Hơn 30 năm, tôi rời khỏi đồng bưng để đi "lên rừng xuống biển", nhìn ngắm thiên hạ mà tìm kiếm cái đẹp. Đến khi tóc đã pha sương, tôi mới chịu ngồi lại, định thần nhìn ngắm thật kỹ, thật sâu cái làng quê của mình. Rồi bất chợt, tôi nhận ra những vẻ đẹp của đồng quê, trong đó có vẻ đẹp của phụ nữ nông thôn. Họ là những người mẹ, người chị, người em tay chai mặt nám. Nếu ta chịu khó vạch khói đốt đồng bay đi, vạch rơm rạ nắng táp mưa sa ra, thì trước mắt ta sẽ hiện ra một người phụ nữ nông thôn thuần hậu.

Tôi có người chị bà con cô cậu ruột tên Trần Thị Hên. Chị thứ sáu, nên tôi gọi theo cách gọi địa phương là chế Sáu. Năm nay, chị đã 71 tuổi mà còn rắn rỏi lắm. Người chị ốm o nhưng nụ cười thì ấm áp lạ. Gần trọn cuộc đời, chị sống trong cái làng ngày bé tôi sống. Làng nằm ven sông Bạc Liêu, sau lưng là cánh đồng phèn mặn. Mùa mưa, dân làng tôi đi cày cấy, mùa hạn gặt lúa, đạp rơm. Lúc nông nhàn thì đi giăng lưới, cắm câu kiếm sống. Những mùa mưa nắng đi qua, nhiều chục năm đi qua, nhịp sống làng tôi vẫn vậy. Quả là cái làng thuần nông thứ thiệt.

Chị tôi từ cái làng thuần nông ấy sinh ra rồi lớn lên. Nghe nói ngày xưa, chị đẹp nhất xóm. Thế nhưng, dượng Hai tôi (ba chị) bắt ép gả cho anh Sáu tôi (chồng chị). Anh Sáu mặt đen như đít nồi, lại rỗ tàn ong, giò cẳng ốm tong ốm teo, sức khỏe yếu lắm, lại đi kháng chiến biền biệt. Nói vậy chứ thi thoảng, anh cũng có về. Mỗi lần về chỉ tặng chị một… đứa con, chứ chẳng giúp được gì. Vậy mà họ ở với nhau đến đầu bạc răng long, có bảy mặt con, ít nghe tiếng cãi vã. Chỉ có điều, chị cực lắm, thay anh xốc vác việc nhà như đàn ông. Ba giờ sáng, người ta đã nghe chị lọ mọ nấu cơm, rồi bốn giờ đã đi phát cỏ. Đến xế chiều, chị lại lặn ngụp cấy lúa đến đỏ đèn. Nhìn cái đường phảng chạy dài hơn một thước của chị, đám thanh niên le lưỡi lắc đầu. Một tay chị dựng vợ gả chồng cho bảy đứa con. Mỗi lần có đứa nào ra riêng là chị lại "cụ bị" xuống xuồng nào cột, kèo, lá; thậm chí, đến chén, nồi, lò, củi, gạo, muối… để chở qua lo cho chúng. Mười bữa, nửa tháng chị lại chèo xuồng chở một quày chuối, mấy trái dừa khô, ít gạo… qua thăm con. Con dâu hoặc con gái sanh là chị qua ở để lo nhà cửa, chăm sóc sinh nở cho chúng đến ra tháng mới về.

Từ ngày ba má tôi qua đời, chị thường xuyên ra nhà tôi hơn. Lúc thì cầm trên tay mấy củ khoai mì, khi thì một bó rau lang. Rau lang do chị trồng, đem luộc chấm cá kho ăn nó ngọt ngào làm sao. Chị hay kể : "Hồi nhỏ, cậu lý lắc lắm! Chế ẵm cậu về nhà chơi, cậu nhảy vào cái lu bể rồi ngủ khò làm chế tìm xanh máu mặt". Cách đây hơn mười năm, lúc đó, ba tôi bệnh nặng, phải chở đi Sài Gòn trị, ở nhà, vợ tôi lại chuyển bụng sanh thằng út, chị tất tả chạy ra, chỉ huy, cắt đặt công việc : "Mợ Ba, mợ Tư (hai bà chị dâu tôi), dì Sáu (em gái tôi) cứ ở bệnh viện lo cho vợ thằng Nghĩa. Chế về nhà nó nấu cơm cho mấy đứa nhỏ ăn rồi mang cơm vào". Chị ở để lo việc nhà, chăm sóc vợ tôi sanh đến ra tháng mới về. Tôi từ Sài Gòn về đi thẳng vào bệnh viện, thấy chị tất bật choàng khăn ấm cho vợ tôi, đút sữa cho con tôi. Tối đến, chị trải chiếu dưới sàn gạch để mấy chị em nằm. Họ thức suốt đêm. Một bà chị, một cô em, ba chị em bạn dâu, chân người nọ gác lên chân người kia mà thủ thỉ tâm sự. Tôi nhìn rồi ứa nước mắt!

Diệu – em gái tôi – năm nay đã 46 tuổi. Ba năm trước, nó bước xuống xuồng sẩy chân té làm nứt xương đùi, chị lại tất tả chạy đến nhà nó lo heo gà, cơm nước. Tối, chị vào mùng ngủ với nó. Nhìn cái bóng chị in trên mùng dịu dàng mà khắc khổ, Diệu nhớ má, nó khóc : "Phải chi em còn má hén chế!". Chị cũng sụt sùi rồi ôm nó : "Thì dì còn chế đây mà!".

Chị thương yêu, bao dung em út như thế, nhưng đứa nào không phải thì chị rầy. Mà cách la rầy của chị lạ lắm. Có lẽ trong đời người, ai cũng có lần vấp ngã, và tôi cũng không ngoại lệ. Nhiều năm trước, tôi cũng có một lần "xao xuyến ngoài chồng ngoài vợ". Không còn cha mẹ đâu để méc, vợ tôi về quê khóc rấm rứt với chị. Thế là chị lại tất tả chạy ra, trên tay cầm mấy con cá kèo và một bó rau lang. Thấy tôi, chị không nói không rằng, mà xộc vào bếp làm cá kho lạt dầm me rồi luộc rau. Mâm cơm dọn lên toàn là những món tôi thích. Tôi ăn ngon lành, chị chỉ ăn qua quít, chủ yếu là nhìn tôi ăn. Gần cuối bữa cơm, chị đưa tay vạch tóc tôi lên rồi bảo : "Tóc cậu bạc nhiều rồi đó! Mới đó mà cậu mợ (ba má tôi) đã không còn! Chế thì sắp xuống lỗ, còn cậu thì đã già, gắng mà giữ gìn sức khỏe! Cậu làm đến chức gì thì chế không biết, chỉ biết trong dòng họ, làng xóm mình, cậu là người có uy tín. Nếu cậu sẩy chân thì mặt mũi chế biết để đâu?". Nói xong, chị ứa nước mắt rồi rũ áo về quê. Chị đi mà như chạy, cái kiểu chạy trốn nỗi sợ. Cái sợ của chị ngấm qua tôi rất nhanh. Tôi sợ sự sẩy chân của mình như một thứ ma quỷ.

Lối sống, tính cách của chị tôi, của làng tôi làm tôi suy nghĩ thật nhiều. Ngoài chợ, chỗ tôi ở, người ta sống với nhau theo cách "đèn nhà ai nấy sáng". Nhà bên này có đám tang, hai vợ chồng trẻ nhà bên kia chờ đến chiều, đóng bộ như đi chơi, sang ngồi vào bàn ăn cháo rồi phúng điếu và chấm hết. Nhiều chị em bạn dâu, thậm chí cả chị em ruột, sống với nhau cạnh khóe, dấm dẳng vì cạnh tranh làm ăn và sự cách biệt địa vị, tiền tài. Còn ở làng tôi, hễ nhà ai có hữu sự, đặc biệt trong dòng họ, là người ta đến trước, nhảy xổm vào công việc của gia chủ như công việc của mình. Kẻ nấu nướng, người mượn bàn ghế… Khi ai đó bệnh hoạn thì cả đoàn người kéo ra chực chờ, nằm lăn lóc ở bệnh viện để chia sẻ. Chị em bạn dâu lâu lâu buồn thì rủ nhau ngủ chung rồi nói chuyện thâu đêm suốt sáng về thời con gái. Nhịp đời của làng tôi cứ chầm chậm trôi đi trong sự ấm áp, giống như ai đó nhóm lên ngọn lửa cháy triền miên từ đời này sang đời khác.

Chị chẳng những sống tình cảm, siêng năng, mà còn giỏi nữa. Trước đây, tôi có viết một kịch bản phim "Văn minh lá dừa nước". Hãng phim Giải Phóng về quay, chị được mời vào làm nhân vật minh họa cho việc thuở xưa, người ta sống dựa vào thiên nhiên là chủ yếu, nông dân đã khai thác, chế tác cây dừa nước phục vụ cho đời sống như thế nào. Chị ngồi trước ống kính, chằm lá lợp nhà, bện đăng làm giường ngủ; thắt giỏ xách cơm, giỏ đựng trầu, chẻ lạt bó mạ; chằm gàu múc nước, chằm cà vun, cà bịch đựng gạo, muối; hay làm máng xối, hoặc dùng lá dừa gói bánh, hấp bánh lá… Qua bàn tay của chị, người ta thấy, ngày xưa, cây dừa nước chẳng những được sử dụng để làm vật dụng gia đình, làm nhà ở, mà nó còn hữu ích trong việc làm ăn và đi vào văn hóa ẩm thực. Chị ngồi và thao tác một cách điêu luyện như rồng bay phượng múa, khiến gã đạo diễn phim (vốn là một nhà văn) cứ ngạc nhiên trố mắt nhìn, quên cả chỉ huy. Tôi thì buồn man mác, bởi mai này, nếu chị tôi mất đi, những kinh nghiệm quý ấy cũng sẽ mất theo, dù rằng sự hữu ích của cây dừa nước trong đời sống hiện tại không còn bao nhiêu nữa.

Chị tôi làm bánh
vào bậc tài hoa nhất xóm. Có thể kể một lô một lốc các loại bánh mà chị hay làm như : bánh lá dừa nước, bánh ít, bánh tét, bánh bông lan, bánh thửng… Những loại bánh do chị làm vừa trông rất đẹp, lại vừa ngon. Thời buổi bây giờ nhịp sống hối hả, cần bánh để cúng kiến là người ta chạy ào ra chợ mua chứ ai lại ngồi gói, luộc, nướng cho đau lưng. Thế nhưng, chị tôi lại duy trì cái nếp cũ của làng quê là gói bánh vào dịp giỗ chạp và nấu bánh tét đêm Giao thừa. Tết nào, tôi cũng nhận hai đòn bánh tét của chị và làm tôi nhớ Tết quê đến nao lòng. Hễ nhà con cái, em út… có những việc quan trọng là chị đến để chỉ huy làm bánh. Giọng điệu của chị mới thuyết phục làm sao. Chị bảo : "Làm bánh cúng ông bà vừa tiết kiệm lại vừa thể hiện công sức để tỏ tấm lòng thành. Cái hiếu hạnh nằm cả trong chiếc bánh. Có những thứ tiền bạc không mua được". Các cô gái ở xóm đi theo chị làm bánh cảm thấy vui, Tết mà gói bánh thì làm cho Tết càng sinh khí. Ở quê tôi, người ta gói bánh đổi công với nhau, ít có ai đi chợ mua bánh vào những dịp cúng kiến Tết nhất. Vì vậy, các cô gái của làng tôi ai cũng biết làm bánh đẹp, bánh ngon. Chắc chắn rằng, các cô thôn nữ ấy được đào tạo từ cái lớp "nữ công gia chánh" mà chị là linh hồn của lớp học.

Đức tính thuần hậu của chị tôi và những người phụ nữ nông thôn có thể lý giải bằng mấy nét như sau : Thuở tiền khẩn hoang, vùng Nam bộ nổi tiếng là vùng đồng chua nước mặn và sương lam chướng khí qua các câu ca dao : "Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Lên bưng sợ đỉa xuống rừng sợ ma". Hay : "Xứ nào ghê cho bằng xứ Cạnh Đền/ Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh tợ bánh canh". Và thêm nạn loạn lạc cướp bóc nữa. Yếu tố thứ hai là những người đi khẩn hoang có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, là những kẻ cơ nhỡ, tha phương cầu thực. Hai yếu tố địa lý và lịch sử ấy buộc người khẩn hoang phải làm cật lực mới có cái ăn; đồng thời, phải thương yêu, đùm bọc, nương tựa nhau mới mong sống được. Từ đó, hình thành lối sống, tính cách của từng cá thể và nếp sống của làng xóm. Làng xóm nào càng giữ được nếp sống thuần nông thì người phụ nữ thuần hậu càng nhiều, bởi vì nó chưa bị các văn hóa khác xâm nhập, làm phai nhạt. Đức tính thuần hậu của phụ nữ nông thôn là một thứ văn hóa nội sinh của vùng đất.

Một nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín đã nói rằng : "Nông thôn là thành lũy cuối cùng để bảo vệ văn hóa truyền thống". Thế nên, tôi mong lối sống của phụ nữ nông thôn được xem trọng và được gìn giữ như một vốn quý của Nam bộ, của dân tộc.

PHAN TRUNG NGHĨA – SCLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *