Đúng vào thời điểm hệ thống lý thuyết văn học đã và đang tỏ ra lạc hậu so với thực tiễn văn chương, thì đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và lý luận văn học có điều kiện được tiếp xúc với nhiều hệ thống lý luận văn học khác, vượt ra khỏi ranh giới của lý luận văn học Xô Viết cũ.

Nhưng có lẽ vì chưa chuẩn bị sẵn tâm thế đón nhận và cũng chưa có kế hoạch để sự tiếp nhận diễn ra có trình tự và hệ thống, nên ngay từ đầu, tính chất tự phát của việc tiếp nhận đã bộc lộ. Mà một biểu hiện là cứ vài năm lại thấy một số nhà khoa học xã hội – nhân văn nói chung, nhà lý luận – nghiên cứu – phê bình văn học nói riêng, cùng nhau chạy theo một cái mốt nào đó.

Chịu khó theo dõi, sẽ không khó khăn để nhận ra trong những năm qua đã có một số mốt xuất hiện trong giới nghiên cứu khoa học xã hội – nhân văn Việt Nam. Một thời người ta hớn hở với L.Vandermersch để ngó vào thế giới Hán hóa ngày nay, chưa đâu vào đâu lại thấy lóc cóc chạy gằn theo A.Toffler để ngắm nghía sự thăng trầm quyền lực.

Thời gian sau, mốt A.Toffler bị bỏ qua để thay thế bằng mốt S.Hutington với sự đụng đầu của các nền văn minh, mốt F.Capra với đạo của vật lý, rồi đến mốt nói theo F.Jullien và mốt đang thịnh hành vài năm gần đây là… thế giới phẳng.

Đi kèm với những mốt này là các loại mốt có tính chất phái sinh, như tìm về cổ học phương Đông với Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử, Chu Hy, Thích Ca, Long Thọ hoặc mốt trang bị thêm năm bảy chữ Hán để thi thoảng đem ra "múa". Nên mới có sự kiện làm trò cười cho làng văn khi một nhà thơ kiêm họa sĩ không biết "há" và "hạ" giống nhau hay khác nhau mà vẫn văng mạng phê phán giới dịch thuật đã dịch sai để con trẻ học phải kiến thức sai.

Hay mốt làm luận án tiến sĩ với những đề tài đại để như "tăng cường năng lực trí tuệ của X", "nâng cao năng lực trí tuệ của Y". Trong nghiên cứu văn học cũng vậy, thấy hết tán dương M.Bakhtin rồi lại thấy quay sang tung hô M.Kundera.

Và khi thi pháp học được giới thiệu, khẳng định và đạt một số thành quả, thì lập tức hàng loạt luận án tiến sĩ được triển khai, mà đọc bất kỳ luận án nào thuộc mốt này cũng thấy nếu không bàn về không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật thì cũng nghiên cứu điểm nhìn tác giả, điểm nhìn nhân vật…!

Sự du nhập thi pháp học vào nghiên cứu – phê bình văn học ở Việt Nam là cần thiết và khả thủ, nó đáp ứng nhu cầu bổ sung công cụ lý thuyết, vấn đề còn lại là người sử dụng thông thạo đến mức làm chủ được lý thuyết hay không và họ có ý thức được rằng thi pháp học không phải là con đường duy nhất đến với tác phẩm văn chương.

Ứng dụng thành tựu của M.Bakhtin, M.Kundera là việc làm rất đáng trân trọng, song tuyệt đối hóa đến mức biến việc ứng dụng lý thuyết thành mốt lại là việc cần cân nhắc (xin nói thêm, căn cứ vào những gì đã đọc tôi nhận thấy dường như về mặt lý thuyết giữa hai ông có một mối quan hệ, ít nhất cũng ở việc khởi xướng một lý thuyết và việc vận dụng lý thuyết?

Vả lại thi pháp học đâu chỉ có M.Bakhtin, M.Kundera, theo tôi I.M.Lotman cũng là tác giả mà người đã có quan tâm tới thi pháp học thì không thể bỏ qua). Từ phương diện này, tôi nghi ngờ tính phát hiện, tính hiệu quả của một số luận án sử dụng thi pháp học, bằng chứng là chúng hầu như không một tiếng vang, bảo vệ xong là… chui tọt vào kho!

Rồi, không rõ vì sao nhiều năm gần đây, luận án tập trung nghiên cứu văn chương giai đoạn 1930 – 1945 lại nhiều đến thế (Vì rất cần thiết? Vì nhiều tư liệu? Vì khả năng của thầy hướng dẫn? Vì năng lực của nghiên cứu sinh? Vì…?).

Trong số đó luận án có giá trị, có thể xuất bản, thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay và chúng chủ yếu là luận án của các tác giả mà giới nghiên cứu – phê bình văn học đã biết tới tên tuổi trước khi làm nghiên cứu sinh.

Số còn lại, có lẽ chủ yếu chỉ mang ý nghĩa đối với các vị tiến sĩ "khổ chủ" và thành tựu đáng ghi nhận là giúp cho thư mục của Thư viện Quốc gia, của cơ sở đào tạo ngày càng… dày thêm!

Được cái là đa phần các vị tiến sĩ này cũng kín tiếng, ít đăng đàn diễn thuyết hay lập ngôn này nọ, chứ vài vị tiến sĩ lớp trước thì xem ra kiêu hãnh và tự tin hơn. Vị thì quả quyết câu thơ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (Truyện Kiều) phải sửa thành Hoa đào năm ngoái còn cười gió xuân, vì hoa đào nở vào mùa xuân nên không thể cười với gió đông.

Chữa thơ như thế thì kinh quá, "gió đông" trong câu thơ trên là để chỉ hướng gió chứ có phải để nói gió vào mùa nào đâu, gió mùa đông hay gió mùa xuân thì cũng thổi từ hướng đông chứ (ấy là chưa nói đến mối liên hệ với câu "Đào hoa y cựu…" của Thôi Hộ).

Hoặc có vị lại bảo rằng cần sửa câu thơ Đâu ruồng tre mát thở yên vui (Nhớ đồng – Tố Hữu) thành Đâu ruồng che mát thở yên vui vì không ai viết "tre mát" mà phải viết là "che mát" mới đúng, và như thế là vị tiến sĩ không biết chữ "ruồng" trong câu thơ nghĩa là gì!

Phải chăng đây là một trong các nguyên nhân đẩy tới nghịch lý: đất nước nhiều giáo
sư, tiến sĩ song vẫn thiếu các nhà khoa học đích thực, thiếu các chuyên gia đầu ngành và phải chăng chúng ta chấp nhận tình huống thiếu nhà khoa học đích thực, thiếu chuyên gia đầu ngành vẫn đào tạo được tiến sĩ, giáo sư?

Nói khoa học đua theo mốt cũng cần kể tới loại mốt khoái sử dụng các thuật ngữ, các khái niệm đang thịnh hành, được nhiều vị xem là phong cách thời thượng, như với khái niệm kinh tế tri thức chẳng hạn.

Có thể nói, lâu nay hầu như không tờ báo, tờ tạp chí nào lại không đề cập tới kinh tế tri thức. Do công việc liên quan mà bàn về kinh tế tri thức còn ra một nhẽ, song có vị tôi chưa thấy nghiên cứu bao giờ cũng tỏ ra say sưa luận giải, tuyên truyền cho kinh tế tri thức.

Một lần tôi may mắn được nghe một diễn giả phát biểu hơn nửa tiếng đồng hồ về vấn đề ông gọi là kinh tế trí thức. Ông thao thao bất tuyệt kinh tế trí thức là thế này, kinh tế trí thức là thế kia, chúng ta phải làm cho kinh tế trí thức trở thành thế này, chúng ta phải làm cho kinh tế trí thức trở thành thế kia.

Người ngồi cạnh hỏi tôi "kinh tế trí thức" là gì, tôi trả lời như một phỏng đoán: chắc là "kinh tế tri thức"! Lại nghĩ, đến cái khái niệm mà còn nhầm lẫn thì liệu có thể tin diễn giả đã nắm bắt thấu đáo vấn đề mình say sưa trình bày hay không? Đành tự răn mình nên thông cảm, vì ông đang nói theo mốt!

Năm 1985, trong cuốn sách Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, PGS Phan Ngọc đưa ra thuật ngữ "thức nhận" và ông giới thuyết cụ thể: "Tôi tự nhận là người làm việc thức nhận (prise de conscience), tức là suy nghĩ về các nguyên nhân dẫn tới sự suy nghĩ".

Thấy chữ thức nhận có vẻ hay hay, thế là người ta thi nhau sử dụng, sử dụng mà không biết đấy là một khái niệm có nội hàm riêng biệt và chỉ dành cho thao tác tư duy ở trình độ cao.

Trong cuốn sách Thế giới nghệ thuật TDA (cuốn sách được nhà văn TDA khen nức nở trong Lời tác giả nhân tái bản tiểu thuyết "Đi tìm nhân vật" của cuốn sách Trò đùa của số phận mới xuất bản), một cử nhân – theo đánh giá của TDA thì đây là một trong mấy nhà nghiên cứu phê bình trẻ đầy can đảm, đã bổ sung thêm chữ "lại" để viết thế này: "… "thức nhận lại" chỉ là cách nói đảo của "thức nhận lại", nhưng ở một cấp độ mà ý thức nhìn nhận lại lịch sử, xã hội và con người có mạnh mẽ hơn và có ý hướng muốn lây truyền nó sang cả những người khác".

Thật đáng buồn, học trò viết như thế mà thầy hướng dẫn cũng không biết học trò đã viết đúng hay sai, còn nhà văn thì lại thấy… rất hay, vì đã nghiên cứu và ca ngợi mình! Tuy nhiên, mốt thức nhận dù sao vẫn tỏa ra màu sắc lý luận nên khi sử dụng nếu có sai lạc thì đọc lên vẫn thấy oách, chứ vài cái mốt ngôn từ trong phê bình thì rất chán, đại loại như khen thơ của nhau hay ho thì người ta sử dụng "vi diệu", "tế vi", "tranh tứ bình"…!

Và như gần đây trong bài Viết và đọc phê bình văn học: đi tìm một lối thoát, PGS Đặng Anh Đào đã nhận xét bài phê bình thơ của một nhà phê bình như sau: "Qua sự phân tích và trích dẫn, ta không thấy có sự "giễu nhại", và khái niệm này không đồng nghĩa với "tiếng cười", cũng không nhất thiết gắn với "thể loại đồng dao" như bài viết đã nêu…".

Vâng, đó cũng là một tình trạng, một tình trạng rất đáng buồn khi người ta "vẽ rắn thêm chân" cho những điều người ta viết song không hiểu và theo tôi, nhà phê bình mà PGS Đặng Anh Đào đã đề cập không phải là người duy nhất!

Lại nhớ một chuyện không dính dáng tới mốt nhưng cũng buồn cười. Chẳng là cuối năm 2007, lâu lâu tôi mới gặp một Phó giáo sư Tiến sĩ văn học. Ông bảo: Chẳng bài nào của cậu là tớ không đọc, cả báo in lẫn báo mạng, tớ có một nhóm học trò, cậu có bài nào là chúng nó cung cấp cho tớ ngay.

Nghe ông nói thế, tôi khoái lắm, rồi cảm ơn vì ông quan tâm. Sau đó ông góp ý: "Cậu phải tập hợp các bài phê bình, in ra cuốn sách để mọi người biết, dù thế nào cũng phải có sách". Tôi ngớ người, trước đó mấy tháng tôi vừa in cuốn Bàn phím và… "cây búa"! nếu ông đọc bài vở của tôi thật thì thể nào ông chẳng biết. Tôi hỏi: "Thế anh đọc cuốn Bàn phím và… "cây búa"! chưa?", ông bảo chưa và hỏi của ai? Tôi nhịn cười để trả lời là em mới nghe phong thanh của một tay viết phê bình nào đấy, ông nói luôn: "Để tớ bảo học trò đi tìm".

Vậy là xem ra ông cũng ít đọc, nhưng nói cho oách vậy thôi, chỉ tội nghiệp cho cái thằng tôi đã… "múa gậy vườn hoang"! Thật ra thì không chỉ có Phó giáo sư Tiến sĩ trên đây, tôi đã gặp những nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận – phê bình ít đọc nhưng cứ làm như đã đọc.

Mới có chuyện một nhà vă
n hỏi ý kiến của tôi về cuốn tiểu thuyết A, vài tuần sau ông nói lại với tôi i xì mấy điều tôi nói với ông hôm trước. Không biết tôi là người thứ bao nhiêu được nghe ông đánh giá như vậy nhỉ, biết thế nhận xét xong, tôi đi đăng ký bản quyền, biết đâu lại chẳng kiếm được một món kha khá!

Theo Nguyễn Hòa – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *