Chị mưu sinh bằng một chiếc ba-gác cũ. Bây giờ, di chuyển làm ăn bằng nó không dễ, có nghĩa là hơi bị phiêu lưu. Nhưng nhìn quanh quất vẫn không ít người phiêu lưu như mình. Cô bán dừa tươi sáng sáng có chồng ngồi xe máy phía sau ghé bàn chân sang đưa chiếc ba-gác ra phía chợ bỏ mối cho mấy hàng nước giải khát.

Cô bán chuối không chồng nên còng lưng đẩy ba-gác đi chầm chậm kiểu rùa nắp đi đường trường. Cậu phu rác xanh rớt sáng sáng vẫn cho xe nổ tạch tạch quanh mấy chung cư như một thứ đồng hồ thể dục. Và chị, chị phải dùng sức đàn bà đạp xe vòng vòng gom mua ve chai đồng nát để nuôi con và nuôi mình, như vô vàn những người đàn bà góa bụa khác.

Dù sao cũng thấy chị hùng dũng hơn những người trong giới của chị. Có hàng chục “đồng nghiệp” với chị tha thẩn suốt ngày quanh khu chung cư. Không hiểu sao ngày càng có nhiều phụ nữ lấy việc này để làm sinh kế. Có đến ba cô tuổi khoảng ba mươi trôi từ miền Trung vào, dùng quanh gánh chứ không có cả xe đạp mà đi. Có hẳn một bà cụ tầm bảy mươi, tay xách mép bao miệng rao khàn khàn giống một người tâm thần hơn là người thu mua phế liệu. Ngày nào cũng thấy bà đảo qua dưới đường mấy lượt. Chắc chắn, bà sống được nên mới bền bỉ chân trần như vậy. Chị có vẻ “đẳng cấp” hơn bởi chiếc ba-gác nên trên đó luôn có những món phế liệu điện tử cũ lùng mua được từ “uy tín” của người có cái vẻ “làm ăn” lớn.

Có nhiều cách để nhận biết màu của nắng. Từ những cô những bà những chị ve chai đồng nát cũng là một “kênh” thú vị. Mùa khô nhiều nắng, và đó cũng là lúc người ta dọn dẹp sơn sửa nhà cửa và thanh lý những món đồ cũ. Nghề nào cũng có “ngày làm tháng ăn” như tết nhất chẳng hạn và nghề ve chai đồng nát cũng đâu có ngoại lệ. Nhìn họ kĩu kịt mà lòng vui lây. Nhưng vẫn chạnh nghĩ, trong lúc bao nhiêu phụ nữ may mắn thong dong sắm sửa thì họ vẫn phải tranh thủ táo vét mọi thứ thiên hạ vứt ra để rồi sẽ có một chút gì muộn màng, chắt lót, eo hẹp. Ra Giêng chưa mấy ngày là đã thấy quanh gánh hay ba-gác ra đường, hồ hởi với bao thứ bao bì lon chai mà thiên hạ lại vứt ra sau những ngày thừa mứa. Có cái nghề nào không cần xem ngày khai trương mà vẫn hăm hở và đầy hy vọng như nghề của họ không?

Đang tay xách nách mang thì tiếng guồng xe kẽo kẹt quen thuộc lướt qua, mùi kiệu ở đâu nôn nao vậy? Thứ nắng ngấm qua mùi kiệu này không thể nào nghe thấy ở Hà Nội hay ở đâu trên đất Bắc. Đơn giản vì nó phải đi cùng với nắng, thứ nắng vàng tươi vào những ngày phải có nắng gió lao rao cùng với nước bạc trước sa mưa. Nhà nhà phơi kiệu, người phơi trên mái, người phơi trên ban công, người phơi bừa trên mặt ghế sát đường mặc cho bụi bặm phố xá miễn kiệu hứng đủ nắng là được. Người miền Nam coi kiệu là món nằm bàn, kỹ tính, sang trọng. Vậy mùi kiệu di động vừa lướt qua mũi rồi chơi trò ú tim thì ở đâu ra? Mười lăm năm Hà Nội nhớ kiệu bồn chồn, mấy lần bà chị tìm cách gửi ra thì lần nào cũng phải đổ bỏ nước đi hải quan sân bay mới cho qua. Ra đến nơi kiệu cạn rồi kiệu ái, có ngâm lại nước giấm mới cũng không thể thành món kiệu nguyên bản được.

Chị xuất hiện trong tầm mắt, xe ba-gác hùng dũng, nón lá thâm kim, áo bà ba màu cháo lòng đúng như thân phận. Nhưng trên xe của chị, trên những món phế liệu thu mua được là những mâm kiệu đang đón nắng trước khi chúng được vô keo. Thật ngỡ ngàng. Có cách nào có kiệu muối một cách sáng tạo và phi thường như điều mình vừa nhìn thấy đây không? Chị vẫn tất bật, chị vẫn táo vét thu mua mọi thứ mà vẫn có món kiệu phơi nắng cho mâm cơm nhà mình, tài quá đi thôi. Hỏi nhà bao nhiêu khẩu mà nhiều mâm kiệu vậy, chị cười hồn hậu khoe : Của mấy cô ve chai gởi thêm nữa đó chớ. Chao ơi, phường hội, có phường hội nào giúp nhau một cách chi tiết và cảm động như thế này không?

Chị guồng xe đi, lòng vòng, giữa nắng. Chị phải đi trong nắng để những củ kiệu cho bọn trẻ đại gia đình ve chai đồng nát được sáng được dòn, bảo đảm không thua kém củ kiệu của những gia đình may mắn khác. Cuộc sống mến thương, có người chót vót sang giàu thì cũng có người cắm mặt với đường xá mà tồn tại. Cuộc sống thật nhiệm mầu, cuộc sống luôn dạy người ta cách để thích nghi và cả cách để thụ hưởng mà chỉ có người trong cuộc mới nghĩ ra và thấy bằng lòng.

Mấy dòng ghi nhận để tri ân một người vô danh đã dạy chúng ta một cách lạc quan kỳ lạ như vậy đấy.

DẠ NGÂN – Theo VNQĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *