Đầu tháng bảy âm lịch, nước mới liếm chân ruộng. Ngoài bờ đất nằm cặp theo con kinh thuỷ lợi đã kịp nhìn thấy một vài nụ bông điển điển vàng đang rung rinh đùa giỡn cùng năm bảy chú chuồn chuồn xanh đỏ lượn mình trong gió sớm.

Con sông trước nhà tôi, nước không còn đổ xiết như hồi đầu mùa mưa, nhưng vẫn còn đặc quánh phù sa. Như lệ thường hàng năm, chiếc vó đã được ba tôi dựng sẵn chờ cất mẻ lưới đầu tiên.

Cá linh đầu mùa to hơn đũa ăn một chút, kho lạt dầm với mấy trái me non. Bông điên điển trộn thêm chút chanh, đường làm gỏi. Bữa cơm dân dã bình thường của người dân vùng lũ tự dưng ngon thêm một cách khác thường. Cầu kỳ hơn một chút là cá linh non kho mắm. Kèm theo là bông điên điển trộn với dừa nạo nhuyễn và những loại rau khác mà chỉ ngon trong mùa lũ như bông súng, rau dừa cơm, rau mác, hẹ nước… thì ăn hết nồi cơm vẫn còn thấy chưa hết đói.

Sang trọng hơn là bông điển điển xào với tôm. Tôm chong, to hơn đầu ngón tay cái một chút, mình trắng hồng búng đôi càng tí tách ít khi mắc vó. Phải mất cả buổi mới cất được mươi con. Tách vỏ ra, để nguyên cả con rửa sạch rồi xào với mớ bông điên điển mới tuốt từ trên cây xuống, trở thành một thứ đặc sản mà không phải lúc nào muốn ăn là có được liền.

Bông điên điển nấu canh chua với cá rô đồng hay lươn cũng ngon không thua bất cứ một loại rau nào. Có điều, ít ai dùng món này để ăn cơm. Canh chua bông điên điển thường đi kèm với rượu đế thứ thiệt (không phải loại rượu pha cồn công nghiệp) thì hết ý. Chỉ cần vài ba người ngồi lại "bắt mâm" với "mồi bén" này chừng vài ba xị thì tiệc nhậu trở thành một buổi đờn ca tài tử Nam bộ theo kiểu "ngẫu hứng lý qua cầu", đảm bảo không có lần thứ hai. Bởi lẽ, mỗi lần bày tiệc là mỗi lần có một cách ca, cách đờn với những hứng thú khác nhau.

Mùa lũ năm nay về sớm hơn mọi khi một con nước (khoảng nửa tháng). Chưa kịp nhìn thấy những con cá linh óng ánh vảy bạc mắc vào chiếc vó ba tôi dưới bến sông thì tôi đã nhận được lệnh gọi nhập ngũ. Tôi đã mang theo nỗi khát thèm hương vị bông điên điển đầu mùa vào quân ngũ như một kỷ niệm thân thương của quê nhà. Chợt, một tuần lễ tham gia cùng đơn vị hành quân dã ngoại sửa chữa lại nhà cửa cho bà con bị bão lụt, tôi bắt gặp lại mùa bông điên điển vàng quen thuộc của thuở nào.

Món cá linh kho lạt với gỏi bông điên điển mà người dân nghèo khó nhưng đầy tình nghĩa ở vùng lũ Đồng Tháp Mười "chiêu đãi" những người lính chúng tôi mãi mãi trở thành bữa cơm đậm đà tình quân dân hơn bao giờ hết trong suốt đời lính của mình. Bữa cơm của những kỷ niệm ngọt ngào về một mái ấm gia đình.

Hữu Nhân (Đồng Tháp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *