Nhà nghiên cứu có hạng
 
Là người có gốc gác Hà Nội đến 10 đời, họa sĩ Trịnh Quang Vũ đã sớm say mê hội họa từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật VN, ông có nhiều năm nghiên cứu sinh tại Đức. Trở về nước, ông là họa sĩ thiết kế cho Xưởng phim Truyện VN. Ông là họa sĩ thiết kế chính cho các bộ phim Điện Biên Phủ, Cạm bẫy, Bông sen… và hợp tác với những hãng phim Pháp, Úc, Algeria.
 
Máu nghiên cứu đến với họa sĩ Trịnh Quang Vũ từ những ngày ông lăn lộn với các bộ phim thiết kế cổ trang. Ông tâm sự: “Mình là họa sĩ lại làm điện ảnh, nhỡ Nhà nước cho làm phim cổ sử mà mình không biết tí gì thì không thể chấp nhận được. Thiết kế mỹ thuật cho phim mà vừa không có sách vở vừa không am hiểu kiến trúc cổ thì không thể làm được những bộ phim lịch sử hay”.
 
Mười năm trước, ông đã sưu tầm tư liệu của những khách du lịch và giáo sĩ đến VN từ cuối thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII. “VN lúc đó đã nổi lên là một cường quốc. Nguồn lưu trữ của phương Tây cho thấy đây là những sử liệu vô cùng quý giá.
Họa sĩ Trịnh Quang Vũ và bức tranh phục chế Thành Thăng Long thế kỷ XVIII

Tất cả khách du lịch và giáo sĩ đã đến VN từ hai thế kỷ trước là những người đã chứng kiến cảnh sinh hoạt, đời sống và cảnh quan đặc biệt về đất nước, con người VN. Các giáo sĩ đã viết bài và vẽ tranh gửi về Vatican, những tài liệu này hiện vẫn được lưu giữ ở Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Anh” – ông Vũ cho biết. 

 

Chùa Một Cột…

 

Là một họa sĩ chuyên nghiệp cầm cọ từ hơn 40 năm nay, tranh của ông có mặt trong các bộ sưu tập ở  Đức, Pháp, Bỉ, Anh, Canada, Mỹ. Không những thế, ông còn chứng tỏ mình là một nhà nghiên cứu có hạng. Trong Tổng tập Ngàn năm văn hiến Thăng Long dày 12.000 trang xuất bản nhân dịp 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, họa sĩ kiêm sử gia “ngoại đạo” này đã đóng góp 700 trang viết cùng 300 bức tranh do mình sưu tập được nhiều năm qua.
 
Ông đã nhận được bằng khen của UBND TP Hà Nội vì góp công biên soạn bộ sách khổng lồ, nguồn tư liệu quý hiếm cho 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.  Phần ông viết được chia thành ba phần, từ các  vương triều của VN như Hồ, Lê sơ, Lê – Trịnh, Tây Sơn đến 45 danh nhân và danh tướng như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi…
 
Sở trường phục chế tranh cổ
 
Phục chế tranh cổ đã trở thành sở trường của họa sĩ Trịnh Quang Vũ. Năm 2006, cùng với một nhóm họa sĩ tên tuổi, ông đã hoàn thành phục chế 54 bức  tranh cổ về Thăng Long – Hà Nội. Suốt 2 tháng trời ròng rã, họa sĩ Trịnh Quang Vũ đã cùng các đồng nghiệp không tiếc mồ hôi công sức để vẽ lại những bức tranh cổ có từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX.
 
Nhờ có những nguồn tư liệu phong phú, ông đã thể hiện được một phần đời sống của người dân VN sống động và chân thật, cảnh sầm uất trên bến dưới thuyền, nhiều phong cảnh trữ tình cùng những bộ trang phục với nét hoa văn độc đáo, khác biệt.
 
Với bức tranh Vua Lê xuất cung, họa sĩ Trịnh Quang Vũ lấy từ trong tập Mô tả vương quốc Đàng ngoài của S. Baron  in năm 1732. S. Baron đến VN vào cuối thế kỷ XVII, người từng so sánh kinh đô Thăng Long không kém gì các TP phương Tây và ví Thăng Long như TP Venice của Ý.
 
Ông Vũ đã phải thốt lên: “Qua S. Baron, chúng ta thấy một Thăng Long đẹp hơn chúng ta tưởng. Tôi muốn làm sống lại những hình ảnh của quá khứ để giữ gìn cho tương lai”. Những bộ trang phục trong Vua Lê xuất cung được ông vẽ với bút pháp điêu luyện và trân trọng.
…và Vua Lê xuất cung, những bức tranh phục dựng của họa sĩ Trịnh Quang Vũ
 
Còn qua cuốn Những điều kỳ thú khi du lịch Vương quốc Đàng ngoài của Jean Baptiste Tavernier, họa sĩ Trịnh Quang Vũ đã phục chế bức tranh Thành Thăng Long thế kỷ XVIII với những đoàn tàu lộng lẫy xa hoa của vua chúa cùng với cảnh kinh thành xa xa như trong các bộ phim thần thoại. “Những đoàn thuyền ở đây mang đậm chất An Nam, không lẫn vào đâu được” – ông Vũ  khẳng định.
 
Những bức tranh này đã được trưng bày tại Thềm Rồng – Điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long vào cuối năm qua và gây được tiếng vang lớn. Nhà sử học Lê Văn Lan tuyên bố bộ tranh là nguồn sử liệu quý giá, giúp nhiều người hình dung một cách rõ ràng, toàn cảnh về lịch sử Thăng Long và là những tài liệu hỗ trợ trong sáng tác văn học, sân khấu, điện ảnh.
 
Sau Thăng Long đến Đại La
 
Tuy gặt hái nhiều thành công nhưng họa sĩ Vũ vẫn chưa mãn nguyện vì chưa được thử sức trong bộ phim chính sử VN nào. Nhiều đạo diễn đã mời ông góp ý hoặc tham gia thiết kế trang phục, thiết kế chính cho những bộ phim chính sử nhưng ông đã từ chối vì thời gian quá ngắn, thiếu kinh phí hay không có điều kiện tạo dựng được cảnh quay hoành tráng… “Tôi không muốn mang tiếng là làm phim không đến nơi đến chốn. Ý tưởng của tôi là sau khi sử dụng xong ở những bộ phim lịch sử, trường quay vẫn còn được dùng cho khách tham quan du lịch như bộ phim Hồng Lâu Mộng của Trung Quốc” – ông bộc bạch . 
 
Niềm vui làm việc và khám phá những sử liệu quý hiếm khiến họa sĩ Trịnh Quang Vũ cảm thấy mình trẻ trung, yêu đời hẳn ra. Ông vẫn còn ấp ủ dự định khôi phục tranh vẽ Đại La, kinh thành của người Việt cổ có trước cả Thăng Long. Họa sĩ thổ lộ: “Tôi đã có nguồn tư liệu của Mỹ từ năm 1895 trong tuyển tập của Trường Đại học Harvard”.
 
Tự coi mình là “ngoại đạo” trong nghiên cứu lịch sử nhưng họa sĩ Trịnh Quang Vũ vẫn muốn công phá vào những thành lũy của kiến thức. Ông làm việc tự nhiên, bình thản, không chịu bất kỳ sức ép nào. Sưu tầm tư liệu đối với ông đã trở thành hơi thở, là lẽ sống hằng ngày. Tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng ông vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm những nguồn sử liệu quý giá. Cứ nghe phong thanh ở đâu có nguồn sử liệu là ông và người em trai lại tất bật lên đường, cố gắng săn tìm.
 
Họa sĩ Trịnh Quang Vũ tâm niệm: “Trên thế giới không có nhiều thủ đô có độ tuổi 1.000 năm như Thăng Long – Hà Nội. Giấc mơ của tôi là cùng với các nhà sử học, khảo cổ học phục chế lại tháp Báo Thiên, được coi là đài kỷ niệm chiến thắng quân Tống của nhà Lý. Tháp này có tên là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp, trên đỉnh bằng đồng có An Nam tứ khí, còn hoành tráng hơn cả Khải Hoàn môn ở Paris – Pháp ấy chứ!” – ông hào hứng. Theo họa sĩ Vũ, cần  phục dựng nhiều di tích mang màu sắc kinh đô Việt cổ, vừa để cho con cháu rõ lịch sử nước nhà vừa quảng nbá du lịch.

Tự mày mò, khám phá

 

Các nhà sử học như GS Phan Huy Lê, GS Lê Văn Lan, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh  Phúc… đều đánh giá cao các công trình của họa sĩ Trịnh Quang Vũ và bày tỏ sự khâm phục về tấm lòng của ông đối với Thăng Long – Hà Nội.

 
Họa sĩ Trịnh Quang Vũ cho rằng phong cách nghiên cứu của ông không chỉ thuần túy kỹ thuật mà còn nghiên cứu cả dân tộc học và tôn giáo.
 
Ông cho biết thời trẻ đã từng có cơ hội làm việc và học hỏi được ở nhiều bậc giáo sư hàng đầu VN, như: nhà nông học Lương Định Của, nhà khảo cổ học Phạm Huy Thông… Họa sĩ Trịnh Quang Vũ còn thừa nhận mình đã học được phong cách làm việc chuyên nghiệp của các nhà khoa học Đức thời ông học nghiên cứu sinh tại viện phim nổi tiếng DEFA.

Theo Bích Diệp – Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *