Họa sĩ Chu Thị Thánh năm nay đã bước sang tuổi 62, là một trong số ít các nữ họa sĩ người dân tộc (dân tộc Nùng) thành danh trên con đường hội họa. Tuy nhiên, sự thành công ấy không phải vì số lượng các tác phẩm mà ngược lại, chỉ hơn 100 bức họa trong suốt bao nhiêu năm miệt mài đi và vẽ về đề tài dân tộc.

Dám… “mang lấy nghiệp vào thân”

Đó là lời nhận xét rất chân thành mà họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo nói về nữ họa sĩ Chu Thị Thánh trong triển lãm cá nhân mới đây nhất tại Hà Nội.

Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Lạng Sơn nhưng bà đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa và đặc biệt là những cảm nhận về hình ảnh một cách thiên bẩm. Từ đó, con mắt “nhà nghề” đã giúp họa sĩ chinh phục nhiều đỉnh cao mà không phải ai cũng dễ dàng có được.

Bà là một trong số rất ít người được tuyển chọn để đào tạo về nghệ thuật tạo hình một cách có hệ thống. Từ sơ trung (7 năm) đến Đại học Mỹ thuật Hà Nội rồi thực tập một thời gian dài tại Hunggari. Đặc biệt, bà là một trong số rất ít các họa sĩ dân tộc còn gắn bó với nghề. Chính điều ấy đã tạo ra phong cách riêng, đặc sắc mà bao nhiêu năm nay, mỗi lần xem tranh của bà, công chúng đều muốn lưu lại những kỷ niệm bởi thần sắc và sức sống của các tác phẩm.

Với Chu Thị Thánh, sáng tạo nghệ thuật là thể hiện đời sống, cảm xúc từ những kỷ niệm thân thương thời thơ ấu. Các trò chơi dân gian đến lễ hội quê nhà đều được lột tả và phóng tác rất mỹ miều bằng những chấm phá hình ảnh xa lạ mà gần gũi. Đó có thể là quê hương với một bản nhỏ, một góc núi, một hội xuân tung còn, một phiên chợ vùng cao, một rừng hồi hoa đào xứ Lạng…

Những ai từng gặp và tiếp xúc với nữ họa sĩ tài ba này đều khẳng định, bà là người rất dễ gần, hiếu khách và nhiệt tình. Đặc biệt thẳng thắn và giản dị đến mức người ngoài không thể phân biệt đâu là họa sĩ, đâu là người bình thường.

Ấy vậy, những bức tranh của bà lại cực kỳ thơ mộng, giàu chất thơ với bút pháp trữ tình hiếm gặp trong tranh của các họa sĩ khác. Các tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Chu Thị Thánh có thể kể đến như: Buổi sớm miền núi, Rủ nhau đi học, Phiên chợ vùng cao, Hội xuân tung còn, Về thăm quê ngoại… được vẽ trên lụa – một chất liệu khó để lột tả tâm trạng và rất khó để chất màu được sâu nhiều lớp.

Nói đến chất liệu sáng tác, không thể không nói tới cách dùng màu riêng biệt của Chu Thị Thánh. Với các họa sĩ, màu xanh lam, hồng đen… ít được phơi bày để thể hiện cảm xúc nội tâm. Tuy nhiên, bà đã biết biến sở đoản thành sở trường để tạo sự biệt lập trong phong cách và tạo dấu ấn riêng cũng như thể hiện bản lĩnh của phụ nữ dân tộc vùng cao.

Với cách khai thác triệt để về bố cục, những họa sắc, đường nét vốn có của thiên nhiên và con người được hòa quyện với đủ mọi sắc thái tình cảm. Tranh của bà mang đủ hỉ – nộ – ái – ố và những trải nghiệm có khi mang tính bột phát nhưng đầy hứng thú.

Họa sĩ Chu Thị Thánh (bên trái) tại triển lãm tranh cá nhân.

Đa đoan phận bạc

Tranh của bà hay là vậy, đẹp là thế nhưng mấy ai biết đằng sau những thành công nghệ thuật là một “bức tranh đen”.

Văn hào Nguyễn Du nói “hồng nhan bạc mệnh” quả không sai nhưng bà lại khẳng định “hồng nhan bạc tỷ” mới đúng.

Thời còn là sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, bà đã từng đem lòng yêu một chàng trai hào hoa phong nhã. Họ yêu nhau khá lâu, mối tình ấy từng đem đến cho bà không biết bao nhiêu hạnh phúc lẫn phiền hà và cả những lời dị nghị bóng gió trong ngành mỹ thuật.

Bản lĩnh của một cô gái vùng cao đâu dễ gục ngã trước búa rìu dư luận. Bà chỉ hơi buồn vì đôi khi con người ta quá vô tình và tàn nhẫn với hoàn cảnh éo le của người khác. Nhưng tất cả qua đi khi bà có một cậu con trai bụ bẫm với chàng trai mà bà yêu say đắm ấy. Đấy là kết quả của tình yêu “kết trái” và cũng là sự kết thúc của một mối tình huyền thoại trong làng văn nghệ.

Nhưng rồi bà được gì? Được nỗi đau, sự trống trải trong suốt phần đời còn lại… mãi mãi bà là kẻ đa đoan.

“Tôi thầm cảm ơn cuộc đời đã ban cho tôi điều quý giá nhất là tình yêu, tình yêu không như một bức tranh. Ở đó không có thiên đường, nhưng có khổ đau, điều ấy sẽ đem đến cho tôi những giá trị sống mà không phải ai cũng nghiệm ra”. – nữ họa sĩ tâm sự.

Để vượt qua những khó khăn cuộc đời, bạn bè luôn là cánh tay chèo giúp nữ họa sĩ vượt qua những sóng gió mà nhiều lúc, bà ngỡ chiếc thuyền đời sẽ lật ngửa. Giờ nhắc lại, bà rớm nước mắt sắt se nhớ về những người bạn, mà theo bà đó là những món quà vô giá Thượng đế đã ban cho cuộc đời họa sĩ.

Trần Thế Hòa – Theo Sức khỏe và đời sống
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *