Sáng sớm, vừa mở cửa là đã thấy nước rác của nhà hàng xóm để chảy dài qua đêm trên mấy bậc cầu thang chung cư. Không thể nào hiểu nổi. Đã nhắc khéo nhau rồi, chỉ chưa đến mức mua túi rác để biếu nữa thôi, nhưng thỉnh thoảng lại phải chau mày vì thứ nước rác nặng mùi này. Lặng lẽ quay vô nhà lấy cây lau thu dọn giúp. Bẩn lân bang thì mình cũng chịu dơ lây, hay hớm gì. Làm mà vẫn ức, nhà nào cũng bên trong choáng lộn, mỗi tội chứa rác thế nào cho gọn sạch thì không làm nổi. Thua luôn!
Dưới chân cầu thang của khu nhà, đã nghe mùi của xe rác thật gần. Thứ xe này không cần tiếng động cơ, chỉ nghe là đã biết họ sắp đến chỗ nhà mình. Lần nào cũng nghĩ về những con người xanh xao này nhưng không có cách gì giúp họ cải thiện được cuộc sống của họ. Thậm chí chiếc xe rác tốt hơn, mới hơn, cũng không thể được, bởi đó là chuyện của đâu đâu không rõ nữa. Ở Sài Gòn từng là hòn ngọc viễn đông, dân dọn rác còn được đi xe ba bánh, xe đầy rác là phới ra điểm tập kết. Ở Hà Nội các chị em phu rác còn phải dùng những tấm cót để làm bửng cơi nới thùng xe và mỗi ngày họ đếu phải gò lưng đẩy chúng đi trong sự thương tâm bất lực của người hay trắc ẩn. Lại tiếp tục nghĩ: nết ăn của người Việt mình không biết bao giờ mới bớt làm khổ dân rác. Quá nhiều đồ tươi và qúa nhiều thứ cho mỗi bữa ăn nổi tiếng cầu kỳ của từng gia đình, thế là mỗi ngày, những núi rác ấy lại đổ lên đầu người thu dọn.
Ngồi xuống một quán điểm tâm, đã cố tìm một cái quán không rác nhưng không thể. Quán cóc giấy ăn vứt ra vỉa hè, quán có nhà có cửa thì khách vứt giấy vứt rác xuống chân. Nhớ một bữa tiệc ở một nơi nổi tiếng về đẹp, một quan chức đại diện của một cơ quan văn hoá trong khi ăn đã thản nhiên nhổ xương xuống nền gạch. Quan lớn còn vậy trách gì thường dân. Lòng tự trọng rất dễ tổn thương nếu một bữa nào đó phải vào quán với bè bạn ngoại quốc. Xem chừng họ không ngon miệng khi thấy nền gạch quán xá đầy rác trong khi thực khách mình cứ say sưa nhồm nhoàm. Không biết bao nhiêu lần lên tiếng thực lòng với các chủ quán rằng nên có nhiều giỏ rác nhỏ dưới từng bàn. Lập tức nhận được một câu trả lời rất ư là thống nhất từ Bắc chí Nam :"Khách người ta không quen bỏ rác vô thùng, biết làm sao!" Lại nhớ cái quán bún bò giò heo ở phường nhà ngoài Hà Nội. Chỉ riêng quán của vợ chồng cô cậu này là không có nạn người ta đạp bừa lên giấy ăn và xương vụn trên nền nhà. Thì ra cậu ta từng đi xuất khẩu lao động ở Đức, vì vậy mà từng biết nên đối xử thế nào với rác.
Thành phố ngày mỗi đông hơn, nhưng không phải thành phố thời công nghiệp nào cũng giống với Hà Nội và Sài Gòn của chúng ta. Có câu "Hãy chỉ cho tôi ai là bạn anh, tôi sẽ nói anh là người thế nào". Tương tự, "hãy cho tôi thấy anh đối xử với cọng rác ra sao, tôi sẽ nói dân tộc anh thuộc đẳng cấp nào". Chúng ta đi trong rác, thở cùng với mùi rác, ai cũng thấy như vậy nhưng không biết bắt đầu sạch sẽ từ đâu. Một buổi sáng thể dục, thấy mấy cô nàng chở chó phóng xe tới công viên cho nó làm cái việc mà người chủ tử tế hoàn troàn có thể tập cho nó đi vào toa-lét. Phải hét lên để ngăn chận họ đừng có những lần sau, bỗng nghe thấy một tràng tối tăm mặt mũi: "Bộ công viên nầy là vườn nhà bà hả, bộ con đường nầy mang tên bà hả? Đừng mơ! Đâm cho một phát bây giờ!" Quá bất an, chỉ một sợi tóc nữa thôi là có thể trở thành bất hạnh vì "giữa đường thấy chuyện bất bằng nào tha!"
Ai cũng mơ giàu mơ đẹp, mình chỉ mơ một sáng thức dậy thành phố thanh bình trong sạch như của nước người. Đi trên hè phố ấy, bước vào những cửa hiệu ấy, nhất định cư dân sẽ thấy mình được tôn trọng, mình sáng giá và tâm hồn mình cũng được thanh lọc. Bao giờ thì Việt Nam mình sánh kịp với người ta về cái sạch mà phải đâu dân mình là những kẻ không biết thế nào là ăn với ở?
Tản văn của Dạ Ngân