Hồng Nhung – Quang Dũng, hai ca sĩ khá thành công với các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn

Tám năm đã đi qua kể từ ngày Trịnh Công Sơn ra đi và mỗi năm sắp đến ngày giỗ của ông, ở nhiều nơi, cả trong và ngoài nước lại rộ lên những chương trình ca nhạc tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho đời quá nhiều chất ngọc.

Âm nhạc của ông đã đi vào lòng người nghe đủ mọi thành phần, mọi đối tượng; thâm nhập sâu trong đời sống  nhiều gia đình VN từ thành thị đến thôn quê, thông qua những phương tiện nghe nhìn ngày càng trở nên phổ cập. Nó đến với người nghe trong những quán cà phê, nhà hàng, quán bar, phòng trà, trên sân khấu chuyên nghiệp hay trong những buổi văn nghệ mang tính nghiệp dư… và trải đều trên mọi miền đất nước,  in hằn trong tim của nhiều thế hệ yêu âm nhạc để trở thành bất tử. Gần gũi và quen thuộc đến thế, vậy mà bất cứ một chương trình nào về Trịnh Công Sơn diễn ra trên sân khấu hầu như cũng thu hút khán giả ngồi kín những hàng ghế, lắng nghe từng giai điệu, từng ca từ. Sự mến mộ đó đủ để nói lên sức sống mãnh liệt của những tình khúc  Trịnh Công Sơn đã đi vào lòng người của nhiều thế hệ nối tiếp nhau suốt nửa thế kỷ.

Sinh thời, có lần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã xúc động nhắc lại cho nhiều anh em, thân hữu nghe một câu chuyện đã được ông xếp vào loại những kỷ niệm khó quên. Số là một lần về thăm Huế, buổi chiều, ông cùng với người em trai Trịnh Xuân Tịnh ra bờ sông Hương ngồi hóng gió. Bất chợt có một cô gái còn rất trẻ, xem chừng chưa đến đôi mươi, nói giọng Nghệ An, trang phục và dáng dấp rất quê mùa, chất phác. Cô bé vừa nhận diện được người nhạc sĩ mà mình yêu mến, vội vàng tìm đến trước mặt ông với nụ cười rạng rỡ:

– Thưa, chú có phải là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không?

Ông gật đầu, cô bé tỏ vẻ sung sướng nói tiếp một cách hồn nhiên:

– Gặp được chú con mừng lắm. Con ở Nghệ An vào đây làm công nhân, bạn bè cùng chỗ làm của con đứa nào cũng thích nhạc của chú và còn hát được nữa đấy.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xúc động trước một người hâm mộ quá đơn sơ, trong sáng. Ông hỏi:

– Thế cháu thuộc được bài nào của chú, hát thử xem nào?

Cô bé dạn dĩ đứng nhìn dòng sông Hương lặng lờ trong nắng hoàng hôn, cất tiếng hát nhẹ nhàng:

– “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi… Mây che trên đầu và nắng trên vai, đôi chân ta đi sông còn ở lại…”.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói:

– Khi cô bé vừa hát xong bài Một cõi đi về tôi đã rơm rớm nước mắt, những giọt nước mắt hạnh phúc đơn sơ, cho dù với âm nhạc, tôi đã từng nếm trải vinh quang, từng được ái mộ nồng nhiệt và cũng từng muộn phiền, buồn bã đến tái tê.

Không ít người yêu thích Trịnh Công Sơn đã đặt cho ông câu hỏi: Đâu là bài hát đầu tiên của ông? Trong một bài viết đăng trên một tờ báo xuân năm Tân Mùi (1991), Trịnh Công Sơn bộc bạch:

– Có một câu hỏi, với tôi, đã trở thành nỗi ám ảnh: Bài hát đầu tiên của anh là bài gì? Câu hỏi buộc tôi phải trở về những năm tháng xa xôi. Nhưng khi về đến nơi ấy, thì vô tình tôi lạc mình về một quá khứ xa xăm hơn nữa. Và rồi tự hỏi: Cái đầu tiên ở nơi nào mà có và điều gì đã sinh thành ra cái đầu tiên kia?… Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài Ướt mi (1958) nhưng riêng bài Ướt mi thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi…”.

Như vậy rõ ràng bài Ướt mi không phải là sáng tác đầu tay của Trịnh Công Sơn mà nói chính xác hơn thì đó là tác phẩm đầu tiên khẳng định một thiên tài viết tình khúc sau này. Từ việc đi tìm tòi bài hát đầu tiên của Trịnh Công Sơn, lại có không ít người thắc mắc: Thế thì bài hát cuối cùng của ông là bài nào? Sẽ như thế nào? Ông nói:

– Sự kết thúc của mọi câu chuyện đời đều không giống nhau. Tôi vẫn thường muốn trầm mình trong cái lẽ vô thủy vô chung nhưng người đời cứ thích níu kéo tôi về trong cái lề thói hữu hạn… Bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu có người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy đó làm điều… Bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc? Không chắc gì hạnh phúc thì sao lại cần phải có bài hát cuối cùng?.

Có thể Trịnh Công Sơn không cảm thấy hạnh phúc bởi trong anh sự sáng tạo luôn thăng hoa không ngừng, nhưng những gì anh để lại từ cái thuở ban đầu đến những giờ phút cuối cùng đã trở thành bất tử trong trái tim của những ai còn biết sống yêu thương, chia sẻ với mọi người. Kỷ niệm 8 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn với những gì ông đã để lại cho đời, quả thật như ông đã viết: “Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây”.

Nhiều đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn

Ngày 1-4, chương trình ca nhạc đặc biệt kỷ niệm 8 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, do ATB tổ chức với chủ đề Một cõi đi về, diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình (TPHCM). Điểm nhấn của chương trình là tiết mục trình diễn trường ca Tiếng hát dã tràng, tác phẩm được tìm thấy sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời và lần đầu tiên ra mắt khán giả kể từ sau năm 1975. Tham gia biểu diễn trong chương trình có các ca sĩ: Ánh Tuyết, Đức Tuấn, Nguyên Thảo, Quỳnh Lan và các ca sĩ thuộc  ATB. Cùng ngày (1-4), chương trình đêm giao lưu tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với chủ đề Mẹ-cánh chim cô đơn, do ca sĩ Thái Hòa phối hợp cùng Công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức, diễn ra tại Café sách Phương Nam (số 3 Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp- TPHCM). Ngoài phần giao lưu, chia sẻ từ các nghệ sĩ tham gia chương trình là gần 20 ca khúc nhạc Trịnh sẽ được trình bày qua các giọng ca: Thái Hòa, Bích Chiêu, Bích Hồng, Thiên Nga, Richard Fuller, Thế Vinh, Thủy Tiên, Nguyệt Ca, Vân Trang, Tú Quỳnh, Thanh Thảo…

Ngày 2-4, một chương trình nhạc Trịnh nữa sẽ diễn ra tại Khu Du lịch Bình Quới 1, với chủ đề Rừng xưa đã khép. Những ca khúc quen thuộc sẽ được thể hiện bằng phong cách acoustic mộc mạc, gần gũi qua các giọng ca: Lan Ngọc, Quang Dũng, Đức Tuấn, Mỹ Hạnh, Thủy Tiên, saxophone Trần Mạnh Tuấn, Hiền Thục và Kasim Hoàng Vũ. Đây là chương trình được tổ chức định kỳ hằng năm của Hội quán Hội ngộ. Vé xem chương trình được phát miễn phí.

Trước đó, chương trình Đêm Sài Gòn-phòng trà của mọi nhà với chủ đề Nhớ Trịnh Công Sơn, nhân kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (ngày 1-4), đã diễn ra vào ngày 29-3 tại phòng trà Đồng Dao (164 Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1 – TP HCM). Những ca khúc nhạc Trịnh quen thuộc được thể hiện qua các giọng ca Đức Minh, Hương Giang, Thụy Long, Song Giang, Lan Phương, Vi Thảo, Tường Vi…

Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *