Còn nhớ, mỗi khi đi học, từ ở cánh đồng xa, thấp thoáng trong làn sương mỏng, tôi đã nhận ra những lũy tre gai um tùm, đọt cong oằn lắc lư. Cạnh đó là hình ảnh những người Khmer chân chất vừa mới ra đồng. Họ làm việc cần cù trên thửa ruộng của mình. Lúc trồng lúa, lúc trồng màu, nhưng do canh tác trên vùng đất kém màu mỡ nên thu lợi chẳng là bao. Rồi những buổi trưa đi học về, tôi thường ngồi dưới tán tre gai nghỉ mát. Những em nhỏ chăn trâu gần đó đùa vang. Chúng hái những trái mo keo đỏ thắm, hay những trái thốt nốt để mời tôi như đãi người khách quí. Tôi thấy chúng thân thiện và đáng mến biết bao.
Và mỗi khi Lễ hội Ok Om Bok đến, xa xa dưới những rặng tre gai, khói thi thoảng bốc lên, tiếp sau đó là tiếng chày sập sình vui nhộn. Tôi biết rằng họ đang làm cốm dẹp – một món ăn truyền thống của người Khmer và cũng là một thứ đặc sản của địa phương. Những ngày ấy vui lắm, khắp xóm làng nhộn nhịp. Trong làn gió mát thoảng ra từ những bụi tre rì rào, đâu đâu cũng nghe tiếng chày và tôi được mời ăn những nắm cốm dẹp còn nóng hổi. Ôi, chúng dẻo làm sao, thơm làm sao và ngọt làm sao. Những lúc như vậy, tôi thấy mình như là một phần của họ tự bao giờ, rất chan hòa và ấm áp.
Càng tiếp xúc và gần gũi với người Khmer, tôi càng phát hiện ra nhiều điều mới lạ trong văn hóa của họ. Nhưng trong vô vàn những điều thú vị, tôi chợt nhận ra một thứ rất lạ, đó là những lũy tre gai. Tôi tự hỏi rằng, tại sao cuộc sống của họ lúc nào cũng có những bụi tre gai bên cạnh? Mà thật sự, ở Trà Vinh, nơi đâu có người Khmer sinh sống thì ở đó có loại cây này. Và tôi cứ tự hỏi, họ trồng nhiều tre gai như thế để làm gì, tại sao không trồng một loại cây khác? Và câu hỏi này tôi đã được một vài người bạn Khmer giải thích rằng, họ trồng tre gai là để diệt ma lai. Theo truyền thuyết, ma lai hay xuất hiện vào ban đêm để hại người. Khi đi, chúng để ruột bên ngoài và kéo lê trên mặt đất. Vì thế, người Khmer thường trồng nhiều tre gai để cho ma lai đi vướng vào đứt ruột mà chết. Nghe có vẻ li kì và hấp dẫn, nhưng thật ra đó chỉ là một cách lí giải và cũng có thể là sự tín ngưỡng tâm linh của riêng họ. Nhưng với tôi, tôi lại thấy cây tre gai mang rất nhiều nét riêng độc đáo và ý nghĩa.
Có thể, lúc đầu do sống trên vùng đất khô cằn, trồng lúa thì năng suất thấp, còn trồng các loại cây khác thì cũng không khá hơn, trong khi tre gai lại dễ trồng do có tính chịu hạn cao, nên người Khmer xem chúng như là một giải pháp khá lí tưởng cho vùng đất này. Họ có thể sử dụng tre gai để làm nhà, giường ngủ, hay bán cho những ai có nhu cầu. Tuy nhiên, qua thời gian, họ lại thấy loại cây này có nhiều giá trị khác, độc đáo hơn.
Trước nhất, tre gai là một loại cây vững chãi, muốn phá được nó không phải là điều đơn giản. Người muốn chặt tre gai thường chỉ chặt được phần trên, rất ít khi chặt được gốc vì phía dưới là một sự phức tạp vô kể của những gốc chứa đầy gai nhọn nên rất thích hợp để làm hàng rào hay định ranh lãnh thổ. Vì nếu những cái gốc ấy liên kết thành bụi, bụi liên kết thành hàng, cứ thế liên tục và kéo dài bao quanh ngôi làng, có khi là từng ngôi nhà, thì nó giống như một thành lũy giả tưởng bao bọc và che chở họ bên trong, tạo cảm giác an toàn và bình yên.
Mặt khác, như trên đã nói, khi được liên kết thành hàng, lũy tre gai giống như là ranh giới tưởng tượng để phân định một vùng lãnh thổ nhất định mà họ tồn tại trong đó. Đó là thế giới riêng tồn tại một cách hài hòa trong một tổng thể khác – là đất nước Việt Nam. Điều này giống với cây đa, giếng nước – nét đặc trưng nhất ở các ngôi làng của người Kinh. Sự tồn tại ấy là một nét đặc trưng mà hầu như dân tộc nào cũng có. Nó cần thiết cho việc xác lập các thiết chế văn hóa, cũng như tạo nên những giá trị riêng của từng nhóm người trong mỗi dân tộc nhưng vẫn giữ được những nét chung nhất của dân tộc đó. Hay nói cụ thể hơn, những lũy tre gai đã góp phần phân định không gian tồn tại của người Khmer khi chung sống cùng với các dân tộc anh em trên cùng một đơn vị lãnh thổ. Dĩ nhiên, đó là một không gian mở và không có những định kiến bảo thủ trong việc giữ gìn bản sắc riêng, nên tất cả đều chung sống đoàn kết, hòa hợp và thanh bình.
Như vậy, từ chỗ là một loại cây bình thường, nay cây tre gai lại mang tính biểu trưng rất cao. Giờ đây, nó được trồng không đơn thuần như một giải pháp tình thế, mà nó đã có một vị thế riêng, luôn tồn tại trong suy nghĩ và đời sống sinh hoạt của bà con Khmer. Tất nhiên, nó chưa thể so được với cây thốt nốt về mặt biểu tượng, nhưng ở một phương diện nào đó, cây tre gai đang dần là một phần không thể tách rời khi nói đến thiết chế văn hóa của người Khmer nơi đây. Và h&igra
ve;nh ảnh đó đang lớn dần theo thời gian.
Xuân Sắc (Vĩnh Long)