Buổi sáng cuối năm se lạnh, nhà tôi chợt hỏi tôi lâu không thấy bác Hoài Anh trong Sài Gòn ra chơi? Ngay chiều đó, đi làm về, tôi đã thấy anh ngồi lụ khụ trong nhà. Nom anh già nhanh quá. Mới một năm, sao tóc anh bạc trắng cả. Dáng ngồi gù gù như con gấu. Anh mặc chiếc áo rét to sụ, chân đi dép xăng đan. Nhà tôi lên gác kiếm tìm đôi tất mới, đưa anh đi kẻo lạnh chân. Anh nói ngay: "Kỳ này ra Bắc, sẽ ở hẳn ngoài này. Đất phương Nam đã ruồng bỏ tôi rồi!".

Tôi vẫn biết tâm trạng nhà văn vốn thất thường, vui ngay và buồn ngay, ham mê tất cả và chán chường tất cả. Nghe anh nói vậy thôi, chứ tôi biết mảnh đất phương nào đã bao giờ ruồng bỏ anh. Vào , anh đã mất tất cả, nhưng chính anh lại được tất cả.

Nếu tính đầu sách anh đã công bố, thấy đáng kính nể. Chỉ riêng năm 2006, một nhà sách trong Nam đã in cho anh bộ tiểu thuyết lịch sử 16 tập, mỗi tập in 1.000 bản, với độ dày trên dưới 300 trang. Cũng chính mảnh đất phương Nam đã cho anh hoàn thành cuốn "Chân dung văn học " dày 1.496 trang, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, năm 2001, đồ sộ hoành tráng, khắc họa đầy đủ khuôn mặt các nhà văn Việt Nam. Rồi năm 2007, Chi nhánh Nhà xuất bản Văn học tại TP HCM lại cho xuất bản cuốn Biên soạn khảo cứu 756 trang của anh, với tên sách "Xác và hồn của tiểu thuyết".

Cuối năm 2008, một nhà sách trong Nam liên kết Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin cho in bộ sách "Người chở đò thời đại" của anh, khái quát chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam thế kỷ XX, gồm 3 tập, gần 2.000 trang. Vậy thì mảnh đất phương đâu ruồng bỏ anh? Và làm sao anh bỏ mảnh đất phương được?

Tuy nhiên, tâm trạng thảng thốt, thất thường ở anh kỳ này thấy phơi rõ. Con người anh đầy vẻ mệt mỏi, chán chường và chậm chạp. Nhưng sức làm việc và niềm say mê làm việc ở anh thì vẫn thấy mạnh mẽ. Biết anh hay thức khuya dậy sớm, mỗi lần anh ra, chúng tôi thường bố trí anh nghỉ gần phòng làm việc. Anh có tài thức khuya. Tôi tự thấy mình đã lọ mọ, ngày lo việc mưu sinh, đêm đêm dành thời gian cho chữ nghĩa. Thường thường một giờ sáng mới ngủ, có tối đam mê ngồi thức lỳ tới hai ba giờ sáng.

Những ngày anh Hoài Anh ở nhà tôi, tôi thấy anh thức thâu đêm là bình thường. Anh cặm cụi ngồi viết. Vẫn quen viết bút bi. Hình như anh mù tịt về máy tính. Máy tính trên bàn thường bật sẵn, nhưng không thấy anh sờ tới. Nhiều đêm đã khuya, tôi đi ngủ, thì anh lại ngồi thay vào cái bàn tôi ngồi, anh viết. Anh lia bút rất nhanh. Bút chạy ràn rạt trên trang giấy. Bản thảo của anh thường gạch xóa, cắt dán rất lằng nhằng. Tôi còn nhớ hơn hai chục năm về trước, thuở tôi làm việc ở một tờ báo, anh cộng tác, cũng vẫn những trang bản thảo kiểu ấy. Cô đánh máy ở tòa báo tôi dạo ấy phải kêu lên là bản thảo anh gạch xóa nhiều quá, may được cái, chữ anh  dễ luận, dễ đọc.

Kỳ này ra, anh đang gấp gáp hoàn thành cuốn tiểu thuyết về Hà Nội thời thực dân Pháp chiếm đóng, để hưởng ứng kỷ niệm nghìn năm Thăng Long. Cuốn sách chừng ba trăm trang. Anh khoe, đã viết được già nửa rồi. Thì ra cái mảnh đất Thăng Long vừa cổ kính vừa mơ màng này vẫn ám ảnh anh, cuốn hút anh. Anh còn vừa viết xong kịch bản sân khấu về vị vua Lý Công Uẩn, rồi anh còn toan chuyển thành kịch bản phim truyện. Kỳ trước anh có mang đề cương kịch bản này ra Hà Nội, được nhiều nhà chuyên môn đánh giá cao.

Không gặp gỡ, không giao tiếp bạn bè như mọi lần, sau một đêm thức trắng làm việc, sáng sớm anh đã khoác túi ra đi. Hỏi ra mới hay, anh đến tặng bộ sách mới của anh cho một vị lãnh đạo cao cấp. Chả là vị lãnh đạo này, qua người thân, có nhắn gửi lời thăm anh, ngỏ ý muốn có được bộ sách mới của anh. Tôi không biết có phải sự tôn kính vị lãnh đạo cao cấp kia? Hay vì có tình vị riêng gì? Hay anh hồn nhiên tin là vị lãnh đạo kia đã đánh giá đúng sức làm việc của anh? Tôi chưa rõ. Nhưng chắc chắn là anh không có mưu cầu nhờ vả một điều riêng gì. 

Anh hăm hở đi, một chập đã thấy anh quay về, khuôn mặt đầy nỗi mệt nhọc. Anh không nói, tôi không nỡ hỏi kết quả cuộc gặp gỡ ra sao, vì thấy anh lập cập chuẩn bị đồ về quê. Tôi chỉ kịp sắp mấy cuốn sách, tờ báo cho anh, rồi tiễn anh lên xe.

Quê anh, cái làng nhỏ bên bờ sông Châu, tôi chưa có dịp về thăm. Chỉ biết qua lời anh kể, đấy là làng nghèo của vùng đồng chiêm trũng Bình Lục, Hà . Anh bỏ làng đi theo người cha vào bộ đội năm anh 12 tuổi. Rồi anh cũng rất ít có điều kiện trở về thăm nơi chôn rau cắt rốn của mình. Hình ảnh quê nghèo, đồng trắng nước trong đã theo anh những ngả đường phiêu bạt. Ở cái làng quê nhỏ bé và lam lũ ấy, anh còn hai người em trai của mình. Đời anh vinh hoa không biết có tới được đâu, chứ hai người em trai anh ở lại làng thì gánh trăm đường lận đận. Anh từng kể tôi nghe, anh thương hai người em của anh lắm. Họ là những người nông dân chân chỉ, chưa từng được đi xa khỏi làng.

Đã vậy, một người em lại thiệt thòi không nói được. Anh em về thăm nhau, người em chỉ ú ớ vài tiếng, người anh thì tuổi cao tai nghễnh ngãng, không nói không nghe được gì với nhau, nước mắt trào ra. Quê anh còn người dì ruột em mẹ anh, tuổi đã cao lắm rồi. Bà như quả trám khô, cho anh nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ. Mẹ anh lâm bệnh mất sớm, khi mấy anh em anh còn rất nhỏ. Bà dì và hai người em của anh cũng chả biết anh là nhà văn nhà thơ nổi tiếng hay không nổi tiếng, chỉ thương anh đi công tác xa quê lâu quá không về.

Con đường theo cha đi làm cách mạng, sớm đưa anh rời xa cái làng quê lam lũ. Những ngả đường công tác, những mảnh đất, những cảnh đời đã gặp, như sớm khắc sâu trong tâm khảm anh, một tâm hồn mong manh dễ xúc động. Có phải vì thế, anh sớm đến với văn chương. Văn chương khỏa lấp và giải tỏa tâm hồn anh?

Thơ anh vốn tinh tế, vậy mà ngoài đời anh lại sống rất lơ ngơ. Năm trước, cũng ở trong ra, anh cũng sắp đặt chuyến về thăm quê. Ngoài việc mang chút tiền về cho người em, biếu bà dì, anh còn chuẩn bị quần áo rất kỹ càng. Vốn là người sinh hoạt xuề xòa, luộm thuộm, vậy mà anh còn nhờ nhà tôi mua giùm hộp khăn giấy thơm. Tôi ngạc nhiên hỏi, mới hay, anh chuẩn bị sẵn để về rửa mặt mấy hôm. "Quê tôi, vốn quen dùng nước ao. Dân cầu tõm mà!". Mấy hôm ở quê lên, hộp khăn giấy thơm vẫn còn nguyên. Anh khoe, ao làng lấp gần hết, mọi nhà xây nhà ngói, nhà bêtông cả rồi. Người em trai tội nghiệp của anh đã được địa phương xây tặng ngôi nhà tình nghĩa.

Lần này ra Hà Nội, anh hăm hở muốn về quê sinh sống. Anh khoe với nhà tôi, là sẽ về thuê đổ đất lấp một phần ao nhà, dựng nếp nhà tre để ngồi viết văn. Rồi sẽ trồng cây ăn quả, quây ao thả cá. Anh giã từ đất phương , giã từ phố phường ồn ã. Anh sẽ thanh thản ngồi viết và viên mãn tuổi già ở quê. Ngay thoạt đầu nghe anh nói, tôi đã không tin anh sẽ làm được, cho là anh hoang tưởng. Nhưng thấy anh nói say sưa quá, sốt sắng quá, làm tôi cũng có lúc phải tin và tự hỏi, nhà thơ Hoài Anh, đợt này về quê sinh sống thật chăng?

Về quê được ba hôm, anh lại bắt xe lên Hà Nội. Dáng anh bơ phờ. Tôi chưa kịp hỏi, anh đã giãi bày: "Hỏng, hỏng hết rồi. Kế hoạch về quê ở, lại đổ vỡ". Tôi không hỏi vì sao việc không thành. Mà thành làm sao được, vì anh vốn còn lơ ngơ lắm. Khi hóa thân trên trang sách, anh thông minh, tỉnh táo như vị tướng điều hành đạo quân các con chữ. Khi ra cuộc đời thực, anh  ngơ ngác vô cùng.

Từ trong ra, vốn liếng giắt lưng được mấy đồng. Số tiền ấy, là quá nhỏ so với xã hội, nhưng là sự tích cóp của một đời cặm cụi viết lách. Vậy làm sao thực hiện được mộng ước xây nhà nghỉ ngơi tuổi già tại đất quê? Cái làng quê vốn đồng trắng nước trong, một thuở sẵn sàng xin nhau được vài sào đất, nay đã bắt đầu nổi cơn sốt "tấc đất tấc vàng". Người em tật nguyền của anh vẫn nghèo như thuở nào.

Người em út, tuổi còn ít, vì vất vả, nên tóc đã bạc trắng như ông cụ. Bà dì anh lại già hơn quả trám khô. Ai cũng muốn giữ anh ở lại, dù rau cháo, mong anh ở lại với làng xóm. Nhưng anh lại khoác túi ra đi. Anh lại quay trở lại cái chốn phố phường đô hội ồn ào, mà anh lạc lõng. Sự cô đơn luôn bám đuổi anh. Đấy là nỗi niềm cô đơn của một nhà thơ, của một người nghệ sỹ. Anh lại vẫn một mình cuốc bộ với số phận mình.

Tôi nhớ, cũng vào ngày cuối năm ngoái, khi anh vừa buông bút hoàn thành cuốn tiểu luận "Xác và hồn của tiểu thuyết", ấy là lúc có điện thoại của một nhà thơ nữ, người một thời anh rất quý mến, mời anh và tôi tới xơi cơm. Tôi còn đang phân vân, thì anh đốc đáo thúc tôi đi ngay. Bữa cơm thân mật và thịnh soạn ấy, anh như không ăn, mà chỉ uống bia liên tục. Nỗi xúc động hiện rõ trên khuôn mặt. Rồi bốc lên, anh đọc thơ cho cả nhà cùng nghe. Anh đọc một lúc tới mấy chục bài liền. Đọc bằng trí nhớ, không sai một chữ. Đấy là những bài thơ anh viết  tặng nhà thơ nữ kia, đã mấy chục năm trước, khi cả hai còn trẻ. Anh đọc, mà rân rấn nước mắt. Nhà thơ nữ kia, mặt đỏ dần lên.

Như để giấu sự xúc động của mình, chị nói vui, thơ tình này anh Hoài Anh tặng ai mà chả được. Anh như người đang cơn nhập đồng, anh vẫn tiếp tục đọc thơ. Mà như không phải đọc thơ, anh đang quặn thắt đọc nỗi niềm đau đáu của mình cho một người nghe, cho mọi người nghe. Chồng nhà thơ nữ bữa đó cũng ngồi lặng nghe thơ. Anh vốn là một nhà dịch giả có hạng, từng bang giao nhiều nước, ngồi nghe một lúc, rồi anh tế nhị lên gác. Có phải anh nhường sự tự nhiên cho buổi hội ngộ? Tôi thấy nhà thơ Hoài Anh bữa ấy đọc như gào lên. Đọc tới câu thơ cuối cùng, người anh bã bời, khuôn mặt như thất lạc. Đó là những câu thơ của tình cảm đơn phương anh nén chặt trong tim anh mấy chục năm trời. 

Đêm ấy về nhà tôi, anh như không ngủ. Anh ngồi đốt thuốc liên tục. Anh cũng không viết, ngồi lặng lẽ một mình. Tôi cảm nhận được sự trống vắng của anh. Mỗi con người, đều có những giây phút cô đơn trong trẻo như thé.

Năm 2004, tôi viết chân dung anh in trên Báo Văn nghệ. Báo in ra, tôi có gửi bưu điện chuyển vào Sài Gòn biếu anh. Đọc bài báo, anh hồi âm ngay. Anh nói rằng nhờ có bài báo ấy, anh đã trở lại với văn chương. Anh đã toan gác bút một thời gian, chán chường không muốn viết  nữa. Có thể anh quý tôi mà nói quá lên thế, nhưng tôi biết sự chán chường kia là có thật trong con người anh. Tôi tin, ai sống hết mình, làm việc hết mình, thể nào cũng có giây phút chán chường, trống rỗng như thế. Tuy vậy, tôi cũng có niềm vui nho nhỏ và tôi tin chắc rằng, nhà thơ của những bài thơ "Lời thề rạp Tố Như", "Bức tranh gà", một thời đã đi vào trái tim bạn đọc, dễ gì mà bỏ bút được? Chỉ có điều, anh vẫn lầm lũi cuốc bộ một mình trên con đường của anh. Anh vẫn lơ ngơ đi giữa cuộc sống cùng nỗi cô đơn. Cô đơn, muôn đời là sự khởi nguồn cho sáng tạo!

Theo Vũ Từ Trang – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *