Theo cô Út về rừng

Cửa Lớn là phía vàm sông, nhớ đoạn hồi ký nhà văn Sơn Nam kể ngày được cha đưa từ quê lên tỉnh đi học : “Phải chèo ghe, che tạm cái mui giả kết sườn tre hình vòng cung, trên sườn trải chiếc chiếu rách, phía sau lái trữ củi, gạo, thức ăn, trước mũi là bếp un khói để xua bầy muỗi rừng ào tới từ hoàng hôn cho đến sáng! Xuồng chèo tắt ngang sông Cái Lớn, lúc qua vàm chợt giật mình vì mặt biển vịnh Xiêm La ngoài kia quá bao la, cao hơn mặt đất, hơn mặt bờ sông trong này”.

Ấn tượng tuổi thơ ấy sâu đậm đến nỗi sông Cái Lớn trở thành một thách thức thiên nhiên và một trở ngại nhân tình được lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm khác nhau của ông. Trong truyện Cô Út về rừng, hai ông bà già muốn đi thăm con thì ngại “đường xa xôi, phải vượt qua sông Cái Lớn”. Vợ chồng cô Út giỗ tết vẫn không về thăm cha mẹ vì “cũng lo tay làm hàm nhai để nuôi con. Sông Cái Lớn mấy năm nay lại thêm sóng gió thất thường”.

Cô Út trong truyện quê ở Bình Thủy, Cần Thơ, đi làm dâu ở xứ Cạnh Đền. Tình cảm chủ đạo trong truyện là nỗi lo lắng, thương quý và cảm phục của người nơi đất cựu (người cha) đối với những người tiên phong nơi đất mới (con gái, rể và láng giềng của con).

Cô Út không phát biểu gì trong truyện, nhưng tác giả cố ý tiết lộ những chi tiết này : cô đi học ở Sài Gòn, nơi cô gặp người chồng tương lai, yêu nhau, cưới nhau, đưa nhau đi lập nghiệp ở xứ rừng ven biển tây, một nơi “kinh tế mới” vào khoảng 1939 – 1940. Thời đó, cô Út này kể như hiện đại, có học, tự do luyến ái, dám phiêu lưu, lại đảm đang, chung thủy.

Cùng với một số nhân vật nữ khác, hơi ít trong sáng tác của nhà văn Sơn Nam, như cô Bảy đưa đò, con Lài, cô Hoàng Mai, hay thím Tư, cô Út đại diện cho một lớp phụ nữ Việt có mặt từ buổi ban đầu nơi biên giới mới của đất nước, có cá tính, có bản lĩnh, làm cây đước trụ lại khi cây giá bị sóng mạnh đánh, gió to thổi lúc lắc đòng đưa. Họ chỉ không có vinh quang trong thành tích ông cha mở nước của các sử gia. Những nhân vật này chưa hề có nguyên mẫu trong văn học Việt Nam trước đó.

Nhưng Sơn Nam không ồn ào, cả trong những sáng tạo có tính cách mạng. Ông chỉ trân trọng đem những con người bình thường ngoài đời nhẹ nhàng đặt vào tác phẩm và để họ sống trong đó bình thường.

Cô Út ở ngoài đời là con gái duy nhất trong chín người con của ông ngoại nhà văn Sơn Nam ở Giồng Riềng. Dù ngày nay, đường nhựa mới tráng xong chạy thẳng tới Ủy ban xã Bàn Tân Định, từ đó cũng phải đi vỏ lãi nửa giờ mới tới được nghĩa trang dòng họ. Hai ngôi mộ xưa nhất, không có bia là của ông bà cố. Bia mộ của ông bà ngoại khắc đầy chữ Hán, nét nhuần nhuyễn, kể tỉ mỉ thân thế công đức, do chính tay người con trai thừa tự ghi khi lập mộ.

Người đó là cậu Mười, em của mẹ nhà văn Sơn Nam, thứ tám. Cô Tám chào đời, đất đai đã thuần, cô lớn lên trong gia phong nền nếp, nhà ngói nền gạch Tàu, anh em giỏi chữ nho, rồi cô được gả về rừng, đâu khoảng năm 1920. Ông nội nhà văn Sơn Nam từ cù lao Ông Chưởng theo nước tràn bờ Hậu Giang về Miệt Thứ khẩn hoang. Nền nhà ở tận trong cùng con kênh Thứ Sáu giữa rừng U Minh Thượng.

Miệt ấy cho đến bây giờ cảnh quan vẫn hiu quạnh, thưa thớt bóng người. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể : “Cuối thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tôi với Sơn Nam đi công tác chung, có ghé qua nhà ổng. Tôi biết ông này, ở dơ mấy ngày không tắm, nhưng chèo ghe về gần tới nhà thì ổng tắm rửa sạch sẽ, lại còn đánh răng nữa. Tới nhà thấy vợ con Sơn Nam ra đón mà tôi giật mình. Trời đất ơi, Sơn Nam xấu gì đâu mà sao có vợ đẹp vô cùng!”.

Người vợ ấy quê ở Long Mỹ, cũng là một cô Út về rừng. Bà còn nhớ : Xung quanh lau sậy um tùm, không có ai hết. Mẹ chồng bảo con dâu : “Con ở đây với má, kể như con gái má”. Bởi vì nhà văn đi mải miết, đánh Pháp xong thì bỏ xứ lên Sài Gòn, rồi cuộc đời lênh đênh cho đến khi gửi xác ở đất Bình Dương. Trong cuốn Âm dương cách trở Sơn Nam viết năm 1992 thường có những câu “thời cuộc đẩy đưa, trôi dạt lên Sài Gòn”, hay “phải lưu lạc nhiều phen mới xứng danh là dân miệt dưới mình!”.

Phà Tắc Cậu đã tới bờ Xẻo Rô bên kia sông Cái Lớn, tôi ngoái nhìn về phía vàm thấy chiếc ghe ai dập dềnh như lục bình trên mặt sông, thấy rõ người rạp mình đẩy mái chèo mà sao chiếc ghe cứ như còn ở một chỗ. Chèo như vậy mấy ngày mới hết 94km tới Cà Mau, hay ngắn hơn, 43km tới Gò Quao?

Gò Quao… chợt tai như nghe lùng bùng tiếng cồn, tiếng trống, tiếng hò reo, rắn thần Naga hóa thân vào chiếc ghe ngo. Hai con mắt ghe chớp lên. Toàn thân ghe như rung chuyển. Ghe nọ rùng mình đòi phóng tới… Có thể nào đọc Sơn Nam mà không đến Gò Quao?

LÝ LAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *