Người dân Hà Nội những ngày này đều được nghe một bài văn vần trang trọng "Nghìn năm Thăng Long đại cáo", nhưng không nhiều người biết về tác giả bài viết. Ông chính là Giáo sư văn học dân gian Vũ Ngọc Khánh (85 tuổi), một người quê gốc ở Hà Tĩnh nhưng có cuộc đời và tình cảm gắn bó đặc biệt với Thủ đô Hà Nội.

Giáo sư (GS) Vũ Ngọc Khánh được mọi người biết đến với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian uy tín, tác giả của 230 cuốn sách về các chuyện sử, danh nhân, truyện ký. Việc GS Vũ Ngọc Khánh soạn bài "Nghìn năm Thăng Long đại cáo" chỉ là sự thôi thúc và ý thức trách nhiệm của một công dân Thủ đô đối với sự kiện trọng đại của Hà Nội.

Chúng tôi đến thăm Giáo sư nơi ông sống tại căn nhà nhỏ ở phường Cống Vị (Ba Đình). GS Vũ Ngọc Khánh vui vẻ cho biết: "Tôi viết bài đại cáo này nhanh lắm, chỉ mất vài ngày thôi, bởi câu chữ cứ theo đầu bút mà tuôn chảy. Thể loại văn biền ngẫu tuy khó viết, nhưng lại khá quen thuộc với tôi vì từ tháng 5/1975, sau ngày giải phóng hoàn toàn đất nước được ít ngày, tôi đã có bài "Khải hoàn đại cáo" để công bố rồi".

"Nghìn năm Thăng Long đại cáo" của GS Vũ Ngọc Khánh là một bài viết theo lối viết văn biền ngẫu, là một loại cổ văn thường dùng cho các thể loại cáo, thi, phú, ý tứ sâu sắc, niêm luật chặt chẽ, ngôn từ trang trọng, bay bổng, dài chừng 100 câu. Bài cáo nêu rõ, văn hiến ngàn năm của Thăng Long có thể gói gọn trong hai từ: tứ khí (bốn khí: linh khí, hùng khí, chính khí và vượng khí). Cả một sự đúc kết lớn dường như chưa sách nào nói đến, đòi hỏi sự chiêm nghiệm, tổng hợp công phu, tâm huyết của cả một đời người.

Về linh khí, GS Vũ Ngọc Khánh cho rằng: "Trời Bách Việt, chim Âu vỗ cánh, cắm cơ đồ theo ngựa trắng trâu vàng. Đất Phương Nam, ruộng Lạc khoe màu, mở vị trí theo rồng bay phượng múa. Bắc có hổ ngồi, Nam có rắn cuộn, khắp cõi Việt đây là nơi hội tụ bốn phương. Đông mặt trời mọc, Tây sao ẩn hình, nhìn cả nước, đây là chốn đế đô thắng địa". Hùng khí Thăng Long, trong con mắt GS Vũ Ngọc Khánh, là "núi Sóc Sơn, ngựa tung vó sắt, Thiên Vương Phù Đổng đời đời lẫm liệt trời Nam/ Sông Như Nguyệt, thuyền rộn lời thơ "Nam quốc sơn hà" khẳng định cho ngôi Nam đế".

Chính khí Thăng Long, GS Vũ Ngọc Khánh khẳng định lại theo Văn học sử ghi rõ: Việt Nam có 4 tác phẩm lớn ghi rõ được chính khí Việt Nam, là "Thất trảm sớ" của Chu Văn An, "Vạn ngôn thư" của Lê Cảnh Tuân, "Cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi, "Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo. Cũng từ hai khuynh hướng triết học của Việt Nam, GS Vũ Ngọc Khánh đúc kết lại thành chính khí Thăng Long trong bài đại cáo: "Cư trần lạc đạo, học thuyết Trần Nhân Tông chuyện đạo sâu xa/ Liêm chính kiệm cần, minh triết Hồ Chí Minh chuyện đời ý vị".

Về vượng khí Thăng Long, bên cạnh những dòng về cổ kim cô đọng như điển cố điển tích, tưởng như mấy câu văn sau cũng nói lên nhiều điều xúc cảm cho người đọc: "Giải thưởng Olympic, toán học Ngô Bảo Châu, thanh danh cổ xúy/ Độ cao tám ngàn mét của nóc nhà thế giới, lần đầu tiên lá cờ Việt tung bay/Mở địa giới băm ba triệu héc ta, ngầm ước hẹn Thủ đô nay hoàn mỹ"…

GS Vũ Ngọc Khánh chậm rãi cho biết: "Tôi sinh năm 1926 ở Hà Tĩnh, học hành, sinh sống, hoạt động cách mạng ở nhiều nơi như Nghệ An, Hà Nội, Thanh Hóa, nhưng tôi là người chịu ơn Hà Nội. Từ năm 15 tuổi, tôi được cha mẹ gửi ra nhà người quen ở Hà Nội để đi học, từng là học trò của các vị thầy danh tiếng như các thầy Bùi Kỷ, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp…

Lớn hơn một chút, tôi tham gia hoạt động bí mật ở Hà Nội, năm 1945 thì về Hà Tĩnh tham gia tổ chức cướp chính quyền. Khi cách mạng thành công, tôi là thầy giáo, dạy từ mẫu giáo đến đại học tại Hà Nội. Làm việc trong lĩnh vực văn hóa, nên không chỉ văn, mà cả sử, chính trị… tôi đều được hưởng sự giáo dục, bồi dưỡng của chế độ mà thành người như hôm nay.

Năm 1980, tôi chính thức có hộ khẩu tại Hà Nội. Tất cả điều đó, tôi coi là cái ơn suốt đời của Hà Nội dành cho tôi. Tôi làm bài đại cáo này, để mọi người có thể hiểu ngắn gọn, nhớ và tự hào về Thăng Long – Hà Nội, cũng để thể hiện tấm tình tri ân của mình".

Theo Lê Quân – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *