9/08, 4:48 pm Nhà thơ Tạ Nghi Lễ bay vào ‘Những khoảng trời trong sáng’

Chỉ một cơn tai biến giữa khuya 24/7, được vợ con đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Gia Định – TP HCM, nhưng thật vội vàng, 15h50 ngày hôm sau 25/7, nhà thơ Tạ Nghi Lễ trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 57.

Nhà thơ Tạ Nghi Lễ sinh ngày 8/10/1951 tại Gio Linh – Quảng Trị. Trải qua một thời gian dạy học, làm ruộng và túc tắc làm những câu thơ đằm thắm "Anh về thăm trường cũ. Mùa thu đứng lặng buồn. Bâng khuâng tình cố xứ. Ngày xưa vẫn dư hương".


Nhà thơ Tạ Nghi Lễ (trái) cùng bác sĩ Allen Hassan.

Năm 1990 nhà thơ Tạ Nghi Lễ chính thức bước vào làng văn bằng truyện dài Yêu một người làm thơ, rồi tiếp tục cho ra đời các tập truyện ngắn Nàng Hải Sư và tôi (1992), Những mảnh đời khác nhau (1994), Một ngày của một nhà văn (1997) cùng hai tập thơ Những khoảng trời trong sáng (1995) và Quê mình (2004). Không chỉ cầm bút, Tạ Nghi Lễ còn có tài ngâm thơ và đã có gần 30 vai diễn trên phim nhựa và phim truyền hình. Ngoài ra, ông còn là tác giả kịch bản của hai bộ phim Đi qua lời nguyềnNgày về.

Nghe tin xấu của nhà thơ Tạ Nghi Lễ, tôi tìm đến căn hộ của ông trong một con hẻm quận Bình Thạnh. Nhà thơ Tạ Nghi Lễ nằm yên ắng trước bao nhiêu ngỡ ngàng của vợ, của cậu con trai và anh em bạn bè. Ông lặng lẽ giã biệt cõi nhân gian một cách chóng vánh. Ông đang phương phi tràn trề sinh lực, chứ có đau ốm gì đâu. Có lẽ, sinh thời Tạ Nghi Lễ luôn tìm cách chiều chuộng mọi người, ông không muốn phiền lòng ai, nên lúc trở về cõi vĩnh hằng ông cũng chọn con đường nhẹ nhàng nhất.

Căn hộ mà nhà thơ Tạ Nghi Lễ đang nằm yên ắng là kết quả của bao nhiêu năm tháng nhọc nhằn đời ông. Tạ Nghi Lễ từng cày cuốc như một anh nông dân chính hiệu ở Trảng Bom – Đồng Nai, rồi mỗi tuần ông chạy xe máy cả trăm cây số lên Sài Gòn gửi bài cộng tác cho các báo. Cứ thế, ông chắt chiu và dàm dụm chỉ mong người thân không phải bôn ba ăn đong, không phải ngược xuôi đắp đổi. Gặp được cơ duyên, ông bán mảnh đất nông thôn, dọn cả nhà lên Sài Gòn. Thoát khỏi cảnh xa xôi trắc trở, Tạ Nghi Lễ miệt mài làm việc, vừa viết báo, vừa đóng phim để nuôi vợ con và nuôi văn chương dưới cái tổ ấm mà ông nâng niu: "Hạnh phúc nào trong căn nhà nhỏ chúng mình. Ngọt bùi nhiều hơn cay đắng. Tiếng cười đậm hơn nước mắt. Tình yêu khơi ngọn lửa ấm. Sưởi chúng mình qua năm tháng bão giông".

Quen biết nhà thơ Tạ Nghi Lễ hơn chục năm nay, tôi chưa bao giờ thấy ông cay cú chuyện chữ nghĩa. Hơn nữa, ông cũng chẳng cao vọng gì với những điều văn chương mang lại. Khi mời tôi đến dự tân gia, ông mừng vui thổ lộ: "Mơ ước lớn nhất của đời mình là có được căn hộ ở Sài Gòn cho vợ đỡ khổ, cho thằng con trai có điều kiện học hành. Còn viết lách thì được đến đâu hay đến đó!".

Và khi ra tập thơ Quê mình, Tạ Nghị Lễ khẳng định thêm: "Đây là tập thơ tri ân Quảng Trị chôn nhau cắt rốn. Coi như xong một việc, từ nay đến cuối đời dự định làm hai việc nữa cho cố hương!". Tôi dò hỏi xa xôi, ông cười: "Mình là người cầm bút, hai việc còn lại cũng là hai cuốn sách thôi!". Ít lâu sau, gặp nhau tình cờ, ông nói thêm: "Mình đã xong bản thảo bút ký Quê nhà không xa ngáy, còn cuốn tiểu thuyết tự sự đang viết!”

Ba việc phải làm cho cố hương là ba cuốn sách. Cuộc đời Tạ Nghi Lễ cũng nổi chìm lận đận, nhưng ông luôn dành miền ngọt lành nhất để gửi về Quảng Trị.

Tôi sẽ về tìm lại ấu thơ
Con sông nhỏ một thời tắm mát
Chiều thị xã hương sầu đông thơm ngát
Tiếng ve khô cong ngọn gió Nam Lào

Càng long đong, Tạ Nghi Lễ càng nhớ thương những nỗi nhọc nhằn nơi anh thầm gọi "quê mình" trong mỗi giấc mơ biệt xứ

Có nơi mô như ở quê mình
Khúc ruột thắt giữa hai miền đất nước
Đất chật, họ tên không cần chữ lót
Cơ cực gì đeo đẳng suốt trăm năm

Thơ Tạ Nghi Lễ mộc mạc và chân thành như chính con người ông. Có lần đọc được cái tản văn tôi nhắc đến một nhà thơ gi
à lâm bệnh, Tạ Nghi Lễ vội vàng gọi điện: "Có phải viết về Thanh Tùng không? Cho mình gửi chút ít giúp bác ấy!". Tôi còn loay hoay chưa biết làm cầu nối tương trợ như thế nào, thì đã nghe nhà thơ Thanh Tùng thông báo: "Tạ Nghi Lễ gặp tớ giữa đường, liền chặn lại, dúi tiền cho!". Không thể phủ nhận, nhà thơ Tạ Nghi Lễ đã sống đúng như những câu thơ ông tự răn bản thân: "Hãy chân thật như những ngày đã sống. Biết yêu thương chung thủy với người. Biết sẻ chia với nỗi đau đời. Yêu ghét phân minh, rạch ròi đen trắng".

Bây giờ nhà thơ Tạ Nghi Lễ không còn nữa, nhưng nụ cười nồng hậu của ông vẫn ở lại ấm áp đâu đây. Bây giờ tôi tin ông đang bay vào "những khoảng trời trong sáng"!

Lê Thiếu Nhơn – Evan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *