Có những áng văn xuôi mang dáng dấp của “một bài thơ trữ tình đượm buồn”; song cũng có những bài thơ cấu tứ là một câu chuyện kể.
Dường như ở đó đã có sự đổi ngôi về đặc trưng loại thể. Song cũng chính nhờ sự đổi ngôi này mang lại giá trị đặc sắc cho chúng. “Lá Diêu Bông” của Hoàng Cầm là một trong số ít bài thơ thành công nằm trong trường sáng tác đó. Từ mối tình đơn phương của cậu bé tám tuổi đối với người chị nhà bên đã mười sáu đến bài thơ tình xuất sắc của 25 năm sau đó là cả một chặng đường dài của cuộc đời và nghệ thuật.
Lá Diêu Bông
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em đi tìm thấy lá
Chị chau mày:
Đâu phải Lá Diêu Bông.
Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời…
… ới Diêu Bông!…
Những lời kể cứ tự nhiên trôi ra, chính sự giao thoa giữa âm và nghĩa, bản thân nó đã làm nên chất thơ vậy.
Người ta thường nói mỗi một con người sinh ra đã là một sản phẩm của quê hương mình. Và Hoàng Cầm chính là “đặc sản” của đất Kinh Bắc! Trong thơ ông hiện lên rõ nét một tính cách, một tâm hồn, một miền quê Quan họ. Ngay từ những dòng thơ đầu tiên đã mở cho chúng ta cả một thế giới giữa hai bờ sông Thương – sông Cầu. Hình ảnh chiếc “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” của liền chị thẩn thơ trên “đồng chiều” như một bức rèm, mở ra câu chuyện tình cổ tích sau đó về mối tình ngây thơ đượm buồn của đứa em nhỏ miệt mài tìm lá Diêu Bông.
Nào ai hay lá Diêu Bông là lá gì? Chính nhân vật Chị cũng không hiểu. Chỉ biết, với nhân vật Em nó là một điều diệu kỳ giúp cậu được “gọi là chồng”. Hai ngày sau rồi đến mùa đông sau, chiếc lá cậu bé tìm thấy người Chị vẫn chau mày, lắc đầu. Rồi đến “ngày cưới” của Chị, đáp lại chiếc lá ấy là nụ “cười xe chỉ ấm trôn kim”. Khi Chị “ba con” chỉ còn biết “xòe tay phủ mặt chị không nhìn” lá. Sự thay đổi dần sắc thái trong câu trả lời của Chị mỗi lần nhìn lá đã thay lời giải mật mã Diêu Bông.
Phải chăng lá Diêu Bông chính là tượng trưng của tình yêu chân thành mà người con gái hằng khao khát? Mối tình của người Quan họ trong “Lá Diêu Bông” âm thầm bén duyên với người đọc tự ngày nào. Bài thơ không chỉ khắc họa cái không gian làng quê Kinh bắc, mà hơn thế còn tô đậm vẻ đẹp của con người nơi đây. Bởi lẽ trong thơ Hoàng Cầm còn gợi về trong tâm trí ta chút duyên thầm của lời ca Quan họ mượt mà đằm thắm.
Mối tình của người Em với Chị trong thơ Hoàng Cầm cho chúng ta liên tưởng thú vị đến những tình cảm thiêng liêng của liền anh liền chị trong đêm hội Giã bạn người Kinh Bắc. Mỗi năm một lần “đến hẹn lại lên” trong đêm hội làng, anh hai chị hai bằng lời ca tiếng hát khúc “giao duyên” tâm tình cho thỏa nỗi nhớ mong. Cái môtíp tình yêu của trò chơi tìm lá Diêu Bông chính là nét đặc trưng tiêu biểu cho thế giới tình yêu của người quan họ. Trong tâm hồn nhà thơ luôn thường trực con người quê hương này, như lời tự thuật của ông:
Tôi người làng quan họ
Quê mẹ bên này sông
Cách quê cha
một dòng nước trắng
Kết cấu tự sự đã góp phần quan trọng làm nên đặc sắc cho thơ Hoàng Cầm. Trên thi đàn Việt Nam, những bài thơ thực sự thành công ở thể tài này không phải là nhiều: “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp; “Quê hương” của Giang Nam… và “Lá Diêu Bông” của Hoàng Cầm. Chỉ với 24 dòng thơ thôi, thi sĩ đã dệt nên một câu chuyện tình đượm màu cổ tích và thấm đẫm tính huyền thoại. Đọc “Lá Diêu Bông”, độc giả như đang phiêu cùng nhân vật trữ tình trên cái ranh giới của ảo và thực.
Nhan đề bài thơ là “Lá Diêu Bông”, không phải ngẫu nhiên trong kết cấu hình thức thơ của mình, thi nhân đã khéo léo sắp đặt ngôn ngữ khuôn hình một chiếc lá. Thủ pháp sắp đặt ngôn từ cũng là một trong số những đặc sắc làm nên vẻ đẹp riêng có cho những sáng tác của nhà thơ Kinh Bắc này. (Sau này trong “Mưa Thuận Thành” ông cũng sử dựng kết cấu hình thức thơ kiểu này)
Chất liệu của thơ là ngôn từ. Song để trở thành ngôn ngữ thơ thì không phải là một điều dễ dàng. Thơ Hoàng Cầm là loại ngôn từ giản dị, mộc mạc nhưng cũng tròn đầy cả âm và nghĩa. Bản thân lời thơ bình dị ấy đã phát ra những giai điệu triền miên. Thơ ông đậm tính nhạc, song đó là thứ âm nhạc tự nhiên khởi phát từ tâm thi và thần thi. “Thế mạnh của những bài thơ là ở âm nhạc, ở ngôn từ. Tính nhạc triền miên không dứt… lay động lòng người rất mạnh trước khi ta kịp hiểu ý nghĩa sâu xa, tầm tư tưởng lớn của bài thơ. Thơ hay không bắt người ta hiểu rồi mới yêu, âm nhạc của nó đi vào tâm can của người ta trước khi kịp hiểu nó là cái gì” (Đào Duy Hiệp).
Vượt ra ngoài cái mối tình đơn phương trẻ thơ, “Lá Diêu Bông” dường như chính là sự dàn trải trái tim khát khao của nhà thơ trong cuộc đời ba đào này. Với “Lá Diêu Bông”. “Mưa thuận thành”, “Vườn ổi”… thế giới thơ của người Quan họ giăng mắc vào lòng người một mối duyên thầm của nhiều thế hệ độc giả yêu thơ Việt Nam trong nước và hải ngoại.
Theo Giang Nguyễn – eVan