Bước sang tuổi bát tuần nhưng đọc trên từng trang viết vẫn thấy chị hăm hở với cuộc đời như thưở thanh xuân.
“Vì tôi cảm thấy cuộc đời mà tôi đang sống luôn thôi thúc tôi phải viết, ghi chép như mỗi ngày phải ăn cơm, uống nước vậy”.
Khuôn mặt để tự nhiên không son phấn. Lúc nào cũng toát vẻ chân thật. Cả lúc sửa soạn lên sân khấu nói chuyện thơ hay sưu tầm dân ca. Bao năm đi qua, thời gian có thể để lại dấu chân chim chỗ đuôi mắt, nếp gấp chỗ khóe môi, nhưng ánh mắt ấy, nụ cười ấy vẫn chất chứa một tình yêu mãnh liệt đối với cuộc đời này. Đó là nhà thơ Lê Giang.
TRỞ THÀNH NGƯỜI GIÀU CÓ NHẤT
Người đàn bà ấy có sức lao động nghệ thuật thật bền bỉ. Chị sinh năm 1930. Năm nay, bước sang tuổi bát tuần, ở cái tuổi đáng lý để nghỉ ngơi nhưng chị vẫn làm việc miệt mài. Và vì, như chị đùa, sinh ra nhằm tuổi Ngọ nên có số chạy rong suốt đời : “Ngựa yêu quý đời mình vẫn vậy. Chẳng nhờ ai giục giã quất vào lưng. Ta vẫn phi cho tới phút cuối cùng… ” (thơ Ngựa chiến). Chị kể, năm mười tám tuổi đã vô rừng, ăn bờ ngủ bụi đã quen nên cái cực bây giờ chẳng nhằm nhò gì.
Chị tự bạch : “Tôi luôn trong tâm trạng chạy quýnh theo thời gian, vì sợ các bộ máy trong cơ thể do tuổi tác làm cho hỏng hóc… ”. Thời gian là bạc là vàng. Với chị, thời gian còn là ngọc. Đó là các làn điệu dân ca như những hạt ngọc trầm tích trong ký ức người già. Ròng rã, bền bỉ cả chục năm trời lang thang, dấu chân chị in trên rất nhiều con đường làng khắp vùng châu thổ Nam bộ, đi ngược thời gian tìm về. Hàng trăm làn điệu cũ ngỡ như đã biến mất, bỗng chốc như ngọc được chùi sáng : lý chèo đưa cá Ông, điệu hò thẻ mực, vè Qua hòn đảo Nam Du, lý ngựa ô Giồng Riềng, lý bánh bò… Cùng với người bạn đời – nhạc sĩ Lư Nhất Vũ – những công trình dân ca Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang, Sông Bé… lần lượt ra đời.
Bận bịu như vậy mà chị vẫn viết đều. Năm nào, chị cũng có sách in. Mới đây nhất, tháng 9/2009, tập bút ký – tản văn Còn khóc ngon lành ra mắt đọc giả. Chị trở thành người giàu có nhất (nhiều ngọc, nhiều đứa con tinh thần) mà người viết nào cũng phải ganh tị.
CÒN MÃI CHẤT QUÊ
Nhìn cách chị ăn mặc lùi xùi, người ta ngỡ chị như người mới ở quê lên. Bao nhiêu năm ở phố mà chị còn mãi chất quê, nghĩ cũng lạ. Chị nói, chị sống như cuộc đời vốn có, “Có sao sống vậy”.
Mùa mưa Sông Bé năm 1987 dài lê thê. Chị và người bạn đời lặn lội từ Lái Thiêu lên vùng Chiến khu Đ, từ rừng cao su Dầu Tiếng lên sóc Bom Bo để sưu tầm dân ca Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước). Nhớ hôm về xã Phú An, huyện Bến Cát, con đường làng đắp cát bị nước cuốn trôi. Chiếc xe Ford cũ chở đoàn sưu tầm dân ca mắc lầy, chết máy. Chị cũng phụ một tay đẩy xe. Những bữa trưa lỡ đường, tấp đại vào quán bụi. Có gì ăn nấy. Trong khi cánh đàn ông đã thấm mệt thì chị lại động viên ngược.
Tính cách ấy có từ trong máu thịt chị, trong tâm hồn của người dân Cà Mau dung dị mà hay lam hay làm. Tính cách ấy qua trui rèn trong những năm ở rừng.
Nhà thơ Lê Giang |
Chị không trang điểm cho chính chị khi ở nhà, đã đành, mà chị cũng không trang điểm khi bước vào cuộc đời, nơi va chạm với đủ hạng người. “Tính tôi có sao nói vậy. Ở đời có kẻ giận người thường, biết đâu mà chìu”. Ở nơi nào có chút “danh danh, lợi lợi”, mọi người xúm lại thì chị biến mất.
Chị ở căn hộ lầu sáu chung cư 190 Nam Kỳ khởi nghĩa, quận 3. Chị thường nói đùa đó là “nóc nhà thành phố”. Sau những chuyến đi xa mệt mỏi, chị thích về cái “nóc nhà thành phố” của mình để lắng nghe tiếng chim hót ngoài cửa sổ, để hỏi thăm cây ớt ngoài hàng ba khoe trái chín, và được ngồi một mình bên trang giấy.
CHỒNG VIẾT NHẠC, VỢ VIẾT LỜI
Nhưng người đàn bà ấy, dù ở mùa xuân hay mùa thu của cuộc đời, vẫn có trái tim rất dễ rung cảm. Tôi đã thấy chị thao thức suốt đêm chỉ vì một bà mẹ nghèo không đủ ăn. Chị vui suốt ngày chỉ vì tìm được một câu hát ru :
"Anh thương em, anh lấy cẳng anh khoèo
Nếu mẹ cha hay đặng, anh nói bạn nghèo mình đo chân".
Còn hai câu dưới đây chị nhặt được ở huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé cũ (nay là tỉnh Bình Dương) :
"Biết anh hay chữ cho em hỏi thử đôi lời
Chữ gì cất trên trang, chữ gì mang không có nổi, chữ gì gió thổi hỏng bay
Nếu mà anh đối đặng thì em trải chiếu hoa cho anh ngồi"
…
"Em hỏi thì anh đây xin phép trả lời
Chữ hiếu cất trên trang, chữ tình mang không có nổi, chữ tạc đá bia vàng gió thổi hỏng bay"…
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ quê ở thị xã Thủ Dầu Một, Sông Bé (nay là Bình Dương). Một ngày, chị theo chồng về quê sưu tầm dân ca. Tình người, tình đất quyến luyến không dứt. “Thương đến mềm lòng. Chỉ một dòng Sông Bé. Mà rạt rào gội mát cả quê hương. Để tâm tư con phải bồn chồn. Góc trời nào cũng ửng màu mây bụi đỏ. Màu da đất hay màu áo mẹ? Lòng con thương da diết đến không nguôi” (thơ Khúc hát nàng dâu với dòng Sông Bé)…
Chị dành phần lớn thời gian để sống, để hít thở cái không khí gia đình mà đi xa một hai ngày là chị nhớ, đòi về. Ở “nóc nhà thành phố” ấy, chồng chị viết nhạc, chị viết lời. Những tình ca quê hương này chỉ có thể được bởi nên bởi những người yêu tha thiết lắm đất nước mình. Ta đốt lửa cho đồi hoang ấm mãi. Hẹn người lên tìm lại dấu chân xưa… (Khúc hát người đi khai hoang); Đoàn quân bước trên đường rừng. Bình minh lấp lánh chân trời xa… A! Ai gọi đời ta, rền vang núi sông, tiếng ru của mẹ… (Hãy yên lòng, mẹ ơi!); Hò ơ hò, nhắn ai đi về miền đất phương Nam. Trời xanh mây trắng soi dòng Cửu Long Giang. Mênh mông rừng tràm, bát ngát dừa xanh… (Bài ca đất phương Nam)…
Trong gia đình ấy, chị có một sở thích như mọi người phụ nữ bình thường khác : chăm chút bữa ăn cho người bạn đời. Đó là hạnh phúc bình dị mà tôi đã thấy trong những lấn ghé thăm, được anh chị mời cơm. .
Từ tổ ấm ấy, thơ và nhạc ra đời, vì nơi ấy mặt trời cháy mãi trong trái tim…
Trích ngang :
– Nhà thơ Lê Giang tên thật Trần Thị Kim, sinh ngày 8/2/1930 tại Cà Mau.
– Năm 18 tuổi, chị thoát ly theo Cách mạng, hoạt động trong ngành y tế (1945 – 1968). Từ 1968, Lê Giang chuyển sang làm thơ, viết văn và cùng chồng – nhạc sĩ Lư Nhất Vũ – sưu tầm, nghiên cứu dân ca. – Những tác phẩm chính : Phím đàn xanh; Bông vạn thọ (1973); Sắc trắng (1977); Ơi, anh chàng hát rong (1985); Tìm ngọc ở quê mình (1987), Lang thang gió cát (2000), Gặp gì ăn nấy, xin mời! (2000), Bộ hành với ca dao (2004), Nghiêng tai dưới gió (2006), Lại khóc ngon lành (2009)… Các tập sưu tầm, biên khảo dân ca (chung với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa) : Dân ca Bến Tre (1981); Tìm hiểu dân ca Nam Bộ (1983), Dân ca Kiên Giang (1985), Dân ca Sông Bé (1991)…
– Tập sưu khảo, nghiên cứu điền dã Lang thang gió cát được trao Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật TP.HCM dành cho các tác phẩm xuất sắc nhất trong hai năm 2002 – 2003. TÂM HỒN CỦA CHỊ HÃY CÒN TRẺ, TRẺ LẮM!” " …Đôi chân của chị thật dẻo dai. Chị là một trong những người phụ nữ đầu tiên từ Hà Nội vượt Trường Sơn về chiến trường miền . Chị nói, chuyến đi đó, chị không đi bằng đôi chân, mà đi bằng đầu, bằng ý chí. Những chuyến lang thang sau này của chị, đi với một tình yêu nồng nàn âm thanh và ngôn ngữ của dân tộc, với tiếng nói, tiếng hát của mẹ, mẹ Việt Nam…
Quyển Lang thang gió cát ở bìa 2 có chân dung của chị, có để nơi sinh : Cà Mau, và năm sinh : 1930 – tuổi Ngọ; đúng là tuổi đi, tuổi sải dài vất vả. Chị bảo tôi : “Đây là cuốn sách rút hết ruột tằm của chị”. Không đâu! Đôi chân của chị còn dẻo, sức viết của chị còn khỏe và tâm hồn của chị hãy còn trẻ, trẻ lắm!” Nhà văn NGUYỄN QUANG SÁNG |
Từ Nguyên Thạch – Theo SCLO