Nhà văn Cao Duy Sơn hiện là Phó Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông vừa "ẵm" giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008 với tập truyện ngắn "Ngôi nhà xưa bên suối".

– PV : Mặc dù với số lượng sách in rất khiêm tốn (870 cuốn), nhưng cùng với "Sóng chìm" (Đình Kính), "Tiếng khóc của nàng Út" (Nguyễn Chí Trung), tập truyện "Ngôi nhà xưa bên suối" của ông đã giành được giải thưởng của Hội Nhà văn. Cảm xúc của ông khi biết tin mình nhận được giải thưởng?

– Cao Duy Sơn : Ngôi nhà xưa bên suối gồm 7 truyện ngắn, có vẻ hơi mỏng, nhưng đây đều là những truyện ngắn tôi thích. Tôi rất bất ngờ khi biết tin mình đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn. Bởi vì năm nay, những tác giả lọt vào chung khảo đều là những gương mặt đáng nể, khiến tôi cảm thấy… ngợp! Còn tôi luôn luôn giữ một vị trí khiêm tốn. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được một giải thưởng lớn như vậy!

– PV : Không hiếm trường hợp, vì một lý do nào đó, tác giả đã quyết định… trả giải. Với tâm thế của một người vừa có tên trong danh sách nhận giải thưởng, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Phải chăng, với người sáng tác, cứ sáng tác đi đã, còn giải thưởng "không là tất cả"?

– Cao Duy Sơn : Theo tôi, việc trả giải là quyền của mỗi người. Nếu đã tham gia vào một cuộc chơi, nên chấp nhận nó như một cái luật. Mình có gửi tác phẩm tham dự thì người ta mới trao giải. Tôi không muốn bình luận sâu về vấn đề này. Chỉ có điều, theo tôi, giải thưởng của Hội Nhà văn là một giải thưởng danh giá, đó là vinh dự, tự hào cho mỗi người viết. Trước đây, bây giờ và cả sau này tôi vẫn cho là như thế. Nếu đánh giá thấp thì không đúng và cũng không nên đánh giá thấp nó. Ai cũng biết rằng mỗi lần trao giải, các tác phẩm đã qua khâu tuyển chọn khắt khe từ phía Hội đồng Chung khảo.

Mặc dù vậy, không hiếm trường hợp một số tác phẩm bị bỏ sót, hoặc những tác phẩm được giải thưởng chắc gì đã là đỉnh cao và những tác phẩm không được giải thưởng chắc gì đã không hay. Chúng ta phải công bằng mà nói như vậy. Và đó là đời sống của văn học, ta phải chấp nhận nó như một thực tế. Được giải thưởng là sự ghi nhận công lao của một tập thể chứ không phải của một người. Nói như vậy, có thể có người sẽ bảo tôi không khiêm tốn, được giải rồi đi nói tốt cho họ. Nhưng tôi nghĩ rằng để nói về Hội Nhà văn thì nên nói như vậy. Chúng ta phải công bằng với họ một chút.

Hoa bay cuối trời – tác phẩm của nhà văn Cao Duy Sơn

– PV : Từ Người lang thang, Đàn trời và bây giờ là Ngôi nhà xưa bên suối, có vẻ như ông rất kiên trì với đề tài miền núi, nơi được xem là lợi thế của ông. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng : văn học dân tộc thiểu số đang già đi trong cảm hứng sáng tạo. Ông có thể cho biết ý kiến của mình?

– Cao Duy Sơn : Chính bản thân tôi khi nghe những điều đó cũng phải suy nghĩ nhiều. Liệu mình đã vượt qua được chính mình hay chưa? Mình đã vượt qua được sự già nua trong rất nhiều năm đi theo nó hay chưa? Tôi cho rằng đó là một ý kiến cần phải được tham khảo, cần phải nhìn nhận, đánh giá hết sức công bằng cho nó. Không nên phủ định những ý kiến như vậy.

Tôi nghĩ rằng, sự bảo thủ cố hữu của người sáng tác nhiều khi cũng mang đến những cái hại nhất định, hoặc mang đến những sắc điệu riêng của từng người. Chỉ có điều, già hay trẻ thì hãy cứ đọc nhau đi đã. Quan trọng nhất là tác phẩm phải hay từ nội dung đến hình thức thể hiện. Điều đó rất quan trọng. Để có được một chữ hay, người viết phải suốt đời phấn đấu. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tôi đồng ý với nhận xét đó. Trên thực tế, nó vẫn đang phát triển và có nhiều cái mới. Tư duy văn học của thế hệ cách đây 30 năm, 60 năm khác bây giờ. Cứ mỗi thế hệ đi qua nó lại khác. Ngay cả lời ăn tiếng nói, ứng xử với nhau cũng khác. Vậy tại sao lại có thể nói nó già? Không có cái chuẩn gì để nói là già hay trẻ được. Tôi cho rằng, nó chỉ có hay và không hay mà thôi. Qua đó cũng để thấy rằng nhận xét đó là lời cảnh tỉnh cho những người sáng tác văn học dân tộc thiểu số nói riêng. Tôi cho là nó rất quan trọng, phải coi trọng ý kiến này.

– PV : Với cá nhân ông, sự kiên trì với đề tài miền núi có lý do gì?

– Cao Duy Sơn : Theo tôi, mỗi người đều có một vùng đất riêng của mình. Tức là anh có thuộc nó hay không. Nếu anh không thuộc nó làm sao anh có thể viết được. Tôi về thành thị 4, 5 năm nay, nhưng những gì của thành thị, mặc dù hằng ngày tôi vẫn sống với nó, vẫn chưa đủ thời gian để mình có cảm xúc viết về nó. Cái để tạo nên trong tôi cảm xúc là quãng đời ấu thơ, nơi mình sinh ra và lớn lên. Mà hầu như nhà văn nào cũng bị tác động bởi những kỷ niệm rất riêng. Bên cạnh đó là những gì đã qua trong cuộc đời của mình ở vùng đất mình đã sinh ra, nó trở thành một sự ám ảnh. Viết văn nhất định phải có sự ám ảnh. Không có sự ám ảnh sẽ không thể nào tạo ra được một tác phẩm, vì mọi cái đều trở nên hời hợt. Sự ám ảnh đó từ ngày này qua ngày khác, nó khiến anh không lúc nào nguôi nghĩ đến nó và phải tìm cách thể hiện theo một cách nào đó. Tôi nghĩ rằng kiên trì theo đuổi chỉ là một cách nói. Phải nói rằng, vùng đất đó thuộc mình và mình cũng thuộc nó. Điều đó quan trọng hơn rất nhiều. Không thuộc sẽ không làm được gì.

Huy Sơn – Theo SCL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *