trong vòng hai, ba tháng là xong vì mấy tháng trời đó thức suốt ngày đêm nghĩ cho tới cùng. Nhiều khi tôi ngồi từ 6 giờ sáng hôm nay đến 6 giờ sáng ngày mai chỉ để tìm ra một chữ. Tại tôi dốt chứ bây giờ có cái máy tìm hộ. Năm 1988, không dùng chữ "bâng khuâng", chữ cũ rồi, gõ lên máy tính có hàng trăm chữ tương đương chọn chữ nào dùng thì dùng. Nhưng bấy giờ mình thộn, mình ngu có máy cũng không biết dùng thì mình dùng cái đầu cứ lần mò tìm chữ nào mình thấy ưng ý nhất…
PV: Sao cuốn tiểu thuyết ông lại lấy tên là "Thời loạn"?
Nhà văn Lê Lựu: Chiến tranh làm cho cuộc sống khổ cực, nhưng lòng người thanh thản vô tư lắm, đi chiến trường hy sinh mà lòng vẫn thanh thản. Bây giờ thời bình không có tiếng bom đạn nhưng ở trong lòng người loạn rồi, không có cái gì ổn định cả. Tâm con người ta nó cứ lộn nhào hết cả, không biết thế nào là phải, thế nào là trái. Tôi không hiểu sao con người bây giờ không tốt với nhau. Những năm trước khổ sở nhưng không thấy hết mặt trái của cơ chế thị trường. Tình cảm loạn, luật lệ lỏng, đối xử với nhau cũng loạn, có đời nào bố con chỉ vì cái chỗ ở mà đưa nhau đi kiện, nhìn nhau thấy tức rồi thì giết nhau. Đấy nó loạn ở chỗ đấy… Tôi cứ ngồi nghĩ vẩn vơ mà buồn, con người ta sống với nhau lại tàn ác thế nhỉ. Thế nhưng người hay buồn như thế lại thành người dở hơi. Cuộc sống thì cứ chảy đi…
PV: Trong tiểu thuyết của ông, đàn bà và phụ nữ hiện ra rất rõ nét. Phải hiểu về phụ nữ lắm thì ông mới có những trang viết về phái đẹp như thế, giao tiếp ngoài cuộc sống ông có thể đọc vị được họ rất nhanh không?
Nhà văn Lê Lựu: Thầy tôi là nhà văn Nguyễn Khải (khóc) ông ấy chết rồi. Ông ấy bảo "Anh nhà văn gặp nhân vật trong vòng 10 phút mà anh không phát hiện tính cách nhân vật thì thôi anh không đi viết văn nữa". Một con người có hàng chục tính cách. Có người chịu khó chăm chỉ, ki cóp rồi cũng có lúc chơi bời phóng túng, tử tế đấy nhưng lại cũng có lúc đểu cáng nhưng tính cách nào là tính cách chủ lực, thì phải phát hiện.
Có những cái phát hiện được, có những cái mượn kinh nghiệm của người khác. Không gặp được nhưng chỉ nghe tả thôi, thì tôi theo câu của các cụ. Thế này nhé, "Những đồ ti hí mắt lươn. Trai thì gian trá, gái luôn gạt người". Hoặc “Gò má cao thì sát chồng”. Còn người “mắt trắng dã, môi thâm sì” thì sống vô tình bạc nghĩa, cứ dựa trên cơ sở ấy mà tôi bịa ra. Bịa mà bản thân người ta cũng thấy thật, người ta không biết được người ta làm cái việc đó lúc nào…
PV: Khi về già, con người ta hay hồi tưởng lại quá khứ, nhớ lại kỷ niệm buồn và đẹp cứ ùa về và mình nhìn càng rõ rệt hơn…
Nhà văn Lê Lựu: Chuyện đấy thường xảy ra với người nhàn rỗi, ngồi một mình âm thầm nhớ quá khứ. Chứ tôi bận công, bận việc, già thì già nhưng vẫn cứ phải chạy theo cái nhịp sống này còn thì giờ đâu mà nhớ nữa. Bận trăm thứ công việc ở trung tâm này, vì đã đẻ nó ra thì phải nuôi. Trước có năm chục người, giờ tôi giảm chỉ còn trên dưới chục người. Nhưng chạy làm sao có lương cho người ta ăn, có điện cho người ta thắp, có máy cho người ta làm việc. Rồi trung tâm còn có mấy trăm hội viên… Hồi trước khỏe tôi đi giao dịch, gặp gỡ người ta rồi thì làm được việc này việc khác. Doanh nghiệp họ bỏ ra vài chục triệu góp với mình để làm, bây giờ cứ ngồi nhà thế này gọi điện vẫn cứ túc tắc đấy nhưng mà khó hơn…
Nhà văn Lê Lựu (ở giữa) và nhà văn Nguyễn Như Phong (bên phải) năm 1984.
|
PV: Người ta bảo nghiệp viết văn nó vận vào đời. Cuộc sống gia đình đau đời trên từng trang viết trong cuốn tiểu thuyết có vận vào đời ông không?
Nhà văn Lê Lựu (khóc nức nở): Tôi bị cái đấy nó vận vào người. Chính là "Sóng ở đáy sông". Ông Đại chỉ yêu các con bà cả thôi, ghét các con bà hai, thế đến cuối cùng chết, ốm đau chỉ có con bà hai. Còn con bà cả đi hết sang Mỹ. Cái thằng Núi, con bà hai ông tẩy chay nhất cuối cùng nó lại nuôi ông ấy chứ. Ông ấy chết làm ma thì nó đứng ra chống gậy.
Tôi bị vận vào bà ở quê đấy, năm 10 tuổi người bé bằng cái kẹo tôi đã lấy vợ rồi. Đến tuổi đi bộ đội, Chi bộ Đảng bảo về yêu vợ mới kết nạp Đảng thế là về có được đứa con, xong tôi bỏ bê không nuôi nó. Còn bà trên thành phố này thì được hai đứa. Một thằng cu, một con bé. Tôi yêu thương chạy vạy cho con học khối D, không tính gì ốm đau, cứ mỗi đứa là 9 thầy dạy ngoài. Mà ngày xưa mỗi buổi dạy 1 đến 2 tiếng là hai chục nghìn. Hai chục nghìn ngày đấy bằng hai trăm nghìn bây giờ. Và con nó thi đỗ.
Cái con bé lớn bây giờ ra đi làm lương 30 triệu một tháng. Đến lúc tôi ốm đau nằm bệnh viện cái con bé Lượng mình bỏ ở quê nó đến chăm lo. Tôi thương nó lắm, hằng ngày làm việc xong tối nó đi 30 cây số lên chăm bố xong, sáng sớm hôm sau nó lại về. Suốt một tháng giời đi đi lại lại chăm bố trong viện. Còn mấy đứa con bà hai đến thì chỉ bàn bán nhà.
PV: Những gì trước đây ông tâm sự trên báo, sự thẳng thắn đến độ ngờ nghệch, sự cả tin và cả nỗi cô đơn buồn tủi làm độc giả rất thương cảm. Chắc bản thân ông cũng không muốn thế đâu vì nhà văn thường khí khái lắm?!…
Nhà văn Lê Lựu: Tôi cũng không muốn cứ đi sống bằng lòng thương hại, đến lúc hết lòng thương hại thì chết à, phải sống bằng cái mình có và cái mình phấn đấu. Thế cho nên rất cám ơn mọi người và độc giả. Con người ta có thế nào thì bộc lộ ra như thế không che giấu được.
Có người chê tôi tại sao lại đi nói chuyện nhà ra. Tôi bảo, việc gì phải giấu chứ, cái gì rồi thì thiên hạ người ta chả biết. Tôi và vợ tôi xin ly dị nhau, trước sau gì người ta cũng biết. Con tôi đứa nào như thế nào rồi người ta cũng biết chứ. Tôi chỉ buồn nỗi mình chỉ dồn hết tình cảm vào cho thằng con và nó đốt cháy hy vọng của mình. Tôi xin cho nó việc viết báo. Nó cứ làm một thời gian lại bỏ. Bỏ cả đến chục tòa soạn báo rồi, bây giờ vẫn lông bông, chả có nghề nghiệp gì cả, vẫn ăn tục nói phét.
Bao nhiêu tính xấu nhất của tôi nó nhận hết. Tính hay tán gẫu nó nhận. Cái mà tôi làm được, viết văn, thì nó không nhận. Ba tháng giời tôi không ngủ thức thâu đêm suốt sáng làm việc thì ba tháng giời nó không ngủ để đi uống rượu đến nỗi ngã xe máy, vỡ đầu, đổ cả “chậu máu” thế mà vẫn không chừa. Tôi thất vọng về những cái đó.
PV: Bây giờ ông có ao ước điều gì không?
Nhà văn Lê Lựu: Suốt đời tôi ao ước thèm một gia đình êm ấm. Mà gia đình tôi ngay cả lúc hai người yêu thương nhau nhất tôi lại bỏ nhà sang cơ quan để ngủ. Nhà và cơ quan cùng phố Lý Nam Đế, nhà số 8 còn cơ quan số 4, đi bộ mấy bước chân. Suốt mấy chục năm trời đều thế cả!
PV: Tại sao lại thế?
Nhà văn Lê Lựu: Tại vì sống không hợp nhau, cãi nhau như mổ bò suốt ngày. Cứ bàn đến công việc gì là cãi nhau, chỉ được câu trước, câu sau là cãi nhau. Bàn đến nấu ăn cũng cãi nhau. Bàn đến đi chợ cũng cãi nhau. Bàn đến mua cái gì cũng cãi nhau. Dạy con cãi nhau. Cãi nhau suốt ngày nên tôi bảo, thôi sang cơ quan nằm.
PV: Ông là nhà văn có tiếng, đa tài đa nghệ, nên đàn bà con gái theo cũng là lẽ đương nhiên. Có khi nào ông ở riêng như thế để "muốn làm gì thì làm" không?
Nhà văn Lê Lựu: Làm gì có chuyện đó. Tôi sức khỏe yếu lắm, bạn bè ai cũng biết. Cứ hỏi Chu Lai, Đỗ
PV: Cuộc sống như thế sao ông không ly hôn luôn đi cho rồi, để đến mãi tận bây giờ cho nó rích rắc ra. Mà ông đã ly hôn chưa hay mới chỉ là nghe người ta đồn thổi thế thôi?
Nhà văn Lê Lựu: Cách đây đã lâu lắm, hàng chục năm trước, vợ chồng tôi ra tòa một lần rồi, đã chia con cái rồi. Thằng cu Chiến về ở với tôi, còn con bé lớn ở với mẹ nó. Thằng cu ở với tôi được 3 năm thì vào một đêm khoảng 3 giờ sáng tôi đang ngồi viết, nó đang ngủ vục dậy khóc thét lên bảo: "Bố ơi bố, con lạy bố, bố cho con về với mẹ con". Tôi sờ vào người nó nóng như hòn than, sốt đến 410, tôi lai con đi viện. Nuôi con trong viện, bà ấy cũng đến chăm con, tôi cũng đến đấy chăm. Hồi bé nó ngoan lắm, khôn lắm, sau một tháng trời nằm viện khỏi ốm, nó bảo: "Bố ơi! Bố về ăn cơm với mẹ con con". Thế là lại đi về ở với nhau. Độ vài năm không chịu được tôi lại đi.
Chính cái hôm mới đây, hồi tháng 12 vừa rồi, tôi đang ở trong viện, bà ấy vào đưa giấy ly hôn viết sẵn cho tôi ký. Không biết bà ấy viết để làm gì, tôi đã ký vào rồi. Nhưng 3, 4 tháng nay chả thấy tòa gọi gì cả. Cái đơn tôi ký bà ấy để đâu hay bà ấy giữ lấy để làm cái gì ấy. Có lẽ cái đơn ấy bà có cái cớ để khi mình ốm đau bà ấy không chăm nom. Mình có chết bà ấy không ma chay gì cả, coi như là đã ly dị rồi. Cách đây 1 tháng chính tôi lại làm đơn mang ra tòa…
PV: Ông làm thế để làm gì khi năm nay ông đã 69 tuổi?
Nhà văn Lê Lựu: Làm thế để cho nó giải phóng tư tưởng, khỏi mang tiếng là có vợ con mà ốm đau không có ai chăm nom, săn sóc… Sau này sẽ cậy nhờ bệnh viện và các cháu ở trong trung tâm đây…
Nói rồi ông lại ôm mặt khóc nức nở, tôi chả biết nói gì cứ luống ca luống cuống… Đời người buồn thế đấy!
Theo CAND Online