(Lại một mình đơn độc lên đường – 1952)*

Hoặc thấm thía “nỗi buồn chiến tranh”, để rồi sống khác đi với cuộc đời mới, những quan tâm mới :

Nơi cửa sông, khắp vùng đất cháy
Thoảng mùi hương hoa ngải đắng ngắt lòng
Có mùi hương nào xa vắng thế này không
Như điềm báo tai ương,
Và chỉ còn lại tình yêu bên tôi như người lính canh áp giải…

… Tôi mải mê hít căng mùi hương sâu lắng
Ngải đắng đây, đắng ngắt tình đời
Nỗi đau của loài người giản đơn vô hạn
Đã trở thành niềm cay cực của riêng tôi

Từ những cửa đập bê-tông vẫn thoảng đưa về mùi hoa ngải
Mùi hương yêu bất tử bay đến tận nhà tôi
Thử hỏi làm sao tôi có thể chẳng cất lời
Trở về sau đắng cay nói lời yêu khác trước?

(Những lá thư viết trên đường – 1952, 1960)*

Hay thậm chí, cả những phẫn nộ của một công dân trung thực, lên tiếng trước sự chuyên quyền của thời Stalin :

Cả ngày trong cuộc họp tôi ngồi
Rồi biểu quyết, rồi nói điều giả dối
Lời hổ thẹn sao chưa làm tôi chết nổi?
Nỗi chán chường không khiến bạc đầu thêm?

Ai đó được tung hô sau khốc liệt chiến trường
Số còn lại đã nằm đây lặng thầm mãi mãi
Máu đổ xuống đất lành không mưu toan lời lãi
Có hay đâu để chuộc mọi lỗi lầm
Chưa bao giờ phạm phải với lương tâm!

(Cả ngày trong cuộc họp tôi ngồi…  – 1948, 1949)

… Rõ ràng, các tác phẩm của Olga Berggoltz, dù trong chiến tranh hay khi cuộc sống đã trở về bình lặng, vẫn mãi là “hồn Thời đại – qua trái tim này truyền tiếng nói đến hư không” như bà đã viết!

Luôn luôn là một công dân yêu nước, bà vượt qua nỗi niềm riêng để lớn lên cùng đất nước, đồng hành cùng dân tộc. Chính vì thế, tôi những muốn dùng hình ảnh “ngôi sao ban ngày” trong tác phẩm văn xuôi tự sự trữ tình của bà “Những ngôi sao ban ngày” (1959) để nói về bà, nữ sĩ xinh đẹp của nước Nga. Bà như ngôi sao xuất hiện dưới đáy giếng, vượt mọi khổ ải, để bay lên.

——————
Chú thích  

(*) Những vần thơ được trích trong bài do Thụy Anh dịch

Tư liệu tham khảo :

1.Olga Berggoltz, ba tập. Leningrad; NXB “Văn học nghệ thuật” – 1988

2.Những ngôi sao ban ngày. Olga Berggoltz. NXB “Nhà văn Xô Viết” – 1959

3.Tiếng nói Leningrad. Olga Berggoltz. NXB Lenizdat – 1946

4.Nhớ Olga Berggoltz. Nhiều tác giả. NXB Lenizdat – 1979

5.Gặp gỡ – thơ, hồi ký, ghi chép của Olga Berggoltz. NXB Sách Nga – 2000

———————-

Thụy Anh – Hội Nhà văn VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *