Nhà văn, họa sĩ Đoàn Lê vừa lên chức "cụ", sớm hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa, trong khi chị vẫn để tóc ngắn kiểu "búp bê", vẫn cười hồn nhiên như trẻ nhỏ.
Nhà văn, họa sĩ Đoàn Lê |
Năm 2008 này với Đoàn Lê là một năm nhiều mất mát: Chị mất đi người con trai duy nhất khi anh đang ở độ tuổi sung sức; chị phải hoàn tất thủ tục ly hôn với người chồng thứ hai khi tuổi đã vào hồi xế bóng. Đoàn Lê tâm sự rằng, nếu không có công việc, không dồn mọi tâm sự vào tranh, vào những trang viết thì có lẽ chị sẽ… chết vì buồn. Hiện chị đang ngày đêm chuẩn bị cho cuộc triển lãm tranh cùng một số bạn vẽ sẽ diễn ra vào mùa xuân 2009 này.
– Thưa nhà văn, họa sĩ Đoàn Lê, điều mới mẻ nào chị dự định đem đến cho người xem trong lần triển lãm sắp tới?
+ Thực ra, lâu nay tranh Nude vẫn là niềm đam mê của tôi. Ở triển lãm "Nhà văn vẽ" năm 2005 (cùng với Nguyễn Quang Thiều, Đoàn Minh Tuấn, Trần Nhương, Hoàng Minh Tường – NV), tôi đã thử nghiệm treo 2 bức Nude và nhận được nhiều thiện cảm. Vì vậy, lần này tôi dự định đưa niềm yêu thích của mình ra với bàn dân thiên hạ, khoảng 10 bức gì đó. Tôi cho rằng, vẻ đẹp của người phụ nữ thật kỳ diệu và tranh Nude không hề tục. Có chăng nó trở nên tục là bởi một số họa sĩ vẽ còn chưa "thoát". Tranh Nude phải gợi được cảm giác nó đẹp đẽ một cách trong lành và tinh khiết. Và điều này thì phụ thuộc vào tài năng của mỗi người.
Tôi cũng đã có một số thăm dò về tranh Nude ở Hải Phòng và nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh. Tôi có dự định táo bạo là, sau triển lãm ở Hải Phòng chúng tôi sẽ đến một thành phố vẫn được xem là hơi "nặng" về phong kiến, nơi người ta vẫn thích sự kín đáo và tôn trọng thuần phong mỹ tục. Nhưng em đừng viết rõ tên, thành phố ấy ra, sợ người ta biết người ta lại… cản trở mình.
– Chị đã làm việc với cường độ như thế nào để chuẩn bị cho triển lãm sắp tới, trong khi chị vẫn dành thời gian cho công việc viết kịch bản phim, truyện ngắn và làm thơ?
+ Nhiều lúc tôi thấy mình quá ít thời gian mà cái gì cũng muốn làm, cái gì cũng đòi hỏi thời gian. Vì thế tôi đang phải tiết chế ham muốn đây. Sáu tháng qua và khoảng thời gian trước mặt tôi dồn hết cho hội họa. Tôi bận rộn đến mức phải xin rút lui khỏi mọi sinh hoạt đoàn thể, từ chối nhiều cuộc gặp gỡ, nhiều lời "đặt hàng" bởi vì tôi thấy mình bị quá sức. Tôi không có thời gian nào trống, ngày giờ bỗng nhiên trở nên có giá quá. Tôi không có thời gian dành cho nghỉ ngơi, vui chơi, du lịch hay thăm thú bạn bè. Nhưng vẽ cũng là một cách tôi hưởng thụ cuộc sống rồi, khi nó giải quyết cho tôi được nhiều ẩn ức. Vẽ một bức tranh lớn tốn rất nhiều công sức, mà mình lại không phải người dễ dãi nên rất kỳ công. Bởi thế, viết truyện ngắn hay kịch bản lúc này chẳng qua là vì tôi đã trót hứa, trót nhận lời vì quá nể nang mà thôi.
– Theo chị, "cái được" lớn nhất của chị từ hội họa là gì và hội họa bổ xung như thế nào cho các sáng tác khác của chị?
+ Hình như với tôi, một thứ nào đó như thơ, truyện ngắn hay kịch bản đều không đủ diễn tả mọi xúc cảm. Niềm đam mê hội họa giải phóng những thôi thúc khi không viết được. Những cảm xúc, những vẻ đẹp không thể diễn tả thành lời thì tôi tìm đến hội họa. Nhờ tranh mà những truyện ngắn hay kịch bản phim của tôi cũng có bố cục chặt chẽ hơn và nhiều người nhận ra sự cân đối, hài hòa. Bán một bức tranh đi là tôi buồn lắm, tiếc lắm. Có lần tôi phải gọi bạn bè tôi đến và nói rằng: "Hôm nay tôi cho con gái tôi đi ở riêng, mời mọi người đến nhìn mặt lần cuối để chuẩn bị cho cháu có một đời sống mới". Hội họa với tôi, nay đã là máu thịt…
– Thưa chị, thực lòng mà nói là chị quá bận rộn, hay chị phải tìm đến sự bận rộn để chạy trốn, để khỏa lấp, để quên đi những nỗi buồn đau quá lớn chị phải gánh chịu trong năm qua?
+ Cũng không biết nên nói thế nào. Cháu Việt mất đúng hôm mồng 6 tết, tôi buồn lắm, cũng tự trách mình nữa. Đó là đứa con trai tài hoa nhưng vốn yếu đuối của tôi, lại là con trai duy nhất. Hoàn cảnh gia đình cũng là nguyên nhân đẩy cháu vào nỗi buồn chán khiến cháu không tự mình đứng lên được. Tôi vừa viết tặng con truyện "Mẹ và con và thánh thần" đấy. Và cũng có niềm vui là cháu gái con của Việt đã tham gia đóng phim "Giọt nước mắt thiêng" và bố cháu đã được xem trước khi mất. Việt mất đi, không có người thứ ba ràng buộc thì câu chuyện dở dang của vợ chồng tôi cũng được giải quyết nhanh chóng. Những thủ tục cuối cùng đã xong cách đây 6 tháng. Cũng là cách để ông ấy được "giải phóng". Thực lòng, với chồng, tôi cũng luôn sống hết lòng, dù thế nào tôi cũng vẫn hết lòng. Nhưng khi đã không hợp nhau, dù không muốn vẫn phải ly hôn, già rồi cũng phải ly hôn! Chán thế đấy!
– Là người nửa thế kỷ theo đuổi văn chương nghệ thuật, những đa đoan trong cuộc đời cũng đến từ đó. Tại sao chị vẫn muốn đứa cháu gái yêu của mình dấn thân vào cái nghiệp này, trong khi cháu có thể có nhiều lựa chọn khác?
+ Nói thật là tôi đã chán nghề phim ảnh lắm rồi. Nhưng tôi muốn cháu đóng phim vì muốn gây gột cho cháu sau này vào nghề biên kịch như bà nội nó, vì tôi biết cháu có khiếu văn chương. Vốn văn chương mở ra những con đường cho ta đi vào những lĩnh vực khác nữa. Nhưng cũng chỉ là mong thế thôi, chứ thành công hay không phụ thuộc vào nhiều thứ lắm. Theo tôi, biên kịch là nghề được "lãi" nhiều, là một nghề đáng yêu lắm. Tôi cũng xuất thân từ nghề diễn viên, nhưng không thực thích nghề đó nên chỉ vào "chơi" cho biết thôi.
– Ông trời cho chị sự đa tài đồng thời đem đến sự đa đoan. Trên phương diện một người phụ nữ, thẳng thắn mà nói chị có nghĩ rằng mình là một phụ nữ bất hạnh?
+ Tôi vẫn biết, trời không cho ai tất cả bao giờ. Trời cho thứ này thì lại lấy đi thứ kia. Nếu không, những bất hạnh ở đời này ai gánh cho hết được? Tôi có gia đình riêng và nếu chỉn chu, chắc tôi không có nổi thời gian làm một việc gì tới đầu tới đũa. Nói như thế có nghĩa tôi là phụ nữ vụng về trong việc xây dựng gia đình, nhưng cũng nói thêm rằng trời sinh ra tôi như thế, tôi phải chịu thế không khác đi được. Vì thế, cho đến giờ tôi rất sợ những phiền phức đời thường, sợ một đời sống eo hẹp ràng buộc mà chỉ muốn yên tĩnh dành thời gian để làm những việc mà mình thích nhất. Tôi sống một mình quen rồi, "phi chính phủ" quen rồi. Ai biết trước rằng mình còn bao nhiêu thời gian trước mặt nữa…
– Cuộc sống gia đình không vuông tròn, nhưng chắc hẳn, chị vẫn có người đàn ông trong mộng của đời mình. Một cách cởi mở nhất, chị có thể chia sẻ về điều bí mật này?
+ Ai cũng có người đàn ông lý tưởng của đời mình, chỉ có điều người đó không thuộc về mình thôi. Tôi có viết trong kịch bản phim "Hồ Xuân Hương", đại ý rằng: "Hồ Xuân Hương luôn một mình đi một lối", thì tôi cũng vậy. Vì thế, tôi không gặp được người đàn ông mình có thể chung sống và gửi gắm cả cuộc đời mình. Phải nói cho công bằng rằng, tôi cũng có mối tình sâu nặng nhiều luyến tiếc, nhưng cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu. Tôi đã chia sẻ một chút riêng tư trong truyện ngắn "Thiên định" đã đăng trên Văn nghệ Công an đấy. Như tôi đã nói ở trên, nếu muốn một cuộc sống êm ấm thì tôi đã lại lập gia đình rồi. Nhưng giờ đây tôi không có nguyện vọng ấy nữa. Tôi tự thấy mình đầy đủ về mặt tinh thần rồi.
– Người ta nói rằng, chị lựa chọn cách sống ấy bởi vì chị sống cho riêng chị, cho niềm đam mê và khát vọng nổi tiếng của mình quá nhiều?
+ Không, tôi lại hiểu sâu sắc rằng mỗi người nếu không sống đầy đủ cho riêng mình thì không thể sống được cho ai cả. Sống được cho mình đã là hạnh phúc, sống được cho ai nữa thì càng tốt hơn. Mọi điều tôi làm, mọi sáng tác của tôi đều thể hiện mong muốn được giãi bày, được chia sẻ với cộng đồng lớn. Chẳng lẽ như thế là ích kỷ hay sao?
– Vậy hiện nay phương châm sống và làm việc của chị là gì?
+ Cuộc đời rất giản dị nên không việc gì phải đao to búa lớn cả. Trong sáng tạo, tôi làm việc cật lực, thậm chí lao lực, nhưng xét cho đến cùng đó cũng chỉ là những cuộc "rong chơi" trong thế giới này mà thôi. Theo tôi, sáng tạo nghệ thuật – đấy là một cách "chơi" của tôi. Tôi lựa chọn một thái độ với cuộc sống thế này (cười và đọc chậm rãi):
Anh cứ nói cả trăm điều dối trá
Để em tin như thể rất dại khờ
Em giấu trong lòng sớm nắng chiều mưa
Điều dối trá hồn nhiên thành vô tộiThế gian này nặng đâu lời nói dối
Những kiếp người èo uột sẽ đi qua
Rồi tất cả sẽ trở thành vô nghĩa
Tội tình gì em khe khắt với hai ta…
Thơ của tôi đấy. Tôi sắp sửa ra một tập thơ. Gần 70 rồi, nhưng vẫn toàn là thơ tình đấy nhé!
– Xin cảm ơn nhà văn, họa sĩ Đoàn Lê về cuộc trò chuyện cởi mở này!
Theo Việt Hà – CAND Online