Từng nổi danh trên thi đàn, văn đàn, kịch trường và cả chính trường, người em kết nghĩa của thi sĩ Nguyễn Bính ngày nào nay đã ở tuổi 82.

Ở nhờ trong trụ sở Hội Ái hữu nghệ sĩ, sống kiếp "gạo chợ nước sông", với tài sản là chiếc xe cúp cũ mèm, lão thi sĩ – soạn giả Kiên Giang vẫn tiếp tục những chuyến đi và đến với những cảnh đời bất hạnh ở bất cứ nơi đâu khi có thể. 

Nhà văn Sơn Nam đã nhận xét về người bạn nối khố của mình: "Một cuộc đời lăn lóc, chẳng bao giờ khấm khá, về già làm chuyện ái hữu, tương tế, quả là thành đạt, không xấu hổ với đất nước. Đây là một người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi".

Người tập cho Nguyễn Bính ăn mắm sống

Thưa ông, ông thấy nhận xét của nhà văn Sơn Nam có đúng không?

(Gật đầu) Là đồng hương, bạn bè của nhau hơn nửa thế kỷ, chúng tôi hiểu nhau quá mà.

Lão thi sĩ Kiên Giang

Lão thi sĩ Kiên Giang

Cơ duyên nào khiến ông gặp và kết nghĩa anh em với thi sĩ Nguyễn Bính?

Có thể nói là nhờ  thơ. Tôi nhớ khoảng cuối năm 1946, thi sĩ đang lang bạt ở vùng biển Rạch Giá. Tôi thì mê thơ ca nên tìm gặp cho bằng được. Lúc ấy anh Bính đang ngủ ở ngoài… đình. Khi gặp nhau tôi kính trọng gọi thi sĩ bằng "ông", nhưng anh gạt đi bảo gọi bằng anh. Nguyễn Bính lớn hơn tôi 9 tuổi.

Ông còn nhớ ấn tượng của mình về thi sĩ Nguyễn Bính lúc ấy?

Anh ấy tướng xấu, đi cứ lắc lư cái đầu. Mặc quần cụt, áo vạt sau dài hơn vạt trước để kéo lên lau mặt luôn. Tôi đưa anh về ở trong một căn nhà cũ xiêu vẹo, thềm rêu rất dày. Anh đề 4 câu thơ trên cửa: "Từ  độ về đây sống rất nghèo/Bạn bè chỉ có gió trăng theo/Những phường phú quý xin đừng đến/Hãy để thềm ta xanh sắc rêu".

Sau này tôi lên Sài Gòn cũng chép lại bài thơ này dán trước cửa, nhưng đổi "những phường phú quý" thành "những phường bất nghĩa".

Ông và thi sĩ Nguyễn Bính ở bên nhau lâu không?

Khoảng 2 năm, khi kháng chiến nổ ra, anh Bính làm bên Hội Văn hóa cứu quốc, còn tôi vào Chiến khu 9, làm ở Báo "Tiếng súng kháng địch". Thời gian ở với nhau, tôi thường "chôm" tiền bán mắm của mẹ để giúp anh Bính. Cửa nhà bị ô rô, cóc kèn bò vào, anh không cho dọn, bảo để vậy cho hoang dã. Tôi là người tập cho anh ăn mắm sống. Thường mỗi bữa ăn kéo dài cả buổi vì thơ và rượu.

Vậy hẳn là Nguyễn thi sĩ có ảnh hưởng đến thơ của ông?

Thơ tôi giống thơ anh Bính ở chỗ chân quê rặt, dù anh Bắc tôi Nam. Lúc đó tôi đưa mấy bài thơ mới làm nhờ anh xem hộ, được khen là khá.  

"Hoa trắng thôi cài trên áo tím"

Nhà thơ, nhà báo, soạn giả Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh năm 1927 tại An Biên, Kiên Giang. Hiện ở tại Hội Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM.

Các bút danh khác: Hà Huy Hà, Nam Bình. Ông là tác giả các tập thơ: Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Lối mòn xe trâu…

Soạn giả các vở: Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, Sơn nữ Phà Ca, Ngưu Lang – Chức Nữ…

Nhắc đến Kiên Giang – nhà thơ, người ta nghĩ ngay đến bài "Hoa trắng thôi cài trên áo tím" từng được phổ nhạc và  phổ biến rất rộng rãi ở miền Nam từ hơn nửa thế kỷ trước. Ông có thể tiết lộ đôi điều về bài thơ tình bi thương này không?

Người con trai trong bài thơ  là… tôi, còn cô gái có tên thật là Thúy Nhiều đẹp người đẹp nết. Chúng tôi biết nhau từ  năm 1942 lúc cùng học ở trường Trung học Tư thục Nam Hưng, Cần Thơ. Tôi ngoại đạo nhưng vẫn chờ trước cổng nhà thờ mỗi sáng chủ nhật để được theo nàng trên đường đi lễ về.

Tình yêu trong trắng chỉ có thế. Sau năm 1945, tôi theo kháng chiến rồi lập gia đình, còn Nhiều vẫn âm thầm chờ đợi tôi.

Năm 1955, cô ấy quyết định gặp tôi một lần cuối rồi về lấy chồng. Tôi viết bài thơ trên, trong đó đoạn cuối "cho" người mình yêu chết để mối tình kia nguyên vẹn của riêng mình. Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh/Từng cài trên áo tím ngây thơ/Hôm nay vẫn đoá hoa màu trắng/Anh kết tình tang gởi xuống mồ…

Thực tế là cô ấy đâu có chết phải không? Về sau ông còn gặp lại người xưa?

Năm 1977, chúng tôi gặp lại nhau ở Cần Thơ. Năm 1999, hãng phim Truyền hình TP.HCM thực hiện phim "Chiếc giỏ đời người" về tôi. Chúng tôi có tìm đến nhà Thúy Nhiều ở Cần Thơ để mời ra quay cảnh trước nhà  thờ chính tòa. Không ngờ cô ấy đã qua đời năm 1998 mà tôi không biết. Trong sinh nhật lần thứ 81 năm ngoái tôi mới chính thức công bố bức di ảnh của Nhiều – nguyên mẫu trong "Hoa trắng thôi cài trên áo tím". 

Mật thám Sài Gòn tưởng tôi họ hàng với Hà Huy

"Thơ là máu thịt, là lẽ sống của đời tôi"

Rồi ông chuyển sang làm nhà báo, soạn giả từ lúc nào?

Năm 1955, tôi về Sài Gòn viết báo cho các tờ Tin Sáng, Dân Chủ Mới, Tiếng Chuông, Dân Ta, Dân Tiến… là những tờ báo "đối lập"để phân biệt với các tờ "gia nô" của chính quyền Sài Gòn. Bút danh viết báo của tôi là  Hà Huy Hà, lại từng tham gia kháng chiến, khiến bọn mật thám tưởng tôi có họ hàng với các đồng chí Hà Huy Tập, Hà Huy Giáp nên chúng đã bắt giam tôi đến 4 lần.

Xin hỏi riêng một chút là nghe đồn nhà báo thời ấy sống vương giả lắm phải không?

Làm gì có, có chăng là nhóm làm các báo "gia nô" chứ báo "đối lập" chúng tôi thì khổ lắm. Ăn phải ăn cơm "lường", tức là cơm bụi chỉ 5 xu một đĩa mà không dám ăn no. Làm thơ viết báo nhiều khi không đủ sống, tôi chuyển qua soạn tuồng, cải lương, không dè thành danh.

Ông cũng là một trong những nhà báo khởi xướng và đi đầu trong phong trào "Ngày ký giả ăn mày" khá nổi tiếng vào năm 1974?

Đó là ngày 10/10/1974, tôi cùng các anh em báo chí xuống đường tổ chức "Ngày ký giả ăn mày" biểu tình phản đối chính quyền Sài Gòn bắt bớ nhà báo chống chiến tranh, buộc báo chí đóng tiền ký quỹ cao ngất trời… Phong trào đã bị đàn áp dã man, còn tôi bị bắt. Báo Điện Tín lúc ấy giật tít lớn Thi sĩ Kiên Giang bị đánh kể lại việc tôi đã giật biểu ngữ của chính quyền rồi bị đánh đập dã man bằng gậy bốn phân vuông…

Ông đã hoạt động trên nhiều lĩnh vực và được biết đến như một thi sĩ, nhà giáo, nhà báo, soạn giả tài năng. Xin hỏi ông muốn được gọi mình là "nhà" gì nhất?

Nhà thơ. Thơ là máu thịt, là lẽ sống của đời tôi.

Nhưng hình như lâu nay ông không làm thơ nữa?

"Lối mòn xe trâu" là tập thơ cuối cùng. Hiện tôi đang tập trung viết hồi ký để tri ân những nơi chốn, những con người đã cho tôi vóc dáng hình hài, đã cưu mang, vun đắp tâm hồn tôi để còn đây một Kiên Giang rặt chân quê. Nhớ mùa cau trổ trong vườn cũ/Mẹ quét lá vàng ủ lấy phân/Khói trắng lên trời như tóc bạc/Con ngờ khói tóc quyện mây Tần.

Xin cảm ơn và kính chúc ông được luôn mạnh khoẻ.

Theo Bee.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *