Mấy nếp nhà ngói thâm thấp ẩn hiện trong những vườn cây ăn trái âm u. Hầu như các loại trái đều hẹn nhau chín vào mùa hè, rộ lên một hai tháng. Mười tháng kia, cây cối chỉ là cành với lá. Lá xanh rì lao xao trên cao, và lá khô rã mục âm thầm quanh gốc.
Mùa mưa, thỉnh thoảng làm biếng đi chợ làng – đi bộ cũng hơi xa, đường đất lầy lội, cầu tre lắt lẻo khó đi – tôi lại ra vườn lật lên những lớp lá và rơm ủ gốc cây. Một thế giới "xì trum" hiện ra với những tai nấm trắng nõn tròn vo, ngộ nghĩnh đến mức tôi cứ ngồi xổm cả buổi trong vườn, ngắm mãi những tai nấm đang nở, tưởng tượng ra hàng tỉ chuyện hoang đường. Những khúc gỗ cây so đũa, hai ba khúc ghép lại, bắc ngang mương trong vườn, mùa mưa cũng nọc đầy những tai nấm mèo quăn queo. Nấm tươi, mặt mịn láng, màu nâu trong veo, nấu chè thưng ăn nghe dòn sựt.
Mùa khô cây thay lá từ từ, lá già rụng đến đâu, lá non mọc lên đến đó, mà áng chừng lá non còn mọc lẹ hơn lá già rơi. Buổi trưa, trong vườn vẫn râm mát, nhưng quang đãng hơn, có thể giăng võng dưới tán măng cụt hay sầu riêng nằm đọc sách.
Thỉnh thoảng, gió nổi lên chỉ đủ làm một lượt lá khô rơi lả tả quanh võng. Có mấy con nhen, con sóc chạy sột soạt trên đám lá khô, bỗng dưng đứng chựng lại, trố mắt nhìn trân trối cái gì đó, rồi lại ù té chạy. Không phải ai cũng luôn luôn được chứng kiến hoạt cảnh này; phải nằm võng lâu lắm, giả đò ngủ quên nhiều lần, mới được gặp một lần những con nhen lưng có sọc hết sức tức cười đó.
Nhưng quanh năm sống trong vườn thì buồn. Nhất là khi người ta mới lớn lên. Sài Gòn chỉ cách một giờ chạy xe gắn máy. Chỉ cần một giờ và một chiếc xe gắn máy, người ta nghiễm nhiên nhập vào hàng triệu người đủ loại đang ngược xuôi đua tranh, người ta được chiều chuộng săn đón ở những khu thương mại – giải trí, người ta ngây ngất ngấm say cái không khí bon chen, vội vã, ồn ào, khoa trương, hào nhoáng, kiêu kỳ, gọi chung là văn minh đô thị.
Những đứa trẻ vườn lớn lên không so đo tuổi tác, mà bì nhau rằng nó đã đi Sài Gòn mấy lần rồi : thằng kia tới hôm qua mới đi Sài Gòn một chuyến, con bé nọ mười mấy tuổi rồi mà còn chưa biết Sài Gòn là gì.
Ngày tôi rời làng quê "lên Sài Gòn", thật tình tôi có hãnh diện với lũ bạn trẻ con, tự thấy mình hơn chúng một bậc, mà không biết "hơn" cái gì? Nhưng rồi những đứa trẻ vườn khác cũng lần lượt lên Sài Gòn, đứa đi học, đứa đi làm công, buôn bán… Người lập được cơ nghiệp ở thành phố thì kể như thành đạt, kẻ lận đận công danh cũng cứ bám lấy Sài Gòn, lập luận rằng không sống được ở đây thì còn đâu hơn mà sống chứ?
Vườn xưa còn trong tâm tưởng như một giấc mơ thời thơ trẻ, thời vô tư nằm đưa võng cả buổi trưa trong vườn mà không ngủ được, bỗng dưng có con nhen nhỏ chạy băng qua đám lá khô.
Một hôm tôi về làng tôi như một du khách. Kể cũng đã nhiều năm trôi qua và làng tôi cũng thay đổi theo quy luật thị trường : Người giàu có ở đô thị hoặc ngán ngẩm phồn hoa, hoặc theo thời thượng làm sang phải có nhà nghỉ, nhà mát, trang trại, đã tìm về làng tôi mua những mảnh vườn vẫn còn âm thầm nhớ bọn trẻ ngày xưa từng hứa trở về.
Huê lợi vườn năm được năm thất, thuế mỗi năm một tăng, mà nhu cầu hiện đại hóa cuộc sống mỗi ngày một nhiều. Người ta bán vườn đi, ra khu dân cư gần xa lộ có điện có phố, đi làm trong khu công nghiệp hay lên Sài Gòn buôn bán, sống qua ngày.
Vườn có chủ mới, nhà kiểu cọ như trong ca-ta-lô mọc lên, từ trong đó ánh sáng đèn màu và nhạc hip hop dội ra. Đó là những nhà vườn du lịch, hấp dẫn một lứa trẻ khác, những lứa trẻ lớn lên ở đô thị bụi bặm, đến tuổi hẹn hò thèm một góc vắng giữa thiên nhiên lãng mạn.
Tôi về làng tôi, mua vé qua chiếc cầu bắc ngang con sông nhỏ do Công ty Du lịch đầu tư xây lại, chắc chắn và rộng rãi hơn xưa, có tay vịn bằng xi-măng giả khúc cây so đũa. Mấy người bạn tôi rủ theo mướn chiếc xuồng bơi vô mấy con rạch nhỏ luồn dưới tán cây trong vườn.
Vô vườn, mỗi người mướn một chiếc võng giăng dưới cành chôm chôm, vừa nằm nghỉ vừa ngó chừng đồng hồ đeo tay, vì ngày lễ khách đông, võng cho mướn theo giờ. Tôi uống nước dừa và ăn trái cây chở từ nơi khác đến, vì cây trong vườn giờ chỉ để làm kiểng thôi.
Những du khách không câu nệ về xuất xứ trái cây, vả chăng họ cũng không phân biệt được. Họ cứ thoải mái duỗi mình trong võng thiu thiu ngủ, tới giờ bật dậy ra nhà hàng ăn uống đặc sản. Tôi nhớ đặc sản làng tôi là bún, bánh bèo, bánh đúc, bánh tráng, chứ ở đâu ra cá rút xương, cua lột, tôm sú… như vầy? Cả thịt nai, thịt nhím nữa chứ?
Một ngày bơi xuồng trên sông rạch quanh co, đi dạo trong vườn cây ăn trái mênh mông, ngủ võng đòng đưa bên bờ
sông hiu hiu gió thổi, rồi ăn uống ngon miệng no nê, có nhạc nghe, có quà lưu niệm, có trái cây đùm mang túi xách đem về Sài Gòn, ai cũng hả hê, cảm thấy một ngày "về quê" tôi chơi thật xứng đáng. Ai cũng nói : "Hèn gì tôi cứ nhớ quê!".
Tôi cười rưng rưng, nửa vui vì bạn bè về làng quê tôi được vui thích, nửa ngậm ngùi vì cái mà bạn đang vui thích đó, nào có phải làng quê tôi đâu?
Lý Lan