Tập sách "Tác phẩm chọn lọc" của nhà thơ Bằng Việt, cùng với việc tuyển chọn những sáng tác thơ từ các tập thơ của anh đã xuất bản gần nửa thế kỷ nay, cũng có một phần là tuyển chọn những tác phẩm cổ điển và hiện đại do anh chuyển ngữ từ sáng tác của nhiều nhà thơ trên thế giới.

Một số bản dịch thơ của nhà thơ Bằng Việt lâu nay đã được nhiều thế hệ sinh viên thuộc và chuyền nhau chép vào sổ tay. Anh là một dịch giả có uy tín, đã góp phần chuyển tải những tinh túy của thơ thế giới vào nước ta. Bài thơ đầu tiên của nhà thơ Bằng Việt mà tôi có ấn tượng và cảm tình, là bài thơ "Trở lại trái tim mình".

Tôi đọc bài thơ này lần đầu tiên trên báo Văn nghệ giải phóng, một tờ báo văn nghệ rất có uy tín những năm 60, 70 của thế kỷ trước, song tồn cùng tờ báo Văn nghệ ở thủ đô Hà Nội. Tôi nhận thấy cái chất "chờn vờn sương sớm" từ những bài thơ đầu tay của nhà thơ Bằng Việt, được lắng tụ và nâng lên ở một tầm mức mới trong bài thơ "Trở lại trái tim mình".

Ở bài thơ này, ta đã thấy dáng dấp của thi sĩ, thi nhân hiển lộ; cái sức vóc sáng tạo thi ca đã được đẩy lên trong sự vạm vỡ của trải nghiệm và suy tưởng. Cùng trên nền của cảm xúc này của nhà thơ Bằng Việt là bài thơ "Tình yêu và báo động".

Tôi cho rằng, trong thời kỳ đầu sáng tác, nhà thơ Bằng Việt đã sáng tạo nên hai bài thơ như hai tán cây rực rỡ vươn mãi suốt chặng dài sáng tạo thi ca của anh, xuyên qua thời chiến tranh bom lửa.

Bây giờ đọc lại hai bài thơ này, tôi vẫn thấy rộn lên cái xao động tươi mới của cảm xúc và suy tư được hòa quyện thật nhuần nhuyễn, tạo nên cái trong trẻo xao xuyến của một vẻ đẹp thật sâu lắng và khôi nguyên. Có lẽ đó là thời kỳ sẫm chín của cảm xúc giữa cái tôi hòa quyện trong cái ta, như nhà thơ Bằng Việt đã nói:

"Tôi trở lại những bờ đường mùa xuân/ Cây già trắng lá/ Ôi, thành phố tôi yêu kỳ lạ/ Cái sống như trăn trở ngày đêm/ (…)/ Những gác xép bộn bề hy vọng/ Những đầu hồi bóng nắng nhấp nhô/ (…)/ Đến hơi mưa trong khóm hoa màu tím/ Gáy sách cũ xếp chồng như kỷ niệm" (Trở lại trái tim mình).

"Cơn báo động tan rồi/ Cảm động quá, khi mùa thu lại đến/ (…)/ Sông Hồng nước lên. Em đưa anh qua/ Tháng tám cầu nhô hai nhịp gãy/ (…)/ Thành phố trong mưa. Hoa rắc trên đầu/ Hoa mưa nở từng bông trên mái tóc/ Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất" (Tình yêu và báo động).

Cái chất "chờn vờn sương sớm", ngay từ thuở ban đầu đã kiến tạo nên một thể chất thơ Bằng Việt – một thể chất thơ khác biệt trong thế hệ các nhà thơ chống Mỹ. Thực ra, đó chính là cảm xúc thuần túy, cảm xúc gốc luôn mang chứa sự bí ẩn của cái đẹp và giá trị vĩnh hằng trong nó – Đó cũng là một trong những đặc tính cơ bản cấu tạo nên giá trị nền tảng của cảm xúc thi ca.

Điều mà nhà thơ Bằng Việt đã bày tỏ và dành nhiều tâm huyết trong những suy tư trăn trở về "tính cá biệt và tính đặc thù của cảm xúc thơ cũng như tính độc đáo trong mỗi khám phá nội tâm – là chủ thể trong thơ". Thể chất thơ ca khác biệt của nhà thơ Bằng Việt đã mang đến một cái nhìn tươi tắn trong sự thốt nhiên ngỡ ngàng trước một hiện thực thật khốc liệt với sức sống thật phi thường của một dân tộc yêu chân lý, độc lập tự do, yêu và nâng niu cái thiện, cái đẹp trong những năm tháng dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cái chất thi sĩ cứ "chờn vờn sương sớm" ấy, đã lóe nở lan tỏa ở chỗ này, chỗ kia trong các sáng tác của nhà thơ Bằng Việt thời kỳ này:

"Có gì bâng khuâng mãi/ Những cánh hoa bìm gợi nhớ rất xa…/ Ôi những xe trâu thủng thẳng vào cơn mơ/ Bắt tuổi thơ nóng lòng theo bước một/ Ôi những nương cao màu trăng lục nhạt" (Từ giã tuổi thơ).

"Đâu những mùa hè giữa cơn lốc xoáy/ Trẻ con reo trong đám lá bay mù/ Đâu những mùa xuân, đâu những mùa thu/ Những khẩu hiệu giấy điều, những đèn treo lủng lẳng" (Thị trấn).

"Những con chim mỏ vàng lại tha rơm về làm tổ/ Trong bóng cây chưa cao, nghe tiếng trẻ con cười/ (…)/ Đâu tiếng ru à ơi qua nghìn làng sơ tán?/ Đêm thức trắng không đèn, chuyến phà chật mùa mưa?" (Đất nước).

Trong 45 năm cầm bút trăn trở với sáng tạo thi ca, những bài thơ của nhà thơ Bằng Việt viết về Hà Nội vẫn là những bài thơ kết tinh chất thi vị đằm thắm sâu lắng nhất. Hà Nội là nơi nhà thơ ký thác những suy tư trăn trở thầm kín nhất của mình. Đúng như từ dùng trong tên một bài thơ, nhà thơ Bằng Việt gọi đó là "thành phố của đời mình". Hà Nội trong thơ Bằng Việt là Hà Nội được nhìn "bằng ánh mắt xanh ngăn ngắt" của thi sĩ:

"Chuông xe điện trong màn sương rạng sớm/ Và nắng nhô trên hàng cây rét muộn/ (…)/ Những con đường dạ hương làm tim đập không yên/ Tôi đi một mình dưới chiều xanh bối rối/ Thành phố thầm thì trong tình yêu vừa nhen" (Một chút thầm thì trong tình yêu Hà Nội).

"Tôi có những ước mơ trong thành phố cũ/ Như những ngôi sao tự tuổi chín mười…/ Sau hai mươi năm/ Chúng vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt xanh ngăn ngắt" (Trò chuyện với thành phố của đời mình)

"Năm anh gặp em, những cơn bão liên miên đang đổ vào Hà Nội/ Bến xe mưa bay, em đứng đợi một mình…" (Năm anh gặp em)

Nhà thơ Bằng Việt có nhắc đến việc ra đời của bài thơ "Nghĩ lại về Pauxtốpxki", anh cho biết: "Tôi để trong sổ tay hàng chục năm, và có cả một thế hệ sinh viên chép tay lưu truyền cũng chừng ấy năm, trước khi được in".

Những chi tiết này đã gợi dậy trong tôi kỷ niệm, vào quãng giữa năm 1980, trong nhóm bạn bè của tôi lên công tác ở Hòa Bình, có vài ba người vừa tốt nghiệp trường Xây dựng và Kiến trúc, họ rất mê nhạc Trịnh Công Sơn. Trong những đêm tản bộ giữa núi rừng trùng điệp, bạt ngàn sông nước, ngổn ngang đất đá và máy móc, những người bạn của chúng tôi hát nhạc Trịnh Công Sơn và đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ "Nghĩ lại về Pauxtốpxki" của nhà thơ Bằng Việt. Thế hệ sinh viên chép tay lưu truyền bài thơ này, có lẽ là thế hệ những người bạn của tôi ngày ấy.

*

Hai tập thơ "Ném câu thơ vào gió" (2001) và "Nheo mắt nhìn thế giới" (2008) của nhà thơ Bằng Việt, cùng một số bài thơ anh mới sáng tác, là sự đúc kết những suy ngẫm trải nghiệm đậm triết lý nhân văn của nhà thơ về tình yêu, nghệ thuật, về thế cuộc và nỗi niềm trắc ẩn về cuộc đời.

Trong việc làm tuyển chọn thơ của mình, nhà thơ Bằng Việt nói, anh sẽ để bài thơ "Đệ nhất Tổ phái Trúc Lâm giảng thiền" ở cuối tuyển chọn, và đó là bài thơ khép lại tuyển thơ của anh. Tôi được đọc bản thảo bài thơ này vào cuối năm 2008. Theo tôi, bài thơ đặt ra những câu hỏi lớn về thi ca nghệ thuật và những vấn đề nhân sinh.

Phần đầu của bài thơ đã thuật lại công án của phái Trúc Lâm Yên Tử, ghi lại những lời giảng của Đệ nhất Tổ Trúc Lâm. Nó như một cái cầu nối đặc biệt dẫn từ biệt điện bước vào thế tục, là nửa sau của bài thơ. Từ công án ghi lại việc giảng giải về Phật, Pháp, Tăng, liền đến lại là những câu hỏi lớn về "việc đời", về "hạnh phúc" và về "Thơ".

Đây chính là sự chuyển tiếp một cách sáng tạo độc đáo của bài thơ. Câu trả lời về "việc đời" đúng sai, về "hạnh phúc trần ai", và về thi ca nghệ thuật "Thế nào là Thơ?" – cùng nhận được một câu trả lời, như đã trả lời về "Thế nào là Phật?", "Thế nào là Pháp?", "Thế nào là Tăng?". Câu trả lời đó là: "Chấp theo lối cũ là không đúng!".

Thực ra, không cần biết tường tận lối cũ nói ở đây là thế nào, chỉ biết đó là những gì đã qua, thuộc về thì quá khứ, còn về thì hiện tại và thì tương lai phải khác đi, phải đổi thay đi, thì mới đúng. Đó chính là quy luật của sự vận động và phát triển của sự vật và xã hội loài người. Mọi việc ở đời, dù xuất thế hay nhập thế, nếu cứ nệ theo cái cũ thì không bao giờ đạt đến cái chân – thiện – mỹ; đến cả Phật, Pháp, Tăng cũng vậy.

Thơ ca cũng vậy, việc đời cũng vậy, và hạnh phúc trần ai cũng vậy. Hạnh phúc, thi ca nghệ thuật và việc đời, mãi mãi là những câu hỏi lớn của loài người. Mặc dù, mỗi thời đại đều nỗ lực kiếm tìm lời đáp thỏa đáng về chúng theo những tiêu chí và yêu cầu mà thời đại đó đặt ra, nhưng chưa bao giờ hoàn toàn được thỏa mãn.

Đó chính là cái độc đáo sáng tạo của bài thơ "Đệ nhất Tổ Trúc Lâm giảng thiền" của nhà thơ. Và bài thơ này đã khép lại tuyển thơ Bằng Việt trong sự gợi mở không ngừng của nhận thức, cảm nghiệm của con người hướng tới những cánh cửa mở về phía ánh sáng, nơi vẻ đẹp bí ẩn của tri thức, thi ca nghệ thuật và thế giới của đời sống nhân gian luôn tiềm tàng và cuốn hút con người qua mọi thời đại, trong sự thảng thốt và kinh ngạc.

*

Gặp nhà thơ Bằng Việt, lúc nào cũng vậy, luôn cho tôi cảm nhận về một con người trẻ trung, đa cảm, ngẩn ngơ, trăn trở trước cuộc đời. Đọc những bài thơ anh viết những năm tháng gần đây, tôi lại nhận thấy những tâm sự thành thật với bao nỗi niềm còn ngổn ngang bề bộn: "Ngủ đi!… Ngủ ư?… Lại mất ngủ rồi"/ (…)/ Sao ngoảnh lại vẫn còn nhiều bối rối/ Vẫn còn nhiều duyên nợ ở trần gian? (Mất ngủ).

Tôi chợt nghĩ, âu đó cũng là cái nghiệp mệnh thiên phú của người thi sĩ, chẳng bao giờ dứt những suy tư trăn trở về thi ca nghệ thuật, về cái đẹp và về cuộc đời, khi còn đứng hai chân trên mặt đất này.

Với gần nửa thế kỷ trăn trở trên con đường gập ghềnh của sáng tạo thi ca, nhà thơ Bằng Việt là một trụ cột trong các trụ cột của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc chiến tranh chống Mỹ – thế hệ của những nhà biên niên sử của một thời đại thơ hoành tráng. Nhà thơ Bằng Việt đã đóng góp một cái nhìn "bằng ánh mắt xanh ngăn ngắt" trên nền cảm xúc "chờn vờn sương sớm" của thi sĩ, lãng mạn và trí tuệ, cùng kiến tạo lên cái tòa đại bảo tháp của thi ca thế hệ chống Mỹ cứu nước thế kỷ XX – một thế hệ trưởng thành trọn vẹn trong một thời đại chứa đựng đậm đặc chất sử thi.

Theo CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *