Giáo sư, Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl được biết đến như một hiện tượng của thơ ca Mỹ. Ông là cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam. Bằng thơ ca và những công việc cụ thể khác, ông là người đã có nhiều đóng góp trong việc xóa đi hận thù giữa hai dân tộc Việt – Mỹ.

Những ngày tháng 12 này Bruce Weigl trở lại Việt Nam để ra tập thơ viết về chiến tranh "Sau mưa thôi nã đạn" và tập hồi ký "Vòng tròn của Hạnh". Ông đã đến Quảng Trị, đọc thơ dưới chân Thành cổ, tặng quà cho các học sinh nghèo. Tại Hà Nội, đêm thơ Bruce Weigl "Trở về ngôi nhà Việt" tổ chức tại Trường Đại học Văn hóa đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhà văn, nhà thơ Việt Nam và khán giả.

Trở lại Việt Nam lần này, Bruce Weigl gầy hơn rất nhiều so với lần trở lại dự Hội thảo Văn học Việt – Mỹ hồi giữa năm 2010. Ông vừa mới trải qua một cuộc phẫu thuật. Những năm tháng ở chiến trường Việt Nam đã khiến ông bị nhiễm chất độc màu da cam và ông đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư. Ông gặp gỡ bạn bè Việt Nam, trò chuyện và đọc thơ chân tình, nồng hậu như cách mà một người đang trở lại ngôi nhà của mình. Bruce nói: "Chiến tranh ở Việt Nam đã lấy của tôi đi nhiều thứ, nhưng nó cũng mang đến cho tôi tình yêu với đất nước xinh đẹp này, một cô con gái nuôi người Việt và rất nhiều bạn bè".

Chiến tranh đã qua đi từ lâu rồi, nhưng trong lòng nhiều người Việt, chiến tranh dường như chưa kết thúc. Vẫn còn đó rất nhiều nỗi đau hậu chiến mà nhiều gia đình đang phải gánh chịu. Đối với Bruce Weigl cũng vậy, chiến tranh là một nỗi ám ảnh dai dẳng trong tâm hồn ông. Trong hồi ký của mình, ông kể lại: "Bố mẹ tôi không đủ tiền cho tôi vào đại học, vì vậy tôi gia nhập quân đội vì tôi biết sau khi trở về, tôi sẽ được quân đội trả tiền cho tôi học đại học. Là một chàng trai mười tám tuổi, tôi không nghĩ nhiều đến chiến tranh và cái chết. Tôi ra đi với một ý nghĩ đơn giản rằng sẽ trở về. Tôi không biết rằng cuộc chiến sẽ thay đổi cuộc đời tôi vĩnh viễn, và tôi không bao giờ trở về nguyên vẹn chính tôi ngày chưa nhập ngũ.

Trước khi đến Việt Nam tôi chưa từng bước chân ra khỏi đất nước mình. Tôi không biết nhiều về Việt Nam và cũng không thấy có sự hận thù đặc biệt nào với người Việt vì tôi chưa từng gặp họ trước đó". Tại chiến trường Quảng Trị, chàng thanh niên 18 tuổi ấy đã đối mặt với cái chết, bom đạn, từ đó nhìn ra bộ mặt thật của chiến tranh. Phải học cách để sống sót trong một cánh rừng "sẽ thối rữa" mình, chứng kiến những sự thật tàn khốc, Bruce Weigl sau này đã để những sự thật ấy vang lên trong thơ ông. Đọc thơ ông, chúng ta không khỏi đau đớn, xót xa khi "thấy" hình ảnh một bé gái bị "bom na-pan dính chặt vào máu", một bà cụ già răng đen gùi hoa trên lưng ngã gập xuống trước báng súng của một người lính Mỹ, hay tiếng thét của những đứa trẻ "bị bom nổ tung lên thành nhiều mảnh"…

Bruce Weigl đã viết về những sự thật đó bằng sự hối hận và mong muốn mãnh liệt rằng những sự thật đó sẽ chỉ còn trong ký ức của mỗi con người. "Những bài thơ tôi viết về chiến tranh được thai nghén và khai sinh một cách nặng nhọc. Nhưng khi viết ra được, tôi càng thấy được giải phóng đôi chút khỏi những cơn ác mộng về chiến tranh. Thơ ca như một phương thuốc cho tâm hồn và trí tưởng tượng có thể lý giải cho những trải nghiệm khủng khiếp về chiến tranh và cả những may mắn đã cứu tôi thoát chết".

Việt Nam, từ một đất nước xa lạ đã trở thành một phần cuộc đời của Bruce Weigl. Sau chiến tranh, ông trở về trường đại học, trở thành một giáo sư nghệ thuật học. Hơn 20 năm qua, bằng các chuyến đi và những bài diễn thuyết, Bruce đã giới thiệu cho hàng ngàn sinh viên và công chúng Mỹ về văn hóa, lịch sử và văn học Việt Nam, với mong muốn mở rộng góc nhìn của họ về đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa. Ông cũng nỗ lực học tiếng Việt và quay lại Việt Nam bất cứ khi nào có thể. Bruce Weigl là một trong những nhà văn Mỹ đầu tiên đến Việt Nam năm 1990 dự Hội nghị văn học đầu tiên giữa hai nước. Quen biết, trò chuyện với nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, bao gồm cả các cựu chiến binh Việt Nam đã cho ông một nhận thức rằng, giữa ông và những người bạn Việt Nam có nhiều điểm chung: Cùng yêu thương, mơ ước, cùng đau đáu về hòa bình. Ông cũng học được từ những người bạn Việt Nam một điều, rằng tình yêu thương có thể xóa đi mọi hận thù.

Về thơ Bruce Weigl và những đóng góp của ông vào việc hòa giải giữa hai dân tộc Việt – Mỹ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: "Chúng ta nghe được từ thơ Bruce tiếng thở than của ông về chiến tranh Việt Nam. Xét cho cùng, ông cũng chỉ là một nạn nhân bị đẩy vào cuộc chiến. Bằng thơ, Bruce Weigl đã đi từ bóng tối của cuộc chiến tranh đến ánh sáng của lòng nhân ái, từ bờ bên kia của cuộc chiến tranh sang bờ bên này của lẽ phải và tình thương".

Cũng trong đêm thơ "Trở về ngôi nhà Việt", nhà thơ Trần Đăng Khoa đã kể lại một câu chuyện mà chính nhà thơ Bruce Weigl đã kể cho ông nghe khi đến Mỹ. Thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, Bruce làm lính thông tin. Một lần, rất đường đột, Bruce chạm trán với một du kích Việt Nam. Trên tay cả hai đều có súng. Sau giây phút sững sờ vì cuộc đối mặt đường đột, dù không ai bảo ai, nhưng cả Bruce và người du kích Việt Nam đều… không nổ súng mà quay đầu đi nhanh về hai hướng.

Vốn hóm hỉnh, nhà thơ Trần Đăng Khoa kết luận: "Nếu ngày hôm đó cuộc chạm trán đã nổ ra thì nước Mỹ có thể đã mất đi một nhà thơ lớn và chúng ta mất đi một người bạn. Còn người du kích năm nào, nếu ông may mắn trở về sau cuộc chiến và nếu ông còn sống đến hôm nay, tôi tin chắc ông cũng đã trở thành một nhà thơ". Câu chuyện làm cả khán phòng bật cười nhưng dường như ai cũng phải suy ngẫm. Bằng thơ ca, Bruce Weigl đã thực sự trở thành một sứ giả của hòa bình. Ông đã dành cho Việt Nam một tình cảm thiêng liêng và với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, ông mang hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với công chúng Mỹ.

Bruce Weigl có một cô con gái Việt Nam tên là Nguyễn Thị Hạnh. Ông đã đón Hạnh về Mỹ từ một cô nhi viện ở Hà Nam, khi cô bé mới 8 tuổi. Và ông đã nuôi con bằng một lời hứa xúc động: "Hôm nay, tôi nhận của quý vị một đứa bé Việt Nam, tôi hứa sau này sẽ trả lại quý vị một cô gái Việt Nam. Tôi sẽ không biến cô ấy thành người Mỹ, nhưng sẽ giúp cô ấy sống hết mình như một người Mỹ và cũng như một người Việt". Bruce Weigl đã thực hiện những điều ông nói. Con gái của ông năm nay đã ngoài 20 tuổi, được học hành đàng hoàng. Dù sống trong gia đình không ai thành thạo tiếng Việt nhưng Hạnh nói tiếng Việt lưu loát. Bruce kể, ông đã phải lặn lội nhiều nơi trến đất Mỹ để tìm thầy dạy tiếng Việt cho con. Ông kết thân với những người bạn Việt Nam và thường xuyên mời họ đến nhà chơi để con được nói tiếng Việt. Ông đưa Hạnh về Việt Nam bất cứ khi nào có thể, về lại ngôi làng nơi Hạnh sinh ra, để con được gặp mẹ đẻ của mình. Ông không muốn con quên nguồn cội, quê hương Việt Nam. Vì Việt Nam cũng chính là ngôi nhà của ông, là quê hương của ông. Ông kể: "Con gái của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – một người bạn thân thiết mà tôi coi như một người em – đang học ở Mỹ. Cháu sống cùng với gia đình chúng tôi. Tôi dạy cháu tiếng Anh và dạy cháu lái xe ôtô. Hiện nay cháu có thể tự lái ôtô tới trường hàng ngày".

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, người đã chuyển ngữ tập thơ "Sau mưa thôi nã đạn" của Bruce sang tiếng Việt và đã cùng ông quay lại chiến trường Quảng Trị những ngày vừa qua kể cho tôi nghe một câu chuyện. Có lần Quế Mai đưa Bruce vào một quán phở. Trong khi đang ăn thì người chủ quán bật tivi và kênh truyền hình lại đang chiếu một bộ phim về chiến tranh. Bruce ôm lấy đầu mình và ông buông đũa. Ông nói như cầu xin với Quế Mai là hãy nói với bà chủ quán tắt tivi đi. Bruce rất sợ khi phải xem những phim chiến tranh. Như cách mà ông nói, chiến tranh đã "di trú" vào trong ông, như một vết thương vĩnh viễn không lành được. Và bằng những bài thơ viết về chiến tranh đẹp và khắc khoải, được đánh giá như một cuốn tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh, Bruce Weigl gửi đi thông điệp hòa bình và mong muốn chiến tranh không bao giờ diễn ra trên hành tinh của chúng ta nữa.

Giáo sư, nhà thơ Bruce Weigl sinh năm 1949, tại bang Ohio, Mỹ. Ông là tác giả của 13 tập thơ riêng, ba tiểu luận về thơ và là tác giả của cuốn hồi ký nổi tiếng "The Circle of Hanh" (Vòng tròn của Hạnh). Bruce Weigl đã từng nhận được nhiều giải thưởng văn học, bao gồm Giải thưởng Thơ Paterson, Giải thưởng Quỹ phát triển nghệ thuật Quốc gia và Quỹ Yaddo. Ông cũng đã hai lần được nhận Giải thưởng Pushcart và Giải thưởng dành cho nhà thơ xuất sắc của Viện Thi ca Mỹ. Ông từng được đề cử cho Giải thưởng Pulitzer vào năm 1988. Năm 2006, ông là nhà thơ duy nhất vinh dự được nhận Giải thưởng Văn học Lannan, giải thưởng vinh danh người cầm bút có đóng góp xuất sắc cho nền văn học Anh ngữ.

Đầu năm 2010, Bruce Weigl đã được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương: "Vì sự nghiệp phát triển Văn học nghệ thuật".

Vũ Quỳnh Trang – Theo CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *